Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Tri thức dân gian về dự báo bão lụt qua tục ngữ, thành ngữ của ngư dân Hội An

Từ xa xưa nghề đánh bắt hải sản là nghề khó khăn, vất vả và nguy hiểm, mức độ rủi ro lớn. Đã có không biết bao nhiêu ngư dân mãi mãi nằm lại giữa biển khơi do thiên tai bão lụt.
bien dao hoi an
 
      Do đó dân gian Hội An mới có câu:
 
 “Lấy chồng nghề ruộng em theo
Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”
“Ra khơi bữa có, bữa không
 Lạy trời đừng để tố giông cho mình”.    
 
      Để phòng tránh, ứng phó những rủi ro nguy hiểm do thiên tai qua quá trình lao động sản xuất, đặc biệt đối với môi trường biển cả, ngư dân Hội An đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm nhận biết, phán đoán sự phát sinh và mức độ nguy hiểm của bão lụt. Do nắm được quy luật của khí hậu và thời tiết nên người dân Hội An có nhiều câu tục ngữ, thành ngữ có tính dự báo với mức độ chính xác khá cao về tri thức thời tiết. Khi mà khoa học chưa phát triển thì chính những kinh nghiệm, những quy luật ấy đã trở thành chỉ dẫn tốt nhất để ngư dân có thể phòng tránh được những rủi ro đáng tiếc do thiên tai gây ra.
 
      Theo kinh nghiệm của ngư dân Hội An, mặt trời lúc hoàng hôn do mây phía Tây khuếch tán có màu sắc được dân gian gọi là ráng, nếu ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì gió, ráng đỏ thì mưa to và sẽ có nguy cơ lũ lụt. Theo khoa học thì phản xạ ánh sáng đến tầng mây phía trên nên ta nhìn thấy bầu trời có màu đỏ khi sắp mưa. Tục ngữ từ xa xưa đã có câu:
 
“Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống”.
Hay:  “Ráng vàng thì nắng, ráng đỏ thì mưa”.
 
     Ngư dân Hội An có kinh nghiệm quan sát bầu trời vào sáng sớm về phía Đông thấy mây ti tích di chuyển từ phía Đông sang phía Tây là dấu hiệu cho thấy khả năng một vài ngày tới sẽ có bão, biển sẽ động mạnh. Kinh nghiệm này rất phù hợp với thực tiễn vì mây ti tích ở tầng cao thường tỏa rất xa về phía trước bão:
 
Đông Nam có chớp chéo nhau
Thấp sát mặt biển hôm sau bão về.
 
      Khi ra khơi vào tháng Giêng, tháng hai âm lịch, hễ nhìn thấy trên trời có mây bay về hướng Bắc thì những ngày sau sẽ có gió to, biển động, lúc này rất dễ hình thành bão. Ngư dân Hội An cũng đã đúc kết thành những câu ca dao, tục ngữ lưu truyền qua các thế hệ:
 
“Tháng giêng, tháng hai kéo chài không kịp
Tháng Giêng động dài tháng Hai động tố”
Hay: “Tháng hai, tháng ba gió thổi mạnh thì biển sắp động”,
 
      Vào tháng 10, nếu nhìn lên trời thấy cầu vồng (còn gọi là mống) nếu mọc hướng Đông là trời yên, còn nếu mọc theo hướng Tây là sẽ có lụt lớn.
 
“Thương anh biết lấy chi đưa
Đôi dòng nước mắt như mưa tháng mười”.
 
      Rõ ràng miền Trung, trong đó có Hội An thì vào khoảng tháng mười âm lịch có mưa, lại mưa lớn, mưa như trút đến cuối tháng mười mới chấm dứt, bởi vậy mới có câu:
 
“Ông tha mà bà chẳng tha
Làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”.
 
      Đã là người Quảng Nam - Đà Nẵng thì ai cũng hiểu câu nói trên, bởi đến chu kì ngày hăm ba tháng mười âm lịch thì thường mưa to gió lớn, nguy cơ ngập lụt rất cao.
Có thể nói vùng ven biển Nam Trung Bộ nói chung và đặc biệt vùng biển Hội An nói riêng, không ai là không biết đến những kinh nghiệm nhận biết về sự bất thường của thời tiết, đó là nguy cơ sắp xảy ra bão:
 
“Nước ngời thì trời động
Nồm động đất, bấc động khơi”
“Con ơi nhớ lấy lời cha
Mồng Năm tháng Chín thật là bão rươi
Bao giờ cho hết tháng Mười
Thì con ra lộng vào khơi mặc lòng”.
 
      Nhìn bầu trời quang đãng, không khí oi bức ngột ngạt, lặng gió kéo dài vài ngày, sau đó xuất hiện mây ti tích là một loại mây ở độ cao khoảng 7 km trở lên gồm các đám, màn hoặc lớp mây mỏng không có bóng, cấu thành từ những phần tử rất nhỏ có hình dạng trông như những hạt hay nếp nhăn hội tụ về một hướng chân trời. Sau mây tầng cao xuất hiện mây vũ tích (một loại mây lớn và đặc, phát triển dữ dội theo chiều thẳng đứng trông như những dãy núi đồ sộ, giới hạn trên thường nhẵn lì hay dạng tơ sợi, hình dẹt như cái đe, chân mây đen và có kèm theo mây thấp rách xác xơ), gió tăng dần. Đây là dấu hiệu cho thấy bão có thể đang di chuyển từ hướng đó tới. Có thể vấn đề bão lụt được dân gian quan tâm, chiêm nghiệm, đúc kết thành những tri thức vốn rất hữu ích.

      Trong quá trình vật lộn với sóng, nước nơi biển khơi, những thế hệ ngư dân Hội An đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu về phán đoán thời tiết, giông bão, về quy luật sinh trưởng, di chuyển các đoàn cá theo mùa vụ cũng như không ngừng cải tiến kỹ năng nghề nghiệp đúc kết thành những câu tục ngữ, thành ngữ. Những tri thức dân gian qua tục ngữ, thành ngữ này có giá trị thực tiễn trong đời sống giúp cho ngư dân có thể dự báo được thời tiết để phòng tránh thiên tai, lũ lụt đảm bảo ổn định cuộc sống của mình. Những kinh nghiệm này thể hiện được sự nhạy bén, tinh tế trong việc áp dụng tri thức dân gian vận dụng trong đời sống sinh hoạt của ngư dân Hội An.
 

Tác giả: Khánh Vân

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây