Nhà thờ tộc Nguyễn Văn, phường Cẩm Nam
- Thứ hai - 25/05/2020 21:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn ở khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam là nơi thờ cúng thủy tổ và tiền nhân của tộc Nguyễn Văn làng Cẩm Phô, hiện tọa lạc tại số 29 đường Nguyễn Tri Phương. Tộc Nguyễn là một trong bốn tộc, cùng với tộc Huỳnh, Lê, Trần đã có công khai phá đất đai, lập nên làng Cẩm Phô, một trong những làng xã được thành lập khá sớm ở Hội An.
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn ở khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam.
Theo thông tin do ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên trưởng tộc Nguyễn Văn cung cấp về sự hình thành và phát triển của tộc như sau: vào khoảng thế kỷ 17, theo phong trào Nam tiến của các chúa Nguyễn, đức thủy tổ là ông Nguyễn Văn Hề vào khai cơ lập nghiệp ở ấp Trường Thọ, Phú Chiêm, thuộc huyện Điện Bàn ngày nay. Sau đó, ông tìm về nguyên quán, đem hài cốt ông bà, cha mẹ vào mai táng tại ấp mới định cư.
Ông Hiền cho biết rằng, trong gia phả chỉ ghi nơi phát tích của ông thủy tổ là Bắc Hà, Thanh Nghệ nhưng không rõ thôn, xã, huyện, tỉnh nào cụ thể, vì thế đến nay con cháu trong tộc vẫn chưa tìm ra được nguyên quán. Đến ông tổ đời thứ tư sinh hạ được hai người con trai sau này đứng đầu hai Đại phái (Đại phái I sinh thành 4 phái, 12 chi; Đại phái II sinh thành 3 phái, 4 chi) và một vị nữ trở thành bà ngoại tổ (phái 1 tộc Trần Trung bản xã). Có lẽ từ đây một số tiền nhân sống rải rác ở các nơi khác, còn số đông thì chuyển về, an cư lạc nghiệp tại làng Cẩm Phô (một phần địa phận làng Cẩm Phô xưa là phường Cẩm Nam hiện nay). Đến nay, tộc Nguyễn Văn đã trải qua 14 đời, đông nhất sống ở Cẩm Nam, Hội An còn lại ở các tỉnh khác ở miền Trung, miền Nam, một vài gia đình định cư ở nước ngoài. Tộc trưởng hiện tại là ông Nguyễn Như Thương. Qua bao thăng trầm của lịch sử, các tiền nhân tộc Nguyễn Văn đã có nhiều đóng góp cho công cuộc khai cơ lập nghiệp, xây dựng quê hương Cẩm Nam nói riêng, Hội An nói chung.
Cũng theo lời ông Hiền, trước đây tộc có khu mộ tổ rất quy mô ở Chuôi Bàu (?) Trường Lệ, mộ xây bằng đá Trường Định, Thanh Hóa, được chuyển bằng ghe vào. Khu mồ mả rậm rạp, nhiều cây cối, để tránh cho lực lượng Cách mạng ẩn nấp, làm bàn đạp đánh vào nội ô Hội An, năm 1963, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt buộc gia tộc phải di dời khu mộ tổ lên Thanh Hà, phá dỡ khu vực đó để xây dựng nhà thờ Cao Đài (tức khu vực gần chợ Tân An hiện nay).
Mặc dù định cư từ lâu đời, con cháu trong tộc khá đông đúc nhưng do nhiều nguyên nhân, mãi đến năm 1944, nhà thờ tộc Nguyễn Văn mới được xây dựng. Lúc bấy giờ nhà thờ tộc có kiến trúc tương tự như hiện nay nhưng hai bên phần hiên phía trước có thêm nhà chiêng, nhà trống; mái lợp ngói âm dương. Đến năm 1999, ngôi nhà thờ tộc được trùng tu lại do bị xuống cấp và hình thức kiến trúc giữ ổn định cho đến ngày nay.
Nhà thờ có mặt tiền xoay hướng Nam, tổng thể gồm có tường rào, bình phong, sân trước và nhà thờ. Tổng thể nhà thờ tộc được bố cục đăng đối. Bình phong có dạng hình cuốn thư, mặt trước đắp nổi, cẩn mảnh hình long mã, mặt sau đắp nổi hình chim ưng trên đỉnh núi. Trong khuôn viên có trồng một số cây cao che bóng mát dọc theo tường rào.
Ngôi nhà thờ nằm về phía cuối khu đất, là nhà một tầng có mặt bằng chữ Nhị, gồm 2 nếp nhà song song với nhau, nếp trước có thể là nơi tiếp khách hoặc tiền đường, nếp sau là nơi thờ tự.
Nếp nhà trước có kiểu thức nhà 3 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương với con giống trang trí sinh động ở bờ nóc, bờ chảy. Phía trước hiên có 04 trụ đỡ với gờ chỉ trang trí mang phong cách kiến trúc Pháp, thân trụ đắp nổi câu đối Hán tự. Cặp câu đối ở chính giữa có nội dung[1]: 北 地 陳 畱 前 功 創 業 千 秋 在 / 南 天 立 社 賢 德 開 基 萬 古 傳 (Bắc địa Trần Lưu tiền công sáng nghiệp thiên thu tại / Nam thiên lập xã hiền đức khai cơ vạn cổ truyền). Cặp câu đối ở hai bên có nội dung: 前 人 造 立 後 進 載 培 尊 遺 績 / 宗 派 心 圖 子 孫 力 合 (?) 家 風 (Tiền nhân tạo lập hậu tiến tải bồi tôn di tích / Tông phái tâm đồ tử tôn lực hiệp (?) gia phong).
Ngoài ra, phần tường trước của nếp nhà này cũng được chú trọng trang trí với các mảng pano và chữ quốc ngữ đắp nổi. Ở gian chính giữa đắp chữ “Tộc Nguyễn Văn” dạng chữ tròn, hai gian bên đắp chữ: “Tiền tạo – Giáp Thân 1944” và “Hậu bồi – Kỷ Mão 1999”. Phía trong hai bên tường biên gắn bia đá ghi danh sách con cháu trong tộc đóng góp kinh phí xây dựng nhà thờ năm 1944 và tu bổ năm 1999 (bia ghi bằng chữ quốc ngữ).
Nếp nhà sau có kiểu thức nhà 3 gian với hệ khung gỗ chịu lực (cột, kèo, trính, xiên). Các cấu kiện gỗ chịu lực có hình thức rất đơn giản, không có chi tiết chạm khắc trang trí. Bên dưới đòn đông có xà cò gỗ sơn son thếp vàng, dòng chữ Hán có nội dung: 保 大 十 九 年 歲 次 甲 申 秋 八 月 初 一 日 錦 鋪 社 阮 文 族 本 族 四 派 仝 建 造 (Bảo Đại thập cửu niên tuế thứ Giáp Thân thu bát nguyệt sơ nhất nhật Cẩm Phô xã Nguyễn Văn tộc bản tộc tứ phái đồng kiến tạo).
Ngăn cách giữa nếp nhà trước và nếp nhà sau là hệ cửa đi pano gỗ 4 cánh ở mỗi gian, trên đầu cửa có khung pano kết hợp với con tiện gỗ trang trí. Các cánh cửa này thường xuyên đóng kín, chỉ được mở vào những dịp lễ quan trọng của tộc họ. Hai bên tường hồi lòng nhì trước có gắn hai bia đá ghi công đức những người đóng góp xây dựng nhà thờ bằng chữ Hán, bia lập năm Bảo Đại Ất Dậu (1945).
Bàn thờ được bố trí ở cả 3 gian, rất tôn nghiêm, có hình thức giống nhau. Các khám thờ có cặp câu đối ở hai bên, ngai thờ trang trí đồ án “lưỡng long tranh châu”. Bệ thờ có hình thức đơn giản, quần bàn chính giữa không có đồ án trang trí, quần bàn hai bên có vẽ trang trí chữ “Thọ” tròn. Bàn thờ chính giữa xây cao hơn bàn thờ hai bên, thờ ông bà thủy tổ, phía trước có bàn hương án bằng gỗ, trên bày bộ tam sự, có giá kỉnh thờ ngoại tổ Phùng tộc (tức bà Phùng Thị Tráng, bà tổ ở ngoài Bắc vào). Bàn thờ hai bên trái, phải thờ ông tổ, bà tổ các thế hệ sau (thờ chung chung, không có tên tuổi cụ thể).
Bàn thờ gian chính giữa có mặt khám thờ đắp nổi hai chữ: 肇 祖 (Triệu tổ). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ: 摸 烈 顯 承 南 土 宇 / 須 流 培 植 北 山 川 (Mạc liệt hiển thừa Nam thổ vũ / Tu lưu bồi thực Bắc sơn xuyên). Giá kỉnh bằng gỗ, đặt chính giữa bàn thờ, khắc chữ Hán có nội dung:
+ Nguyên văn:
伏 為
壬 子 年 春
顯 肇 祖 陳 畱 郡 翁 夫 婆 夫 阮 門 堂 上 歷 代 尊 灵
本 族 同 恭 拜
+ Phiên âm:
Phục vị
Nhâm Tý niên xuân
Hiển Triệu tổ Trần Lưu quận Ông Phu Bà Phu Nguyễn môn đường thượng lịch đại tôn linh
Bản tộc đồng cung bái.
Bàn thờ gian trái, phải có hình thức và kích thước giống nhau, mặt khám thờ đắp nổi chữ 福 (Phúc). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ bên trái: 雖 曰 親 疎 無 異 別 / 凡 同 血 統 莫 分 爭 (Tuy viết thân sơ vô dị biệt / Phàm đồng huyết thống mạc phân tranh). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ bên phải: 千 載 本 支 傳 世 閥 / 一 堂 昭 穆 釵 天 倫 (Thiên tải bản chi truyền thế phiệt / Nhất đường chiêu mục thoa thiên luân).
Nội thất không gian thờ tự còn được trang trí bằng 6 bức hoành phi và 2 cặp liễn đối. Các bức hoành được treo trên các thanh xiên ở cả 3 gian, có nội dung như sau:
Bức hoành 1: 福 蔭 思 源 (Phúc ấm tư nguyên).
Bức hoành 2: 葉 茂 根 深 (Diệp mậu căn thâm).
Bức hoành 3: 燕 翼 貽 恩 (Yến dực di ân).
Bức hoành 4: 阮 祠 堂 (Nguyễn từ đường).
Bức hoành 5: 源 水 遠 (Nguyên thuỷ viễn).
Bức hoành 6: 長 友 本 (Trường hữu bản).
Liễn đối được treo trên các cột lòng nhất ở nếp nhà sau, chữ được cẩn xà cừ rất đẹp và tinh xảo. Cặp liễn đối ở hàng cột cái tiền: 祖 肇 宗 培 畱 福 畱 恩 荣 顯 達 / 父 慈 子 孝 積 賢 積 德 義 仁 全 (Tổ triệu tông bồi lưu phúc lưu ân vinh hiển đạt / Phụ từ tử hiếu tích hiền tích đức nghĩa nhân toàn). Cặp liễn đối ở hàng cột cái hậu: 祖 父 常 言 勤 儉 爲 先 成 大 業 / 兒 孫 每 念 謙 和 爲 首 顯 宗 门 (Tổ phụ thường ngôn cần kiệm vi tiên thành đại nghiệp / Nhi tôn mỗi niệm khiêm hoà vi thủ hiển tông môn).
Từ khi khởi dựng, đến nay ngôi nhà thờ đã tồn tại 66 năm. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà thờ vẫn đứng vững, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của tộc họ, thể hiện sự phát triển và lớn mạnh của gia tộc qua từng thế hệ. Nhà thờ tộc Nguyễn Văn là một công trình tín ngưỡng quan trọng của tộc họ, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc ở Hội An. Bên cạnh đó, nhà thờ tộc còn là minh chứng cho sự đóng góp của tộc Nguyễn Văn trong quá trình hình thành và phát triển làng Cẩm Phô nói riêng và Hội An nói chung. Với những giá trị đó, nhà thờ tộc Nguyễn Văn được ghi vào Danh mục di tích đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 – 2024 theo Quyết định số 3508/QĐ-UB ngày 05/11/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam.
* Chú thích:
[1] Ký tự, phiên âm chữ Hán trong bài viết này do Lê Thị Lưu – Chuyên viên phòng Quản lý Di tích, Trung tâm QLBT DSVH thực hiện.
Tại di tích, một số câu đối Hán tự (ở hiên, khám thờ, treo trên các cột gỗ) bị đảo ngược vị trí. Trong bài viết này, chúng tôi đã sắp xếp lại nội dung các câu đối theo đúng quy luật.
* Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ di tích Nhà thờ tộc Nguyễn, khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam (lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An).
2. Quy ước tộc Nguyễn Văn, Cẩm Phô. Tư liệu do ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên trưởng tộc Nguyễn Văn cung cấp.
Tại di tích, một số câu đối Hán tự (ở hiên, khám thờ, treo trên các cột gỗ) bị đảo ngược vị trí. Trong bài viết này, chúng tôi đã sắp xếp lại nội dung các câu đối theo đúng quy luật.
* Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ di tích Nhà thờ tộc Nguyễn, khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam (lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An).
2. Quy ước tộc Nguyễn Văn, Cẩm Phô. Tư liệu do ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên trưởng tộc Nguyễn Văn cung cấp.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền