Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Một vài thông tin về lễ Tết Nguyên đán qua tư liệu

Tết Nguyên đán là lễ lớn nhất trong năm, một trong những phong tục của người Việt từ xưa cho đến ngày nay. Dưới thời kỳ chúa Nguyễn ở Đàng Trong đến thời kỳ nhà Nguyễn, lễ Tết luôn được triều đình và nhân dân quan tâm, chú trọng. Qua các ghi chép, du ký của các thương nhân, nhà truyền giáo cùng với các sử liệu nhà Nguyễn, bài viết này giới thiệu một vài thông tin về lễ Tết thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và một số điển lệ quy định về lễ Tết của triều đình nhà Nguyễn.
      Jean Koffler (1711-1780)[1], là một tu sĩ người Tiệp Khắc, ông đã sống ở Huế vài năm dưới triều đại của Võ Vương (1736-1765). Trong cuốn Description historique de la Cochinchine (Mô tả lịch sử Đàng Trong) (viết bằng tiếng Latinh, do V. Barbier dịch), phần Tôn giáo và nghi lễ ở An Nam, ông đã viết về lễ Tết như sau: “Ngày đầu tiên của tuần trăng đầu tiên là ngày lễ trọng đại nhất do tổ tiên họ quy định. Nó được tổ chức khắp nơi trong cả nước với sự đồng lòng hân hoan của tất cả mọi người. Nhà vua và các quan lại cấp cao dành hai mươi ngày liên tục cho ngày Tết, và những người khác thì chỉ có ba ngày. Những cây nêu lớn được dựng trong cổng cung điện của triều đình và trước cửa tất cả các ngôi nhà. Ở phía đầu cây nêu, có treo một bó cây xanh hoặc những cây tre cao giống như lau sậy, chỉ còn lại một ít lá ở phần ngọn, hơi giống “cây tháng Năm”[2] ở châu Âu. Người ngoại đạo thêm một số đồ trang trí như những tờ giấy hơi nhuốm màu vàng hoặc bạc, một ít rơm và một cái giỏ nhỏ, trong đó họ đặt một số tiền lẻ để mua hạnh phúc mà họ mong muốn trên thiên đàng… Trên thực tế, họ phải nâng và hạ cây nêu này vào những thời điểm xác định, nhờ đó họ dự đoán điều tốt hay xấu mà năm mới sẽ mang lại cho họ”.[3]

      Nam Biều ký là cuốn du ký chứa đựng những thông tin về xứ An Nam vào cuối thế kỷ 18, được ghi chép bởi những thuyền nhân Nhật Bản trên con thuyền chở gạo có tên Daijoumaru gặp bão trôi dạt đến An Nam. Cuốn sách này được xuất bản trong thời kỳ Tokugawa bế quan tỏa cảng. Nội dung cuốn sách cung cấp rất nhiều thông tin về vùng đất, con người xứ An Nam, trong đó có ghi chép về lễ Tết và tục dựng nêu ở Đàng Trong như sau: “Đêm cuối cùng của một năm, tức ngày 30, trước mỗi nhà dựng một cây tre và treo lồng đèn trên cửa. Cảnh tượng đó rất náo nhiệt. Qua ngày hôm đó chúng tôi mới hiểu ý nghĩa các món quà mà quốc vương tặng chúng tôi năm trước. Đây là phong tục của đất nước này. Ngày đầu năm, để bắt đầu ngày lễ, họ ăn bánh mochi và dango chiên (bánh dạng viên tròn được làm bằng bột gạo). Sau đó đàn ông và phụ nữ đều thay mặc quần áo mới, họ ra khỏi nhà để đi chúc tụng nhau sống thọ, không khác gì ở bất cứ nước nào. Ở đất nước này, khắp nơi họ ăn tiệc chúc tụng nhau, đặc biệt là trong đêm giao thừa, vừa uống rượu vừa ngâm thơ”[4].
kham dinh da nam
Một trang tư liệu trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ
 
      Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên là bộ sách được biên soạn vào thời vua Thành Thái theo thể loại Hội điển, ghi chép lại các điển pháp, quy chuẩn và các dữ kiện liên quan đến tổ chức và hoạt động của triều Nguyễn nửa sau thế kỷ 19 (từ 1852-1889). Bộ sách này gồm 60 quyển, về bộ Lễ có 16 quyển (từ quyển 17-33), ghi chép về các lễ tục, nghi thức, tế tự, việc học, thi cử, quan phục, nhã nhạc… Trong đó có ghi chép về các lễ tiết trong Tết Nguyên đán như sau:

      Lễ dựng nêu: “Năm Tự Đức thứ 29 [1876], bản Tấu gởi lên: giờ Thân ngày 30 tháng này dựng nêu, mồng 7 giờ Thìn hạ nêu. Ngày này vâng theo Sắc: Cứ theo lời tâu của Khâm Thiên Giám ngày mai giờ Thân thì lên nêu. Việc này là việc thông thường hà tất phải chọn giờ. Từ nay về sau, dựng và hạ nêu quy định chuẩn cho lấy giờ Thìn thực hiện, mãi mãi lấy giờ đó làm lệ[5].

      Về lễ nghênh xuân, lễ tiến xuân ở cung đình và trong nhân dân, Hội điển (tục biên) chép rằng: “Năm Thành Thái thứ nhất [1889], tâu được chuẩn: Lễ Nghênh xuân và lễ Tiến xuân, gặp khi nước có quốc tang xin tuân theo lệ năm Thiệu Trị thứ nhất [1841] và Kiến Phúc thứ nhất [1884] mà thực hiện… vẫn giao ty hữu trách lập đàn ở ngoài quách đông giao[6]. Đến ngày lễ, viên Kinh doãn mặc lễ phục làm lễ Nghênh xuân, lễ xong Bộ Lễ cùng với Kinh doãn, Khâm Thiên Giám kính rước 2 án đặt Mang thần và thổ ngưu đến kính dâng ở Duyệt Thị Đường (bỏ xuân sơn) và cung Gia Thọ. Việc dâng ở cung Trường Ninh, kính tuân chuẩn mà đình chỉ. Còn ở các địa phương khăn áo thường phục làm lễ Nghênh xuân”.[7] Đối với Lễ cày tịch điền: “Năm Tự Đức thứ bảy [1854] tâu xin chuẩn: Kính chiếu theo thời Minh Mạng, Thiệu Trị, lễ cày ruộng Tịch điền có khi sai mệnh quan (quan Kinh doãn) đi cày thay một phen hay không. Trước đó sửa sang các thửa ruộng để tránh chi phí về nhân công vật liệu. Năm Kiến Phúc thứ nhất [1884] tâu được chuẩn: Kính chiếu theo các năm Tự Đức thứ nhất [1848], thứ hai [1849], lễ Tịch điền ở Kinh sai phái quan Kinh doãn thực hiện… Còn như ở các địa phương thì tuân theo lệ hằng năm mà thi hành[8]. Trong đó, tịch điền tại trực tỉnh: “Quảng Nam: 3 mẫu 3 sào tịch điền. Năm Tự Đức thứ 27 [1874], thu hoạch được 25 hộc nếp, kính chi 29 hộc. Năm thứ 28 [1875], thu hoạch 25 hộc nếp, kính chi 27 hộc”.[9]

      Sử gia Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí do ông biên soạn dưới thời vua Gia Long, xuất bản vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820) ghi chép về núi sông, con người, phong tục tập quán, thổ sản,… trong đó về phong tục tập quán, lễ Tết và tục dựng nêu được ghi chép như sau: “Ngày trừ tịch, mọi nhà đều trồng nêu tre ở trước cửa lớn, trên buộc cái sọt bằng tre, trong để trầu cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng bạc, gọi là trồng nêu… Ngày mồng 7 hạ xuống, gọi hạ nêu. Phàm công nợ vay mượn còn thiếu lại, nội trong ngày Tết không được đòi hỏi, phải đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi.

      Tục cứ đến cuối năm may áo mới, đẹp, quét rửa sạch trong nhà ngoài sân, dán câu đối, bày bàn ghế, sửa soạn chỗ thờ cúng tổ tiên, có thứ gì bày ra hết để khoe với nhau; răn bảo con em, phàm việc gì phải cẩn thận, để bói xem điềm triệu trong một năm. Mồng một tết, đầu giờ dần, dậy đốt đèn hương, dâng nước chè nóng, lễ bái tổ tiên, rồi đến mừng tuổi người tôn trưởng, chúc cho sang năm mới giàu và sống lâu, làm cỗ bàn đặt cúng tiên tổ, mỗi ngày sáng chiều hai buổi, như để phụng cúng người còn sống. Phàm những thứ quả, mứt, bánh, hết thảy các món ăn dàn bày rất nhiều, đến ngày 13 thì tống thần, gọi là đệ tiễn…”[10]

      Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm Minh Mạng thứ hai (1821), hoàn thành vào năm Duy Tân thứ ba (1909), phần chính biên ghi chép từ thời Gia Long đến thời Đồng Khánh. Trong tập 6 phần chính biên, năm Ất Tỵ, Thiệu Trị năm thứ 5 tức năm 1845, mùa Đông, tháng 12 chép về việc định lại ngày tế Hợp hưởng có dụ rằng: “Hằng năm, tháng chạp làm lễ "tuế trừ" (tháng đủ, vào ngày 30, tháng thiếu vào ngày 29)… đến ngày làm lễ, trống canh năm, sau khi bắn súng, hữu ty bày đặt cổ bàn, vàng bạc, hương đèn, các hạng lễ phẩm ở các miếu đều đủ cả, biền binh thì bày hàng lỗ bộ, nghi trượng, nhã nhạc ở hai bên tả hữu trước sân miếu, hoàng tử, hoàng thân đều mặc áo thêu con mãng xà, chia đến các miếu đứng chờ làm lễ “tuế trừ” (tuế một tuần rượu, không có văn khấn); lễ xong, hữu ty chiếu lệ, dựng nêu…”.[11]

      Qua một vài tư liệu đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích, thú vị vễ lễ Tết Nguyên đán như tục dựng nêu, những món ăn ngày Tết, tục lệ kiêng cữ cùng những nghi thức, lễ tiết ngày Tết từ trong đời sống dân gian đến triều đình,… qua đó sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn đời sống văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt xưa.
 
Tài liệu trích dẫn và chú thích:
[1] Le R. P. Jean Koffler (1711-1780) sinh tại Praha. Ông vào tu Dòng Tên năm 1726. Năm 1740 ông đến Ma Cao và được đưa đến Đàng Trong để tuyên xưng tôn giáo của mình. Ông đã viết một bản báo cáo của mình về xứ Đàng Trong vào năm 1766. Năm 1767 ông đến Vienna để truyền giáo ở Transylvania và qua đời tại nơi này.
[2] Cây tháng Năm là một lễ hội gắn liền với sự kiện mùa xuân quay về trong tháng Năm ở một số vùng châu Âu. Biểu trưng là trồng một cây hoặc một cái cột tượng trưng để trong suốt tháng Năm với các màn vui chơi nhảy múa quanh cây.
[3] Nhiều tác giả (bản dịch 2020), Tết Việt Nam xưa, Duy Uyên dịch, NXB Thế giới, tr.125-126.
[4] Nam Biều Ký - An Nam qua du ký của thủy thủ Nhật Bản cuối thế kỷ XVIII, (bản dịch năm 2020), Nguyễn Mạnh Sơn khảo cứu và biên dịch, Nguyễn Thế Anh giới thiệu, NXB Dân trí, tr.152.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch năm 2007), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, tập 5, Viện Sử học Việt Nam - Trung tâm Di tích Cố đô Huế, NXB Khoa học Xã hội, tr.69.
[6] Ngoài thành phía Đông.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch năm 2007), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, tập 4, Viện Sử học Việt Nam - Trung tâm Di tích Cố đô Huế, NXB Khoa học Xã hội, tr.187.
[8] Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, tập 4, bản dịch đã dẫn, tr.187-188.
[9] Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, tập 4, bản dịch đã dẫn, tr.194.
[10] Trịnh Hoài Đức (bản dịch năm 1998), Gia Định thành thông chính, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, NXB Giáo dục, tr.143-144.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch Viện Sử học năm 2007), Đại Nam thực lục, tập VI, NXB Giáo dục, tr.807-808.

Tác giả: Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây