Thông tin về di tích miếu Âm linh ở phường Sơn Phong
- Thứ ba - 10/03/2020 03:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngôi miếu tọa lạc tại địa phận khối Phong Hòa, phường Sơn Phong. Đây là ngôi miếu thờ các vị âm linh, cô hồn ở làng Sơn Phong xưa. [1]
Miếu Âm Linh tọa lạc tại khối Phong Hòa, phường Sơn Phong.
Theo tín ngưỡng dân gian, âm linh hay cô hồn là những người vô gia cư, không có con cháu thờ tự hoặc có thể họ vẫn còn gia đình, người thân nhưng trong các thời kỳ loạn lạc, phải ly biệt quê hương, trong hoàn cảnh đó chẳng may “tai bay vạ gió” mà mất đi nơi “đất khách quê người”; các chiến sĩ tử trận không rõ thân nhân, không biết tên tuổi để cúng giỗ hằng năm vô tình trở thành những linh hồn cô độc, không người hương khói, không nơi thờ tự; những người xiêu mồ lạc mả, không nơi nương tựa... nên phải lập nơi thờ tự gọi là miếu Âm hồn/Âm linh.[1]
Hiện nay, chưa tìm được tài liệu xác định chính xác thời gian khởi tạo ngôi miếu. Qua thông tin hồi cố của các vị cao niên sinh sống lân cận ngôi miếu cho biết ngôi miếu được khởi dựng cách đây khoảng hơn 100 năm. Theo thông tin còn lưu lại trên văn bia của ngôi miếu cho biết vị trí này nguyên thuộc địa phận làng Sơn Phô, về sau toàn bộ khuôn viên miếu được sáp nhập vào địa phận làng Sơn Phong. Theo Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử của tác giả Nguyễn Chí Trung, tái bản lần thứ 4 năm 2019: “…phường Sơn Phong ngày nay, nguyên trước là phần đất của các làng nhỏ hình thành vào thế kỷ XVIII đó là Phong Hộ, Đông An. Sau được nhập lại thành làng An Phong và nhập thêm làng mới là Mậu Tài (từ Huế vào làm nghề Thau cước). Đến khi trở thành Sơn Phong là do Công sứ Pháp cắt 18 mẫu đất của làng Sơn Phô nhập vào”[2].
Tấm bia đá ghi tên các vị tiền nhân đã đóng góp kinh phí xây dựng ngôi miếu.
Tương truyền, khuôn viên của miếu trước đây khá rộng, khoảng một mẫu đất (tương đương 4970m2 theo cách tính hiện nay); ngôi miếu có kết cấu kiểu ba gian, mái lợp ngói âm dương, trong miếu có gắn bia đá khắc ghi danh sách những cá nhân, tập thể đóng góp công sức xây dựng ngôi miếu này. Sau năm 1968, ngôi miếu bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng theo thời gian vùi lấp trong lòng đất. Đến năm 1980, nhân dân địa phương xây một khám thờ nhỏ để tiện bề hương khói tại vị trí trong khu đất miếu cũ; đặt bên cạnh khám thờ là một phần tấm bia đá đã bị vỡ (tấm bia đá được phát hiện trong lúc thi công xây dựng công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Nam), trên mặt bia còn ghi lại một số thông tin: “Sơn Phô xã, Minh Nghĩa tộc” và tên một số vị tiền nhân đã đóng góp kinh phí xây dựng ngôi miếu. Năm 2015, với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, ngôi miếu được xây dựng lại với quy mô như hiện nay trên vị trí khu đất cũ của miếu. Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức cúng tế tại ngôi miếu vào ngày 16 tháng 02 âm lịch.
Bình phong trang trí đề tài "Tùng lộc".
Ngôi miếu có mặt tiền quay về hướng Tây; mặt bằng tổng thể gồm có: Bình phong, đỉnh hương, chính điện và hậu tẩm. Bình phong kiểu cuốn thư, chính giữa mặt ngoài trang trí phù điêu khảm sành sứ đề tài “Long Mã phụ hà đồ”, hai trụ đắp nổi cặp câu đối chữ Hán: 蔭 憑 護 助 安 人物 / 靈 顯 扶 持 穩 社 村 (Âm bằng hộ trợ an nhân vật / Linh hiển phù trì ổn xã thôn). Chính giữa mặt trong bình phong trang trí đề tài “Tùng lộc”. Kế đến là đỉnh hương bằng chất liệu xi măng. Chính điện (kiểu một gian hai chái) có kích thước: Dài 4,6m, rộng 5,4m; mái lợp ngói âm dương; bờ chảy cong nhẹ, đầu bờ chảy gắn “dao lá” khảm sành sứ; bờ nóc thẳng, trên bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng Long chầu nguyệt” bằng hình thức khảm sành sứ. Hậu tẩm kiểu cổ lâu, trên bờ nóc trang trí đề tài “Lưỡng Long chầu nguyệt” bằng hình thức khảm sành sứ. Mặt tiền miếu có 04 trụ tròn, mặt ngoài đắp nổi các cặp câu đối chữ Hán: 日照 庭 前 花 滿 地 / 風 和 堂 內 木 生 香 (Nhật chiếu đình tiền hoa mãn địa / Phong hòa đường nội mộc sinh hương); 山 豐 古 廟 存 天 地 / 會 舖 古 亭 永 世 人 (Sơn Phong cổ miếu tồn thiên địa / Hội phố cổ đình vĩnh thế nhân).
Phía trên tường mặt tiền gian giữa và hai chái đắp nổi 03 bức hoành, trên mỗi bức hoành đắp nổi các chữ Hán, cụ thể:
Bức hoành gian giữa
山 豐 (Sơn Phong)
廟 陰 靈 (Miếu Âm linh)
廟 陰 靈 (Miếu Âm linh)
Bức hoành chái phía Đông
陰 安 (Âm an)
Bức hoành chái phía Tây
陽 泰 (Dương thái)
Không gian thờ tự bên trong miếu.
Không gian thờ tự bên trong miếu.
Bên trong chính điện bố trí 02 bàn thờ ở hai chái. Bàn thờ tại vị trí sát tường chái Đông xây khám thờ, trán khám thờ trang trí đề tài: “Lưỡng Long chầu bát quái”, phần viền trên bên trong khám thờ trang trí cuốn thư, bốn góc trang trí đề tài hoa lá, hai viền bên trang trí cặp câu đối chữ Hán: 日月 孤 魂 住 / 朝 暮 陰 靈 歸 (Nhật nguyệt cô hồn trú / Triêu mộ âm linh quy); chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ Hán: 招 魂 (Chiêu hồn); quần bàn trang trí đề tài chim Phụng. Tương tự về hình thức tạo hình là bàn thờ bên tường chái Tây, riêng phần trán khám thờ và bốn góc có đề tài trang trí giống khám thờ phía Đông, còn lại tại vị trí viền trên bên trong khám thờ trang trí đề tài thanh kiếm; hai viền bên trang trí cặp câu đối chữ Hán: 形 骸 歸 吉 地 / 香 火 念 前 灵 (Hình hài quy cát địa / Hương hỏa niệm tiền linh), chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ Hán: 奉 靈 (Phụng linh); quần bàn trang trí đề tài Phụng ngậm cuốn thư.
Bên dưới đòn đông chính điện gắn xà cò bằng gỗ, khắc các chữ Hán: 岁 次 乙 未 季 冬 吉 日 二 零 一六 年 本 坊 山 豐 同 修 造 (Tuế thứ Ất Mùi Quý Đông cát nhật nhị linh nhất lục niên bổn phường Sơn Phong đồng tu tạo).
Phía trên tường lối vào hậu tẩm đắp nổi một bức hoành chữ Hán: 山 豐 陰 靈 廟 (Sơn Phong, Âm linh miếu); lạc khoản bên trái bức hoành: 丙 申 年 孟 春 (Bính Thân niên mạnh thái 2016); lạc khoản bên phải bức hoành: 山 豐 坊 同 奉 立 (Sơn Phong phường đồng phụng lập).
Mặt ngoài hai trụ trước lối vào hậu tẩm đắp nổi cặp liễn đối chữ Hán: 廟 宇 尊 嚴 四 時 求 國 泰 / 陰 靈 顯 赫 萬 古 護 民 安 (Miếu vũ tôn nghiêm tứ thời cầu quốc thái / Âm linh hiển hách vạn cổ hộ dân an).
Bên trong hậu tẩm bố trí 01 bàn thờ, chính giữa khám thờ trang trí đề tài “Lưỡng Long chầu bát quái”, xung quanh trang trí đề tài “Tứ linh” (long, lân, quy, phụng); chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ Hán: 陰 德 (Âm đức), hai bên viền khám thờ đề cặp câu đối chữ Hán: 萬 古 陰 灵 畱 正 氣 / 千 秋 廟 宇 奉 英 魂 (Vạn cổ âm linh lưu chính khí / Thiên thu miếu vũ phụng anh hồn). Trên bàn thờ đặt 01 giá kỉnh viết các chữ Hán: 山 豐 (Sơn Phong), 陰 灵 (Âm linh); quần bàn trang trí đề tài “Long ngư hý thủy”.
Trải qua bao biến động, thăng trầm của lịch sử, sự hiện diện của ngôi miếu minh chứng cho những giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống dường như trường tồn với thời gian, luôn đóng giữ vai trò quan trọng trong đời sống của con người Hội An nói chung, cư dân làng Sơn Phong nói riêng. Với những giá trị trên, ngôi miếu đã được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An tại Thông báo số 03/TB-UBND, ngày 03/01/2020.
* Chú thích và Tài liệu trích dẫn:
[1] Ngày xưa, tại mỗi làng ở Hội An luôn có một khu đất riêng dành để chôn cất những người vô gia cư gọi là đất âm linh hay Nghĩa trủng và lập một miếu thờ gọi là miếu âm linh/âm hồn hay cô hồn. Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn mang một ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là sự cảm thông sâu sắc giữa người sống nơi dương thế với người chết nơi cõi âm lạnh lẽo.
Bên dưới đòn đông chính điện gắn xà cò bằng gỗ, khắc các chữ Hán: 岁 次 乙 未 季 冬 吉 日 二 零 一六 年 本 坊 山 豐 同 修 造 (Tuế thứ Ất Mùi Quý Đông cát nhật nhị linh nhất lục niên bổn phường Sơn Phong đồng tu tạo).
Phía trên tường lối vào hậu tẩm đắp nổi một bức hoành chữ Hán: 山 豐 陰 靈 廟 (Sơn Phong, Âm linh miếu); lạc khoản bên trái bức hoành: 丙 申 年 孟 春 (Bính Thân niên mạnh thái 2016); lạc khoản bên phải bức hoành: 山 豐 坊 同 奉 立 (Sơn Phong phường đồng phụng lập).
Mặt ngoài hai trụ trước lối vào hậu tẩm đắp nổi cặp liễn đối chữ Hán: 廟 宇 尊 嚴 四 時 求 國 泰 / 陰 靈 顯 赫 萬 古 護 民 安 (Miếu vũ tôn nghiêm tứ thời cầu quốc thái / Âm linh hiển hách vạn cổ hộ dân an).
Bên trong hậu tẩm bố trí 01 bàn thờ, chính giữa khám thờ trang trí đề tài “Lưỡng Long chầu bát quái”, xung quanh trang trí đề tài “Tứ linh” (long, lân, quy, phụng); chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ Hán: 陰 德 (Âm đức), hai bên viền khám thờ đề cặp câu đối chữ Hán: 萬 古 陰 灵 畱 正 氣 / 千 秋 廟 宇 奉 英 魂 (Vạn cổ âm linh lưu chính khí / Thiên thu miếu vũ phụng anh hồn). Trên bàn thờ đặt 01 giá kỉnh viết các chữ Hán: 山 豐 (Sơn Phong), 陰 灵 (Âm linh); quần bàn trang trí đề tài “Long ngư hý thủy”.
Trải qua bao biến động, thăng trầm của lịch sử, sự hiện diện của ngôi miếu minh chứng cho những giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống dường như trường tồn với thời gian, luôn đóng giữ vai trò quan trọng trong đời sống của con người Hội An nói chung, cư dân làng Sơn Phong nói riêng. Với những giá trị trên, ngôi miếu đã được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An tại Thông báo số 03/TB-UBND, ngày 03/01/2020.
* Chú thích và Tài liệu trích dẫn:
[1] Ngày xưa, tại mỗi làng ở Hội An luôn có một khu đất riêng dành để chôn cất những người vô gia cư gọi là đất âm linh hay Nghĩa trủng và lập một miếu thờ gọi là miếu âm linh/âm hồn hay cô hồn. Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn mang một ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là sự cảm thông sâu sắc giữa người sống nơi dương thế với người chết nơi cõi âm lạnh lẽo.
[1] Nguyễn Chí Trung, (2019), Cư dân Faifo – Hội An trong lịch sử (tái bản lần thứ 4), tr 270.
[2] Nguyễn Chí Trung, Sđd, tr 71.
* Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Chí Trung, 2019, Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử (tái bản lần 4), NXB Đà Nẵng.
- UBND phường Sơn Phong, 2011, Di tích đình Sơn Phong, Phạm Thúc Hồng biên soạn.
- Viện Viễn Đông bác cổ (1941-1943), Quảng Nam xã chí, tài liệu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
- Lê Thị Ngọc Hương, 2013, Báo cáo kết quả khảo sát bước đầu miếu Âm Linh ở khối Phong An, phường Sơn Phong, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
* Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Chí Trung, 2019, Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử (tái bản lần 4), NXB Đà Nẵng.
- UBND phường Sơn Phong, 2011, Di tích đình Sơn Phong, Phạm Thúc Hồng biên soạn.
- Viện Viễn Đông bác cổ (1941-1943), Quảng Nam xã chí, tài liệu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
- Lê Thị Ngọc Hương, 2013, Báo cáo kết quả khảo sát bước đầu miếu Âm Linh ở khối Phong An, phường Sơn Phong, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền