Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Trang trí mỹ thuật trong nhà thờ tộc ở Khu phố cổ Hội An

Khu phố cổ Hội An là một phức hợp đa dạng các loại hình di tích kiến trúc, mỗi loại hình đều mang một dáng vẻ riêng, độc đáo hòa quyện vào nhau làm nên cái hồn chung của phố cổ. Nhà thờ tộc là một trong những loại hình di tích khá độc đáo góp phần làm cho diện mạo kiến trúc, mỹ thuật phố cổ Hội An trở nên phong phú. Mỗi nhà thờ tộc tuy có những nét gần nhau về kiểu thức, về bố cục,… kiến trúc nhưng lại mang một vẻ đẹp rất riêng được thể hiện qua các đồ án trang trí mỹ thuật.
        Trong mỗi nhà thờ tộc, kết cấu khung gỗ gồm kèo, cột trốn, cửa,… là những bộ phận được chú ý trang trí nhiều nhất. Một số nhà thờ tộc như tộc Phạm, tộc Trương Đôn Hậu có bộ vì chồng trính - con đội được trang trí khá cầu kì, chi tiết. Không chỉ ở hai đầu các con rường, trên các cột trốn mà ở vị trí đầu cột trốn đỡ hoành cũng được chạm khắc thêm hình lá cây ôm vào cột, vươn lên phía hoành, tạo cho cột không có cảm giác đơn điệu. Các cột trốn được tạo dáng, chạm khắc các hình khác nhau, có khi giống trái bí, có khi chỉ là hình khối thuôn nhọn hai đầu. Trên bộ vì thường trang trí các hình hoa lá, mây nước, hình dơi, hình ngũ quả, hay bát bửu (quạt, thanh gươm, giỏ hoa, lọng, ống bút, cuốn thư, sáo, bầu rượu), chữ Hán. Đối với bộ vì chồng, ở hai đầu và đuôi kèo gác lên nhau cũng được trang trí chủ yếu là hình hoa lá cách điệu theo lối chạm nổi kết hợp chạm lộng. Ngay cột trốn đỡ đòn đông cũng được tạo dáng, thay vì chỉ là một cây cột vươn lên đỡ đòn đông thì được gắn thêm vào bộ phận đế tôm và ấp quả, với hình hoa lá hoặc hình hồi văn. Các ấp quả này vươn ra đỡ các thanh kèo, làm cho bộ vì càng thêm mềm mại. Phần bẩy hiên được chạm khắc khá công phu, gồm các hình cá chép, có khi chỉ là phần đuôi cá vươn lên đỡ thanh hoành cuối cùng, xung quanh trang trí các hình hoa lá cách điệu, hay như ở nhà thờ tộc Tạ, ở phần bẩy hiên được tạo dáng đuôi cá chép, xung quanh là các hình lá cây, vòng tròn xoắn ốc và cả hình đầu của con lân, hay là hình giao long.

        Các bộ vì vỏ cua cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Mặc dù số lượng vì vỏ cua tại các nhà thờ tộc không nhiều (Trần, Phạm, Lê Doãn, Phan) nhưng không vì thế mà đề tài kém phong phú. Đó là các đề tài hình hoa lá cách điệu, hình tia chớp giữa có bông hoa, hình đôi cá quay đầu vào nhau, xung quanh là các đường lượn cong sóng nước,… Chính những hình trang trí này làm cho các vì vỏ cua mang tính trang trí nhiều hơn.
 
nha tho toc tran
Nhà thờ tộc Trương Đôn Mục - Ảnh: Hồng Việt - Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản

        Ngoài kết cấu vì kèo, hệ khung cửa là nơi cũng được chú ý trang trí. Trên các bộ cửa này, hàng loạt các đề tài trang trí được thể hiện theo nhiều lối chạm trổ khác nhau, mỗi cánh cửa gồm nhiều đề tài trang trí. Các chấn song được tỉa theo hình con tiện hoặc để thẳng. Phần đà thượng hoặc đà hạ thường chạm các hình hoa lá, ngũ quả hay hình đồng tiền,… Ở phần cửa bản là nơi thể hiện nhiều đề tài như “tứ linh” (long, lân, quy, phụng), hồi văn,“tam dương khai thái”, “ngũ phúc lâm môn”, hình voi, cá chép, “liên áp” (sen và vịt), cành mai và đôi chim,… Phía trên khung cửa thường được đục chạm thành hình con tiện, các chấn song,… đặc biệt ở cửa chính thường gắn đôi mắt cửa - đây là chi tiết trang trí rất độc đáo trong các ngôi nhà gỗ Hội An.

        Trong các nhà thờ tộc, mắt cửa chủ yếu có dạng hình tròn được cắt khắc thành tám đầu cánh hoa xoáy tròn, phía trong là hình bát quái rồi đến vòng tròn lưỡng nghi, hoặc chỉ có vòng tròn lưỡng nghi, hay vòng tròn là một tấm gương, có mắt cửa được khắc chữ “thọ” với năm con dơi bao quanh với ý nghĩa “phúc thọ” hay “ngũ phúc lâm môn”,“thọ”. Cá biệt cũng có mắt cửa hình lục giác nhưng được treo ở cổng chứ không phải ở gian nhà chính (nhà thờ Trương Đôn Mục). Trên các mắt cửa này thường được phủ một tấm vải đỏ. Ngoài trang trí trên các cấu kiện gỗ ra thì các viên đá tán ở chân cột cũng được chạm khắc cầu kì để cho nhà thờ tộc thêm đẹp từ mặt đất. Các đề tài trang trí thường gặp là dạng hồi văn, dấu chấm nổi hoặc hình lá sen, lá đề.

        Không dừng lại ở đó, trong nội thất nhà thờ tộc còn được các thế hệ con cháu bổ sung, làm đẹp thêm bằng hệ thống các hoành phi, liễn đối, nghi trướng,… Nghi trướng được treo trên bàn thờ tổ tiên, hoành phi treo đăng đối trên các xà ở cả mặt trong và mặt ngoài (nhà thờ tộc Trương Đôn Hậu) còn liễn đối thì treo dọc theo chiều đứng của cột và quay mặt theo hướng của nhà thờ tộc. Các hoành phi, liền đối… này không chỉ được sơn son thiếp vàng, chạm khắc các chữ Hán theo lối thư pháp điệu nghệ mà còn được khảm trai ốc và trang trí tinh vi, mỗi chữ như là một đề tài trang trí. So với các nhà phố cũng như các công trình kiến trúc khác trong phố cổ thì số lượng các câu đối cũng như hoành phi trang trí tại các nhà thờ tộc là khá lớn. Các hoành phi, câu đối với nhiều màu sắc khác nhau cùng tồn tại trong một không gian nhưng không đối chọi nhau mà ngược lại bổ sung cho nhau, tạo nên sự hài hòa về không gian trang trí.

        Không gian nội thất không chỉ đơn thuần là việc bố trí các hoành phi, liễn đối mà còn là sự cân đối, hài hòa trong cách thức sắp xếp các bộ bàn ghế hay trường kỉ ở phần tiền sảnh. Các bộ bàn ghế hay trường kỉ này phần lớn không trang trí (trừ bộ bàn ghế kiểu salon ở nhà thờ tộc tộc Trần) nhưng do cách bày trí phù hợp làm cho không gian nội thất thêm nổi bật. Ngoài ra, trên tường bên hay vách ngăn giữa nếp nhà phụ và nhà chính còn treo các bức tranh với nhiều đề tài khác nhau như  Điêu Thuyền, Mạnh Mẫu Trạch Lân, Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh,…(nhà thờ tộc Lê Doãn) hay những kỉ vật của dòng họ (nhà thờ tộc Trần,…) và trong không gian nội thất này còn được bố trí nhiều lồng đèn kiểu cổ rất đẹp mắt tạo nên sự lung linh, huyền ảo nhưng không kém phần thâm nghiêm.

        Một hình thức trang trí nữa cũng góp phần tăng thêm giá trị của nhà thờ tộc đó là trang trí trên các án thờ. Án thờ chủ yếu là hình chữ nhật được bọc kín và phía trước chạm một số đề tài khác nhau như hình chim muông, hoa lá, hay vẽ hình “phúc lộc thọ”,… Với một số nhà thờ tộc ở hai bên khám thờ còn được trang trí các hình hoa lá cách điệu, đặc biệt là hình dơi và các câu đối. Những hình ảnh này đều nói lên niềm mong ước của dòng họ về sự bình an, thịnh vượng, phúc đức an khang.
 
trang tri noi that nha tho toc tran
Trang trí nội thất nhà thờ tộc Trần - 21 Lê Lợi, Hội An - Ảnh Hồng VIệt Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
 
        Mặc dù những yếu tố trang trí mỹ thuật ở các nhà thờ tộc thường thiên về nội thất, tuy nhiên, nhìn từ bên ngoài (ngoại thất), sự bố trí hài hòa giữa cổng, sân vườn và nhà thờ chính cũng là yếu tố làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của cảnh quan kiến trúc. Các bờ hồi được tạo dáng thẳng đứng, uốn cong hay trang trí giật cấp, tại vị trí giật cấp có gắn những bông hoa đá. Bờ nóc là các chấn song hình con tiện hoặc các ô hộc. Ở đầu mỗi hàng ngói có gắn dĩa men lam trang trí các hình chữ Hán, hình bát tiên,… làm cho các bờ mái trở nên sinh động, hòa mình với dáng vẻ rêu phong cổ kính từ các mái ngói âm dương qua thời gian.

        Như vậy, trong trang trí kiến trúc, nội thất, ngoại thất các nhà thờ tộc ở phố cổ Hội An có thể thấy chủ đề thường được lấy từ thiên nhiên và sinh hoạt đời thường với những hoa văn, họa tiết như hoa lá, chim muông, giao long, cá chép, tứ linh. Mỗi một đề tài trang trí đều mang một ý nghĩa khác nhau, thể hiện niềm mong ước của gia tộc khi dựng lên một công trình kiến trúc. Đối với nhà thờ tộc, các đề tài trang trí mỹ thuật thể hiện ước muốn của toàn thể con cháu trong dòng tộc, cầu sự bình yên no ấm và đôi khi cũng gợi nhớ về cội nguồn. Trong khi những con dơi biểu trưng cho niềm hạnh phúc, cá chép biểu tượng của sự sung túc, gợi nhớ cội nguồn cũng như khuyến khích học hành đỗ đạt thì các đề tài hoa lá (hoa sen, hoa cúc,…), ngũ quả (đào, lựu,…) tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ, mang lại niềm hạnh phúc cho con cháu. Các đề tài chữ Hán, tứ linh, hay những vật vô tri vô giác (đồng tiền, bầu rượu, sách),… đều mang hàm ý là phúc, lộc, thọ, mong cho con cháu được đầy đủ sung túc, dòng họ ngày càng phát đạt.

        Điểm qua vài chi tiết trang trí mỹ thuật ở các nhà thờ tộc, có thể thấy hình thức thể hiện cũng như các đề tài trang trí ở đây so với các công trình kiến trúc trong Khu phố cổ Hội An về cơ bản là giống nhau. Khác chăng chỉ là cách bố trí không gian nội thất cũng như gian thờ của các nhà thờ tộc. Sự khác biệt này góp phần làm phong phú hơn các hình thức trang trí nghệ thuật của Khu phố cổ, làm cho bức tranh nghệ thuật thêm đa dạng sắc màu và mang nhiều cung bậc.
 

Tác giả: Nguyễn Thị Ngà

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây