Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Tổng quan về di sản Hán Nôm ở các gia đình, dòng họ tại Hội An

Trải qua quá trình phát triển lịch sử, do nhiều cơ may và do các nguyên nhân về lịch sử - văn hóa tại Hội An hiện tồn một kho tàng di sản Hán Nôm khá đồ sộ. Chúng bao gồm các văn khắc trên đá, gỗ, đồng và các tư liệu văn bản trên giấy, vải. Trong số đó, một bộ phận quan trọng của di sản Hán Nôm đã và đang được các gia đình, tộc họ liên tục bảo quản từ đời này sang đời khác. Chúng bao gồm các văn bản hành chính, giấy tờ đất đai, khế ước, tờ đoạn mãi tài sản, ruộng đất, tờ chấp thục, phân thư tài sản, văn cúng, gia phả, ghi chép các loại… và các văn bia, bia mộ văn chuông, hoành phi, liễn đối, bài vị hiện đang bảo quản, bài trí trang trọng ở các gia đình, nhà thờ tộc họ…
Trong những năm qua bộ phận di sản này đã được Trung tâm Quản lý Di tích nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sưu tầm, sao chụp, dịch thuật bước đầu và đưa vào lưu trữ. Đánh dấu cho sự khởi đầu mang tính quy mô của công tác này là chương trình hợp tác sưu tầm, sao chụp tư liệu Hán Nôm tại các gia đình trong Khu phố cổ Hội An giữa Bộ phận Quản lý Di tích Hội An với trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản tiến hành vào năm 1995. Trong đợt này đã sao chụp được nhiều ngàn trang tư liệu Hán Nôm đang được lưu giữ tại nhiều gia đình trong khu phố cổ để đưa vào lưu trữ theo từng địa chỉ nhà. Tiếp theo, một đợt sưu tầm có quy mô khá lớn nhằm thu thập tư liệu để phục vụ đề tài nghiên cứu về xã Minh Hương ở Hội An được tiến hành vào những năm 1998, 1999. Ngoài ra, hàng năm Trung tâm cũng đã tiến hành thu thập, sao chụp một số tư liệu Hán Nôm tại các gia đình, nhà thờ tộc trong và ngoài khu phố cổ. Tổng số tư liệu loại này đã sưu tầm được khoảng trên 10.000 trang. Một số trong chúng đã được giới thiệu trong các tập Di sản Hán Nôm Hội An I, II, III của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
         
Qua sưu tầm cho thấy rất nhiều gia đình trong khu phố cổ còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm liên quan đến đất đai, thổ phố. Dường như nhà nào trong phố cũng còn giữ lại một ít giấy tờ loại này cho dù qua tiếp xúc chúng tôi được biết rằng một số trong chúng đã nộp cho cơ quan quản lý nhà đất để làm thủ tục cấp giấy tờ mới.
         
Bên ngoài khu phố cổ cũng có một số gia đình còn giữ các tư liệu Hán Nôm, trong đó nhiều nhất là các gia phả của tộc họ, các văn bản liên quan đến cúng tế, giỗ kỵ. Đặc biệt có những nhà còn giữ nhiều sắc phong của triều Nguyễn liên quan đến các nhân vật của gia đình, tộc họ như trường hợp tộc Nguyễn Đức ở Cẩm Châu, tộc Hồ ở Cẩm Thanh, tộc Nguyễn Tường ở Cẩm Phô. Để có thể hình dung tình hình lưu giữ tư liệu Hán Nôm trong và ngoài khu phố cổ, chúng tôi liệt kê một số danh mục như sau:
         
1/ Trong khu phố cổ:
         
- Tại nhà thờ Trương Đôn Mục (địa chỉ 54/4 Phan Châu Trinh)
 
STT Loại văn bản Nội dung Niên đại Số trang
01 Tờ khai Kê khai đất đai tại xứ Hổ Bì của Trương Hiệp Nương, xã Minh Hương Thái Đức 8 (1785) 2
02 nt Kê khai đất đai tại xã Hội An của Trương Kỉnh Tâm, Trương Kỉnh Trung, Trương Kỉnh Tại, xã Minh Hương nt 3
03 nt Khai đất cát ở rừng của bà Dương Thị Nghiêm Gia Long 3 (1804) 2
04 Khế ước Cầm cố đất ở phố Gia Long 9 (1810) nt
05 Tờ khai Kê khai đất công tư để tu bộ Gia Long 10 (1811) 3
06 nt Kê khai đất tư của bà Đinh Thị Đạo Gia Long 12 (1813) 2
07 nt Kê khai đất đai để tu bộ nt nt
08 Khế ước Xin chuộc lại đất của Trương Chí Cẩn Gia Long 16 (1817) 3
09 Tờ khai Kê khai đất ở xã Minh Hương Minh Mạng 21 (1840) 2
10 Thông tri Thông báo các thôn xã kê khai ruộng đất để tu bộ nt nt
11 Tờ khai Kê khai đất theo trát của quan trên nt nt
12 nt Kê khai đất đai Thiệu Trị 1 (1841) 3
13 Tờ trình Xin thẩm xét tờ đoạn mãi đất phố Tự Đức 10 (1857) 4
14 Khế ước Đoạn mãi (bán đứt) đất trồng dâu Tự Đức 10 (1857) 2
15 nt Đoạn mãi đất phố Tự Đức 35 (1882) nt
16 nt Cầm cố đất đai Thành Thái 13 (1901) 1
17 nt Bán đứt đất đai và nhà phố ở xã Cẩm Phô nt nt
18 nt Bán đứt đất phố 1 thửa Thành Thái 16 (1904) nt
19 nt Bán đứt đất phố của Thái Hữu Thái nt nt
20 nt Tình nguyện giao đất của người ở hiệu Thiên Thái Khải Định 7 (1922) nt
21 Tờ kê Kê các ngày cúng giỗ của tộc Trương   21
22 Văn tế Văn tế hàng năm của tộc Trương Bính Thìn 10
23 Gia phả Liệt kê thế thứ các đời của tộc Trương Thế kỷ 19 18
Tổng cộng: 23 văn bản 90 trang
 
- Tại nhà thờ tộc Trần (số 21 Lê Lợi)
 
STT Loại văn bản Nội dung Niên đại Số trang
01 Tờ thừa nhận Thừa nhận các giới hạn đất đai để làm địa bạ Gia Long 10 (1811) 3
02 nt Thừa nhận giới hạn địa phận của các xã lân cận để làm địa bạ nt 4
03 nt Xin thừa nhận giới hạn đất đai giáp xã Hội An của xã trưởng xã Minh Hương nt nt
04 nt Xin thừa nhận giới hạn đất đai của xã trưởng Hội An nt 2
05 nt Thừa nhận đất đai chấp bằng của xã Hội An nt nt
06 Địa bạ Kê khai đất công tư, ao vườn, mộ địa của xã Hội An Gia Long 13 (1814) 9
07 Gia phả Liệt kê thế thứ các đời của tộc Trần Khải Định 2 (1917) 32
Tổng cộng: 7 văn bản 56 trang

2/ Ngoài khu phố cổ:

- Tại nhà thờ tộc Nguyễn Viết (Để Võng) (tổ 7, khối Sơn Phô I, phường Cẩm Châu)
 
STT Loại văn bản Nội dung Niên đại Số trang
01 Tờ khai Kê khai đất đai của xã Để Võng (mất tờ đầu) Cảnh Hưng 19 (1757) 7
02 nt Kê khai đất đai xã Hoa Phô Gia Long 11 (1812) 26
03 Địa bạ Kê khai đất đai của xã Để Võng nt 13
04 nt Kê khai đất đai của xã Để Võng Gia Long 13 (1814) 5
05 Sắc phong Giáng Nguyễn Tiến Tài người xã Để Võng làm Quan Lộc tự chánh bát phẩm thư lại Minh Mạng 12 (1831) 1
06 Bẩm Xin xác nhận đất đai của lý hào xã Để Võng Thành Thái 16 (1904) 4
07 nt nt Thành Thái 18 (1906) 3
08 Công văn Tổng đốc Quảng Nam họ Hồ trình đến Bộ Hộ về đất đai xã Để Võng nt 6
09 Thừa nhận Thuận ưng về việc phân chia thủy giới giữa các xã Phước Trạch, Để Võng nt 3
10 Tờ trình Xin xác nhận phân chia giới hạn thủy giới của hai xã Phước Châu Trung và Để Võng Duy Tân 3 (1909) 2
11 Biên nhận Nhận quyên tiền của lý trưởng hai xã Hà Lộc và Gia Lộc Duy Tân 4 (1910) 1
12 Khế ước Thuận bán đất của các chủ có đất ruộng ở Hà Tơm xã Hà Mi nt 8
13 Biên nhận Nhận tiền của lý dịch xã Hà Mi nt 3
14 Tờ trình Trình thuận nhượng đất đai của lý dịch xã Viêm Minh nt nt
15 Biên nhận Nhận tiền lưu chiếu của 3 xã Viêm Minh, Hà Quảng, Hà Lộc nt 2
16 Tờ trình Trình thuận nhượng đất của hào lý 2 xã Hà Lộc, Gia Lộc Duy Tân 5 (1911) 3
17 nt Xin giảm thuế của hào lý xã Để Võng Khải Định 2 (1917) 4
18 Gia phả Liệt kê thế thứ các đời của phái 2 tộc Nguyễn Viết Để Võng Khải Định 2 (1917) 44
19 Bẩm Xin sao lại sổ bộ của lý hương xã Để Võng Bảo Đại 10 (1934) 2
20 Trát Sức xã Để Võng kê khai đất đai để nhập bộ nt 5
21 Gia phả Liệt kê thế thứ các đời của phái 3 tộc Nguyễn Viết Để Võng nt 6
22 Thừa nhận Thuận nhượng đất của xã Viêm Minh cho 2 xã Hà Lộc, Gia Lộc Không ghi niên đại 2
23 Tờ trình Trình về đất đai của lý hào xã Hà Lộc, Gia Lộc nt nt
24 Khế ước Bán ruộng nước (thủy điền) của lý hương xã Để Võng nt 1
25 Ghi chép Nghị luận không rõ xuất xứ nt 2
Tổng cộng: 25 văn bản 158 trang

- Tại nhà thờ tộc Phan Xuân (xã Cẩm Kim)
 
STT Loại văn bản Nội dung Niên đại Số trang
01 Văn cúng Văn cúng tư độ đạo tràng của phái nhì tộc Phan Xuân Năm Ất Mùi 106
02 Gia phả Liệt kê thế thứ các đời của phái nhất tộc Phan Xuân nt 133
03 Phả hệ Liệt kê các đời của tộc Phan Xuân Không rõ năm 8
04 Văn cúng Văn cúng bạt độ của tộc Phan Xuân nt 271
05 Gia phả Liệt kê thế thứ tôn thân của tộc Phan Xuân nt 71
06 nt Liệt kê thế thứ các đời của phái nhì tộc Phan Xuân Không rõ năm 7
07 Văn cúng Văn cúng bạt độ của tộc Phan Xuân tại chùa Phước Lâm Năm Qúy Mùi 14
08 Phả hệ Ghi các ngày kỵ giỗ của tộc Phan Xuân Năm Nhâm Dần 24
09 Gia phả Liệt kê thế thứ các đời của chi 5, phái 2 tộc Phan Xuân Không rõ năm 13
10 nt Liệt kê thế thứ các đời chi 5, phái 2 tộc Phan Xuân Năm Đinh Mão 16
11 Văn bằng Bằng của Đốc công Võ khố cấp cho Tượng mục Phan Văn Mưu người Giáp Đông, châu Kim Bồng Thành Thái 1 (1889) 1
12 nt Bằng của Đốc công Võ khố cấp cho ông Phan Văn Mưu làm Thí sai tòng cửu phẩm Tượng mục Thành Thái 3 (1891) nt
13 nt Bằng của bộ Công chuẩn cho Tượng mục Phan Văn Mưu về hưu tại nguyên quán Thành Thái 6 (1894) nt
14 Sắc phong Săc phong cho Phan Văn Mục thực nhận hàm Tòng cửu phẩm Tượng mục Thành Thái 8 (1896) nt
15 Văn cúng Văn cúng bạt độ của phái nhất tộc Phan Xuân Thành Thái 14 (1902) 58
16 nt Văn cúng bạt độ chi nhất, phái nhất tộc Phan Xuân Bảo Đại 6 (1930) 94
Tổng cộng: 16 văn bản 819 trang
         
Qua một số bảng liệt kê cũng như qua nội dung các tư liệu Hán Nôm sưu tầm được ở các gia đình, tộc họ chúng tôi thấy có sự khác nhau chút ít giữa trong và ngoài khu phố cổ. Trong khu phố cổ nhiều nhất là các giấy tờ chấp thục, đoạn mãi, cầm cố đất đai, thổ phố liên quan đến lai lịch từng ngôi nhà. Ngoài khu phố cổ nhiều nhất là các giấy tờ liên quan đến địa giới, đất đai, gia phả, văn cúng và các văn bằng, sắc phong những cá nhân của các tộc họ. Một số gia đình tộc họ đã bảo quản, lưu giữ luôn sổ bộ, giấy tờ của làng xã như tộc Nguyễn Viết lưu giữ sổ bộ, sắc phong của làng Để Võng, tộc Võ Công lưu giữ sổ bộ, văn bằng của phường Xuân Mỹ v.v… Tình trạng này có lẽ do các tộc họ nói trên từng giữ vai trò, trọng trách trong bộ máy hương lý của làng xã nên đã bảo quản luôn sổ bộ của làng xã mình.
         
Về niên đại, một số giấy tờ đất đai, nhà cửa ghi niên hiệu Cảnh Trị, Long Đức, Chính Hòa, Cảnh Hưng, Thái Đức, Quang Trung… Tuy nhiên hầu hết trong chúng không có dấu ấn triện, khả năng là do sao chép lại. Chưa tìm thấy các văn bản có dấu ấn triện thời các chúa Nguyễn như ấn Tổng Trấn tướng quân, Quốc Vương chi ấn. Các văn bản có ấn triện sớm nhất là các văn bằng, lệnh chỉ, sai phái trước khi Gia Long lên ngôi một năm (1801). Ở các văn bản này dùng ấn Tiểu Long có các chữ Thủ Tín thiên hạ văn võ quyền hành và ấn lớn được đúc vào năm 1709 thời chúa Nguyễn Phúc Chu ghi các chữ Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bửu. Thời Tây Sơn có một số giấy tờ đất đai ghi niên hiệu Thái Đức và có dấu Phụ Chính, mực màu đen. Trong số tư liệu ở các gia đình, tộc họ này nhiều nhất có niên đại từ Gia Long trở về sau, trong đó có đóng dấu triện của triều đình trung ương và chính quyền trấn, phủ huyện địa phương, các con dấu này dùng mực màu son (đỏ).
         
Về nội dung, có thể phân thành các loại:
         
a) Các khế ước, tờ đoạn mãi, chấp thục, cầm cố, phân chia tài sản, gia sản, đất đai, thổ phố.
         
b) Các văn bản phân chia địa giới, các sổ bộ đất đai (địa bộ), dân đinh của một số làng xã (đinh bộ).
         
c) Các gia phả, văn cúng, văn tế của các tộc họ.
         
d) Các văn bằng, sắc phong liên quan đến cá nhân tham gia trong bộ máy nhà nước của chính quyền phong kiến.
         
e) Hoành phi, liễn đối, văn bia, bia mộ của các tộc họ, gia đình.
         
g) Các ghi chép về văn thơ, thư từ và các giấy tờ khác.
         
Nhận xét bước đầu:
         
Trong số tư liệu Hán Nôm này nhiều nhất là các loại giấy tờ liên quan đến mua bán, chuyển nhượng đất đai, thổ phố, tài sản, chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nói riêng, của nền kinh tế hàng hóa nói chung tại Hội An trước đây.
         
Các tư liệu này cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực về lịch sử, kinh tế, văn hóa, qua đó giúp chúng ta có thể xác định được quá trình nhập cư của các tộc họ tại Hội An, nắm bắt được hoạt động kinh tế nông ngư nghiệp, thủ công nghiệp và buôn bán dịch vụ đã từng phát triển nhộn nhịp một thời tại địa phương, về sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của các cộng đồng dân cư, về lai lịch một số cá nhân đối với cộng đồng… Ngoài ra, các văn bản giấy tờ này còn cung cấp nhiều thông tin về tổ chức bộ máy của chính quyền phong kiến các cấp, về thể thức văn bản hành chính và thư pháp văn bản qua các thời kỳ…
         
Đây là những tư liệu quý được các gia đình, tộc họ bảo quản khá tốt. Tuy nhiên qua khảo sát vẫn còn tình trạng một số văn bản bị mối mọt hoặc các tác nhân về mưa gió, bão lụt, hỏa hoạn làm cho hư hỏng, mất mát. Một số tư liệu lại bị thất thoát, hư hỏng do quá trình sao chụp, làm tư liệu của một số đơn vị, tổ chức bên ngoài. Do vậy phải tiếp tục tăng cường ý thức trân trọng gìn giữ di sản của cộng đồng, cá nhân và nâng cao các biện pháp bảo quản để kéo dài tuổi thọ của bộ phận di sản quý giá này trong thời gian đến.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây