Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Nghề đóng ghe ở Cẩm Kim

Đóng ghe ở Cẩm Kim - Ảnh: Phước Tịnh
          Trước đây, đã có một số tư liệu thư tịch nói về nghề đóng ghe liên quan đến Hội An nhưng chưa đề cập cụ thể là ở Kim Bồng - Cẩm Kim hay địa phương khác của Hội An. Nhưng qua thực tế điều tra đã cho thấy ở Kim Bồng - Cẩm Kim có nghề đóng ghe bầu nói riêng và ghe thuyền nói chung từ lâu đời. Kim Bồng đã từng đóng nhiều loại ghe gồm: các loại đò chở khách, thuyền cứu hộ, ghe đua, ghe làm nghề đánh bắt thuỷ sản gọi là ghe nghề, ghe bầu đi buôn ở các tỉnh duyên hải, ghe buôn nguồn dùng để đi buôn ở thượng lưu sông Thu Bồn.

          Theo tư liệu hồi cố của các nhân chứng, vào những năm 1930 - 1950 tại Kim Bồng có ít nhất bốn trại đóng ghe bầu lớn của ông Hương Chạy, ông Hương Phòng, ông Thủ Hoài, ông Hương Thiệt. Lúc bấy giờ, đoạn từ hói ông Hương Phòng đến lăng Bà thuộc thôn Đông Hà là nơi tụ tập ghe bầu san sát. Trong khi đó, ông xã Diên có trại đóng nghe nghề. Từ kết quả điều tra một số thợ đóng ghe ở Cẩm Kim cho thấy cách đây khoảng 60 năm về trước, Cẩm Kim có ít nhất 6 trại đóng ghe bầu, 1 trại đóng ghe nghề biển. Đến khoảng những năm 1960, ghe bầu không còn nữa do bị đốt phá, ngăn cản hoạt động, nghề đóng ghe bầu cũng không còn nữa và hoạt động buôn ghe bầu cũng vậy.

           Ông Huỳnh Hường, 85 tuổi, ở Trung Hà, một thợ đóng ghe lâu năm kể rằng: Gia đình ông có ít nhất 3 đời làm nghề đóng ghe, kể từ đời ông Hường. Bản thân ông Hường từng đóng ghe ở Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đà Nẵng. Nhiều người Kim Bồng đến đóng ghe tại các nơi kể trên đã ở lại, kết hôn, duy trì nghề đóng ghe như trường hợp của ông Bông, anh em chú bác ruột của ông Hường. Những thợ đóng ghe trẻ hơn, hiện nay đang ở độ tuổi 50, 60 cũng đã có thời gian đóng ghe ở các nơi xa Núi Thành - Quảng Nam, Thanh Khê - Đà Nẵng.

          Muốn học được nghề đóng ghe, ban đầu người học nghề phải nấu cơm, dọn cơm cho các thợ, trong lúc rảnh thì làm các việc phụ như dùng rìu đẽo be, giàn đà, khoan, đục các lỗ chốt hoặc đốt lửa uốn be, đóng chốt ráp be… Học khoảng 2 - 4 năm là trở thành thợ đóng ghe. Thợ được phân theo các bậc sau: Thợ nhất: Làm được tất cả các công đoạn trong đóng ghe và chuyên làm những việc khó như vẽ kiểu, chọn cây, ra thước tấc, làm lô mũi, lô lái, long cốt. Thợ nhì: Làm các việc cưa rọc, bắt be, rập giang đà. Thợ ba: Phụ bắt be, cưa rọc giang đà, đánh be, khoan đẽo. Học trò làm các việc: khiêng be, khiêng gỗ, khoan, đục, đóng chốt, đốt lửa uốn be… Chủ trại ghe thường là thợ nhất, chủ thầu nhận đóng ghe, tính toán giá tiền nhận thầu, sau đó, tính trả công cho thợ, còn lại lãi thì được hưởng hoặc chịu lỗ.
Để tạo được một con thuyền, trong mỗi công đoạn, người thợ dùng nhiều công cụ xẻ gỗ, đóng ráp, nhập tạo nên chiếc ghe/thuyền. Một số công cụ, phương tiện chính mà thợ đóng ghe Kim Bồng thường dùng là: rìu, nọc, khoan, cưa, bào, đục, trường đà hạ thủy hoặc từ sông lên trại, đinh chốt… Về đinh chốt, ngày xưa là tre ngâm, chốt gỗ, bây chừ thường dùng ốc vít. Ngoài ra, còn dùng các loại dầu rái, dăm bào, mùn cưa để xảm, chống thấm. Các loại công cụ đóng ghe ở Kim Bồng được thợ mua ở lò rèn ông Dui tại Cẩm Châu, hoặc mua ở lò rèn tại Cẩm Nam. Về cơ bản, qui trình đóng ghe bầu cũng như đóng các loại ghe, thuyền khác có nhiều điểm giống nhau, gồm các công đoạn: Ra cây - Làm long cốt - ghim - bắt sỏ mũi, sỏ lái - bắt/đóng be, giang, đà - then - làm xa quạ - đắp hầm (ván sàn), làm mui, buồm - vẽ mắt ghe, xảm biên - sơn - hạ thủy - gắn bánh lái. Trong quá trình đóng ghe, chủ ghe cùng thợ ghe thường duy trì các lễ cúng tín ngưỡng quan trọng bởi chiếc ghe được xem như là ngôi nhà. Các lễ chính chủ ghe và thợ cùng tham gia là Phạt mộc, giáp ghim, hạ thủy, khai quang điểm nhãn, đưa dăm tống mộc.

          Ông Nguyễn Văn Công nói rằng thợ thường dùng kiền kiền để đóng be, long cốt, dùng gỗ lim để đóng sỏ, giang đà. Cách đây khoảng 50, 60 năm, gỗ được mua ở 5 trại gỗ tại Cẩm Kim.

          Qua nhiều năm đóng ghe, ông Huỳnh Hường, nhận xét sự khác biệt giữa ghe thợ Kim Bồng đóng với ghe thợ ở Quảng Ngãi, Bình Thuận như sau: Ghe Kim Bồng thường có vai nở, mũi hẹp, bụng nhỏ, suôn hơn giảm lực cản, chạy nhanh so với các địa phương đã kể trên. Ghe đò thường bụng to cho thuyền có thăng bằng nhưng chạy chậm. Ghe đánh cá thường nhỏ bụng, ngắn về chiều sâu, chạy được nhanh.

         Nghề đóng ghe bầu hiện nay không còn nữa. Nhưng nghề đóng ghe nói chung ở Cẩm Kim vẫn đang hoạt động với việc đóng mới nhiều tàu đánh bắt thủy hải sản loại nhỏ và vừa, các tàu đò, ghe cứu hộ bão lụt, tàu du lịch, đồng thời làm nước, sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân ở Hội An và một số địa phương lân cận. Hiện nay, Cẩm Kim có 9 trại ghe đóng sửa tại chỗ và nhiều thợ đóng ghe lưu động ở các huyện, quận của Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng…. Trong năm 2014, có 9 hộ, 26 lao động đã tu sửa 345 chiếc, đóng mới 178 chiếc ghe các loại, doanh thu 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân của mỗi thợ một tháng là 4 triệu đồng, tiền công mỗi ngày thợ được tính 350 ngàn đồng/ngày. Cẩm Kim và Cửa Đại là một trong hai địa phương của Hội An có nghề đóng sửa tàu thuyền. Tuy nhiên, ở Cửa Đại có một cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu có sông suất 400CV trở lên theo qui định tại nghị định 67/2014/NĐ - CP ban hành ngày 7 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng chính phủ.

         Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nghề đóng ghe là nghề có thế mạnh của Cẩm Kim từ xưa đến nay. Trong tương lai, cần quan tâm chú trọng hỗ trợ một, hai cơ sở nghề đóng ghe thuyền để đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng lại thị trường sản xuất hoặc phấn đấu có 1 hộ đạt tiêu chuẩn đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Thông qua đó, nâng cao thu nhập người dân và bảo tồn giá trị văn hoá của nghề.
 
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây