Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Hội An qua một số tư liệu
- Chủ nhật - 04/07/2021 23:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Đại Càn là tên gọi dân gian của một vị nữ thần có danh hiệu được triều Nguyễn sắc phong đầy đủ là: Hàm hoằng, Quang đại, Chí đức, Phổ bác, Hiển hóa, Trang huy, Dực bảo trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương thượng đẳng thần. Đại Càn là vị thần giữ vị trí đứng đầu trong danh sách các vị thần được thờ tự và là vị chủ thần được thờ trang trọng nhất ở nhiều đình làng tại Hội An cũng như các địa phương ở Quảng Nam. Trong các bản văn tế tại nhiều đình, miếu, thần hiệu Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương thượng đẳng thần thường đứng ở vị trí đầu tiên.
Ảnh Tư liệu: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản
Với mong muốn cung cấp thêm thông tin về thần Đại Càn, nội dung dưới đây của bài viết chúng tôi trình bày khái quát về tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Hội An qua tư liệu Quảng Nam xã chí, Quảng Nam tỉnh tạp biên và thần tích thần sắc[1]sưu tầm được tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin Khoa học Xã hội.
1. Vài nét về thần Đại Càn và tín ngưỡng thờ Đại Càn
Về nguồn gốc của vị thần Đại Càn, trong tác phẩm Ô Châu cận lục ghi chép như sau: “Tứ vị thánh nương: Xét trong Bản Truyện thì phu nhân họ Triệu, công chúa của nhà Nam Tống. Tứ Vị Thánh Nương gồm mẹ và ba người con, phu nhân là con gái út. Năm Thiệu Bảo nguyên niên đời Trần Quang Tôn nhà Tống. (Bấy giờ) Tống Đoan Tông chạy ra một hòn đảo ngoài biển rồi bị bệnh mà mất. Thừa tướng Thiên Tường bị bắt, Lục Tú Phu nhảy xuống biển tự tử, Thế Kiệt bị chết đuối, số người chết kể cả tôn thất cùng với quan lại và nhân dân đến hơn một vạn. Phu nhân và mẹ cùng ba người chị vớ được một tấm ván thuyền, dạt vào một ngôi chùa ở bờ biển, đói khổ buồn bã. Nhà sư trông thấy mà cảm thương, bèn cho ăn và bảo dưỡng mấy tháng liền. Bốn mẹ con được nhàn hạ và no đủ nên thân thể hồi phục, dung mạo đẹp đẽ lạ thường, nhà sư trong chùa thấy thế sinh lòng tà dâm, đêm đến hỏi xin thông dâm với phu nhân. Phu nhân giữ tiết nên quyết cự lại. Nhà sư ngộ ra, lấy làm xấu hổ, bèn nhảy xuống biển trầm mình mà chết. Mẹ con phu nhân cùng khóc và nói: Mẹ con ta đội ơn nhà sư cứu vớt nuôi dưỡng nên mới bảo toàn được tính mạng, nay nhà sư lại vì ta mà trầm mình chết, vậy thì ta còn có thể sống được hay sao. Nói rồi mẹ của phu nhân lao xuống biển, lúc ấy phu nhân và các chị cũng tự trầm theo. Thi thể trôi dạt đến ven biển cửa Càn Hải ở Diễn Châu nước Việt ta. Thổ dân thấy thi thể không hư tổn, bèn nói với nhau bên kia bờ biển hiểm yếu sao mà trôi mấy ngàn dặm, áo quần, dung mạo vẫn như người còn sống, xinh đẹp đến lạ lùng. Họ cho là thần, vội chôn cất cẩn thận rồi lập đền thờ cúng. Từ đó, phàm là thuyền buôn bán gần xa, hễ gặp phong ba là vội khẩn khoản cầu khấn và chỉ trong phút chốc quả nhiên được bình an. Đến nay các cửa biển đều lập đền thờ cúng tế. Đây là vị phúc thần linh thiêng nhất của Nam Hải vậy…”[2].
Theo tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư, vị thần Đại Càn được ghi chép: như sau:
“… Hưng Long[3] năm thứ 20 (1312), tháng 6, vua từ Chiêm Thành về (đến kinh đô). Các quan bái yết đều mặc áo ngắn cả, vì đồ quân phục đều bị ướt hết. Lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải.
Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải (trước là Càn, tránh tên huý đổi là Cần), đóng quân lại, đêm nằm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. [Quân nhà vua] tiến thẳng đến thành Đồ Bàn, bắt được [chúa Chiêm] đem về. Đến nay, sai hữu ty lập đền, bốn mùa cúng”[4].
Theo những điều tra về thần tích, thần sắc về các làng xã ở Hội An vào những năm 1937 - 1939, tại làng Phước Trạch[5], tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn (nay thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An) lưu truyền thần tích về thần Đại Càn được thờ tại làng như sau:
“Bà Đại Càn là vợ vua Đế Bính ở cuối đời Tống bên Tàu. Lúc ấy vua Tống đánh nhau với vua nhà Kim, nhà Nguyên. Vua Tống thế yếu bị thua phải tự tử. Vợ vua Đế Bính tức là bà Đại Càn, xem thế không xong, bà cũng theo chồng mà nhảy xuống sông tự tử, bà trôi đến một nơi được người dân vớt lên còn sống, và ở chung với ông thầy chùa, ở được ít lâu, ông thầy chùa là người không giữ đúng với đạo tu hành, vì nài ép bà, bà không chịu nên đã tự tử một lần nữa. Lần này, bà trôi đến nước ta, vào cửa Đại Càn ở Bắc Kỳ. Người ta thấy người chết mà vẫn giữ nguyên sắc nên có do dự mà vớt chôn rất tử tế. Tiếp lại, vong linh bà nhập ở người mà lên đồng nói năng, kể lể rõ ràng nên người ta mới lập miếu mà thờ. Sau lại, nước ta thời nhà Trần, thuyền vua đi gặp sóng gió to, phải nghỉ lại ở làng gần cửa Đại Càn. Tối lại vua nằm thấy chiêm bao “một người đàn bà mang một cái nón thúng tới xin chịu giúp vua”.
Sáng ngày, nhớ lại vua hỏi ở trong làng có thờ ai không? vì sao thờ? dân gian tâu lên rõ ràng, vua làm thinh mà đi ra đánh. Bây giờ gió êm, biển lặng, vua đánh được hơn. Thế là nhờ bà Đại Càn linh hiển phò giúp, vua tin thật, trở về ban truyền phong sắc bảo mỗi làng phải lập đình mà thờ. Cho nên ngày nay, làng nào cũng thờ bà, lấy tên là Đại Càn, vì vua đi đánh có ghé ở cửa Đại Càn và nhờ bà giúp cũng ở đấy.
Thần Đại Càn có sắc nhà vua phong tặng: Lúc ban sơ bà được phong tước là Đại Càn quốc gia Nam Hải tôn thần, sau đến vua Tự Đức phong tặng là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa, ngày mồng 2 tháng 11 Tự Đức thứ 5. Lần thứ hai được gia tặng là Trừng trạm Đại Càn quốc gia Nam Hải, ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33. Đến vua Đồng Khánh y phong là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Đại Càn quốc gia Nam Hải, ngày mồng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2. Đến vua Duy Tân phong tặng là Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải, ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3.
Làng Phước Trạch chỉ thờ một mình bà, thờ tại đình. Thờ thần không có tượng, có 1 hương áng, vài cái bàn thường, 1 cái khám, hoành phi, liễn đối, sắc phong, tam sự ngũ sự, 2 hàng lão bộ, không có mão, áo, hia nịt, gươm giáo... Những ngày cúng tế: cúng xuân (ngày 6 tháng 2), cúng thu (ngày 6 tháng 8), cúng lễ kỷ niệm (ngày 2 tháng 5), ngày tết (ngày 1 tháng Giêng)”.
Qua những thông tin trên, bước đầu chúng ta có thể biết được thần Đại Càn vốn là người trần, vì chiến tranh loạn lạc và giữ tiết hạnh mà chết, trôi giạt đến cửa biển nước Đại Việt, sau do hiển linh và có công phò giúp vua Trần Anh Tông, nên vua cho lập đình thờ bà và tổ chức cúng tế hàng năm. Sau này, dưới thời các vua nhà Nguyễn, thần Đại Càn được đăng trật và có nhiều mỹ tự được gia phong như Hàm hoằng, Quang đại, Chí đức, Phổ bác, Hiển hóa, Trang huy, Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần. Qua khảo sát các di tích tín ngưỡng ở Hội An nhận thấy có nhiều di tích, đặc biệt là đình làng có thờ Đại Càn như đình Ông Voi của làng Hội An, đình Đại Càn ở Tân Hiệp, … Đặc biệt Ô Châu cận lục còn cho ta biết được rằng “phàm là thuyền buôn bán gần xa hễ gặp phong ba là khẩn khoản cầu khấn và chỉ trong phút chốc quả nhiên được bình an”. Điều này cho thấy đây là vị thần bảo hộ cho các thương thuyền và thương nhân. Hội An là một thương cảng lớn, nơi có nhiều ghe thuyền buôn bán trên biển, nên tín ngưỡng thờ bà Đại Càn phát triển là việc dễ hiểu.
2. Tín ngưỡng thờ Đại Càn ở Hội An qua tư liệu Quảng Nam xã chí và Quảng Nam tỉnh tạp biên
Vào nửa đầu thế kỷ 20, Viện Viễn Đông Bác cổ thực hiện điều tra về các làng xã ở Quảng Nam, trong đó có 11 làng ở Hội An. Kết quả của đợt điều tra được tập hợp thành 2 tập tư liệu là Quảng Nam xã chí (QNXC) và Quảng Nam tỉnh tạp biên (QNTTB). Trong 2 tập tài liệu này có ghi chép những thông tin về thần Đại Càn.
Quảng Nam xã chí thống kê về số lượng sắc phong thần Đại Càn ở các làng xã tại Hội An bằng cách ghi chép các danh hiệu, mỹ tự và ngày tháng năm được sắc phong, còn Quảng Nam tỉnh tạp biên ghi chép lại toàn văn nội dung sắc phong bằng chữ Hán cho vị thần này theo từng làng xã.
Qua kết quả xử lý hai nguồn tư liệu này, số lượng sắc phong cho thần Đại Càn tại các làng xã ở Hội An được thống kê như sau:
Bảng 1. Bảng kê số lượng sắc phong thần Đại Càn tại một số làng xã ở Hội An trong Quảng Nam xã chí và Quảng Nam tỉnh tạp biên
Stt | Tên làng xã | Quảng Nam xã chí | Quảng Nam tỉnh tạp biên | ||
Tổng số sắc phong của làng | Số sắc thần Đại Càn | Tổng số sắc phong của làng | Số sắc thần Đại Càn | ||
1 | Hội An[6] | 22 | 10 | 22 | 10 |
2 | Cẩm Phô | 27 | 8[7] | 37 | 5 |
3 | Minh Hương | 33 | 0 | 34 | 0 |
4 | Sơn Phong | 23 | 8 | 23 | 8 |
5 | Tân Hiệp | 20 | 5 | 20 | 5 |
6 | Để Võng | 17 | 2 | 17 | 1 |
7 | Sơn Phô | 19 | 5 | 19 | 5 |
8 | An Mỹ | 18 | 8 | 22 | 8 |
9 | Thanh Nam | 20 | 5 | 20 | 5 |
10 | Thanh Đông | 21 | 5 | 21 | 5 |
11 | Thanh Hà | 27 | 5 | 42 | 5 |
Tổng | 247 | 61 | 277 | 57 | |
100% | 24,6% | 100% | 20,5% |
Qua bảng kê trên cho thấy có 10/11 làng xã ở Hội An được điều tra có thờ thần Đại Càn và được triều đình cấp sắc phong. Làng có số lượng sắc phong thần Đại Càn nhiều nhất là làng Hội An (10 sắc phong), tiếp đến là làng Sơn Phong và làng An Mỹ với 8 sắc phong, làng có số lượng sắc phong ít nhất là làng Để Võng (2 sắc phong). Riêng làng Minh Hương không có sắc phong nào về thần Đại Càn. Điều này cũng dễ hiểu, tại các di tích tín ngưỡng cộng đồng cũng như tại gia đình người Hoa thờ rất nhiều các vị thần khác nhau, trong đó có nhiều vị thần có nguồn gốc từ Nam Trung Hoa. Những hình thức tín ngưỡng chủ yếu của người Hoa ở Hội An như Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Huyền Thiên Đại Đế… Số lượng sắc phong cho thần Đại Càn trong QNXC và QNTTB gần như giống nhau.
Bảng 2. Bảng kê các lần sắc phong thần Đại Càn cho các làng xã ở Hội An trong QNXC và QNTTB
Stt | Tên làng xã | Các lần sắc phong | |||||||||
Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) | Ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) | Ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) | Ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3 (1850) | Ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852) | Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880) | Ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) | Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) | Ngày 8 tháng 6 năm Duy Tân thứ 5 (1911) | Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) | ||
1 | Hội An | 1 | 1 | 2 | 1 | 2 | 1 | 1 | 1 | ||
2 | Cẩm Phô | 1[8] | 1[9] | 2 | 1 | 1 | 1 | 1 | |||
3 | Minh Hương | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
4 | Sơn Phong | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | ||
5 | Tân Hiệp | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | |||||
6 | Để Võng | 1[10] | 1 | ||||||||
7 | Sơn Phô | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | |||||
8 | An Mỹ | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | ||
9 | Thanh Nam | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | |||||
10 | Thanh Đông | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | |||||
11 | Thanh Hà | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
Qua bảng thống kê trên cho thấy, số đơn vị sắc phong tại các làng xã ở Hội An trong QNXC và QNTTB cơ bản tương đối giống nhau. Tuy nhiên, đối với sắc phong thần Đại Càn vào ngày 12/4 và ngày 14/5 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) tại làng Cẩm Phô và ngày 6 tháng 8 năm Duy Tân thứ 5 (1911) tại làng Để Võng chỉ được thống kê trong Quảng Nam xã chí. Ba làng ở Hội An được ban sắc phong đối với thần Đại Càn sớm nhất là Hội An, Sơn Phong, An Mỹ vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) có thêm làng Cẩm Phô. Những lần sắc phong còn lại hầu hết các làng đều được sắc phong cho thần Đại Càn.
Qua mỗi lần được ban sắc phong, tên hiệu và mỹ tự của thần Đại Càn được đăng trật, gia phong qua các năm như sau:
Bảng 3. Bảng kê các lần sắc phong Đại Càn và các danh hiệu được phong trong Quảng Nam xã chí và Quảng Nam tỉnh tạp biên
TT | Tên hiệu | Gia phong | Ngày tháng năm sắc phong |
1 | Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương | Hàm hoàng Quang đại Chí đức | Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) |
2 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Hàm hoằng Quang đại Chí đức tứ vị thánh nương | Phổ bác tứ vị thượng đẳng thần | Ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) |
3 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác tứ vị thượng đẳng thần | Hiển hóa | Ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) |
4 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa tứ vị thượng đẳng thần | Trang huy | Ngày 25 tháng 9 năm Tự Đức thứ 3 (1850) |
5 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Hàm hoằng Quang đại Chí Đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy tứ vị thượng đẳng thần | Đăng trật y cựu phụng sự | Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880) |
6 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy tứ vị thượng đẳng thần | Dực bảo Trung hưng | Ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) |
7 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng tứ vị thượng đẳng thần | Đăng trật | Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) |
8 | Đại Càn quốc gia Nam Hải Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng tứ vị thượng đẳng thần | Đăng trật | Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) |
Có thể thấy rằng, tại các làng xã ở Hội An, thần Đại Càn được đăng trật và gia phong vào thời các vua nhà Nguyễn, trong đó sắc phong thần Đại Càn có niên đại sớm nhất là vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), và muộn nhất là vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), và trải qua 2 lần được đăng trật vào năm Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924). Qua các lần được sắc phong và các danh hiệu được phong thì tên đầy đủ của thần Đại Càn: Đại Càn quốc gia Nam Hải Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng tứ vị thượng đẳng thần.
Thời Thiệu Trị, chỉ trong vòng hơn một tháng từ 12 tháng tư đến 14 tháng năm đã có 2 lần Đại Càn được gia phong mỹ tự. Thời Tự Đức, Đại Càn tứ vị được sắc phong 2 lần (1 lần gia phong mỹ hiệu và 1 lần đăng trật), hai lần này cách nhau 30 năm... Qua các lần sắc phong cho thấy, về thứ bậc, Đại Càn tứ vị là vị thần được phong cấp thượng đẳng ngay từ lần phong đầu tiên, chứng tỏ sự quan trọng của tín ngưỡng thờ Đại Càn Nam Hải tứ vị - những vị thần biển, trong đời sống tinh thần của cư dân[11].
3. Một vài nhận xét, đánh giá
Tín ngưỡng thờ Đại Càn là tín ngưỡng phổ biến ở Hội An, Quảng Nam nói riêng và ở các địa phương ven biển từ Nghệ An, Hà Tỉnh trở vào Nam. Đây là tín ngưỡng của những người đi lại trên biển, đặc biệt là những người buôn bán bằng đường biển.
Có một số nhà nghiên cứu cho rằng Đại Càn là tên gọi có nguồn gốc Mã Lai - Đa Đảo (Mailayo - polynesien) là Ikan, có nghĩa là cá nói chung. Từ điển Cam - Vietnamien - Francais ghi Ikan là cá. Đại Càn có nghĩa là cá lớn, một kiểu ghép từ giữa tiếng Hán và 1 tiếng gốc Mã lai. Có lẽ đây là tín ngưỡng thờ cá tương tự việc thờ cá Ông (cá voi) ảnh hưởng từ Champa.
Việc thờ bà Đại Càn phổ biến và đặt bà vào vị trí chủ thần ở nhiều đình miếu cho thấy sự sùng tín đặc biệt của những người đi biển đối với vị nữ thần này.
Tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về tục thờ bà Đại Càn sẽ cho ta nhiều thông tin thú vị về quá trình giao lưu - tiếp biến văn hóa tại địa phương nói riêng, cả nước nói chung cũng như những vấn đề tín ngưỡng liên quan đến biển đảo ở nước ta.
[1] Bản gốc Quảng Nam xã chí và Quảng Nam tỉnh tạp biên lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[2] Dương Văn An (2009), Ô châu cận lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.95-97.
[3] Vua Trần Anh Tông (1293-1314).
[4] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Nxb Khoa học xã hội, tr.98.
[5] Thần tích thần sắc làng Phước Trạch, bản sao lưu trữ tại Trung tâm QLBT DSVH Hội An.
- Vì nhiều tên làng trùng nhau nên năm 1936 được đổi thành làng Điển Hội.
[7] Tại miếu Hội Đồng tỉnh có 3 sắc phong Đại Càn vào các năm Minh Mạng thứ 5 (1824) và 2 sắc năm Thiệu Trị thứ 3 (1843).
[8] Theo Quảng Nam xã chí
[9] Theo Quảng Nam xã chí
[10] Theo Quảng Nam xã chí
[11] Tham khảo thêm bài viết “Các vị thần biển được thờ/tôn sùng tại các đình làng, lăng, miếu ở Hội An” của tác giả Trần Văn An, năm 2016.