Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX: nhìn từ Hội An, Quảng Nam

Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX khởi phát đầu tiên trên đất Quảng Nam, sau đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh thành ven biển miền Trung và trở thành một phong trào vận động cách mạng trên phạm vi cả nước. Phong trào này do “bộ ba Quảng Nam” là Phan Châu Trinh, Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng với tư tưởng đổi mới dân tộc dựa trên nền tảng các học thuyết về dân chủ/dân quyền, dân trí của phương Tây và thực tiễn công cuộc canh tân của Nhật Bản.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Duy Tân đã có những ảnh hưởng to lớn đến tư tưởng, trình độ giác ngộ và tinh thần đấu tranh chống lại các thể chế cai trị độc tài ở Việt Nam lúc bấy giờ. Việc nghiên cứu một cách đầy đủ và hệ thống về phong trào Duy Tân là hết sức cần thiết, có ý nghĩa nhiều mặt. Nội dung dưới đây của bài viết chỉ giới hạn trong phạm vi về tư tưởng xuyên suốt, chủ đạo của phong trào, lý giải một số vấn đề về sự phát triển của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng.

          Khởi sự phong trào Duy Tân, “bộ ba Quảng Nam” đã đề ra 3 việc cần phải làm ngay là khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh[1]. Xuất phát từ quan điểm: nâng cao dân trí là điều kiện tiên quyết để nâng cao nhận thức về dân chủ/dân quyền, vì vậy phát triển dân trí được xem là nhiệm vụ hàng đầu của phong trào Duy Tân. Từ ý thức sâu sắc ấy, Phan Châu Trinh cùng với hai lãnh đạo thân tín là Trần Qúy Cáp và Huỳnh Thúc Kháng chủ trương mở các trường dạy học theo lối mới: “một lối giáo dục thấm nhuần tư tưởng thực học tân tiến đến mức ngày nay chúng ta không khỏi ngạc nhiên: học cả các môn khoa học tự nhiên, học tiếng Pháp, tiếng Nhật, học đi đôi thực hành, học để ra hoạt động xã hội, học để đi làm thợ, học để đi buôn… Có cả trường học riêng cho nữ, có cả giáo viên nữ[2], nhiều ngôi trường theo phương pháp dạy học kiểu mới ở Quảng Nam đã được thành lập để “khai phóng” dân trí cho nhân dân lao động như trường Diên Phong, Bảo An, Phú Bông, Quảng Huế, La Châu, Lạc Thành, Quảng Phước, Phước Bình, Phú Lâm… Cũng trong giai đoạn này, nhiều hội buôn cũng được thành lập, thực chất là những chỗ hội họp và thu nhập tài chính nhằm phục vụ cho các hoạt động của phong trào Duy Tân.

         Không ngẫu nhiên khi các lãnh đạo phong trào Duy Tân lại lựa chọn Quảng Nam làm nơi khởi phát phong trào và trở thành nơi chính yếu, trung tâm chính trị sôi nổi của cả nước trong suốt thời kỳ phong trào phát triển. Trong tác phẩm “Tìm hiểu con người xứ Quảng” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam xuất bản năm 2004, đã phân tích điều này như sau: “Còn một mặt thứ ba rất đặc sắc của phong trào Duy Tân là những tư tưởng duy tân của bộ ba Phan Châu Trinh, Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng có thể nói đã gặp được ở Xứ Quảng một quần chúng lý tưởng. Đây có lẽ là một trong những trường hợp không nhiều và thật đẹp đẽ khi chúng ta được chứng kiến những tư tưởng mới mẻ từ những người tri thức tiên tiến của xã hội trực tiếp đi vào quần chúng và lập tức biến thành phong trào quần chúng rộng rãi đến mức vượt cả dự đoán của những người đã gieo rắc mầm móng tư tưởng cho nó, biến thành sức mạnh vật chất cụ thể, sinh động và dâng cao tràn ngập cuốn phăng tất cả như thác lũ[3]. Lý giải về sự phát triển của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân trong biên khảo “Phong trào Duy Tân” đã giải thích rằng: “Vì Nghệ Tĩnh có nhiều sĩ phu anh hùng nhưng không có cửa biển nào để dân chúng mở rộng đôi mắt. Thừa Thiên tuy đào tạo nổi một Nguyễn Lộ Trạch mà không đủ quần chúng sĩ phu tân tiến, không đủ những nhà tư sản, sản xuất thương mãi đòi hỏi duy tân, lại bị chế độ phong kiến bóp nghẹt. Hà Nội có nhiều sĩ phu giác ngộ, nhưng đã lâu, dưới sự cưỡng bức của triều Nguyễn, sĩ phu Hà Nội đã bị gạt ra khỏi “tập đoàn” lãnh đạo, nên nay trở nên bỡ ngỡ. Quảng Nam có nhiều điều kiện về cửa biển, về nguồn lợi, và nhất là sĩ phu có óc cải tiến và quần chúng ít thành kiến cho nên duy tân là một nhu cầu chính trị trong sinh kế, trong phát triển và cả trong dự kiến cứu nước một cách hữu hiệu[4]. Chính nhờ “điều kiện về cửa biển” mà tại Hội An, một thành viên Duy Tân hội là Phan Ngọc Cư đã có sáng kiến mở hiệu sách Đức An, hiệu sách độc nhất vô nhị ở Trung Kỳ thời ấy, nơi cung cấp những tân thư[5] nói về vấn đề dân chủ/dân quyền phương Tây, về cuộc cách mạng Trung Quốc, nơi gặp gỡ của các nhà nho yêu nước lúc bấy giờ[6]. Trong hồi ký, cụ Huỳnh Thúc Kháng kể rằng, đương thời nhà yêu nước Phan Châu Trinh thường đến Hội An đọc sách tân thư để nhen nhóm phát triển phong trào Duy Tân với ý nghĩa thời cuộc đến nay vẫn còn nguyên giá trị[7]. Cũng cần phải nói thêm rằng, Hội An, Quảng Nam trong các thế kỷ XVII, XVIII là vùng đất phát triển cực thịnh, nơi có sự giao lưu tiếp biến nhiều nền văn hóa và là nơi tụ hội nhiều văn nhân, sĩ tử nổi tiếng, có lẽ sự kế thừa, tiếp nối yếu tố văn hóa con người là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng vào đầu thế kỷ XX.

          Hơn 110 năm kể từ khi phong trào Duy Tân được khởi phát trên đất Quảng Nam, đến nay chúng ta vẫn có thể cảm nhận được tính thời sự nóng bỏng về những quan điểm “khai phóng” dân trí, tư tưởng canh tân, đổi mới dân tộc đúng đắn của ba nhà yêu nước tài hoa người Quảng Nam. Qua những lý giải, nhận định ở trên, có thể thấy Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng giữ vai trò, vị thế vô cùng quan trọng vào sự hình thành và phát triển của phong trào Duy Tân ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
 
[1] Khai dân trí bằng con đường diễn thuyết, mở hiệu sách, mở trường dạy chữ quốc ngữ, dạy kiến thức khoa học thực dụng, dạy nghề, bỏ lối học bát cổ, từ chương, bài trừ hủ tục, mở mang thực học. Chấn dân khí nhằm thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường của người dân, làm cho mọi người ý thức được quyền lợi của mình, nhận rõ trình độ thấp kém lạc hậu của mình mà ra sức phấn đấu vươn lên cho kịp người. Hậu dân sinh, nâng cao đời sống thoát khỏi đói nghèo bằng phát triển kinh tế, tổ chức khai hoang, lập vườn, tổ chức hội buôn, hội sản xuất hàng nội hóa (Nguồn: Công thông tin điện tử Thành phố Đà Nẵng: danang.gov.vn)
[2] Nguyên Ngọc (2004), Tìm hiểu con người xứ Quảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Trang 117.
[3] Nguyên Ngọc (2004), SĐD, Trang 120.
[4] Nguyễn Văn Xuân (1995), Phong trào Duy Tân, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, Trang 77.
[5] Tân thư là tên gọi chung để chỉ các tài liệu tiếng Nhật, tiếng Hán chứa đựng nội dung kiến thức mới về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội do các nhà cải cách Trung Quốc chuyển ngữ từ một số tài liệu phương Tây vào nửa đầu thế kỷ XIX.
[6] Theo báo Tiền Phong Chủ nhật số 3 - 2001.
[7] Song Anh - Phương Giang, Chuyện đời của phố - Bài 2: Thú chơi sách vở, bài viết đăng trên website hoianheritage.net ngày 14/1/2015.

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây