Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Thương gia người Hoa ở Hội An - Đàng Trong trong việc kết nối chúa Nguyễn với Thiền sư Thích Đại Sán

Thiền sư Thích Đại Sán là một trong những vị sư nổi tiếng của Trung Hoa vào cuối thế kỷ 17. Danh tiếng của ông không chỉ được biết đến ở vùng Lưỡng Quảng Trung Quốc mà còn đến tận Việt Nam. Ông từng được chúa Nguyễn nhiều lần thỉnh mời sang Đàng Trong và là một trong số ít những nhân vật lịch sử Trung Hoa được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi tên trong Đại Nam liệt truyện: “Thạch Liêm hòa thượng, hiệu Đại Sán Ông Thị, quê ở Chiết Tây Trung Quốc, học rộng tao nhã uyên bác… Cuối nhà Minh, người Thanh vào cai trị Trung Quốc, Liêm giữ nghĩa, không chịu làm tôi nhà Thanh, bèn lạy từ mẹ già, xuống tóc đi tu, cầm tích trượng vân du, những sơn thủy danh thắng, chân đi gần khắp”. [1]
Hai ngoai ky su

Tác phẩm Hải ngoại kỷ sự do Thiền sư Thích Đại Sán viết trong thời gian lưu trú ở vùng Thuận Quảng
 
Trong việc mời Thiền sư Thích Đại Sán đến Đàng Trong vào những năm cuối thế kỷ 17 của chúa Nguyễn Phúc Trăn và chúa Nguyễn Phúc Chu thì giới thương gia người Hoa ở Hội An - Đàng Trong lúc đó có một vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối chúa Nguyễn với Thiền sư Đại Sán cũng như việc sang Trung Quốc để thỉnh mời ông. Khởi nguồn cho việc chúa Nguyễn biết đến danh tiếng Đại Sán phải kể đến các thương gia người Hoa chuyên lui tới buôn bán giữa hai vùng Lưỡng Quảng và Đàng Trong, bởi Thiền sư Đại Sán không chỉ nổi tiếng trong giới Phật giáo mà còn nổi tiếng cả về thi họa trong giới văn đàn và lại có mối quan hệ tốt với giới thương gia, quý tộc và quan lại ở vùng Lưỡng Quảng thời kỳ này. Hơn nữa, vào cuối thời nhà Minh, người Thanh vào cai trị Trung Quốc, vì giữ nghĩa không chịu làm tôi nhà Thanh nên Thiền sư Đại Sán đã xuống tốc xuất gia vì vậy ông được rất nhiều người Trung Quốc vốn bất mãn nhà Thanh hết sức tung hô và ca ngợi.

Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên: “Anh Tông hoàng đế nghe nói Liêm học đủ đạo Phật, bèn sai Tạ Nguyên Thiều đi sang Quảng Đông đón cao tăng. Liêm mừng liền cùng Nguyên Thiều vượt biển sang Nam. Khi đến nơi, chúa cho Liêm ở chùa Thiên Mụ. Đời Hiển Tông hoàng đế thường mời vào nói chuyện đạo Phật. Chúa yêu quý vì là người học tinh và rộng. Liêm khéo can ngăn tư lúc việc chưa xảy ra, cũng có nhiều điều bổ ích[2] và trong truyện Tạ Nguyên Thiều Đại Nam liệt truyện tiền biên còn chép rằng: “Tạ Nguyên Thiều, tên tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 19 tuổi xuất gia, đến ở chùa Báo Tự, là môn đệ của Khoáng Viên hòa thượng. Thái Tông hoàng đế, năm thứ 17 Ất Tỵ (1665), Nguyên Thiều theo thuyền buôn sang Nam, cắm tích trượng ở phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di Đà, mở rộng pháp môn. Sau đó Nguyên Thiều đến núi Phú Xuân ở Thuận Hóa dựng chùa Quốc Ân, xây tháp Phổ Đồng. Rồi vâng lệnh Anh Tông hoàng đế đi sang Quảng Đông mời Thạch Liêm hòa thượng và lấy pháp tượng pháp khí. Khi về được sắc sai trụ trì chùa Hà Trung[3]. Căn cứ theo tư liệu này thì vào năm Ất Tỵ (1665), Tạ Nguyên Thiều đã từ vùng Quảng Đông theo thuyền buôn sang vùng Quy Ninh và Phú Xuân ở Thuận Hóa, đến thời Anh Tông (Chúa Phúc Trăn, ở ngôi 1687 - 1691) đã được chúa trọng dụng vào việc thỉnh mời thiền sư Thích Đại Sán. Tuy nhiên, trên thực tế, Thiền sư Đại Sán chưa từng đi cùng Tạ Nguyên Thiều sang Đàng Trong vào giai đoạn này. Tác giả Chen Jing Ho trong quyển Thất Thập tế kỷ Quảng Nam chi tân sử liệu sau khi phân tích và đối chiếu hai tư liệu Đại Nam liệt truyện tiền biênHải ngoại kỷ sự đã cho rằng Thiền sư Thích Đại Sán sang Đàng Trong không phải do Tạ Nguyên Thiều mời đi, nghĩa là dưới thời Anh Tông không mời được Đại Sán[4]. Trong bài tựa Hi ngoại kỷ sự do chính chúa Nguyễn Phúc Chu đề: “Trường thọ Bản sư Lão hòa thượng, ta từ ngày đương ở sừ vị (đương làm thế tử) đã nhiều năm ngưỡng mộ, Tiên vương (tức Nghĩa vương) đưa thư mời rước hai lần không qua. Mùa thu năm Giáp Tuất, ta muốn vâng chịu Bồ tát giới pháp, nối chí Tiên vương, sai người qua rước, may được hòa thượng nhậm lời[5]. Điều này càng được củng cố hơn vì theo sách Hoa di biến thái (quyển 22), chép lời khẩu cung của chủ thuyền Quảng Đông, vào năm Ất Hợi (1695) rằng: “Nhưng mà Quảng Nam Quốc vương (chỉ chúa Phúc Chu) lâu nay vẫn quy y Phật giáo, sẵn lòng hâm mộ Thạch Liêm thiền sư, cư trú tại Quảng Đông Trường thọ am, là người có đạo đc thịnh tốt, cho nên mùa thu năm ngoái từng sai Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan, hai tên ấy làm chuyên sứ đi qua Quảng Đông rước mời”[6]. Như vậy, dưới thời Hiển Tông (chúa Phúc Chu, ở ngôi 1691 - 1725) Thiền sư Đại Sán mới đặt chân sang Đàng Trong và việc thỉnh mời Đại Sán sang do hai thương gia người Mân Nam ở vùng Lưỡng Quảng thường xuyên qua lại buôn bán ở Hội An - Đàng Trong lúc đó là Trần Thiêm Quan và Ngô Tư Quan đảm nhiệm: “người Tỉnh Mân chuyên đi sứ nước Đại Việt mà Đại Sán bảo đấy hiển nhiên là thương khách từng qua lại buôn bán giữa Quảng Đông và Quảng Nam, nhưng trong hai người, hình như Trần Thiêm Quan có một lai lịch giá trị hơn. Cứ theo báo cáo của bọn thương khách thì Trần Thiêm Quan từng làm thuyền trưởng thuyền Quảng Nam chuyến 73, ngày 12 tháng 7 năm Bính Dần (1686, Khương Hy thứ 25) từ Quảng Nam đến Trường Kỳ[7]

Qua việc đối chiếu các nguồn sử liệu có thể thấy việc mời thiền sư Thích Đại Sán sang Đàng Trong vào những năm cuối thế kỷ 17 qua hai đời chúa Nguyễn đều do người Hoa ở Đàng Trong lúc đó thực hiện. Trong vai trò kết nối giữa chúa Nguyễn với Thiền sư Thích Đại Sán, giới thương gia người Hoa ở Hội An - Đàng Trong đã tích cực giúp chúa Nguyễn trong việc mời Thiền sư Thích Đại Sán sang Đàng Trong. Việc tận dụng các ưu thế về ngôn ngữ và thông thổ của giới thương gia người Hoa trong việc thỉnh mời Thiền sư Đại Sán sang Đại Việt đã cho thấy được sư tài tình, khôn ngoan của các chúa Nguyễn trong việc khôi phục lại nền Phật giáo nước nhà lúc bấy giờ.
 
Tài liệu trích dẫn:
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2014, Tr 151.

[2] Sđd, Tr 151.

[3] Sđd, Tr 150.

[4] Bùi Quang Hùng, Mối liên hệ và sự ảnh hưởng của Thiền sư Đại Sán với chúa Nguyễn Phúc Chu, Tạp chí Hán Nôm số 4 (113) 2012, Tr 54 - 59.

[5] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Q3, Viện Đại học Huế, 1963, Tr 9 - 10.

[6] Trần Kính Hòa, Hải ngoại kỷ sự, bài viết đăng trên website Khoa Văn học và Ngôn ngữ trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ngày 8/11/2017.

[7] Trần Kính Hòa, Bài viết đã dẫn.
 
 

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây