Nghề truyền thống ở Hội An với tín ngưỡng và lễ lệ - lễ hội
- Chủ nhật - 20/03/2022 23:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vào cuối thế kỷ XV, ngư¬ời Việt đã đặt chân lên đất Hội An để thực hiện việc khai hoang mở cõi. Từ đó, vốn mang trong mình truyền thống cần cù, thông minh và sáng tạo trong lao động sản xuất, biết kế thừa và phát huy những thành tựu của các thời kỳ Tiền - Sơ sử, thời kỳ Champa trước đó kết hợp với quá trình giao lưu buôn bán với nhiều nước trên thế giới và biết tận dụng, khai thác hợp lý các điều kiện tự nhiên môi trường, bên cạnh việc khai hoang lập làng canh tác nông nghiệp, người Hội An còn linh hoạt sáng tạo một số ngành nghề truyền thống như ở các lĩnh vực nông, ngư, thương, tiểu thủ công bằng các nghề cụ thể như nghề yến Thanh Châu, nghề đánh bắt, chế biến thủy sản ở Võng Nhi, Đế Võng; nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà... nghề buôn, khai thác thổ sản,...
Lễ cúng cầu ngư ở Cửa Đại - Ảnh: Phước Tịnh
Nghề truyền thống ở Hội An không chỉ góp phần vào việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống mà còn có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân địa phương, đặc biệt trong đời sống tâm linh - tín ngưỡng và việc duy trì tổ chức các lễ lệ - lễ hội.
Trước hết đối với lĩnh vực thương nghiệp: Trong lịch sử, Hội An từng là một thương cảng quốc tế, là nơi tập trung hàng hóa buôn bán trao đổi giữa cư dân bản địa và thương nhân của nhiều nước trên thế giới như: Hoa, Nhật, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan,... Thông qua quá trình giao thương buôn bán, cộng cư sinh sống cư dân Hội An đã tiếp thu chọn lọc làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của mình.
Nói đến thương nghiệp không thể không đề cập đến thương hiệu, bảng hiệu. Qua khảo sát, bảng hiệu của các hiệu buôn ở Hội An được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau, nhưng chủ yếu là bằng gỗ có trang trí hoa văn, tên hiệu được viết bằng chữ Hán. Tên hiệu buôn thường được đặt bởi những từ hoa mỹ, hàm ý cầu mong mua may bán đắt, cơ nghiệp trường tồn như: Vạn Bửu, Vĩnh Xương, Quân Thắng, Thái Phát... Những nhà buôn rất coi trọng bảng hiệu nên khi làm bảng hiệu họ phải xem ngày chọn giờ cẩn thận, kích thước phải làm đúng vào các cung tốt của thước Lỗ Ban. Khi làm xong lại xem ngày chọn giờ, cúng tế rồi mới treo lên. Họ rất kiêng kị việc làm rơi bảng hiệu; khi chuyển nghề, chuyển nhà người ta vẫn trân trọng, giữ gìn bảng hiệu như vật gia bảo của gia đình.
Theo khảo sát thực tế các gia đình thương nhân ở Hội An vị thần được thờ nhiều nhất đó là Thần Tài. Khám thờ thần Tài thường đặt dưới đất, trong khám có bài vị và hai bức tượng Thổ Địa ngồi bên phải, Thần Tài ngồi bên trái. Hệ thống thần Tài được giới thương nhân ở Hội An thờ cúng rất đa dạng, bao gồm một hệ thống nhiều vị thần chuyên lo việc ban tài, phát lộc cho vạn dân như Tài bạch Tinh quân, Phước đức Chánh thần, Ngũ lộ Tài thần, Chiêu tài Đồng tử, Lợi thị Tiên quan, Huyền đàn Triệu Công Minh Nguyên soái... Trong đó các vị Tài bạch Tinh quân, Phước đức Chánh thần là được thờ nhiều nhất. Ngoài các công trình tín ngưỡng lớn có bàn thờ, khám thờ long trọng trong điện thờ, trong các nhà dân thì đặt khám thờ dưới đất, thường quay mặt theo hướng nhà. Trong khám có bài vị cùng hai bức tượng thổ địa và thần Tài. Thần Tài được cúng vào các ngày Sóc vọng, ngày vía, có khi được cúng vào mỗi buổi sáng hàng ngày trước lúc mở cửa bán mở hàng. Ngoài ra, trong tín ngưỡng của thương nhân Hội An, nhất là Hoa thương thì ngoài Thần Tài họ còn thờ nhiều vị thần, thánh khác có liên quan đến nghề nghiệp của mình đó là Thiên hậu Thánh mẫu, Chiêu ứng công, Phục ba Tướng quân… (được xem là Hải thần - vị nữ thần bảo hộ sự bình an cho các thương thuyền, ban tài phát lộc cho dân buôn), Quan thánh Đế quân (được xem như Võ tài thần)… vào các ngày lễ Tết, các ngày vía của chư thần, Phật, các thương nhân cũng đều sắm lễ cúng viếng để cầu tài cầu lộc và vay lộc, xin lộc làm ăn.
Hàng năm người Hội An tổ chức nhiều hoạt động lễ hội lớn liên quan đến tín ngưỡng của thương nghiệp như lễ Nguyên tiêu vào các ngày 15 - 16 tháng Giêng vừa để cúng tiền hiền, cầu bình an nhưng cũng đồng thời là dịp cầu tài xin lộc đầu năm; Lễ vía Lục tánh Vương gia được tổ chức vào ngày 12 tháng 2 ÂL tại hội quán phúc Kiến; Lễ vía Thiên hậu Thánh mẫu được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 ÂL tại các hội quán Phúc Kiến, Ngũ bang, Quảng Triệu; Lễ vía Quan Thánh Đế quân được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 ÂL tại Quan Công miếu, Quảng Triệu hội quán... Những lễ hội này là những lễ hội lớn định kỳ hàng năm của Hội An - Quảng Nam. Vào các dịp tổ chức lễ hội đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, không những người địa phương mà cả người dân ở nhiều nơi khác như Đà Nẵng, Tam Kỳ, Huế, Quảng Ngãi... cũng như du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài thương nghiệp, có thể nói nghề nông là nghề nghiệp chủ yếu của đại đa số cư dân Hội An. Đối với người nông dân mong ước chính của họ là trông cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu nên hàng năm người ta có tục tổ chức cúng thần Nông là vị thần tương truyền đã dạy dân trồng lúa, hoa màu. Bên cạnh đó họ còn tổ chức cúng mục đồng để cầu mong cho trâu bò, gia súc khỏe mạnh, tránh được dịch bệnh để phục vụ cày cấy của nhà nông. Trước đây, người dân nông thông còn có tục cúng xuống đồng trước khi vào vụ mùa mới. Sau mùa thu hoạch, người ta tổ chức cúng cơm mới, tập tục này đến nay vẫn còn duy trì. Bên cạnh đó, tại các đình làng, miếu xóm người ta còn thờ cúng nhiều vị thần khác như Đại càn Quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương, Thành hoàng Bổn xứ, Thiên Y A Na, Bạch mã Thái giám, Ngũ Hành tiên nương… Hàng năm, các cộng đồng làng xã đều tổ chức cúng tế xuân và tế thu vào hai dịp mùa Xuân và mùa Thu để cầu cho phong điều vũ thuận, mùa màng không bị sâu rầy phá hoại, bội thu đồng thời cầu mong cho làng xóm yên ổn, ai nấy đều được no đủ.
Ở Hội An, tỷ lệ nhân dân làm nghề ngư cũng khá đông, chủ yếu tập trung tại các vùng Cẩm An, Cẩm Thanh, Tân Hiệp, Cẩm Nam, Cẩm Kim,... Ngư dân Hội An có tục thờ nhiều vị thần liên quan đến sông nước như Long vương, hà bá Thủy quan… và cá Ông. Trong đó cá Ông là vị thần được ngư dân tôn sùng nhất, họ thường gọi cá Ông với tên là Ông Nam Hải Ngọc Lân vì trước đây, dưới thời phong kiến cá Ông từng được triều đình ban cấp sắc phong thờ cúng với mỹ tự là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần”. Do đó các vạn, làng chài, xóm lưới đều có lăng Ông và tôn thờ cá Ông như là một vị thần bảo hộ ngư dân. Với lòng tôn sùng như vậy, nên mỗi khi có cá Ông luỵ (chết) trôi dạt vào bờ, người ta đều phải vớt lên làm đám tang rầm rộ, có khi còn quy mô hơn cả tang người. Người vớt được xem là trưởng nam phải để tang màu đỏ, phải tổ chức lễ tang đúng theo sách Thọ mai Gia lễ. Sau khi chôn cất được ba năm thì người ta cải táng, đào lấy xương rửa sạch rồi cho vào hòm để thờ trong lăng Ông. Hàng năm chiếu lệ, các vạn đều tổ chức cúng cầu ngư, múa hát bả trạo, hát tuồng,... (mỗi địa phương có ngày cúng cầu ngư riêng như Cửa Đại cúng vào ngày 16/2 âm lịch, Tân Hiệp cúng vào ngày mồng 4/4 âm lịch ). Lễ hội cầu ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận cũng như du khách thập phương.
Nhóm nghề truyền thống lớn thứ tư của Hội An là tiểu thủ công nghiệp gồm nhiều nghề như nghề làm gốm ở Nam Diêu - Thanh Hà, nghề mộc ở Kim Bồng, nghề làm lồng đèn, nghề may - thêu, nghề rèn, nghề kim hoàng… Đối với nhóm nghề này, ngoài việc thờ cúng những vị thần chung của làng xã tại các đình làng, miếu xóm họ còn thờ cúng các vị tổ nghề và những vị thần bảo hộ như tổ nghề mộc, tổ nghề gốm, tổ nghề may…
Ngoài ra, ở Hội An còn có một số nghề truyền thống khá đặc biệt không thể không đề cập đến đó là các nghề khai thác yến sào của cư dân Thanh Châu và nghề y cổ truyền. Đối với nghề khai thác yến sào, ngoài việc thờ các vị tổ nghề, những người có công với nghề họ còn thờ nhiều vị thần bảo hộ khác như Ngũ Hành tiên nương, Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương, Thành Hoàng bổn xứ, Phục Ba tướng quân, Nam Hải Ngọc Lân, Hà Bá, Thuỷ Long… Hàng năm vào dịp mồng 10 tháng 3 âm lịch lễ tế tổ nghề yến được tổ chức khá quy mô, long trọng tại miếu tổ nghề yến ở Bãi Hương - Tân Hiệp. Nghề y thì thờ lịch đợi tổ sư, Tiên sư và Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Lễ cúng tổ nghề y được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng.
Có thể nói hệ thống nghề truyền thống ở Hội An rất phong phú, đa dạng với các loại hình như thương nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Trong nhiều thế kỷ qua, các ngành nghề này không chỉ có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của người Hội An mà còn có vai trò không nhỏ trong lĩnh vực văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng mà cụ thể đó là văn hóa tâm linh tín ngưỡng và những lễ lệ - lễ hội. Đây chính là bộ phận quan trọng của kho tàng văn hóa phi vật thể ở Hội An, đã góp phần làm tăng tính đa dạng - phong phú, nhiều màu sắc của văn hóa Hội An, với tín ngưỡng, các lễ hội của nghề truyền thống ở Hội An thể hiện bề dày của truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương, vừa phản ánh những nét cơ bản trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Hội An.