Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Nhà thờ tộc Huỳnh Viết, phường Cẩm Nam

Tộc Huỳnh là một trong bốn tộc, cùng với tộc Nguyễn, Lê, Trần đã có công khai phá đất đai, lập nên làng Cẩm Phô, một trong những làng xã được thành lập khá sớm ở Hội An trong lịch sử. Theo bản tóm tắt Lịch sử hình thành và phát triển của tộc Huỳnh Viết (1) được lập năm 1997, vào khoảng thế kỷ XV thời vua Hồng Đức (1460 - 1497), theo phong trào Nam tiến bình Chiêm, tộc Huỳnh Viết có hai người tham gia, lập nhiều chiến công và được ban thưởng là ông Huỳnh Phước Thiện (tước vị Huỳnh Thái Công Chi Hiệu Bộ Lại, mộ ông (2) tại ấp Xuân Lâm, phường Minh An) và ông Huỳnh Phước Uyển (mộ táng tại ấp Trường Lệ). Thân phụ của hai ông là Huỳnh Đại Lang (không rõ tên). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, hai ông Huỳnh Phước Thiện và Huỳnh Phước Uyển cùng với tiền hiền tộc Trần, Lê, Nguyễn chọn nơi khai khẩn hoang hóa dọc theo sông Thu Bồn lập nên làng Cẩm Phô. Do tình hình chính trị biến động, vào năm 1552, tộc Huỳnh Phước đổi chữ lót thành tộc Huỳnh Viết. Theo gia phả tộc Huỳnh: “dòng dõi Huỳnh môn ở tại quận Giang hạ, sinh từ đất Bắc vào đến làng này. Thời kỳ Nam tiến bình Chiêm – triều Lê Hồng Đức, hạ thành Đồ Bàn bắt sống Trà Toàn, tiên tổ chúng ta theo phong trào ấy vào Nam di dân lập nghiệp, đến nơi đây cùng liệt quý vị tôn hiển các tộc phái. Xưng là Đông phái tộc, khai lập xã hiệu lấy tên là làng Cẩm Phô. Long phi Giáp Dần niên” (3). Một phần địa phận làng Cẩm Phô xưa là phường Cẩm Nam hiện nay.
Nha tho toc Huynh Cam Nam

Nhà thờ tộc Huỳnh Viết, phường Cẩm Nam - Ảnh: Hoàng Phúc
 
Đến thời Thái Đức (1778 - 1793), ông Huỳnh Viết Mỹ (4) (tức ông xã Mỹ) vận động Tứ tộc khai đất công điền và tự điền, kiến canh điền bộ.

Đến nay, tộc Huỳnh Viết đã trải qua khoảng 17 đời, không ngừng phát triển, con cháu ngày càng đông, sinh sống ở nhiều nơi. Qua bao thăng trầm, các tiền nhân tộc Huỳnh Viết đã có rất nhiều đóng góp cho công cuộc khai cơ lập nghiệp, xây dựng quê hương Cẩm Nam nói riêng, Hội An nói chung. 

Để có nơi thờ tự, tưởng nhớ công đức của thủy tổ và các thế hệ tiền bối quá vãng, con cháu trong tộc đã chung tay, góp sức lập nên ngôi nhà thờ chung của tộc. Đến năm 1910, con cháu tộc Huỳnh di dời ngôi nhà thờ về vị trí hiện nay. Ngôi nhà thờ này được trùng tu vào các năm 1923, 1973 và lần gần nhất là năm 2001. Sau lần trùng tu này, hình thức kiến trúc ổn định cho đến ngày nay.  

Nhà thờ tộc Huỳnh Viết hiện tọa lạc tại khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam, thành phố Hội An. Nhà thờ có mặt tiền xoay hướng Nam (hơi chếch về hướng Tây), tổng thể di tích gồm có tường rào, bình phong, sân trước và nhà thờ, nhà Tây. Án ngữ phía trước nhà thờ là bình phong hình cuốn thư, phía trên đắp hình con dơi, hai bên có hai trụ biểu tiết diện chữ nhật (5), đỉnh trụ gắn búp sen. Nhà thờ nằm về phía cuối khu đất, chếch về bên trái khuôn viên, là nhà một tầng có mặt bằng hình chữ nhật gồm 2 nếp nhà song song với nhau.

Nếp nhà trước có kiểu thức nhà 5 gian, diện tích: 8,79m x 3,45m. Hệ khung chịu lực (kèo, trính, trụ đội) ở ba gian giữa bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, mái lợp ngói âm dương, đuôi mái có gắn đĩa men xanh trang trí. Bờ nóc, bờ chảy xây thẳng, hai góc bờ nóc trang trí 2 con rồng (tư thế rồng chầu). Phía trước hiên có 04 trụ tròn, trên thân hai trụ hiên chính giữa đắp nổi câu đối bằng xi măng, nội dung (6): 仁 由 創 立 前 世 造 /義 自 忍 和 後 代 荣 (7) (Nhân do sáng lập tiền thế tạo/ Nghĩa tự nhẫn hòa hậu đại vinh). Hai trụ hai bên không có câu đối, chỉ gắn đĩa men lam trang trí.

Phần tường phía trên đầu cột hiên cũng được chú trọng trang trí. Ở gian chính giữa gắn mảng cuốn thư, đắp nổi chữ: 黃 曰 族 (Huỳnh Viết tộc). Hai gian bên đắp chữ 居 仁 (Cư Nhân) ở gian trái và 由 義 (Do Nghĩa) ở gian phải. Trên thân 2 cột gian chính giữa bên trong nếp nhà trước có cặp câu đối: 錦 繡 江 山 先 祖 德 / 黃 家 苗 裔 子 孫 隆 (Cẩm tú giang sơn tiên tổ đức/ Huỳnh gia miêu duệ tử tôn long).

Nếp nhà sau có kiểu thức nhà 3 gian 2 chái, diện tích: 8,79m x 5,16m. Hệ khung chịu lực (cột, kèo, trính, xiên) bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương. Bờ nóc trang trí đồ án “lưỡng long triều dương”. Các cấu kiện gỗ chịu lực có hình thức rất đơn giản.

Gian bên trái có xà cò gỗ không sơn phết, chữ khắc chìm được sơn màu đỏ, niên đại Duy Tân thứ 4 (1910) ghi lại năm di dời ngôi nhà thờ về vị trí hiện tại, dòng chữ Hán có nội dung: 維 新 四 年 歲 次 庚 戌 孟 夏 吉 日 錦 鋪 社 黃 族 第 壹 派 仝 重 造 (Duy Tân tứ niên, tuế thứ Canh Tuất, mạnh hạ cát nhật, Cẩm Phô xã, Huỳnh tộc đệ nhất phái đồng trùng tạo) (8).

Bên dưới đòn đông gian chính giữa có xà cò gỗ sơn son thếp vàng, niên đại Khải Định thứ 8 (1923), khắc dòng chữ Hán: 啟 定 捌 年 歲 次 癸亥 季 夏 上 浣 錦 鋪 社 黃 曰 族 本 族 仝 建 造 癸 山 丁 兼 丑 未 (Khải Định bát niên, tuế thứ Quý Hợi, quý hạ, thượng hoán, Cẩm Phô xã, Huỳnh Viết tộc bản tộc đồng kiến tạo, quý sơn đinh kiêm Sửu Mùi). Đây là năm xây dựng ngôi nhà thờ mới trên nền nhà thờ cũ nên xà cò mới có chữ “kiến tạo”.

Gian bên phải có xà cò gỗ sơn đỏ, khắc chữ Việt, kiểu chữ tròn có nội dung: “Thiên liên tu sửa Tân Tỵ niên trọng xuân thánh kiết nhựt toàn tộc tạo 2001 (9).

Ngăn cách giữa nếp nhà trước và nếp nhà sau là hệ cửa đi thượng song hạ bản sơn màu vàng nhạt, trên đầu cửa có khung lam gỗ trang trí. Các cửa này liên kết với nhau bằng bản lề (không phải chốt xoay), đóng mở bằng chốt cửa. Ở ba gian giữa là cửa 4 cánh, ở hai chái chái là cửa 2 cánh. Các cánh cửa này thường xuyên đóng kín, chỉ được mở vào những dịp lễ quan trọng của tộc họ.

Việc trang trí ở không gian thờ tự rất được chú trọng, tạo sự tôn kính, linh thiêng. Bàn thờ được bố trí ở cả 5 gian, có hình thức giống nhau, mỗi bàn thờ có khám thờ bằng gỗ sơn màu đỏ, hai bên thân khám thờ có cặp câu đối bằng chữ Hán, ngai thờ trang trí các đồ án cát tường. Bệ thờ xây bằng gạch, quần bàn bằng gỗ với nhiều đồ án trang trí khác nhau và có thể tháo rời dễ dàng (mỗi khi có lụt lội).

- Bàn thờ gian chính giữa: quần bàn trang trí đồ án “ngư long hí thủy”. Mặt khám thờ tô vẽ đồ án “lưỡng long triều dương”. Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 一 堂 無 翼 開 先 緒 / 千 載 鸿 猷 啟 後 昆 (Nhất đường vô dực khai tiên tự/ Thiên tải hồng du khải hậu côn). Bài vị bằng gỗ sơn màu đỏ, phủ khăn điều, ghi: 顯 太 始 祖 考 妣 黃 公 阮 氏 神 位 (Hiển thái thuỷ tổ khảo tỉ Huỳnh công Nguyễn thị thần vị).

Giá kỉnh bằng gỗ, trang trí tranh hoa – điểu. Phần đế giá kỉnh có dòng chữ Hán: 第 一 派 一 枝 仝 供 (Đệ nhất phái nhất chi đồng cúng). Phía sau giá kỉnh đặt hộp bằng gỗ đựng gia phả. Trước bàn thờ chính có bàn hương án bằng gỗ.

- Bàn thờ gian trái: quần bàn trang trí đồ án “sư cổn tú cầu”. Mặt khám thờ tô vẽ đồ án hoa – điểu. Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 復 其 見 天 地 造 化 / 萃 以 聚 祖 考 精 神 (Phục kỳ kiến thiên địa tạo hoá/ Tụy dĩ tụ tổ khảo tinh thần).

 Trong khám thờ có hai bài vị. Bài vị lớn bằng gỗ sơn màu đỏ, phủ khăn điều, ghi: 顯 祖 考 考 妣 列 神 位 (Hiển tổ khảo khảo tỷ liệt thần vị). Bài vị nhỏ bằng gỗ, ghi: 四 代 顯 祖 姑 神 位 (Tứ đại hiển tổ cô thần vị).

- Bàn thờ gian phải có kích thước và hình thức, chi tiết trang trí (quần bàn và mặt khám thờ) tương tự như bàn thờ ở gian trái. Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 風 蘋 雅 常 彰 忠 信 / 春 露 秋 霜 切 著 存 (Phong tần nhã thường chương trung tín/ Xuân lộ thu sương thiết trước tồn). Bài vị bằng gỗ sơn màu đỏ, phủ khăn điều, ghi: 顯 高 曾 祖 妣 列 神 位 (Hiển cao tằng tổ khảo tỷ liệt thần vị).

- Bàn thờ chái bên trái: quần bàn trang trí hai lẵng hoa (một vật trong bát bửu). Mặt khám thờ chạm chìm, sơn màu đen 4 chữ: 左 班 從 祀 (Tả ban tòng tự). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 左 右 仝 丽 江 夏 郡 / 古 今 謂 是 福 德 朱 (Tả hữu đồng lệ giang hạ quận/ Cổ kim vị thị phúc đức chu).

Trong khám thờ có hai bài vị bằng gỗ, sơn màu đỏ. Bài vị lớn ghi: 左 行 從 祀 列 位 (Tả hàng tòng tự liệt vị). Bài vị nhỏ ghi: 江 夏 郡 高 代 祖 姑 神 位 (Giang Hạ quận, Cao đại tổ cô thần vị).

- Bàn thờ chái bên phải có kích thước và hình thức, chi tiết trang trí tương tự như bàn thờ ở chái bên trái. Mặt khám thờ chạm 4 chữ: 右 班 從 祀 (Hữu ban tòng tự). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 從 於 先 祖 當 然 有 / 祖 在 祠 堂 豈 位 無 (Tòng ư tiên tổ đương nhiên hữu/ Tổ tại từ đường khởi vị vô).

Trong khám thờ có hai bài vị bằng gỗ, sơn màu đỏ. Bài vị lớn ghi: 右 行 從 祀 列 位 (Hữu hàng tòng tự liệt vị). Bài vị nhỏ ghi: 江 夏 郡 黃 洪 娘 火 德 神 位 (Giang Hạ quận, Huỳnh Hồng nương hoả đức thần vị).

- Ngoài ra, ở tường biên bên trái, lòng nhất có thêm một bàn thờ nhỏ, hình thức rất đơn giản so với các bàn thờ còn lại, mặt bàn bằng tấm đan bê tông, không có khám thờ. Trên bàn thờ có giá kỉnh bằng gỗ sơn màu đỏ, ghi dòng chữ bằng  Việt ngữ: “Tưởng niệm chư vãng tiền bối có công với tộc”, tức là những người có công lao với tộc nhưng không phải là người trong tộc. Đây là điểm đặc biệt khác biệt về đối tượng thờ tự trong nhà thờ tộc Huỳnh Viết so với các nhà thờ tộc khác ở Hội An, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc.

Ngoài hệ thống thờ tự, trong nhà thờ còn trang trí nhiều hoành phi, liễn đối. Liễn đối treo ở cột nhất tiền, gian giữa có nội dung: 派 演 千 尋 一 脉 源 淵 渾 水 话 / 枝 長 百 尺 初 成 培 養 自 根 深 (Phái diễn thiên tầm nhất mạch nguyên uyên hồn thuỷ thoại/ Chi trường bách xích sơ thành bồi dưỡng tự căn thâm).

Bức hoành 1: 統 于 尊 (Thống vu tôn).

Bức hoành 2: 敬 所 尊 (Kính sở tôn).

Bức hoành 3: 愛 所 親 (Ái sở thân).

Bức hoành 4: 敬 尊 (Kính tôn).

Bức hoành 5: 德 流 芳 (Đức lưu phương).

Bức hoành 6: 黃 曰 祠 (Huỳnh Viết từ).

Bức hoành 7: 木 本 水 源 (Mộc bản thủy nguyên).

Hiện nay, ngoài các bức hoành phi, liễn đối đã đề cập ở trên, trong nhà thờ còn có hộp đựng gia phả của tộc, đặt ở bàn thờ gian giữa.

Từ khi tạo lập đến nay, nhà thờ tộc Huỳnh Viết đã tồn tại ít nhất cũng trên 110 năm. Di tích là công trình tín ngưỡng quan trọng của tộc họ, góp phần chứng tỏ vai trò, vị thế quan trọng của tộc Huỳnh Viết trong lịch sử hình thành và phát triển làng Cẩm Phô xưa, phường Cẩm Phô và Cẩm Nam hiện nay. Bên cạnh đó, di tích còn có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, góp phần làm phong phú, đa dạng về loại hình nhà thờ tộc ở Hội An. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà thờ vẫn đứng vững, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của tộc họ, thể hiện sự phát triển và lớn mạnh của gia tộc qua từng thế hệ.  
 
* Tài liệu trích dẫn: 

(1) Tư liệu do ông Huỳnh Viết Thuật – Thư ký Hội đồng gia tộc tộc Huỳnh Viết cung cấp.

(2) Trên bia mộ có ghi: “Hoàng Triều – Tiền hiền khai khẩn – Cẩm Giang – Thái Thủy tổ Huỳnh Tôn công chi giai thành – Long Phi, Giáp Dần niên, quý xuân, cát nhật – Huỳnh Viết, Huỳnh Đắc nhị phái đồng bái lập”. Điều này chứng tỏ tộc Huỳnh Viết (phường Cẩm Nam) và tộc Huỳnh Đắc (phường Cẩm Phô) có cùng ông Thủy tổ.

(3) Dẫn theo Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, NXB Đà Nẵng, trang 66, 67.

(4) Tôi chưa được phép tiếp cận gia phả tộc Huỳnh Viết để làm tư liệu và xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, trong tư liệu “Quảng Nam xã chí” của Viện Viễn Đông Bác Cổ, 1941-1943 (phần Hội An – Làng và phường Cẩm Phô) có viết: “Tộc Huỳnh Viết còn giữ giấy mực từ đời Thái Đức thứ 8, Trưởng tộc đến xứ Cồn Giữa chính ông Huỳnh Viết Mỹ xem của ông cha ngài để lại”. Cẩm Nam khi bắt đầu tụ cư có danh xưng khẩu truyền là Cồn Giữa, có nghĩa là vùng đất bồi tụ giữa sông.

(5) Trên thân trụ có trang trí cặp câu đối đắp bằng mảnh chén nhưng bị mờ, mất nét, không đọc được.  

(6) Phiên âm chữ Hán trong bài này do Lê Thị Lưu – Chuyên viên phòng QLDT thực hiện.

(7) Đọc liễn đối theo thứ tự từ trái qua phải. Ghi nhận thực tế tại di tích.

(8) Về nguyên tắc bố trí, xà cò này có niên đại sớm hơn, nên được treo ở gian chính giữa thay cho xà cò tôn tạo năm 1923.

(9) Nội dung ghi trên xà cò này có nhiều chữ gây khó hiểu cho người đọc, chúng tôi chỉ ghi nhận lại theo đúng nội dung thực tế tại di tích.

* Tài liệu tham khảo:

1. Quảng Nam xã chí – Viện Viễn Đông Bác Cổ, 1941-1943 - Tài liệu lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

2. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, NXB Đà Nẵng.

3. Hồ sơ di tích Nhà thờ tộc Huỳnh Viết, khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam (lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An).

4. Tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển của tộc Huỳnh Viết – Tộc ước (do tộc Huỳnh Viết lập năm 1997).
 

 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây