Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Tình hình sở hữu ruộng đất của các làng xã ở Hội An qua tư liệu địa bạ triều Nguyễn

Địa bạ là sổ ruộng đất, hay sổ ghi chép về ruộng đất của các đơn vị hành chính cộng đồng cơ sở. Địa bạ được lập từ chủ trương của Triều đình với mục đích trước hết là quản lý đất đai, thu thuế. Địa bạ ghi chép tổng số điền thổ của từng xã, thôn, phường, sổ trại, ấp, động, giáp, áng; kê khai số ruộng vụ hè, vụ thu, thực canh, hoang phế, đền chùa và đất ao vườn, bãi tha ma, đường sá, khe ngòi của địa phương và được các địa phương kê khai lập thành sổ, nộp cho nhà nước.
Địa bạ triều Nguyễn là khối tài liệu có giá trị và chiếm số lượng lớn. Trong những năm qua Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tổ chức sưu tầm tại các địa phương, Trung tâm Lưu trữ trên cả nước thu thập được gần 3000 trang tư liêu địa bạ thuộc các làng xã tại Hội An. Nội dung tư liệu địa bạ phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống xã hội dưới triều Nguyễn về tình hình sở hữu và sử dụng ruộng đất, dân số, tộc người, ngôn ngữ, tổng diện tích thể hiện được quy mô của làng xã đó, cũng như mức độ phân hoá và tập trung ruộng đất như thế nào, tình hình tín ngưỡng – tôn giáo cũng thể hiện rõ về quá trình phân bố đất thờ thần tự, Phật tự,… khả năng sở hữu đất công, tư của một số bộ phận quản lý… Bên cạnh đó, địa bạ còn cho thấy được sự quan tâm của triều Nguyễn đối với việc quản lý đất đai, thuế ruộng, sự quan tâm đến cộng đồng dân cư tại các làng xã. Các địa danh trong địa bạ là nguồn tư liệu quan trọng trong việc định hình các địa danh cổ đối với công tác nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, địa danh, mà còn nhiều lĩnh vực liên quan khác.

Qua quá trình tiếp cận tư liệu địa bạ các làng xã ở Hội An, bước đầu đã thống kê các thông tin trong địa bạ về vị trí địa lý, xác định ranh giới của đơn vị hành chính đó đối với các đơn vị khác ở tứ cận đông, tây, nam, bắc; các địa danh về các thôn, xứ sở qua nội dung ghi chép trong địa bạ đa số đều được thể hiện bằng thể chữ Nôm như xứ Cồn Động, Trảng Kèo, Bến Trễ, Cửa Suối (thuộc làng Thanh Hà); xứ Cồn Giữa, Tu Lễ, Long Thất, Hổ Bì (thuộc làng Cẩm Phô); xứ Bãi Dặm, Làng Tròng, Thân Lân (thuộc làng Thanh Châu)…
 
Dia ba Thanh Chau (1)
 
Một trang địa bạ Thanh Châu - Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Để có điều kiện thực hiện chính sách quân điền, đồng thời quản lý được ruộng đất và người cày trong các làng xã, cũng như tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí đối với ruộng đất, triều đình nhà Nguyễn đã cho thiết lập lại sổ địa bạ và đinh bạ. Vì vậy, việc yêu cầu kê khai ruộng đất công làng xã, tư điền, tư thổ, hay gò hoang, … lúc bấy giờ đặc biệt chú trọng. Dưới triều Nguyễn đã tồn tại ba loại sở hữu ruộng đất: thứ nhất là sở hữu ruộng đất của Nhà nước bao gồm các quan điền (thuộc quyền quản lý trực tiếp của Nhà nước), và quan điền bản xã hay công điền, công thổ (thuộc quyền quản lý gián tiếp của Nhà nước); thứ hai là sở hữu ruộng đất của làng xã (tức ruộng công bản), do triều đình giao cho xã, thôn được sử dụng và cấm bán, trừ một vài trường hợp có thể cầm cố trong hạn 3 năm, hết hạn phải lấy lại (theo phép Quân điền thì ruộng này cứ 3 năm phân chia lại 1 lần cho dân để mỗi người đều có một số ruộng tương tự nhau một cách công bằng); và thứ ba là sở hữu ruộng đất của tư nhân, do tư nhân trồng trọt, và nộp thuế, đất này có thể mua bán, cầm cố, có thể thừa kế, nếu triều đình muốn trưng dụng phải trả tiền bồi thường.

Diện tích đất đai tại các xã ở Hội An đều thuộc loại đất công của làng xã và đất sở hữu tư nhân. Diện tích đất tư càng nhiều càng chứng tỏ rằng ở địa bàn này tập trung ruộng đất vẫn là xu thế phát triển ruộng đất tư nhân. Điều đặc biệt trong những địa bạ này, là xã Đại An – An Bàng do vị trí địa lý của xã là đông giáp biển, tây giáp sông, nam giáp sông, bắc lại giáp biển, nên đất chủ yếu là đất cát trắng của xã có diện tích 453 mẫu 6 sào 3 thước, đất xây dựng vườn, nhà ở 32 mẫu 3 thước, đất thờ Thần tự 2 mẫu, nhưng số lượng đất hoang phế chiếm diện tích lớn nhất 438 mẫu 6 sào so với các xã khác.

Dia ba Thanh Ha (1)

Một trang địa bạ Thanh Hà - Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
 
Với sự hình thành và phát triển khá đặc biệt của vùng đất Hội An xưa, với một nền kinh tế đa dạng ngành nghề truyền thống như nghề nông, nuôi tằm, ươm tờ, đánh cá, mộc,… cũng như sự hiện diện một nền kinh tế mang tính thương nghiệp về việc lập nên một làng xã, nơi cư trú, buôn bán sinh sống tại xã Minh Hương so với các làng xã khác, cũng là một trong những yếu tố chi phối sâu sắc đến vấn đề sở hữu ruộng đất. Thông qua chế độ sở hữu và canh tác của những ruộng đất này cũng sẽ giúp hiểu được bản chất, đặc điểm của kinh tế và xã hội ở các thế kỷ trước về khai khẩn đất hoang mà còn ở giai đoạn sau này. Với số lượng lớn thổ điền đã thể hiện được quá trình khai hoang lập địa, mở rộng đất canh tác, quản lý sổ sách điền thổ công tư, kinh tế nông nghiệp, địa lý tự nhiên, địa danh, vấn đề về làng xã Việt Nam…, tại các địa phương nói chung, Hội An nói riêng thời bấy giờ. Các khoảnh đất công tư, nương rẫy, đất thờ cúng, đất thờ tín ngưỡng, đất bỏ hoang, đất vườn nhà, đất thổ mộ,… đều được kê khai đầy đủ, đông tây tứ cận cụ thể rõ ràng, các vụ mùa hạ thu, ruộng hạng 2, 3, người nào canh tác, thuộc quyền sở hữu của cá nhân, hay tập thể đều được kê khai minh bạch.

Như vậy, tình hình quản lý đất đai, tình hình khai hoang lập ấp, sở hữu ruộng đất của Việt Nam dưới triều Nguyễn tại Hội An xưa vô cùng mạnh mẽ, và được chú trọng, quan tâm trong đời sống, xã hội. Việc quản lý, khai thác, canh tác được quan tâm cũng tạo điều kiện phát triển những ngành nghề truyền thống, đa dạng về cách thức hoạt động.

Tư liệu Hán Nôm đặc biệt là Địa bạ là một trong những nguồn tài liệu cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả. Địa bạ không chỉ phong phú về số lượng mà còn mang nhiều giá trị trên các lĩnh vực đã tồn tại theo thời gian. Những tài liệu này đều là những bản viết tay của các chức dịch tại các xã, thôn, phường của mỗi địa phương nên càng nâng tầm giá trị của tài liệu. Mặc dù số lượng còn lại cho đến ngày nay không nhiều do các yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng tài liệu địa bạ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong công tác phục vụ nghiên cứu khoa học, lịch sử, địa lý,… của Hội An.
 
 

Tác giả: Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây