Nhà thờ tộc Huỳnh Đắc, phường Cẩm Phô
- Thứ hai - 01/08/2022 05:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà thờ tộc Huỳnh Đắc hiện tọa lạc tại số 46 đường Nguyễn Thị Minh Khai, khối Hoài Phô, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Tộc Huỳnh là một trong bốn tộc, cùng với tộc Nguyễn, Lê, Trần đã có công khai phá đất đai, lập nên làng Cẩm Phô xưa, một trong những làng xã được thành lập khá sớm ở Hội An trong lịch sử.
Cảnh quan khu vực phía trước nhà thờ tộc Huỳnh Đắc năm 1985 - Ảnh: KTS. Utsumi Sawako
Tấm bia mộ cụ tổ tộc Lê có viết: “… Đời truyền trước Gia Dũ hoàng đế (tức Nguyễn Hoàng) khai khẩn Thuận Quảng, cụ từ miền Bắc vào (không rõ tỉnh) cùng thời với các cụ trong tộc họ: Huỳnh, Trần, Nguyễn đến khai phá đất Thuận, Quảng. Các cụ khai khẩn mấy trăm mẫu đất ruộng, phía Đông, phía Tây có sông bao bọc trở thành một làng tuyệt đẹp”[1]. Làng Cẩm Phô lúc đầu thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, sau năm 1604 thuộc tổng Phú Chiêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn.
Vào khoảng thế kỷ XVI[2], theo phong trào Nam tiến của các chúa Nguyễn, có hai ông thủy tổ tộc Huỳnh tham gia là ông Huỳnh Phước Thiện[3] và ông Huỳnh Phước Uyển[4]. Hiện nay ở khối An Thái, phường Minh An có ngôi mộ cổ[5], trên bia ghi[6]: “Hoàng Triều / Long Phi, Giáp Dần niên, quý xuân, cát nhật / Tiền hiền khai khẩn / Cẩm Giang / Thái Thủy tổ Huỳnh Tôn công chi giai thành / Huỳnh Viết, Huỳnh Đắc nhị tộc đồng bái lập”. Qua văn bia này cho thấy tộc Huỳnh Viết (phường Cẩm Nam) và tộc Huỳnh Đắc (phường Cẩm Phô) có thể có cùng ông Thủy tổ. Trải qua nhiều niên đại, tộc Huỳnh phát triển rộng lớn phân thành nhiều nhánh, trong đó có hai nhánh lớn là tộc Huỳnh Đắc và tộc Huỳnh Viết.
Trong tài liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông Bác Cổ thực hiện năm 1943-1944 lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, khi viết về làng và phường Cẩm Phô có đoạn: “Về vụ Tiền hiền, làng này lập đã lâu đời lắm rồi nhưng không rõ giấy mực của nhà nào, tộc nào đứng ra khai cơ lập làng này trước tiên. Chỉ còn một ít tờ giấy chứng cớ của những người hương chức về tộc: Huỳnh Đắc, Huỳnh Viết, Nguyễn Viết, Nguyễn Hữu, Lê Chí, Trần Trung,…”. “Giấy gây dựng lại chợ Cẩm Phô trước đình bây giờ sau khi giặc Tây Sơn hủy phá ngày 20 tháng 9 nhuận Gia Long 6 (?). (Giấy má này ông Trùm Đào, Huỳnh Đắc Thạnh ký)”[7]. Điều đó chứng tỏ tộc Huỳnh Đắc đã chọn làng Cẩm Phô làm chốn an cư lập nghiệp từ rất sớm. Qua thời gian, tộc Huỳnh Đắc phát triển thành 4 phái (gồm phái I, phái II, phái III, phái IV) với rất đông con cháu sống ở mọi miền đất nước và cả nước ngoài, nhưng tập trung đông nhất ở khu vực Hội An. Do nhiều biến động, các văn tự, tộc phổ bị thất lạc nhiều. Đến nay, gia phả tộc Huỳnh Đắc chỉ còn lưu lại rõ tên, tuổi của 08 đời gần nhất.
Rất nhiều người trong tộc Huỳnh Đắc đã có những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, dù gian khổ, tù đày vẫn kiên trung bất khuất giữ vững khí phách của dòng họ. Đảng và nhà nước đánh giá cao việc đóng góp đó và đã trao các danh hiệu cao quí cho nhiều người trong họ tộc. Trong số đó có ông Huỳnh Đắc Hương sinh năm 1921, đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng vào năm 1974, từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (từ năm 1976 đến 1987) và nhiều chức vụ quan trọng khác. Năm nay ông đã trên 100 tuổi, là Tộc trưởng tộc Huỳnh Đắc.
Nhà thờ tộc Huỳnh Đắc - Ảnh: Hoàng Phúc
Cho đến nay, người trong tộc vẫn chưa rõ niên đại xây dựng nhà thờ tộc Huỳnh Đắc, bên trong nhà thờ không có xà cò ghi dấu sự kiện quan trọng này. Tuy nhiên, ông Huỳnh Đắc Tam[8] có nghe các cụ thế hệ trước truyền lại rằng nhà thờ được xây dựng sau khi tu bổ đình Cẩm Phô một vài năm. Theo tư liệu[9], đình Cẩm Phô được trùng tu đời Gia Long năm thứ 17 (tức 1818), đến đời Thành Thái năm thứ 15 (tức 1903) thì trùng tu lại lần nữa. Qua so sánh hình thức kiến trúc và vật liệu sử dụng, có thể thấy sự tương đồng về kiến trúc giữa hai di tích (cột gạch chịu lực thay cột gỗ, tạo các lối đi hình vòm, …) nên có thể đoán định nhà thờ được xây dựng muộn nhất vào đầu thế kỷ XX, sau lần trùng tu đình Cẩm Phô năm 1903. Theo đó thì nhà thờ được xây dựng đến nay đã hơn 100 năm[10].
Quy mô nhà thờ từ khi xây dựng đến nay vẫn không thay đổi. Mái nhà lợp ngói âm dương (trên mái không có con giống trang trí), các khám thờ bằng gỗ, nền sân đất, bao bọc khuôn viên bằng rào chè tàu, không có cổng ngõ kiên cố. Trải qua thời gian dài chịu tác động của các yếu tố thời tiết, công trình xuống cấp nặng, đặc biệt là hệ mái. Vào năm 2000, con cháu trong gia tộc đã chung tay tu bổ lại nhà thờ: nâng nền khuôn viên (do nằm trong khu vực thấp lụt), xây tường rào, cổng ngõ bảo vệ; thêm con giống trang trí trên mái; thay khám thờ gỗ hư mục bằng khám thờ đúc bê tông. Tuy nhiên, do không đủ kinh phí thực hiện nên phải tận dụng ngói âm dương cũ để lợp lại mái trước, mái sau lợp tạm bằng ngói móc. Sau lần tu bổ đó, kiến trúc nhà thờ giữ ổn định cho đến ngày nay.
Nhà thờ tộc Huỳnh Đắc có mặt tiền xoay hướng Nam, tổng thể di tích gồm có tường rào, cổng ngõ, sân trước và nhà thờ. Cổng vào có tường gạch xây dày, bên trên có lợp mái ngói âm dương, cửa ra vào là cửa bản gỗ ván ghép 2 cánh. Phía trên đố cửa có gắn cặp mắt cửa hình bông hoa 8 cánh. Bên trên có bức hoành đề[11]: 黃 祠 堂(Huỳnh từ đường). Do nằm trong khu vực thấp lụt nên nền khuôn viên được xây cao so với cốt vỉa hè. Qua cánh cổng là khoảng sân với nhiều cây cảnh xanh mát. Giữa sân có đỉnh hương lớn đúc bằng xi măng; không có bình phong.
Nhà thờ nằm về phía cuối khu đất, có kiểu thức nhà ba gian, mỗi gian được ngăn cách bởi những hàng cột gạch. Nhà thờ chỉ có một nếp nhà, tuy nhiên bên trong có vách tường ngăn phân định không gian thờ tự và tiền tế (tương tự như tiền đình và hậu tẩm). Nhìn chung, kiến trúc nhà thờ khá đơn giản nhưng có tính thẩm mỹ cao, hài hòa với cảnh quan chung khu vực. Các chi tiết ngoại thất, nội thất có sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống địa phương và kiến trúc Pháp.
Nhà thờ có hệ khung cột gạch chịu lực, bên trên trính tạo hình cuốn vòm xây tường gạch cao giáp nóc thay cho hệ kèo để đỡ mái, đồng thời tạo lối đi hình bán nguyệt bên dưới; tường bao xây gạch, nền láng xi măng, mái trước lợp ngói âm dương, mái sau lợp ngói móc. Các cột bên trong nhà thờ, bên dưới có tiết diện vuông, bên trên tiết diện tròn; chân cột và đầu cột đắp nổi gờ chỉ theo kiểu thức cột cổ điển phương Tây, thân cột có các rãnh nhỏ trang trí theo chiều dọc. Bờ nóc uốn cong nhẹ ở hai đầu, chia ô hộc cẩn mảnh sành sứ, trang trí đồ án lưỡng long triều dương. Bờ chảy giật cấp tại đỉnh nóc, đuôi bờ chảy trang trí hình giao lá.
Ở hiên trước có các thanh trính bê tông vươn ra từ tường gánh các bông trính bằng gỗ được chạm trổ rất đẹp, vừa có chức năng chống đỡ đòn tay ở đuôi mái trước vừa có chức năng trang trí. Hệ cửa mặt tiền là bộ cửa gỗ 4 cánh thượng song hạ bản. Trên đầu cửa đi đắp nổi bức hoành đề 3 chữ: 黃 先 祠 (Huỳnh Tiên từ).
Trang trí nội thất trong nhà thờ chủ yếu tập trung ở hệ thống thờ tự. Bàn thờ được bố trí ở cả ba gian và hai bên tường biên với hình thức tương tự nhau. Các bệ thờ xây gạch; khám thờ đúc xi măng, gắn chặt vào tường, đắp cẩn xà cừ với nhiều đồ án khác nhau, đều mang ý nghĩa cát tường.
Không gian thờ tự nhà thờ tộc Huỳnh Đắc - Ảnh: Hoàng Phúc
- Bàn thờ gian giữa: là bàn thờ chính, thờ các vị thủy tổ. Nền khu vực gian thờ này được nâng cao hơn nền nhà, có tường gạch ngăn cách với hai bàn thờ ở hai gian bên. Hai bên thân khám thờ cẩn cặp câu đối: 祖 宗功德 千 年 盛 / 子 孝 孫 賢 萬 代 昌(Tổ công tông đức thiên niên thịnh/ Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương).
Chính giữa mặt khám thờ đắp nổi hình bài vị, sơn đỏ có nội dung:
保 大 四 年 歲 次 己 巳 孟 冬 吉
黃 得 先 靈 諸 神 位
本 族 仝 敬 立
(Bảo Đại tứ niên tuế thứ Kỷ Tỵ mạnh đông cát
Huỳnh Đắc tiên linh chư thần vị
Bản tộc đồng kính lập)
黃 得 先 靈 諸 神 位
本 族 仝 敬 立
(Bảo Đại tứ niên tuế thứ Kỷ Tỵ mạnh đông cát
Huỳnh Đắc tiên linh chư thần vị
Bản tộc đồng kính lập)
- Bàn thờ gian trái: thờ tổ tiên. Chính giữa mặt khám thờ đắp nổi hai chữ: 尊 功 (Tôn công). Hai bên thân khám thờ cẩn cặp câu đối: 百 世 追 恩 憑 祖 德 / 千 秋 奉 祀 仰 尊 功 (Bách thế truy ân bằng tổ đức/ Thiên thu phụng tự ngưỡng tôn công).
- Bàn thờ gian phải: thờ tổ tiên. Chính giữa mặt khám thờ đắp nổi hai chữ: 祖 德 (Tổ đức). Hai bên thân khám thờ cẩn cặp câu đối: 喬 木 千 枝 唯 一 本 / 長 江 萬 派 總 同 源 (Kiều mộc thiên chi duy nhất bản/ Trường giang vạn phái tổng đồng nguyên).
- Bàn thờ tường biên bên trái và bên phải thờ các vị không người kế tự, con cháu sút sổ... Chính giữa mặt khám thờ đắp nổi hai chữ: 奉 祀 (Phụng tự).
Ngoài hệ thống thờ tự, không gian nội thất còn được tô điểm bởi các hoành phi, liễn đối. Cụ thể:
- Phía đầu tường ngăn gian thờ chính giữa có treo bức hoành: 黃 祠 堂 (Huỳnh từ đường).
- Bức hoành bằng gỗ trên xiên gian giữa: 萬 世 流 芳 (Vạn thế lưu phương).
- Câu đối ở hàng cột nhất hậu: 敬 尊 爱 親 為 人 常 在 念 / 入 孝 出 悌 處 世 素 須 知 (Kính tôn ái thân vi nhân thường tại niệm/ Nhập hiếu xuất đễ xử thế tố tu tri).
- Câu đối treo ở tường ngăn gian thờ chính giữa: 愛 國 莫 望 祖 / 仁 民 先 睦 親 (Ái quốc mạc vọng tổ/ Nhân dân tiên mục thân).
Nhà thờ tộc Huỳnh Đắc là thiết chế văn hóa quan trọng của tộc họ, là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn, địa điểm để con cháu, người trong tộc họ gặp mặt, thắt chặt tình thâm. Đặc biệt, các hoạt động quan trọng tổ chức tại nhà thờ luôn có sự tham dự của đại diện tộc Huỳnh Viết (Cẩm Nam) và ngược lại, thể hiện mối quan hệ khắng khít giữa các nhánh của họ Huỳnh. Ngoài ra, di tích còn có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, góp phần làm phong phú, đa dạng về loại hình nhà thờ tộc ở Hội An. Bên cạnh đó, nhà thờ tộc còn là minh chứng cho sự đóng góp của tộc Huỳnh Đắc trong quá trình hình thành và phát triển làng Cẩm Phô trước đây nói riêng và Hội An hiện nay nói chung.
* Tài liệu tham khảo:
1. Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng.
2. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng.
3. Gia phả tộc Huỳnh Đắc – Tư liệu do ông Huỳnh Đắc Tam, trưởng phái I tộc Huỳnh Đắc cung cấp.
4. Lịch sử hình thành và phát triển của tộc Huỳnh Viết (được lập năm 1997) - Tư liệu do ông Huỳnh Viết Thuật (phường Cẩm Nam) cung cấp.
- Bàn thờ gian phải: thờ tổ tiên. Chính giữa mặt khám thờ đắp nổi hai chữ: 祖 德 (Tổ đức). Hai bên thân khám thờ cẩn cặp câu đối: 喬 木 千 枝 唯 一 本 / 長 江 萬 派 總 同 源 (Kiều mộc thiên chi duy nhất bản/ Trường giang vạn phái tổng đồng nguyên).
- Bàn thờ tường biên bên trái và bên phải thờ các vị không người kế tự, con cháu sút sổ... Chính giữa mặt khám thờ đắp nổi hai chữ: 奉 祀 (Phụng tự).
Ngoài hệ thống thờ tự, không gian nội thất còn được tô điểm bởi các hoành phi, liễn đối. Cụ thể:
- Phía đầu tường ngăn gian thờ chính giữa có treo bức hoành: 黃 祠 堂 (Huỳnh từ đường).
- Bức hoành bằng gỗ trên xiên gian giữa: 萬 世 流 芳 (Vạn thế lưu phương).
- Câu đối ở hàng cột nhất hậu: 敬 尊 爱 親 為 人 常 在 念 / 入 孝 出 悌 處 世 素 須 知 (Kính tôn ái thân vi nhân thường tại niệm/ Nhập hiếu xuất đễ xử thế tố tu tri).
- Câu đối treo ở tường ngăn gian thờ chính giữa: 愛 國 莫 望 祖 / 仁 民 先 睦 親 (Ái quốc mạc vọng tổ/ Nhân dân tiên mục thân).
Nhà thờ tộc Huỳnh Đắc là thiết chế văn hóa quan trọng của tộc họ, là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn, địa điểm để con cháu, người trong tộc họ gặp mặt, thắt chặt tình thâm. Đặc biệt, các hoạt động quan trọng tổ chức tại nhà thờ luôn có sự tham dự của đại diện tộc Huỳnh Viết (Cẩm Nam) và ngược lại, thể hiện mối quan hệ khắng khít giữa các nhánh của họ Huỳnh. Ngoài ra, di tích còn có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, góp phần làm phong phú, đa dạng về loại hình nhà thờ tộc ở Hội An. Bên cạnh đó, nhà thờ tộc còn là minh chứng cho sự đóng góp của tộc Huỳnh Đắc trong quá trình hình thành và phát triển làng Cẩm Phô trước đây nói riêng và Hội An hiện nay nói chung.
* Tài liệu tham khảo:
1. Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng.
2. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng.
3. Gia phả tộc Huỳnh Đắc – Tư liệu do ông Huỳnh Đắc Tam, trưởng phái I tộc Huỳnh Đắc cung cấp.
4. Lịch sử hình thành và phát triển của tộc Huỳnh Viết (được lập năm 1997) - Tư liệu do ông Huỳnh Viết Thuật (phường Cẩm Nam) cung cấp.
* Tài liệu trích dẫn:
[1] Theo NNC. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, NXB Đà Nẵng, trang 68.
[2] Theo Lịch sử hình thành và phát triển của tộc Huỳnh Viết (được lập năm 1997), tư liệu do ông Huỳnh Viết Thuật – Thư ký tộc Huỳnh Viết (phường Cẩm Nam) cung cấp.
[3] Theo tộc Huỳnh Viết thì mộ ông Huỳnh Phước Thiện tọa lạc tại ấp Xuân Lâm, phường Minh An.
[4] Trước đây mộ ông Huỳnh Phước Uyển tọa lạc tại ấp Trường Lệ, nay đã được di dời đến khu nghĩa trang tại Bàu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà.
[5] Tộc Huỳnh Viết cho rằng đây là mộ của ông Huỳnh Phước Thiện.
[6] Nguyên văn chữ Hán: 皇 朝 / 龍 飛 甲 寅 年 季 春 吉 日 / 前 贒 開 墾 / 錦 江 / 太 始 祖 黃 尊 公 之 佳 城 / 黃 曰 黃 得 二 族 仝 拜 立
[7] Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, trang 199, 200.
[8] Ông Huỳnh Đắc Tam là trưởng phái I, trực tiếp quản lý, chăm lo hương khói tại nhà thờ tộc Huỳnh Đắc.
[9] Dẫn theo Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, trang 201.
[10] Trong Quảng Nam xã chí (tài liệu đã dẫn), khi liệt kê các di tích ở làng Cẩm Phô có nhắc đến nhà thờ Huỳnh Đắc (tộc) nên có thể khẳng định nhà thờ này được xây dựng trước thời điểm 1941 – 1943.
[11] Ký tự, phiên âm chữ Hán do Lê Thị Lưu – Chuyên viên Phòng Tư liệu & Thông tin Di sản thực hiện.