Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Thông tin về di tích mộ bà họ Phạm ở Hậu Xá

Ở Hội An, mộ cổ là một trong những loại hình di tích có số lượng khá lớn và độc đáo về hình thức kiến trúc, mô típ trang trí, kết cấu, chất liệu, kỹ thuật tạo tác, có sự phong phú, đa dạng về thành phần dân cư và tập quán tống táng liên quan. Thanh Hà là vùng đất hiện còn bảo tồn được rất nhiều ngôi mộ cổ có giá trị về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Trong số đó có ngôi mộ bà họ Phạm hiện vẫn còn được gìn giữ tốt, được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An.
Ngôi mộ hiện tọa lạc tại địa phận khối Hậu Xá, phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Từ bến xe buýt Hội An đi theo đường Nguyễn Tất Thành về hướng Tây khoảng 700m đến trụ sở Bảo hiểm xã hội thành phố Hội An (số 38 Nguyễn Tất Thành), nhìn sang hướng tay trái sẽ thấy một đường bê tông nhỏ, đi vào đường bê tông khoảng 130m, từ vị trí này nhìn sang hướng tay trái khoảng 100m là thấy di tích (chỉ có thể đi bộ vào di tích).
 
mo ba ho pham
Di tích mộ bà họ Phạm - Ảnh: Trần Phương
 
      Theo nội dung bia mộ cho biết đây là nơi yên nghỉ của bà họ Phạm, người làng Minh Hương, là vợ cả của ông Cửu phẩm Lê Tấn Ký. Ngôi mộ được xây dựng vào thời Bảo Đại năm thứ 2 (năm 1927), cách ngày nay 94 năm. Ông Lê Tấn Ký là người lập nên hiệu buôn Tấn Ký nổi tiếng thời bấy giờ ở Hội An. Hiện nay là nhà cổ Tấn Ký (số 101 Nguyễn Thái Học, phường Minh An), di tích được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1985. Nhà cổ Tấn Ký là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu giá trị về lịch sử, kiến trúc độc đáo của ngôi nhà này.

      Ngôi mộ được xây dựng trên một gò đất tương đối cao, xung quanh di tích là đất canh tác hoa màu, khuôn viên có tổng diện tích là 106m2 (theo trích lục bản đồ đất do UBND phường Thanh Hà cấp ngày 14/11/2011). Mặt tiền di tích xoay theo hướng Đông Bắc, tổng thể di tích vẫn còn tốt, quy mô bề thế, kiến trúc khá đặc trưng với nhiều họa tiết trang trí cát tường độc đáo. Ngôi mộ có các hạng mục: Cổng, tường bao, tay ngai, bao bia + bia mộ, nấm mộ, bình phong hậu.
 
hang muc binh phong mo ba ho pham
Hạng mục bình phong hậu mộ bà họ Phạm - Ảnh: Trần Phương
 
      Hạng mục cổng gồm có 04 trụ liên kết dạng hình chữ nhật, đầu trụ được tạo gờ chỉ, hai trụ ngoài liên kết với tay ngai và tường bao có kiểu thức giống hai trụ cổng nhưng thấp hơn. Hai trụ lớn và trụ hai bên cách nhau 0,60m, liên kết bằng một đoạn tường, tại vị trí cạnh ngoài của trụ cổng liên kết với đoạn tường gắn đồ án án hồi văn và cụm mây. Mặt trước hai trụ ngoài liên kết với hạng mục tay ngai, tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại hạng mục tay ngai ở bên trái (theo hướng mộ), hạng mục tay ngai bên phải đã bị hư hại hoàn toàn. Phía trên tay ngai tại vị trí liên kết với trụ gắn đồ án hồi văn và cụm mây (chất liệu vữa).

      Liên kết với mặt trong hai trụ ngoài là hạng mục tường bao, xây bằng gạch, tô trát vữa. Mặt trong tường bao được tạo ô hộc, trang trí đối xứng nhau, cụ thể: hai ô bên ngoài cùng đắp nổi đồ án hình bông hoa 04 cánh (màu vàng) trên nền chữ nhật (màu xanh dương), hai ô tiếp theo bên trong đắp nổi hình tròn (màu xanh dương), ô chính giữa đắp nổi đồ án liên hoàn (03 hình tứ giác nối nhau).

      Tường bao kéo dài liên kết với bình phong hậu. Bình phong có dạng hình cuốn thư, được xây bằng gạch thẻ, tô trát vữa, hai cạnh bình phong được tạo hình theo kiểu thức như hai trụ biểu, trên đầu trụ tạo gờ chỉ. Chính giữa mặt trong bình phong đắp nổi kết hợp khảm các mảnh sứ tạo thành đồ án dơi ngậm chữ 壽 (thọ), chữ thọ được thể hiện theo thủ bút triện thư (dạng tròn), phần đế đắp nổi dạng chân quỳ. Hai nếp bên của bình phong được khoét âm tường dạng hình chữ nhật, bên trong đắp nổi đồ án quả phật thủ (hai bên đối xứng nhau). Tại vị trí cạnh hai trụ biểu bình phong liên kết với tường bao có gắn đồ án hồi văn và cụm mây (đúc bằng chất liệu vữa).

      Hạng mục bao bia có dạng hình cuốn thư, được xây bằng vật liệu vữa hợp chất (hiện trạng cho thấy có việc tu sửa, tô trát thêm vữa xi măng), đế bia bằng chất liệu đá xám, mặt trước đế bia chạm nổi đồ án “hồi văn dây lá”. Bia mộ được làm bằng chất liệu cẩm thạch trắng, có dạng hình chữ nhật vát góc hai cạnh trên. Diềm ngoài bia chạm nổi các đồ án trang trí khá tinh xảo, cụ thể: Diềm trên chạm nổi đồ án “lưỡng long chầu nhật”, hình tượng rồng được thể hiện theo kiểu thức “cành lá hóa long”; diềm bên trái bia chạm nổi đồ án thuộc bát bửu kết hợp dải lụa bao quanh thân: thanh kiếm – thoi sách – đầu ngọc như ý, bầu hồ lô – bút – đầu ngọc như ý, cặp sáo – sừng tê giác – đầu ngọc như ý; diềm bên phải: Đàn tỳ bà – đầu ngọc như ý, quạt ba tiêu – đầu ngọc như ý, phất trần – đầu ngọc như ý; diềm dưới chạm nổi đồ án “song ngư chầu nguyệt” cùng hình tượng sóng nước. Diềm bên trong chạm nổi đồ án hồi văn chữ 卍 (vạn) cách điệu. Tại vị trí liên kết bên dưới diềm trong đầu bia chạm nổi đồ án dơi cách điệu, hai bên là các cụm mây được tạo hình mềm mại, đồng thời hai bên cánh dơi liên kết với hình tượng dây và quả tua. Lòng bia khắc chìm các dòng chữ Hán, sơn màu đỏ: 

      Nguyên văn:

      顯 祖 妣 明 江 正 九 品 黎 公 進 記 正 室 范 孟 氏 孺 人 㞢 墓;
      保 大 弍 年 丁 邜 冬;
      嫡 孫 瑩 琦 曾 孫 瓛 璋 玫 珏 球 仝 立.

      Phiên âm:

      Hiển Tổ tỷ Minh giang chánh Cửu phẩm Lê công Tấn Ký chánh thất Phạm Mạnh thị nhụ nhân chi mộ;
      Bảo Đại nhị niên Đinh Mão đông;
      Đích tôn Oánh, Kỳ; tằng tôn Hoàn, Chương, Mai, Giác, Cầu đồng lập.
 
bia mo ba ho pham
Bia mộ bà họ Phạm - Ảnh: Trần Phương
 
      Sau hạng mục bia mộ là nấm mộ dạng hình chữ nhật, nấm mộ được tạo 4 bậc cấp, tô trát vữa; toàn bộ nền mộ được láng bằng chất liệu xi măng.

      Ngôi mộ bà họ Phạm (vợ ông Lê Tấn Ký) có niên đại thế kỷ XX với kiến trúc đặc trưng còn được gìn giữ tương đối tốt là tư liệu thực địa quý góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình phát triển của cộng đồng người Hoa Minh Hương ở Hội An trong lịch sử. Đây còn là nơi thể hiện lòng thành kính “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ con cháu tộc Lê, qua đó gắn kết tình cảm yêu thương, gần gũi giữa các thành viên, góp phần chung tay gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của gia tộc thông qua việc thường xuyên chăm nom, hương khói tại ngôi mộ trong các dịp lễ Tết, Thanh Minh, ngày kỵ giỗ bà vào ngày 4 tháng 8 âm lịch.

      Đây còn là một trong những công trình mộ táng có giá trị được xây dựng vào thời gian đầu thế kỷ XX còn được gìn giữ ở Hội An; là tư liệu thực địa góp phần nghiên cứu về kiến trúc, nghệ thuật loại hình di tích mộ táng ở Hội An.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây