Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Trà trong văn hóa Hội An

Trong lịch sử, Hội An xứ Quảng từng là trung tâm giao thương với các quốc gia có văn hóa trà nổi tiếng như Trung Quốc, Nhật Bản,… cũng như nhiều nước khác trên thế giới.
Theo nhiều nguồn tư liệu, trong thời kỳ phát triển phồn thịnh, thương cảng Hội An là một trong những nơi có lượng xuất khẩu, trung chuyển hàng hóa lớn bậc nhất xứ Đàng Trong với nhiều mặt hàng, trong đó có các loại danh trà được đưa từ các nơi trong nước như Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội… và cả từ Trung Quốc đến Hội An để buôn bán với thương nhân các nước cũng như cung ứng cho việc sử dụng của người Hội An.
 
le dang tra tai dinh hoi an
Lễ dâng trà tại đình Hội An - Ảnh: Phước Tịnh
 
      Hiện nay, các tiệm buôn ở Hội An vẫn còn lưu giữ nhiều tư liệu liên quan đến việc buôn bán và sử dụng trà ở thương cảng Hội An xưa như bảng giá các loại trà Ôlong, thiết quan âm, phổ nhĩ, trà tim sen,... Nhiều loại trà cụ như ấm, chén, khay… cũng được liệt kê đề cập. Thông qua những hóa đơn, bảng giá,… cho thấy thời bấy giờ các hiệu buôn ở Hội An, nhất là hiệu Diệp Đồng Nguyên thường mua trà từ các tiệm Quảng Sanh, An Thái ở Hải Phòng, hay tiệm Vinh Mậu ở Hà Nội, Nam Định,… với nhiều loại trà phổ biến như liên tâm trà (trà tim sen), thiết quan âm,… Đặc biệt, trong một số bảng kê phẩm vật của xã Minh Hương ở Hội An cho biết, trà là một trong những lễ vật được triều đình cũng như các Bộ giao cho địa phương mua sắm để phục vụ nhu dụng. Trong bảng kê của xã Minh Hương năm 1747, bên cạnh việc sắm các loại giấy, đèn,… địa phương còn tiến cống lễ vạn thọ của nhà vua là 12 lạng trà ngon.

      Vào những năm 1930, 1931, Hội An không chỉ là nơi trung chuyển, buôn bán trà mà tại đây có xưởng chế biến chè nổi tiếng đã đi vào thơ ca đó là xưởng chè De Robe. Có thể thấy, tại Hội An việc buôn bán trà, sử dụng trà diễn ra khá sớm và phổ biến. Với người Hội An ngoài việc sử dụng trà làm thức uống thường nhật, còn sử dụng trong rất nhiều nghi lễ như lễ cưới - hỏi, lễ mừng thọ, lễ cúng gia tiên, lễ tế chư thần (dâng trà, điểm trà),… và làm quà tặng.
Theo nhiều vị cao niên, người Hội An xem trà là lễ phẩm đặc biệt bởi chữ “Trà” được hội ghép bởi các bộ trong chữ Hán một cách đầy ý nghĩa với ý chỉ “người được hưởng trọn số 100” (茶:人八十艹); theo quan niệm của người phương Đông thì đời người lấy số 100 làm hạn định (nhân sinh dĩ bách tuế vi kỳ), chính vì vậy trong lễ cưới - hỏi có trà là để chúc mọi sự trọn vẹn, cầu mong đôi vợ chồng trẻ 100 năm hạnh phúc - bách niên giai lão; lễ mừng thọ tặng trà cầu chúc thượng thọ hưởng đủ trăm năm, hay việc dùng trong các dịp tế tự gia tiên và chư thần cũng cùng với những ý nghĩa đó.
Lễ cưới - hỏi của người Hội An thường dùng 4 hoặc 5 mâm quả lễ, trong số đó trầu cau, đèn cầy và trà rượu là những lễ vật bắt buột phải có khi nhà trai đặt vấn đề cưới hỏi đối với nhà gái. Tất cả trà, rượu phải đủ cặp sắp tươm tất vào trong quả đỏ long phụng để nhà trai mang trình nhà gái xin cưới hỏi; trà và rượu lễ thường được bao bọc bởi giấy đỏ, điểm xuyết bởi hoa làm bằng giấy và có khi đính thêm chữ song hỷ.
 
hoa don tra
Một hóa đơn buôn bán trà. (Nguồn: Tác giả bài viết sưu tầm)
 
      Trong nhiều thập kỷ qua, người Hội An vẫn có thói quen trong việc tặng trà trong vào dịp mừng thọ các cụ cao niên. Lễ vật chuẩn bị để chúc thọ ngoài thọ phục (bộ đồ và khăn đóng được may bằng vải đỏ), bánh thọ, trướng chúc thọ,… thì bao giờ cũng có trà thọ để chúc mừng các cụ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi,… Thậm chí, trong lễ vạn thọ của nhà vua và các vị trong tôn thất vẫn lệnh cho đặt mua trà ở phố Hội An, điều này vẫn còn trong các bảng ghi chép của xã Minh Hương Hội An.
Đặc biệt, ở Hội An trà được xem như lễ phẩm không thể thiếu trong nghi lễ tế tự gia tiên cũng như chư thần, thánh ở các đình, miếu. Những dịp tế bái tổ tiên hay lễ giỗ, kị trong gia đình, sau phần cúng bái, rót đủ ba tuần rượu thì lễ giỗ được kết thúc bởi việc điểm vài chung trà. Trong lễ tế chư thần ở các đình làng, miếu xóm nội dung xướng tế “điểm trà”, “hiến trà” luôn luôn nằm ở phần hành chung hiến lễ, chánh tế hiến trà rồi mới từ thần cáo tất tế lễ.

      Chủng loại trà được người Hội An sử dụng cũng rất phong phú, đa dạng từ những loại thuộc hàng thượng phẩm như trà Ôlong, thiết quan âm, phổ nhĩ,… đến loại thông thường dân dã như chè xanh, chè khô,… gần đây thì dùng các loại trà Mai hạc, hay các loại chè Bắc,… Rất nhiều gia đình người Hội An có thói quen uống chè tươi, mỗi sáng ngắt nắm đọt chè chỉ cần vò nhẹ, cho thêm mấy lát gừng tươi rồi chế nước sôi vào dùng. Trong văn hóa ẩm thực của người xứ Quảng nói chung, người Hội An nói riêng việc uống chè tươi thường đi chung với việc ăn mỳ Quảng hay ăn chè ngọt,… thói quen này là nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực Quảng Nam và đã đi vào thơ ca dân gian: “Thương nhau múc bát chè xanh, làm tô mỳ Quảng cho anh xơi cùng”, “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nhớ nồi cơm nguội, nhớ riêu nước chè”,… Chè khô cũng được người Hội An dùng làm thức uống khá phổ biến từ các gia đình đến nơi đình đám, hội họp, tế tự, họp chợ,… Trước đây, khu vực phía Đông chợ Hội An, nằm dọc phía đường Trần Quý Cáp đông (nay là đường Tiểu La) có rất nhiều các hàng đổi nước chè được nấu từ chè khô để phục vụ bà con đi chợ cũng như khách qua đường.
Bên cạnh việc uống trà theo kiểu dân dã, thông thường thì không ít những gia đình người Hội An có thú thưởng trà tao nhã, việc này được xem như món ăn tinh thần, tạo sự thư giãn, thư thái cho cuộc sống. Theo những người hay uống trà thì không gian thưởng trà rất quan trọng, đòi hỏi có một không gian rộng để tận hưởng được hết sự tinh túy của trà. Không gian thưởng trà trong các nhà cổ thường được bày ở gian tiếp khách hay tại khu vực sân trời trong ngôi nhà (còn gọi là giếng trời). Nơi đây vừa thoáng mát vừa nhẹ nhàng tạo cho người thưởng trà được hít không khí trong lành vừa có thể ngắm hoa tươi tiểu cảnh, là không gian thanh tịnh, thuần khiết, tao nhã, mang hơi hướng của văn hóa thiền - êm dịu. Chính vì vậy khu vực sân trời được nhiều gia đình trang trí, sắp đặt và đắp các bình phong đẹp mắt, mang tính thẩm mỹ cao.

      Nói đến văn hóa uống trà không thể không đề cập đến trà cụ, đó là những bình độc ẩm, những bộ ấm chén hay những đĩa (còn gọi là dầm). Hiện nay, rất nhiều gia đình người Hôi An còn lưu giữ những bộ trà cụ quý giá như ấm tử sa Nghi Hưng, ấm Mạnh thần,… những ấm chén Bạch Định được tạo tác từ thời Tống đến những bộ trà cụ của Cảnh Đức Trấn - Giang Tây hay khay gỗ cẩn xà cừ nhiều điển tích như Văn Vương cầu hiền, Tam anh chiến Lữ bố, Trúc tước (chim sẻ, cành trúc), ngũ phúc…

      Điều rất thú vị là trà cụ không chỉ đơn thuần chỉ là những vật dụng để pha trà, uống trà mà từng loại trà cụ là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, các loại trà cụ mang trên mình những bức tranh sơn thủy, những điển tích lịch sử, văn chương như Lã Vọng ngồi câu sông Vị Thủy, đồ án hạc rập (cây liền cành, chim liền cánh), không thành kế, cao sơn lưu thủy (Bá Nha, Tử Kỳ), trúc lâm thất hiền, đạp tuyết tầm mại, phi minh túc thực,… Ngoài ra, nhiều bài thơ, bài phú, cách ngôn, ngạn ngữ,… cũng được thể hiện trên các đĩa trà hay những câu thơ về thú uống trà như tẩy nghiên ngư thốn mặc, phanh trà hạc tị yên (rửa nghiên hương mực say đàn cá, chưn trà khói tỏa hạc vờn mây), sơn trung vô lịch nhật, hàn tận bất tri niên (núi sâu đâu thấy lịch, ngày lạnh hết biết năm nao),… Đặc biệt, trong số đó có bài thơ khuyết danh về uống trà được nhiều người biết đến: Bán dạ nhất bôi tửu, Bình minh sổ trản trà, Mỗi nhật cứ như thử, Lương ý bất đáo gia (Tạm dịch: Nửa đêm đôi chén rượu, Bình minh mấy ấm trà, Ngày ngày đều như thế, Thầy thuốc chẳng đến ta).

      Những bộ trà cụ được xem là quý giá như đồ mai hạc, có vẽ hình chim hạc đậu nhành mai, bên cạnh là câu thơ nôm lục bát “nghêu ngao vui thú yên hà, mai là bạn cũ hạc là người quen” hay những đồ trà Nội phủ thị tả, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị Trung, Nội phủ thị đoài,… hay đồ chữ nhật (có in chữ nhật dưới đáy)...

      Trong thú uống trà của người Hội An còn có việc đốt trầm, thưởng trầm nên hiện nay trong nhiều nhà vẫn còn lưu giữ các lư xông trầm bằng nhiều chất liệu như đồng, pháp lam, gốm, sứ,… với nhiều loại hình phong phú như tròn, vuông, bát giác,… Thói quen khi thưởng thức trà, đốt trầm tỏa hương làm cho tinh thần thư thả, thanh tịnh.

      Nói chung, với người Hội An trà - chè không chỉ là văn hóa ẩm thực thông thường hay dùng làm dược liệu mà trà, cách thưởng trà còn là văn hóa tinh thần, là thú chơi tao nhã, gắn bó với đời người từ lúc sinh ra đến lúc mãn duyên trần thế. Những điều đó đã tô vẽ thêm bức tranh sống động về nét văn hóa uống trà, văn hóa tinh thần của người Hội An trong quá khứ, trong hiện tại và cả tương lai góp phần làm phong phú, đa dạng nét văn hóa của vùng đất vốn nổi danh là “hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng”. 
 

Tác giả: Tống Quốc Hưng

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây