Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Nghề trồng quật giống ở Cẩm Hà

Xã Cẩm Hà là một trong 13 đơn vị hành chính của thành phố Hội An, cách trung tâm hành chính thành phố 02 km về phía Bắc. Tổng diện tích tự nhiên là 613,2 ha (6,132 km2), có 5 thôn: Trảng Suối, Trà Quế, Đồng Nà, Bầu Ốc, Bến Trễ. Vùng đất này nổi tiếng với hai thương hiệu rau Trà Quế và Quật cảnh Cẩm Hà. Đây được xem là 2 nghề mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho đại đa số người dân trong xã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế và tạo môi trường phát triển du lịch làng quê sinh thái hiệu quả nhất trong thời gian gần đây.
quat cam ha
Nghề trồng Quật ở Cẩm Hà - Ảnh: Hồng Việt
 
      Tại Hội An nghề trồng quật cảnh chủ yếu ở một số địa phương như Cẩm Châu, Thanh Hà, Tân An, tuy nhiên tập trung nhất vẫn là xã Cẩm Hà vốn nổi tiếng với tên gọi “Quật cảnh Cẩm Hà”. Quật (Quất) (miền Nam gọi là tắc, Tây Nam bộ gọi là hạnh, tên khoa học: Citrus japonica 'Japonica', đồng nghĩa: Fortunella japonica); là một giống cây kim quất và hay được trồng nhất trong các giống kim quất. Quật là loài cây thường xanh, có thể làm cây trồng trong nhà. Cây quật hay được trồng làm cây cảnh, thậm chí làm bonsai. Trái quật có thể dùng làm mứt, nước giải khác. Đông y hay dùng quả quật như một vị thuốc chữa các chứng bệnh do lạnh gây ra như viêm họng, lạnh bụng, cảm, v.v... Ở Việt Nam cây quật cảnh ra trái hay được trưng bày vào dịp Tết vì người ta cho rằng quật là biểu tượng của may mắn.[1] Theo các vị cao niên trong làng thời điểm phát triển mạnh mẽ cây quật cảnh ở Hội An vào khoảng những năm 80 của thế kỷ XX. Quật trước đây trồng để lấy quả bán, tuy nhiên nhận thấy đây là loại cây cho quả sai, hình dáng đẹp, nên người dân đã mạnh dạn đem thử nghiệm trồng quật cảnh trong chậu để phục vụ dịp tết cổ truyền hằng năm, làm phong phú cho ngày tết với lối chơi hoa cây cảnh của người dân địa phương. Và để có những chậu quật cảnh đẹp cung cấp cho thị trường hoa cây cảnh tết hằng năm, đòi hỏi người làm quật cảnh phải chọn cây giống làm sao để đảm bảo số lượng lẫn chất lượng mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong các dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Nắm bắt nhu cầu cây giống của các hộ chuyên trồng quật chậu cảnh, nhiều gia đình đã chọn việc trồng quật giống làm nghề chính để cung cấp giống cây trồng cho người dân trong xã. Quật giống thì không yêu cầu quá nhiều về mặt kỹ thuật, cũng như việc chăm sóc chặc chẽ như khi quật đã vào chậu, tuy nhiên để có cây giống đảm bảo chất lượng, đạt yêu cầu theo mong muốn người mua, người trồng quật giống cũng cần có những kinh nghiệm, kỹ thuật nhất định trong việc chăm sóc cây giống đạt hiệu quả.

      Muốn trồng được quật giống trước tiên người trồng quật cần phải có diện tích đất lớn, mỗi người phải sở hữu ít nhất 2 sào đất trở lên sẽ thuận hơn cho việc trồng quật giống. Quật giống được chiết từ những cây quật trưởng thành có nhiều nhánh nhỏ, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, thời gian chiết nhánh trong vòng 45 ngày. Chiết nhánh phải chọn những nhánh quật to khẻo, tốt, đủ chán (đủ 2 nhánh trở lên). Thời gian nào cũng có thể chiết cành, tuy nhiên theo kinh nhiệm những người trồng quật giống thời điểm chiết cành tốt nhất vào mùa nắng, mùa mưa chiết không ra rễ. Công đoạn chiết quật trước tiên phải chuẩn bị đất, chọn đất thịt trộn với đất cát, đất phải đủ độ ẩm để bó nhánh, sau khi chọn nhánh đủ chán, dùng dao nhọn khứa quanh thân nhánh có chiều dài khoảng 20cm, để khô trong ngày, dùng đất đã trộn bó quanh đoạn đã khứa, bọc giấy ni lông ở ngoài, sau đó cột 2 đầu bằng dây lạt, để khoảng 1 tháng nhánh  được chiết ra rễ, nhưng để đảm bảo rễ già, cây giống sau này sinh trưởng khỏe mạnh đợi đến 45 ngày mới cắt nhánh. Nhánh sau khi được cắt, tháo bỏ giấy ni lông bọc bên ngoài có thể trồng hoặc đào hố nhỏ giâm nhánh dưới đất thêm 10 ngày cho nhánh ra rễ mạnh. Sau đó, đào hố có chiều sâu 15 – 20cm, miệng hố vừa phải, bón lót bằng phân bò, cây đậu khô, đặt cây đã chiết xuống hố, lấp đất lại, mỗi cây trồng cách nhau 1,2m, hàng cách hàng 1,5m. Một sào trồng được khoảng 300 cây. Công đoạn chăm sóc cây cũng rất được chú trọng, mùa nắng tưới nước ngày 1 lần, mùa mưa tưới 1 ngày nghỉ 1 ngày, cây bắt đầu sinh trưởng phát triển sau 1 tháng trồng, khoảng 1 tháng bón nhẹ phân đạm 1 lần trên mặt đất và tưới nước. Sau khi trồng được 3 - 5 tháng đánh mép cách gốc 30 phân, bón phân chuồng, bánh dầu lấp đất và tưới nước. Cây trồng sau 3 tháng thì tỉa các mụt nhỏ để cây sinh trưởng phát triển nhanh, sau khi tỉa bón nhẹ phân đạm, cây nức lộc, 5 tháng đã ra hoa kết trái nhưng đều phải tỉa bỏ, tỉa liên tục trong vòng 10 đến 12 tháng. Song song với việc bón phân, tưới nước, tỉa cành, việc phòng trừ sâu bệnh cũng là vấn đề cần được quan tâm kịp thời, quật giống thường mắc 1 số bệnh như bọ trĩ, vẽ bùa (làm lá xoăn), nhện đỏ (loại này khó quan sát, làm cho lá càng ngày càng teo lại), rỉ sắt (làm lá rụng). Quật giống thường dùng các loại thuốc hóa học phù hợp để diệt các loại sâu bọ, mỗi tháng xịt thuốc 1 lần, xịt khi lá non sẽ hạn chế các loại sâu bệnh. Mỗi tháng làm cỏ dại 1 lần, dùng cuốc xới cỏ cho sạch sẽ.  

      Quật giống từ khi trồng, chăm sóc đến khi bán thường khoảng 18 tháng, trung bình cây phải đạt chiều cao 1,5m trở lên, giá trung bình mỗi cây quật giống dao động từ 250.000đ đến 300.000đ/cây, cung cấp chủ yếu cho người dân địa phương. Những người trồng quật chậu thường khoảng tháng 5 – 6 âm lịch đến tại vườn đặt cây giống, việc đặt cọc tiền trước hay sau tùy sự thương lượng với chủ vườn, đến khoảng tháng 10, 11 hoặc tháng 12 âm lịch các chủ mua sẽ đến mua đem về nhà vô chậu chăm sóc trong vòng 1 năm có thể xuất bán.

      Người trồng Quật giống thường cúng mỗi năm 1 lần vào dịp cuối năm, khoảng từ 20/12 âm lịch trở lên. Sáng sớm, người dân thường chuẩn bị lễ vật sẵn trong nhà, sau đó đem các lễ vật ra tại đất mình canh tác để cúng, lễ vật cúng cũng đơn giản thường hoa quả, trầu, cau, rượu. Cầu một năm mưa thuận gió hoà mùa màng đạt hiệu quả.

      Quật trở thành một trong những loại cây cảnh có giá trị của xã Cẩm Hà, làm nên thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn vang xa đến nhiều nơi khắp mọi miền đất nước, mang lại sắc xuân tươi mới cho ngày tết cổ truyền dân tộc. Và người trồng quật giống ngoài làm kinh tế, họ cũng mong muốn sau những thành quả lao động vất vả từ việc trồng đến việc chăm sóc để tạo ra các giống cây trồng tốt, là yếu tố quan trọng quyết định cho sự sinh trưởng phát triển cây quật cảnh, góp một phần không nhỏ sau thành công của các nghệ nhân trong nghề trồng quật chậu cảnh. 
 
[1] https://vi.wikipedia.org

Tác giả: Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây