Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Tiến về phố Hội giữa mùa xuân lịch sử

Bị thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc bằng cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn với trận B.52 trong 12 ngày đêm (18 - 29/12/1972), quân, dân miền Bắc đã đập tan, đánh thắng một bộ phận quan trọng trong chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc - hậu phương lớn của cả nước.
thi xa hoi an 1975
Lễ ra mắt Ủy ban Quân quản Thị xã Hội An năm 1975 - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An 
 
      Từ những thắng lợi về quân sự, chính trị đã tạo điều kiện cho ta giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Ngày 27/01/1973 “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (Hiệp định Paris) đã được ký kết. Thế nhưng nhân dân ta chưa có một ngày được hưởng hòa bình, tự do, Mỹ-ngụy vi phạm trắng trợn Hiệp định, ở miền Nam súng vẫn nổ, máu vẫn chảy và cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn.

      Trên chiến trường Hội An, địch huy động một lực lượng quân sự lớn, tập trung tối đa vũ khí mở các cuộc hành quân vây ráp, tràn ngập lãnh thổ, lấn chiếm các vùng giải phóng của ta ở Cẩm An, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh. Mặt khác, chúng tăng cường đánh phá phong trào cách mạng và cơ sở quần chúng bằng nhiều thủ đoạn hết sức thâm độc, tàn bạo. Âm mưu của chúng là hòng kiểm soát được nhiều dân, chiếm được nhiều đất, xóa thế xen kẽ “da báo” và những vùng căn cứ lõm của ta để làm chủ chiến trường.

     Trong những ngày ác liệt này, quân và dân Hội An đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường. Bộ đội, du kích ngày đêm vùi mình trong cát bỏng ở An Bàng, Tân Thành; ngâm mình trong bùn dưới rừng dừa nước Cẩm Thanh để kiên trì bám đánh địch, bẻ gãy hàng loạt đợt tiến công của chúng để giữ vững trận địa. Nhưng tình hình ngày càng trở nên phức tạp, cuối tháng 5/1974 địch tăng thêm viện binh mở đợt tấn công quy mô lớn hơn. Trong khi điều kiện chiến trường bị cô lập, những yêu cầu cấp bách về quân số, vũ khí, lương thực, thực phẩm không có nguồn tiếp tế bổ sung; sức của, sức người dần dần vơi cạn. Do đó để bảo tồn lực lượng, tháng 6/1974 quân ta chủ động rút khỏi chiến trường. Thị ủy quyết định bố trí cán bộ và du kích các xã trở về địa phương bám trụ tiếp tục xây dựng thực lực cách mạng. Lực lượng vũ trang và những bộ phận tiền tiêu lấy vùng Xuyên Thái, Xuyên Tân (Duy Xuyên) và Thượng Phước (Cẩm Kim) làm địa bàn đứng chân và xây dựng bàn đạp để chuyển thế phong trào cách mạng. Lực lượng hợp pháp đẩy mạnh hoạt động trong vùng địch, xây dựng các đường dây liên lạc đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt, kịp thời của Thị uỷ. Lực lượng hậu cần tiếp tục xây dựng ở vùng núi Xuyên Trà (Duy Xuyên), Sơn Phúc, Sơn Khánh (Quế Sơn) phục vụ chiến trường.

      Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân, dân Hội An bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, phức tạp và đứng trước những thử thách mới. Nhưng Đảng bộ Thị xã đã nắm vững đường lối cách mạng của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng nên đã tiến hành nhiều biện pháp linh hoạt để không ngừng phát triển thực lực cách mạng về mọi mặt ở vùng căn cứ và vùng địch kiểm soát. Năm 1974, Thị ủy ta đã xây dựng được 14 chi bộ hợp pháp với 76 đảng viên hoạt động trong lòng địch. Các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ, nông hội, lão thành, thiếu nhi, công đoàn ở vùng địch được củng cố, phát triển. Cơ sở cách mạng trong khuông hội, chủng hội Phật giáo, hội đồng cứu đói, đội ngũ trí thức, thương phế binh, kể cả trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền đều có cơ sở cách mạng được móc nối và hoạt động hiệu quả.

      Cuối năm 1974, cách mạng nước ta có những bước phát triển thuận lợi. Ở miền Nam quân và dân ta đã thực hiện chiến lược phản công và tổng tấn công đánh bại cơ bản kế hoạch “bình định” của địch, buộc chúng phải quay về cố giữ những đô thị và một số vùng chiến lược. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình cách mạng miền Nam, từ ngày 30/9 đến ngày 8/10 năm 1974, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị quyết định phương án giải phóng miền Nam. Theo phương án đó, Hội nghị nhất trí phương án giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976, đồng thời phê chuẩn kế hoạch tác chiến năm 1975 của Bộ Tổng tham mưu, đôn đốc các chiến trường, các lực lượng khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Hội nghị nhận định, sau Hiệp định Paris “sự suy yếu của địch là toàn diện”; về phía ta “sau khi quân Mỹ rút hết, ta càng mạnh hơn và nhất định ta sẽ đánh thắng hoàn toàn quân ngụy”.
 
hoi an le xuyen tan
Đoàn ghe của phụ nữ Hội An lên Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành, Duy Xuyên) đón bộ đội về giải phóng Hội An  tháng 3/1975
 
      Trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, với chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước, Thượng Đức đã gây nên tiếng vang lớn. Phối hợp cùng với chiến trường cả tỉnh, lực lượng vũ trang Hội An cùng với du kích và bộ đội Duy Xuyên mở những cuộc tấn công liên tục, diệt và làm bức rút hàng loạt cứ điểm, chốt điểm của địch ở Xuyên Tân, Xuyên Thái, hỗ trợ đồng bào phá banh khu dồn Triều Châu; vùng giải phóng Đông Duy Xuyên được mở rộng, tạo ra một bình phong vững chắc uy hiếp địch từ phía nam thị xã. Và lúc này cách mạng miền Nam đang có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là sự kiện giải phóng tỉnh Phước Long. Đây là thực tế sinh động góp phần quan trọng để Bộ Chính trị ra quyết định giải phóng miền Nam  trong 2 năm 1975 - 1976, đồng thời nắm vững thời cơ chiến lược sẵn sàng giải phóng miền Nam trong năm 1975.

       Thực hiện quyết tâm chiến lược đó, quân và dân ta đã đem hết tinh thần và lực lượng tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền, mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên đại thắng (10/3/1975) cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Ngày 10/3/1975, Bộ Chính trị chủ trương giải phóng miền Nam trong năm 1975.

      Tình hình chiến trường diễn biến hết sức khẩn trương, thời cơ cách mạng đang chín muồi. Ngày 21/3/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ ra, quân ta ta thu được nhiều thắng lợi trên tất cả các chiến trường.

      Hòa chung khí thế tiến công, lực lượng vũ trang Thị xã chủ động tác chiến tiêu diệt nhiều đồn bót, chốt điểm ở Xuyên Thọ, tấn công diệt gọn một đại đội địa phương quân của địch ở thôn 3 Cẩm Kim. Vùng giải phóng được mở rộng từ Nam Phước đến Xuyên Thọ qua Cẩm Kim. Hành lang Xuyên Thái - Xuyên Tân - Xuyên Long - Cẩm Kim được thiết lập. Ngày 25/3/1975, Ủy ban khởi nghĩa Thị xã được thành lập, ngay sau đó ủy ban khởi nghĩa các xã cũng ra đời. Một số cán bộ được phân công về bám sát địa bàn, tập hợp lực lượng chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở các thôn, xã. Ngày 24/3/1975, sư đoàn 3 ngụy bị đánh tan rã ở Quảng Ngãi, Tam Kỳ rút chạy về Hội An làm tăng số lượng quân ngụy lên đến gần 1 vạn quân. Đám quân thất trận này đã suy sụp về tinh thần, bắt đầu tan rã về tổ chức và rối loạn về chỉ huy..

      Thời cơ cách mạng đã đến! 12 giờ trưa ngày 27/3/1975, Ủy ban khởi nghĩa Thị xã quyết định phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng toàn Thị xã.

      Hai giờ chiều ngày 27/3 hàng chục cơ sở của ta đưa thuyền máy lên tận vùng giải phóng Xuyên Tân, Xuyên Thái đón cán bộ, bộ đội về giải phóng Thị xã. 2 giờ sáng ngày 28/3/1975, lực lượng của ta chia làm nhiều hướng, nhiều bộ phận tập kích vào nội ô Hội An. Mũi thứ nhất từ Xuyên Tân vượt qua Cẩm Kim, qua Ngọc Thành về chiếm lĩnh bến xe và tiến đánh tiểu khu Quảng Nam tấn công về phía Tây Bắc Thị xã đánh chiếm khu Chi Lăng, khu vực lao xá, miếu ông Cọp và sân bay. Mũi thứ hai từ Xuyên Tân vượt qua Cẩm Thanh tiến về nội ô đánh chiếm quận lỵ Hiếu Nhơn, khu Công binh, Tiểu khu và chốt giữ các ngã đường trong nội ô. Mũi thứ ba từ Cẩm Thanh tiến về Cồn Chài đánh chiếm trại Tây Hồ, Ty cảnh sát và các mục tiêu quan trọng khác. Phối hợp nhịp nhàng với các mũi tiến công quân sự, nhân dân ở 12 khu đồn và trại tập trung đồng loạt nổi dậy làm chủ hoàn toàn các vùng ngoại ô Thị xã ngay trong đêm 27/3/1975.

      5 giờ sáng ngày 28/3/1975, sau khi chiếm lĩnh hầu hết trận địa, các mục tiêu của địch, giải phóng nhà lao, quân ta tập kết về Tòa Hành chính Quảng Nam. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng do Thị đội Hội An kéo lên phất phới tung bay trên dinh luỹ kẻ thù, toàn bộ hệ thống ngụy quân, ngụy quyền ở Hội An bị tan rã. Quần chúng hò reo, từng đoàn người xuống đường giương cao cờ, biểu ngữ mừng thắng lợi. Làng quê, phố xá ngập tràn trong niềm hân hoan của ngày hội chiến thắng vẹn toàn.

      Chiều ngày 29/3/1975, đồng chí Võ Chí Công từ Đà Nẵng vào thị sát tình hình Hội An và triệu tập lãnh đạo Thị ủy Hội An họp tại tỉnh đường Quảng Nam, lệnh cho Hội An giải phóng Cù Lao Chàm. Đoàn công tác trưng dụng 03 chiếc tàu đánh cá 45 mã lực của ngư dân Cẩm Thanh, Cẩm An, cấp tốc ra truy kích, bắt sống toàn bộ quân địch đang chạy trốn tại Cù Lao Chàm. 9 giờ sáng ngày 30/3/1975, Cù Lao Chàm được giải phóng.

      Ngày 30 tháng 3 năm 1975, Ủy ban Khởi nghĩa thị xã Hội An được chuyển thành Ban Quân quản thị xã Hội An, ra tuyên bố xóa bỏ các cấp chính quyền ngụy, thành lập Ban Quân quản các xã, phường.

      Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở Hội An toàn thắng, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, kết thúc quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử: giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, mở ra một bước ngoặt vĩ đại, thiết lập quyền làm chủ của nhân dân, cùng cả nước quá độ lên CNXH.  47 mùa xuân đã đi qua nhưng tinh thần bách chiến, bách thắng của ngày 28/3/1975 mãi mãi là niềm tự hào của bao thế hệ người Hội An, tô thắm trang sử hào hùng của quê hương Di sản.

Tác giả: Phùng Tấn Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây