Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Tổ chức chính quyền ở Hội An thời kỳ triều Nguyễn (1802 – 1945)

Nghiên cứu về làng Việt Nam, GS.Đào Duy Anh có viết: “Mỗi làng là một đơn vị tự trị trong một phạm vi quốc gia. Đối với nhà nước đơn vị này chỉ cần làm trọn những nghĩa vụ về sưu thuế, tạp dịch binh lính là có thể tự do xử lý công việc trong làng, nhà nước không can thiệp” [1]. Cũng có thể hiểu làng cổ truyền là đơn vị tụ cư, là cộng đồng dựa trên quan hệ láng giềng kết hợp với quan hệ huyết thống, là môi trường sinh hoạt văn hóa - xã hội từ bao đời nay gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam.
Nhìn chung, ở Việt Nam, làng - vốn là từ Nôm, chỉ đơn vị tụ cư nhỏ nhất nhưng chặt chẽ và hoàn chỉnh nhất của người nông dân Việt. Xã - vốn là từ Hán, chỉ đơn vị hành chính nhỏ nhất của nhà nước phong kiến ở các vùng nông thôn xưa kia. Tùy vào quy mô cụ thể của từng địa phương mà có xã tương đương với một làng; có xã gồm nhiều làng và mỗi làng cấu thành xã này được gọi bằng tên - từ Hán là Thôn. Ngoài ra, cũng tùy vào địa hình, địa thế của từng làng/thôn mà hình thành các điểm tụ cư gồm nhiều hộ dân sống gần nhau được gọi bằng tên Nôm là Xóm. Trên thực tế, trong lịch sử của chế độ phong kiến Việt Nam, tùy vào từng thời điểm khác nhau và đặc điểm của từng địa phương mà khái niệm Thôn/Xóm với làng/xã có sự thay đổi. Nhưng nhìn chung, làng - xóm, được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày, biểu thị tình cảm; Xã - Thôn, được dùng trong giấy tờ, nặng nghĩa về hành chính.
    
Xuất phát từ những đặc điểm hình thành của khối cộng đồng cư dân Hội An trong quá trình di dân, khai cơ, khẩn hoang lập làng, hoạt động phát triển kinh tế...; Dựa vào nhiều nguồn tư liệu lịch sử, thư tịch và qua khảo sát thực địa cho thấy: Làng - xã ở Hội An được hình thành từ cuối thế kỷ XV, trên cơ sở hoạt động kinh tế nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi (gia súc, gia cầm), đánh bắt thủy hải sản gắn với hoạt động sản xuất thủ công nhỏ, đáp ứng nhu cầu trong phạm vi địa phương hoặc phạm vi xung quanh (liên làng - xã). Từ cuối thế kỷ XVI trở đi, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về dân cư, đặc biệt là hoạt động kinh tế thương nghiệp - ngoại thương, ở Hội An đã hình thành các làng nghề nông nghiệp, ngư nghiệp (làng chài), làng thương nghiệp - buôn bán và các làng đa nghề gồm nông nghiệp, ngư nghiệp và thủ công nghiệp, trong đó hoạt động thủ công nghiệp đã đóng vai trò kinh tế chủ yếu và trở thành nghề thủ công nổi tiếng của làng như nghề gốm ở làng Thanh Hà, nghề mộc ở làng Kim Bồng, nghề yến ở làng Thanh Châu. Mặc dù có sự khác nhau về hoạt động kinh tế nhưng nhìn chung các làng xã vẫn có nét chung về kết cấu tổ chức làng - xã ở Hội An - Xứ Quảng, Đàng Trong - Việt Nam. Đó là: Làng - xã hay thôn - xóm đều là hệ thống ghép của một thực thể địa cư chịu sự điều hành của lưỡng quyền - là bộ máy quản lý nhà nước: Xã trưởng/lý trưởng và tổ chức tự quản (làng, họ). Ở đầu thời Nguyễn, đứng đầu bộ máy quản lý cấp xã là xã trưởng, có các thôn trưởng, khán thủ giúp việc. Mỗi xã, tùy thuộc vào vị trí, quy mô có thể có từ một đến nhiều xã trưởng. Từ năm 1828 (triều vua Minh Mệnh) đã ban hành quy định cải tổ về bộ máy quản lý làng xã. Xã trưởng được thay thành lý trưởng, thôn trưởng thay thành phó lý trưởng; mỗi xã một lý trưởng, xã nhiều dân đinh có thể đặt thêm từ 1-2 phó lý trưởng, dưới 50 dân đinh đặt 1 lý trưởng, trên 150 dân đinh thì đặt thêm 2 phó lý trưởng. Chức Khán thủ được gọi là Trùm trưởng tăng lên. Lý trưởng hay phó lý trưởng phải là những người được cai tổng cùng dân làng bầu cử ra, được phủ, huyện xét kỹ và được cấp văn bằng, mộc triện. Trách nhiệm của lý trưởng cùng các phó lý trưởng, trùm trưởng rất nặng nề; hoàn toàn chịu trách nhiệm trước nhà nước về quản lý, làng xã, thực hiện mọi nghĩa vụ về tô, thuế, phu phen, tạp dịch... Song lại không nằm trong hàng ngũ quan chức. Lý trưởng, phó lý trưởng phải là “người vật lực cần cán (có tài sản và đảm đương cần mẫn[2]. Đến năm 1856 triều Nguyễn còn quy định thêm: Lý trưởng là người có tuổi trên 30, không quan hệ ruột thịt và hôn nhân với các viên chức phụ trách cấp tổng ở địa phương.
    
Qua khảo sát các tư liệu văn tự tập trung vào thế kỷ XIX ở Hội An, mặc dù theo thời gian và không gian khác nhau mà tên gọi của từng loại chức sắc có thể khác nhau, nhưng tựu trung có thể chia làm 2 loại: Bộ máy hành chính - Chức dịch và bộ máy tự quản - Sắc mục, gọi chung là Chức sắc. Tuy 2 loại chức sắc này có phân biệt nhưng quan hệ mật thiết với nhau trong chức năng quản lý làng - xã. Ví dụ, trong các văn bản: địa bạ,... họ cùng ghi tên và điểm chỉ và chịu trách nhiệm trước nhà nước về những nội dung đã được điểm chỉ liên quan đến tô, thuế, phu phen, tạp dịch, đất đai (ruộng, vườn)... Bộ máy hành chính - chức dịch tuy có vai trò như thế nhưng hầu như họ chỉ là những người bị cường hào, địa chủ - bộ máy tự quản của làng xã - sắc mục chi phối, thao túng.
    
Đến thời kỳ Pháp thuộc, ở Hội An nói riêng và cả Trung kỳ nói chung, theo chỉ dụ của Nam Triều (Triều Nguyễn), làng - xã thành lập Hội đồng Kỳ hào. Đây là cơ quan quyết nghị gồm những người có phẩm hàm, có khoa cử, các tổng, lý, ngũ hương hiện đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Bên cạnh đó có Ủy ban Thường trực Hội đồng Kỳ hào quản trị các việc trong làng xã. Ủy ban này gồm: Lý trưởng và 5 viên chức (Hương bộ, Hương bản, Hương kiểm, Hương mục, Hương dịch)…

Muốn nắm được các chức sắc này trong làng, trên thực tế hầu hết phải là những người có ít nhất một trong những điều kiện sau: Xuất thân là quan lại; gia đình có của, đứng tên trong bộ đất (địa bạ/bộ); dòng dõi tộc/họ tiền - hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ làng - xã; Có đỗ đạt... Những người thuộc thành phần trên chọn lựa lẫn nhau, chia giữ các chức sắc trong làng. Kể cả việc chăm sóc việc cúng tế tại các thiết chế văn hóa tín ngưỡng (đình, miếu, lăng...) của làng - xã, cũng đều do các chức sắc này trực tiếp phân chia, lo quản lý.

Ở Hội An, xuất phát từ nhiều yếu tố lịch sử dân cư và điều kiện đất đai, đến trước năm 1945, về quy mô làng xã hầu như không có xã bao gồm nhiều làng mà chủ yếu là hình thức tổ chức làng tương đương với tổ chức xã (cùng một địa giới, khu vực dân cư). Dưới làng - xã không có hình thức tổ chức thôn. Trường hợp những làng - xã có diện tích rộng, dân cư đông thì dưới làng - xã có hình thức tổ chức xóm và phổ biến là hình thức ấp, châu. Như Thanh Hà có 13 ấp; Cẩm Phô có 3 ấp, 3 châu, hoặc chia tách thành 2 - 3 làng (ví dụ như: Kim Bồng chia thành Kim Bồng Đông và Kim Bồng Tây; Thanh Châu chia thành Thanh Đông, Thanh Tây và Thanh Nam,...).

Ngoài ra, ở Hội An, được sự cho phép của Nhà nước phong kiến có làng về mặt tổ chức quản lý hành chính nhà nước không gọi là xã mà gọi là phường (như phường Xuân Mỹ, phường Tân Hiệp - Cù Lao Chàm). Tức là về cấp hành chính thì phường này tương đương với xã, nhưng về quy mô diện tích thì nhỏ, dân số ít... So với quy định tối thiểu của làng - xã và hoạt động kinh tế của làng cũng khá thuần nhất, cơ bản một nghề. Mặt khác có lịch sử hình thành, khu vực cư trú khá riêng biệt.

Trong các làng - xã ở Hội An, ngoài các tổ chức tự quản làng của các sắc mục, tổ chức quản lý hành chính xã của các chức dịch hoặc các tổ chức quản lý thôn, xóm, ấp, châu... thì tùy thuộc vào đặc điểm lịch sử hình thành, điều kiện hoạt động kinh tế (nghề nghiệp)... mà có rất nhiều các hình thức kết cấu tổ chức xã hội tự nguyện, tự quản khác như tổ chức của dân đinh (giáp hay phe); tổ chức theo nghề nghiệp (phổ hoặc vạn); tổ chức theo tín ngưỡng (Hội hay phổ). Tuy nhiên, các tổ chức giáp/phe, Phổ, Hội, Vạn... nói trên vẫn phải tôn trọng, chịu sự quản lý của tổ chức làng- xã cũng như phải hoàn thành mọi nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với làng - xã.

Việc quản lý làng - xã, các chức sắc chủ yếu có 2 sổ: sổ đinh và sổ điền. Riêng đối với các phổ, vạn làm nghề thì chỉ cần sổ đinh (vì những người làm nghề chỉ đóng thuế thân - theo dân đinh mà thôi). Ngôi thứ trong làng - xã được phân định rõ ràng theo quan điểm: “Triều đình nhượng ư tước; hương đẳng nhượng ư sĩ; gia tộc nhượng ư thế” hoặc “Tôn lão, kính trưởng”. Nhìn chung, những người có vị trí cao trong làng - xã là những người thân hào, nhân sĩ, bậc cao niên, thực tế bao gồm những người có bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản và tuổi tác. Thường khi về làng hoặc lên chức đều có “lễ làng” - tuy không bắt buộc chặt chẽ, linh đình như ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng phải có và theo khả năng của mỗi người để tiến lễ. Thứ đến là dân chánh /chính cư, cư dân ít nhất phải có 3 đời sống trong làng/xóm. Cuối cùng mới đến dân ngụ cư (hay còn gọi là dân tứ chánh/chiếng) - với quan niệm: “Đò dọc phải tránh đò ngang, dân ngụ phải tránh dân làng cho xa”. Dân ngụ cư không được sinh hoạt trong các phe/giáp nhưng phải lo phục dịch, nhất là trong những ngày có việc tế lễ/hội làng... Trong khi đó, họ vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của dân làng, của một dân đinh: đi phu, đi lính, sưu dịch, nộp thuế...

Trên cơ sở vốn có trong tiềm thức về cách tổ chức, quản lý xã hội theo truyền thống Trung Hoa, và mặt khác do đặc thù về lịch sử hình thành và kết cấu thành phần dân cư, địa bàn cư trú mà hệ thống tổ chức quản lý của người Hoa ở Hội An có nhiều điểm riêng biệt.

Trước hết đối với người Hoa Minh Hương (người Hoa nhập quốc tịch Việt Nam), qua xử lý các tư liệu văn tự của xã Minh Hương sưu tầm được[3] nhận thấy: Đặc điểm xuyên suốt nhiều thế kỷ là bộ máy hành chính của xã được tổ chức theo kiểu "Hội đồng xã vụ" gồm nhiều đại diện. Đứng đầu xã là cai xã, có vai trò như người trung gian giao dịch giữa xã với chính quyền sở tại. Do vậy, cai xã thường là những người đang làm quan ở các nha sở hoặc Ty tàu vụ - Hương quan. Từ nửa sau thế kỷ XVIII, vai trò của người cai xã này ít được đề cập đến trong các văn bản mà nổi trội là vai trò của tổ chức "Đại lý xã vụ", gồm các hương lão, hương trưởng - những người trực tiếp quản lý, điều hành các hoạt động của xã. Số lượng hương lão, hương trưởng trong tổ chức này khá đông. Tấm bia trùng tu miếu Quan Công năm 1753 ghi lại danh sách chức sắc của xã gồm một cai xã, 4 hương lão, 16 hương trưởng. Lần trùng tu năm 1783 danh sách chức sắc của xã gồm 6 hương lão, 6 hương trưởng (trường hợp một số người lần trùng tu trước là hương trưởng, đến lần này là hương lão). Như vậy, chúng ta thấy rằng, tổ chức "Đại lý xã vụ" thực chất là một hội đồng điều hành hợp bởi những người có uy tín, có tài sản, có năng lực và có công lao đối với xã, trong đó hương lão có vai trò như cố vấn còn hương trưởng là những người trực tiếp điều hành. Do có nhiều hương lão, hương trưởng trong hội đồng nên quyền lực được dàn trải và muốn đi đến thống nhất phải có công nghị. Một số ghi chép trong trong thế kỷ XVIII cho thấy hàng năm xã vụ Minh Hương thường tổ chức một số lần công nghị để giải quyết các việc đối nội, đối ngoại của xã và trong các văn bản pháp lý thường có nhiều hương lão, hương trưởng cùng đứng tên.

Dưới "Tổ chức xã" có nhiều "phụ thuộc" gọi là "Lân", Đứng đầu các "Lân" giúp cho các hương trưởng quản lý xã dân là các Giáp. Về sau có thêm các chức Chính trưởng, Phụ trưởng. Đến thời Minh Mạng, để quản lý phố hộ, buôn bán (Phường buôn - hàng phố) có thêm các chức Chánh trưởng hàng, Phó trưởng hàng và Thư ký (thơ). Các chức này đều do Hội đồng hương lão, hương trưởng bổ nhiệm, riêng thư ký thì do chánh, phó trưởng hàng cử ra.
         
Cùng với việc cho phép thành lập xã Minh Hương, các Chúa Nguyễn cũng như các vua triều nhà Nguyễn sau này đều cấp châu bằng thuận cho Minh Hương xã có "đặc cách" riêng: Trực lệ Quảng Nam Dinh/Tỉnh, không phụ thuộc hoặc chịu sự quản lý của tổ chức hành chính Tổng - phủ - huyện như các làng xã người Việt và có những "đặc ân" riêng: Phối hợp với các nha sở, Ty tàu vụ kiểm soát tàu buôn các nước, cân đo định giá hàng, thông ngôn... được chuẩn miễn việc tuần ty chợ, đò, phu phen, tạp dịch. Tuy triều Tây Sơn, Nguyễn sau này có bổ sung về một số quy định về thuế, dân đinh, tổ chức quản lý nhưng cơ bản vẫn thuận cho xã Minh Hương y theo lệ cũ thời các chúa Nguyễn để sinh sống, hành nghề thực hiện nghĩa vụ đối với chính quyền sở tại.
         
Để quản lý dân đinh tạo cho việc thu - nộp tiền lễ hàng năm chính xác, tương đối công bằng, dân xã Minh Hương được phân loại, chia thành các hạng, gia cư theo hoàn cảnh kinh tế và điều kiện sinh hoạt khác nhau tương ứng như vậy, mỗi loại có biểu thuế nộp khác nhau.

Việc phân chia thứ hạng và có biểu thuế nộp rõ ràng trên thể hiện cách quản lý khá chặt chẽ, công bằng và sự hỗ trợ, trách nhiệm cao của cộng đồng cư dân Minh Hương. Ta biết rằng hai hình thức thuế phổ biến dưới thời phong kiến là thuế đinh và thuế điền. Thuế đinh đóng theo các hạng: Quân, dân, tráng, lão. Thuế điền đánh vào ruộng đất. Việc thu tiền lễ, tiền thuế căn cứ vào khả năng kinh tế và mức độ giàu có như bảng kê trên cho thấy mức thu nhập của các hộ kinh doanh buôn bán đã được xem là một căn cứ để đánh thuế. Điều này chứng tỏ sự tác động mạnh mẽ của hoạt động thương nghiệp, ngoại thương, của quan hệ sản xuất hàng hóa đối với đời sống xã hội tại Hội An nói riêng và Đàng Trong nói chung. Việc thu tiền lễ này cũng góp phần khẳng định đặc trưng hoạt động mang tính thương nghiệp của xã Minh Hương trong các thế kỷ trước đây.
         
Ngoài hệ thống tổ chức quản lý làng - xã  nói trên, trong cộng đồng cư dân Minh Hương còn nhiều hình thức tổ chức có tính chất nhóm họp khác nhằm tương trợ giúp đỡ lẫn nhau theo nhóm dân cư, địa bàn cư trú, nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi, tộc họ v.v...

Đối với cộng đồng nhóm người Hoa không nhập quốc tịch Việt Nam (Hoa Kiều) thì họ có hình thức tổ chức tự quản riêng, đương nhiên phải được sự cho phép và chịu sự quản lý trực tiếp của các cấp Phủ/Tỉnh/Dinh/Trấn và sau này là Tòa Công Sứ của Pháp đóng ở Hội An. Tổ chức tự quản này cũng sớm được hình thành, ngay từ thời kỳ đầu của các Chúa Nguyễn (đầu thế kỷ XVII), những người Hoa đến lập nghiệp, buôn bán ở Hội An không nhập vào làng Minh Hương thì họ đều sinh hoạt tại Dương Thương Hội Quán. Đây là một tổ chức tự quản của người Hoa Kiều nhằm giúp đỡ nhau trên thương trường - buôn bán và quan hệ, giao dịch với chính quyền cấp trên cũng như sở tại. Đây còn là trung tâm tín ngưỡng, thờ tự thần thánh của nhóm cộng đồng cư dân này. Có thể nói, Dương Thương Hội quán vừa là cơ quan quản lý hành chính, vừa là trung tâm tín ngưỡng đồng thời vừa là Hội quán - Câu lạc bộ - trung tâm sinh hoạt kinh tế - văn hóa của cộng đồng nhóm người Hoa kiều ở Hội An. Ở đây, nhằm tổ chức quản lý, họ đặt ra nhiều quy định rất chặt chẽ, ngoài hình thức văn tự ra còn có hình thức văn bia gắn trên tường tại “hội quán” quy định rất cụ thể, gồm 10 điều gọi là “Dương Thương Hội quán Công nghị điều lệ” lập năm 1741.
         
Khi số lượng Hoa Kiều mỗi ngày càng tăng thì ngoài hội quán Phúc Kiến của Hoa Kiều tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc được lập từ trước (vào khoảng năm 1697), các Hoa Kiều có cùng quê/ địa phương ở Trung Quốc đến cư trú tại Hội An tiếp tục hình thành các hội quán riêng như: Quảng Đông/Quảng Triệu hội quán (của người Quảng Đông - lập năm 1885 ); Hải Nam/Quỳnh Phủ hội quán (của người Hải Nam - lập năm 1891 ); Triều Châu hội quán (của người Triều Châu - lập năm 1845). Riêng người Gia Ứng, tuy cũng lập thành một bang riêng nhưng do quá ít người nên không xây dựng hội quán, cùng sinh hoạt chung tại Hải Nam Hội quán. Tại mỗi bang đều có một Bang trưởng do dân trong bang bầu ra, có nhiệm vụ trông coi việc đi lại, sinh hoạt của dân trong bang. Chức vụ giống như ấp trưởng/thôn trưởng của người Việt. Bên cạnh bang trưởng còn có các ủy viên phụ trách các công việc khác nhau gọi là Hội đồng Bang trưởng (số lượng tùy thuộc vào mỗi bang quy định). Dân các bang phần lớn ở rải rác, xen kẽ trong cộng đồng người Việt và người Hoa Minh Hương. Họ phải nộp thuế kiều cư đối với dân đinh gấp 2 - 3 lần người Minh Hương và người Việt.
         
Trong 5 bang họ cùng bầu ra một bang trưởng chung, sau này gọi là Chủ tịch Ngũ Bang hay còn gọi là Trung Hoa Lý sự trưởng và các ủy viên cũng cơ cấu ít nhất mỗi bang phải có một người để trông coi điều hành chung cho cả 5 bang, trụ sở tại Dương Thương hội quán hay còn gọi là chùa Ngũ Bang. Tại đây họ còn mở lớp dạy học cho con em trong bang, ngoài những môn học chung theo quy định của Nhà nước Việt nam từng thời kỳ, họ còn dạy tiếng Trung Quốc. Lớp học này lấy tên là Trường Lễ Nghĩa, chính vì thế ở đây còn có tục danh là chùa Lễ Nghĩa. Đây cũng chính là chùa Ngũ Bang - Hội quán Ngũ Bang hay Trung Hoa hội quán hoặc Dương Thường hội quán.

* Tài liệu trích dẫn

[1] Đào Duy Anh (1957), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (quyển thượng), Hà Nội, tr.143.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn (1963), Đại Nam thực lục chánh biên, Huế, tr.85.

[3] Hiện lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An.

Tác giả: ThS. Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây