Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Những lễ hội lớn trong tháng Giêng năm Quý Mão ở Hội An

Theo lịch lễ lệ, lễ hội cổ truyền ở Hội An , trong tháng Giêng, cộng đồng Hội An có 14 lễ hội chính. Bên cạnh hội Tết Nguyên Đán là Tết chung của dân tộc, thành phố Hội An còn có những lễ chính ở một số địa phương như lễ đạp nước, lễ giỗ tổ nghề mộc, lễ cầu an, lễ cầu bông…
nguyen tieu chua ong
Tết Nguyên tiêu tại Chùa Ông - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Trong nội dung bài viết này, xin đề cập đến các lễ hội lớn đã diễn ra trong tháng Giêng năm Quý Mão - những lễ hội không chỉ thu hút sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương mà còn có sức hút mạnh mẽ với du khách trong nước, quốc tế. Đó là, lễ hội cầu bông ở làng rau Trà Quế, lễ giỗ tổ nghề mộc làng Kim Bồng, lễ hội Tết Nguyên Tiêu.

      Điều dễ dàng nhận thấy đó là những lễ hội trên đã được diễn ra với những nghi lễ truyền thống, là nhu cầu thực sự của đời sống tinh thần của người dân và được thực hành bởi chính cộng đồng cư dân bản địa.

      Ở lễ hội cầu bông làng rau Trà Quế năm nay, dù tiết trời mưa lạnh, sáng ngày mùng Bảy tháng Giêng năm Quý Mão (ngày 28/1), các hộ trồng rau truyền thống của làng Trà Quế cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước đã cùng tham gia lễ hội cầu mùa đầu năm.
 
cau bong tra que
Lễ cúng cầu Bông ở Trà Quế - Ảnh: Khiếu Thị Hoài
 
      Từ sáng sớm, đoàn nghinh thần gồm hai hàng cờ với trống chiêng, cổ nhạc và các bô lão vận áo dài khăn đóng cùng những chàng trai, cô gái trong lễ phục khênh kiệu hoa, mâm ngũ quả, lư hương, án thờ diễu qua khắp các ngõ làng, thôn xóm. Phần tế chính thức diễn ra tại khu hành lễ nằm ở khu vực trung tâm của làng được trang trí uy nghiêm, các mâm lễ vật được chuẩn bị theo đúng phong tục của lễ hội với bàn thờ đầy bánh trái, hương hoa và lễ vật. Bên cạnh phần chuẩn bị mâm cúng đầy đủ theo lệ “đời trước truyền sao, đời sau làm vậy”, phần tế với lời văn bày tỏ lòng kính ngưỡng tổ tiên, biết ơn công lao của bậc tiền nhân đã diễn ra trong không khí ấm cúng: “Nhớ ân xưa tự Bắc lai Nam – Vỡ đất khai hoang dựng nghiệp/Mở đường khai thủy – Lập vườn trồng tỉa định cư/Qua bao cuộc bể dâu dãi dầm sương gió/Hưởng rau thơm cần nhớ công lam lũ – Tưới nước ngon phải tìm giếng trong xanh…”.

      Trong lễ giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng tại đình tiền hiền Kim Bồng, phần lễ được các bô lão của làng thực hiện nhằm tưởng nhớ, tạ ơn công đức của vị Tổ nghề mộc và các vị Tiền hiền của làng, đồng thời cầu mong đạt được những thành quả tốt đẹp trong năm mới. Sau phần lễ với các nghi thức trang nghiêm, những người thợ thực hiện nghi thức khai mộc. Theo nguồn tư liệu đã trích dẫn, lễ giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng cũng là dịp để các nghệ nhân, hiệp thợ gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

      Bên cạnh hai lễ hội kể trên, tháng Giêng năm nay, lễ hội Tết Nguyên Tiêu đã được cộng đồng người dân Hội An tổ chức lớn hơn hẳn những năm trước trong không khí vui mừng bởi lễ hội này vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Theo kết quả nghiên cứu cho biết[1], đặc trưng lễ hội Nguyên Tiêu ở Hội An là những tập tục, nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng trong việc cúng tế các vị Thần, Tiền hiền, các đối tượng được thờ tự tại di tích tín ngưỡng liên quan, cách bày trí, trang hoàng bàn thờ trong lễ tế, cờ hội, nhạc khí, lễ phục, ẩm thực. Cùng với những nghi thức cúng tế truyền thống của từng địa phương, từng bang hội có sự khác nhau, ngoài ra có những tập tục đặc trưng như xô cộ, xin lộc, vay lộc làm ăn đầu năm, cầu may mắn, cầu tài lộc, dán giấy cầu an…

      Ở các chùa, ngoài việc cúng các chư vị Phật, ban trị sự và cộng đồng người dân còn cúng vong hồn vô chủ, các vị tinh tú để giải trừ các sao hạn nặng. Hầu như gia đình nào cũng cúng vào dịp Tết Nguyên tiêu để thực nguyện những điều phước thiện, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, an lành, may mắn đến với gia đình. Khác với nhiều nơi, Tết Nguyên tiêu ở Hội An diễn ra trong một không gian rộng lớn bao gồm cả nội thị và các vùng nông thôn phụ cận. Đặc biệt, trong khu vực phố cổ, vào ngày 16 tháng Giêng, từ tờ mờ sáng, đường phố Hội An đã đông người hơn hẳn ngày thường. Đối với những người ở xa như Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, nhất là những người buôn bán đến Hội An từ đêm rằm Nguyên tiêu để đi dạo phố cổ và chuẩn bị cho buổi lễ cầu tài, xin lộc đầu năm vào sáng sớm ngày mai.

      Khác hẳn phần tế lễ với nghi thức trang nghiêm, phần hội của những lễ hội trên gồm nhiều hoạt động, trò chơi phong phú thu hút sự tham gia không những của du khách trong nước mà còn hấp dẫn đối với khách quốc tế. Phần hội ở làng Trà Quế mở màn bằng cuộc thi cuốc đất trồng rau. Xóm trên, làng dưới chọn những nông dân giỏi để thi kỹ thuật cuốc đất, vun luống, chăm tỉa và trồng các loại rau thơm; nội dung thi làm món ăn Tam Hữu với con tôm cong cong, kẹp lát thịt luộc cùng cọng rau húng tươi xanh và một tép hành lá dài quấn xung quanh không chỉ khiến cho người dự thi mà còn cho người xem liên tưởng đến giềng mối bền chặt của tình làng nghĩa xóm và sự chân tình, mến khách.
Ở phần hội trong lễ giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng, cộng đồng địa phương và du khách được xem các nghệ nhân của làng trình diễn chạm trổ trên gỗ, trên gốc tre, thưởng thức ẩm thực xanh, sạch của địa phương, tham gia những trò chơi dân gian có thưởng.

      Đặc biệt, phần hội của lễ Tết Nguyên Tiêu năm nay được diễn ra với nhiều hoạt động như: múa lân, sư rồng ở các hội quán, đêm thơ Nguyên Tiêu ở đình Cẩm Phô, viết thư pháp và hát bội ở đình Hội An… thu hút đông đảo cộng đồng người dân địa phương và du khách trong nước, quốc tế tham gia.
 
nguyen tieu tai phuc kien
Tết Nguyên tiêu tại Hội quán Phúc Kiến - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Những lễ hội truyền thống trong tháng Giêng ở Hội An là những tập quán xã hội mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn người khai sáng, lập dựng làng xóm, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm phố yên vui, cầu may mắn, phát tài, phát lộc… Cùng những nghi thức trang nghiêm tỏ lòng thành kính với tổ tiên, các bậc tiền hiền, những hoạt động bổ trợ ở phần hội với sự phong phú, hấp dẫn được quảng bá rộng rãi trước và trong lễ hội đã tập hợp cộng đồng Hội An, du khách trong nước, quốc tế trong một khát vọng sống, cầu mong sự thịnh vượng trong năm mới.
 
[1] Lệ Xuân - Hồng Việt (2023), “Đặc sắc lễ hội Tết Nguyên tiêu ở Hội An”, https://baoquangnam.vn/van-hoa/dac-sac-le-hoi-tet-nguyen-tieu-o-hoi-an-138231.html

Tác giả: Khiếu Thị Hoài

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây