Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Sông Cổ Cò qua một số tư liệu lịch sử

Sông Cổ Cò (Lộ Cảnh Giang) là con sông nổi tiếng trong lịch sử thương mại xứ Quảng trước đây, từng giữ vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An trong lịch sử. Dòng sông này được ghi chép, mô tả trong nhiều tư liệu lịch sử như địa bạ, bản đồ, du ký, biên khảo,…
Song CC

Một đoạn sông Cổ Cò - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

Trong nhật ký truyền giáo của giáo sĩ Dòng Tên là Cristophoro Borri viết vào những thập niên đầu của thế kỷ XVII tuy chưa đề cập trực tiếp đến sông Cổ Cò nhưng đã cho chúng ta biết khá rõ về thương cảng Hội An và hệ thống sông - cửa biển dẫn vào thương cảng này: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam (Hội An). Người ta cập bến bằng hai cửa biển: một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng ba hay bốn dặm, kế đó biển chia thành hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng bảy hay tám dặm, làm thành như hai con sông luôn tách rời nhau để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn. Tàu bè từ hai phía tới cũng đi vào con sông này[1].
         
Năm 1695, Thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang Đàng Trong để thuyết giảng đạo Phật. Sau khi ở Phú Xuân một thời gian, ngày 07 tháng 8 cùng năm, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử một đội ngự lâm quân cùng 8 Hồng thuyền của phủ chúa đưa Thiền sư cùng đoàn tuỳ tùng đến Hội An để đáp thuyền buôn về nước. Sau khi đoàn thuyền vượt biển Đà Nẵng, đã đi vào sông Cổ Cò. Thiền sư Thích Đại Sán đã ghi lại chuyến đi trên sông Cổ Cò vào nhật ký của mình: “Cơm nước xong, trống đồng lại nổi lệnh. Các quân-nhân đương thổi cơm trên bờ, có kẻ đương ăn, có kẻ chưa ăn, cũng có kẻ đương nấu hoặc đương vò gạo, đều dẹp lại, vội vàng chạy đến mở dây thuyền. Mõ đánh giữa dòng, các thuyền khi đi hàng dọc, khi sắp hàng ngang, khi đi thẳng một hàng, khi chia thành hai dãy; ba quân miệng hò khoan, chân dậm ván, thảy đều đúng nhịp, rập ràng. Gió thổi hiu hiu, nước xanh lạnh lẽo; rừng tre thâm thẩm, bãi cát sáng ngời; đã vui mừng gió thuận buồm xuôi, lại hớn hở gần ngày về nước. Tấc lòng khoan khoái, biết lấy chi cân… Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt… Giám-quan nghe vậy, bèn thưa rằng: “Quốc-Vương khiến ngày nay phải đưa Hoà-thượng đến Hội-An, nếu trễ chúng tôi sợ có lỗi trái lệnh. Vả lại quân-nhân hàng nghìn, chỗ này không kiếm đâu ra lương thực. Xin Hoà-thượng về thuyền, lúc khác rảnh rang sẽ trở lại”. Ta tiếc sơn-thuỷ thắng-du, tạo vật ghét ghen gì bấy. Kế lên thuyền, mở neo chưa bao lâu, mặt trời đã về tối. Thuyền do sông nhánh đi đường tắt, nước ròng cạn, bị thuyền lương ngáng đường, quân-nhân nhảy xuống bùn lầy, kéo đẩy không nhúc nhích. Nội-giám giận đánh lung tung, quân-nhân nỗ lực vác thuyền đẩy đi. Qua canh hai, đến bờ Hội-An[2].

Trong tấm bản đồ do Đại uý hải quân Le Floch de la Carrière vẽ năm 1745 đã miêu tả sông Cổ Cò với cái tên “Bras de Mer de Touranne a Fayfo” chỉ rõ dòng sông nối từ Đà Nẵng (người nước ngoài gọi là Touranne) với Hội An. Về sau, Đại uý Gore và Bromfield trong tấm bản đồ Mặt bằng cảng Turon trên bờ biển của Đàng Trong vẽ vào năm 1764 cũng có nhắc đến con sông này.

Cuối thế kỷ XVIII, John Barrow đến vùng vịnh Đà Nẵng, trong nhật ký của mình, ông đã ghi lại sự kiện một viên sĩ quan tàu bị quan địa phương bắt vì lý do muốn thăm dò con sông dẫn đến Faifo: “Một sĩ quan tàu Lion vì rất nhiệt tình muốn thăm dò sông dẫn đến Faifo, vượt quá sự thận trọng, đã bị bắt vào lúc ban đêm. Bị giam vào trong một loại pháo đài nhỏ, với toàn bộ thuỷ thủ trên thuyền[3].

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định biên soạn vào năm 1803, hoàn thành năm 1806, dưới thời vua Gia Long đã ghi chép một cách tường tận về hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy của nước ta vào đầu thế kỷ XIX, trong đó có nhắc đến sông Cổ Cò: “Chảy theo hướng nam 862 tầm thì đến cửa Đại Chiêm, ra hướng Bắc 6.558 tầm thì đến kênh Cổ Cò rồi cùng chảy ra cửa biển Đà Nẵng[4].
         
Dưới thời vua Tự Đức, sách Đại Nam nhất thống chí, trong mục núi sông chép rằng: “Sông Cổ Cò: ở hạ bạn hai huyện Hoà Vang và Diên Phước từ xã Thanh Châu phía bắc cửa biển Đại Chiêm, chảy về phía Bắc mất 42 dặm, qua phía Tây núi Ngũ Hành vào sông Cẩm Lệ, đổ ra cửa biển Đà Nẵng. Lòng sông bị cát bồi lấp nông cạn, phải đợi thuỷ triều thuyền mới có thể đi thông được”[5].
         
Trong Đồng Khánh dư địa chí, được biên soạn vào đời vua Đồng Khánh đến những năm đầu vua Thành Thái (khoảng thời gian từ 1887 - 1890), tuy chưa trực tiếp nhắc đến tên gọi sông Cổ Cò nhưng trong phần bản đồ tỉnh Quảng Nam và các phủ, huyện trực thuộc đã thể hiện rất rõ vị trí con sông Cổ Cò chảy từcửa Đại Chiêm (Hội An) đến Cửa Hàn (Đà Nẵng).

Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục (1842 - 1923), trong Đại Nam dư địa chí ước biên do ông biên soạn vào năm Duy Tân thứ 2 (1908), có ghi: “Sông Lộ cảnh ở giữa hai huyện Diên Phước và Hoà Vang, từ xã Thanh Châu, chảy theo hướng bắc, qua phía tây núi Tam Thai, đổ vào sông Cẩm Lệ. Nay nước sông đã cạn, thuyền bè không qua được[6].

Trong hồ sơ 286 của phông Bộ Công chánh và Giao thông (1948 - 1966) và hồ sơ 93 của phông Toà Đại biểu Chính phủ Trung Nguyên - Trung Phần ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II và Quốc gia IV, bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An, có nhắc đến việc xây dựng đập Ngự Hàm Đế Võng trên sông Cổ Cò và mốc thời gian xây dựng hoàn thành đập vào năm 1959.

Ngoài ra, con sông Cổ Cò còn được nhắc đến trong các tư liệu tộc họ, văn bia ở khu vực Hội An và Đà Nẵng như: Gia phả tộc Nguyễn Viết ở làng Đế Võng: “Tiền hiền Đế Võng cụ Nguyễn Viết, người gốc Nghệ An, đời nhà Lê theo quân lính xuống phía Nam tới Quảng Nam. Thấy có những con sông (chỉ sông Cổ Cò) chiếm lấy trưng khai làm ruộng nước, dựng cơ đồ vĩnh cửu tại đây, tập trung những cư dân ở đất phù sa lại để lập xã hiệu dần dần đã trở thành làng đã lâu đời rồi vậy. Thời gian này vào giữa những năm của đời Thịnh Đức - Cảnh Thịnh (1653 - 1671)[7].

Tấm bia chí kỷ niệm đê sông xã Hóa Khuê Đông ở phường Hoà Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng lập ngày 6 tháng 6 năm Khải Định thứ 7 (1922). Nội dung văn bia nói về việc đắp đê ngăn mặn sông Cổ Cò ở cánh đồng xã Hoá Khuê Đông (trước đây thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)[8].

Qua một số tư liệu trên cho thấy, sông Cổ Cò được nhắc đến khá sớm trong các tư liệu lịch sử. Những thông tin ghi chép về vị trí, dòng chảy, các hoạt động nghề nghiệp trên sông Cổ Cò,… là những dữ liệu quan trọng góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu, nhận diện những giá trị về mặt lịch sử - văn hóa Hội An nói riêng, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nói chung.
 
* Tài liệu trích dẫn: 
 
[1] Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và chú thích, Nxb TP.HCM, 1998, tr.91.
 
[2] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế - Uỷ ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Huế, 1963, tr.146 - 147.
 
[3] J. Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793),Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.67.
 
[4] Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch, chú giải và giới thiệu, Nxb Thuận Hoá, Huế, 2005.
 
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, Tập 2, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1997, tr.364.
 
[6] Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Nxb Văn học, 2003, tr.93.
 
[7] Nguyễn Chí Trung, Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng, 2019, tr.69.
 
[8] Đinh Thị Toan, “Bia chí kỷ niệm đê sông xã Hóa Khuê Đông”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng, số 03 – 2013, tr.107.

Tác giả: Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây