Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Nhà ở có kiểu dáng kiến trúc truyền thống ở làng Thanh Hà

Làng Thanh Hà xưa có mười ba ấp, gồm: Bộc Thủy, Hậu Xá, An Bang, Thanh Chiếm, Nam Diêu, Bàu Súng (nay thuộc phường Thanh Hà), Đồng Nà, Bến Trễ, Trà Quế, Cửa Suối, Trảng Kèo, Bầu Ốc, (nay thuộc xã Cẩm Hà) và Cồn Động (nay thuộc phường Cẩm An). Trải qua quá trình lịch sử, nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng và dân dụng được dân cư làng Thanh Hà xây dựng phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của mình. Dưới tác động bởi các yếu tố bất lợi của môi trường, khí hậu cũng như sự tàn phá của chiến tranh,… nhiều công trình kiến trúc nay thuộc xã Cẩm Hà đã bị hư hại hoàn toàn, nhà ở có kiểu dáng truyền thống cũng không còn. Tuy nhiên, trên địa bàn thuộc phường Thanh Hà, các di tích tín ngưỡng và một số ngôi nhà cổ vẫn được bảo tồn đến hiện nay. Trong đó, nhiều di tích có giá trị cao về kiến trúc, lịch sử, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương như Khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu, miếu Lục Vị,… Những ngôi nhà cổ hiện còn, được xếp hạng/bảo vệ như nhà ông Lê Bàn ở khối Nam Diêu (xếp hạng cấp tỉnh), nhà bà Nguyễn Thị Chiến cũng ở khối Nam Diêu (Danh mục bảo vệ của thành phố) và một số nhà thờ tộc, tất cả đều thuộc địa bàn phường Thanh Hà hiện nay.
Ngoài những ngôi nhà cổ đã được xếp hạng/đưa vào danh mục bảo vệ kể trên, qua khảo sát và thống kê bước đầu vào năm 2018, ở phường Thanh Hà vẫn còn 12 ngôi nhà ở có kiểu dáng kiến trúc truyền thống, gồm 04 ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, 08 ngôi nhà 3 gian. Những ngôi nhà này do thợ mộc Kim Bồng, hoặc do chính thợ người Thanh Hà học nghề ở Kim Bồng xây dựng cùng với thợ ở các địa phương khác như ở Lai Nghi, Phú Chiêm.

Thông tin từ một số vị cao niên ở làng Thanh Hà cho biết, trước đây do điều kiện kinh tế khó khăn, hầu hết người dân trong làng làm những ngôi nhà bằng tranh tre để ở. Trong làng chỉ có một vài nhà gỗ, tường bao xây kiên cố bằng gạch và vôi ghè, mái lợp ngói cong (âm dương), phần lớn là các ngôi nhà thờ tộc do nhiều người cùng góp công, của để xây dựng, nhà ở chiếm số lượng rất khiêm tốn. Từ năm 1960 đến năm 1975, người dân bắt đầu xây nhà tường gạch hoặc táp lô, vữa xi măng, lợp ngói Tây (ngói móc) hoặc ngói cong, số lượng nhà tranh tre giảm dần. Điều này có thể xuất phát từ điều kiện kinh tế của người dân và sự phổ biến của vật liệu xây dựng mới (xi măng, thép). Từ năm 1975 đến 1986 là thời kỳ kinh tế khó khăn nên ít người có đủ điều kiện để sửa hoặc làm nhà. Bước vào thời kỳ đổi mới, cuộc sống người dân làng Thanh Hà được cải thiện dần. Từ khi du lịch phát triển, đời sống kinh tế người dân thực sự khởi sắc, nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng khang trang, đồng thời người dân cũng có tiền để tu bổ lại những ngôi nhà có kiểu dáng truyền thống.
 
Như vậy, kiến trúc các ngôi nhà ở có kiểu dáng truyền thống hiện còn làng Thanh Hà có thể tạm chia thành hai giai đoạn: nhà xây trước năm 1960 và nhà xây từ 1960 đến 1975. Tuy nhiên, bố cục tổng thể và bố trí công năng trong nhà ở của cả hai giai đoạn không có nhiều khác biệt, gồm 4 phần như sau: nhà chính, nhà phụ (nhà ngang), các công trình phụ, cổng ngõ, sân, vườn, hàng rào.

Nhà ở có kiểu dáng truyền thống giai đoạn trước 1960 có 2 hình thức chính là nhà tranh tre và nhà rường. Nhà tranh tre chiếm số lượng lớn, nhà rường có số lượng rất khiêm tốn. Cho đến nay, các ngôi nhà tranh tre đã biến mất hoàn toàn, số lượng nhà rường còn trên thực địa cũng rất ít. Trong số nhà rường hiện còn, tiêu biểu nhất là nhà ông Nguyễn Giàu, tọa lạc tại tổ 7 khối Bàu Súng. Hình thức mặt tiền có sự chuyển tiếp từ kiến trúc nhà tranh tre sang nhà rường rất rõ nét, đó là chi tiết nhà không có hiên, cửa phên liếp đóng mở bằng cây chống. Đây là nét độc đáo về kiến trúc của ngôi nhà này, rất khó tìm thấy ở các địa phương khác của Hội An.

Nhà ở có kiểu dáng truyền thống giai đoạn từ 1960 đến 1975 có kiểu thức 3 gian, tường gạch, mái lợp ngói âm dương hoặc ngói Tây, ngói vảy trũi. Số lượng nhà tranh tre giai đoạn này cũng giảm dần. Sau 1970, nhà ngói xuất hiện nhiều hơn. Nhà ở giai đoạn này đều theo kiểu “3 gian 2 dạ kèo, 2 nhỏn xông (tường hồi), gác đòn tay, lợp ngói”. Người dân bỏ hẳn 2 chái để hệ mái trở nên đơn giản hơn, việc xây dựng ít tốn kém hơn. Số lượng nhà ở 3 gian xây dựng giai đoạn này hiện còn không nhiều (khoảng 08 nhà), tập trung ở khối Bàu Súng và khối Nam Diêu, trong đó có 2 nhà có mặt tiền có sự kế thừa hình thức kiến trúc nhà tranh tre khá độc đáo. Dù đã giản lược 2 chái nhưng do có sự thay đổi vật liệu xây dựng, kích thước các gian, lòng có thể nới rộng hơn so với gian nhà rường 3 gian 2 chái, nhà xây cao hơn nên nhìn ngôi nhà vẫn rất bề thế. Bố trí công năng bên trong hoàn toàn tương tự như ở nhà 3 gian 2 chái.

Nhìn chung, các ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống hiện còn ở Thanh Hà có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, còn bảo tồn được cách thức bố trí công năng sử dụng bên trong nhà... Đây là nguồn cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc truyền thống và nếp sống, sinh hoạt của cư dân địa phương, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật ở Hội An nói chung và Thanh Hà nói riêng. Ngoại trừ nhà ông Lê Bàn, nhà bà Nguyễn Thị Chiến ở khối Nam Diêu đã được xếp hạng/ đưa vào danh mục bảo vệ và đang được bảo quản khá tốt, những ngôi nhà còn lại  vẫn chưa đủ “cổ” và chưa đủ “đặc biệt” để có thể đưa vào danh mục bảo vệ của Thành phố nhằm, đang trong tình trạng xuống cấp, hư hại ở nhiều mức độ khác nhau nhưng chưa có điều kiện để tu bổ. Một số nhà do bị xuống cấp nặng, không đảm bảo an toàn để ở, chủ nhà đã cải tạo lại ngôi nhà, nhiều chi tiết kiến trúc gốc đã bị thay đổi hoặc mất đi. Đây là điều rất đáng tiếc!  

Trong điều kiện hiện nay, việc có giải pháp và chính sách hỗ trợ để bảo tồn và phát huy giá trị các ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống hiện còn ở Thanh Hà là rất cần thiết. Điều này vừa giúp người dân có điều kiện để gìn giữ các ngôi nhà của tiền nhân để lại, cải thiện thu nhập, điều kiện sinh hoạt. Đồng thời địa phương cũng bảo tồn được kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng phục vụ phát triển du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
 
 
       
 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây