Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Một số sự kiện liên quan đến Hội An vào năm Tý qua các tư liệu lịch sử

Với vị thế địa lịch sử - văn hóa, Hội An từ rất sớm là nơi giao thương, buôn bán của các nước trong khu vực và trên thế giới. Vào thời kỳ Lâm Ấp - Champa phố, Hội An đã là một thương cảng có thuyền buôn nước ngoài đến thường xuyên và đã có một số tác phẩm mô tả, giới thiệu nhiều thông tin quý giá về Hội An trong Tấn thư, Đường thư, một số thư tịch cổ Ả Rập. Đặc biệt lúc Hội An là thương cảng quốc tế phát triển cực thịnh vào thời kỳ các chúa Nguyễn, rồi đến thời kỳ Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn đã có nhiều tác phẩm liên quan/đề cập đến Hội An được xuất bản như Đại Nam thực lục, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, Hành trình và truyền giáo, Xứ Đàng trong năm 1621... Bên cạnh đó, một số tư liệu Hán Nôm liên quan đến Hội An như châu bản triều Nguyễn, tư liệu về các dòng họ, địa bạ… ghi chép nhiều thông tin quý về Hội An. Tất cả các tư liệu này là nguồn sử liệu độc đáo, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung vào thế kỷ XVI – XVIII. Dưới đây xin giới thiệu một số thông tin, sự kiện liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An vào năm Tý được ghi chép trong trong các nguồn sử liệu, tư liệu trong nước và nước ngoài.
Năm Giáp Tý - 1624

Alexandre Rhodes và một số giáo sĩ Dòng Tên lần đầu tiên đến Hội An. Ông bắt đầu học tiếng Việt từ giáo sĩ Francisco de Pina và một cậu bé người bản địa, ông đã ghi lại trong Hành trình và truyền giáo như sau: “… Trong vòng 3 tuần lễ, cậu bé đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí thông minh và trí nhớ dẻo dai của cậu bé…”

Năm Bính Tý - 1636
   
Trong quá trình tiếp xúc thương mại với Hà Lan, chúa Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) cho Công ty Đông Ấn Hà Lan lập thương điếm tại Hội An để làm đại diện cho chính quyền ở hải ngoại trong việc giao dịch với nước sở tại. Thương điếm Hà Lan hoạt động cho đến năm 1641 bị chúa Nguyễn đóng cửa vì đã liên kết với chúa Trịnh để đánh chúa Nguyễn và sau nhiều lần xung đột với chính quyền Đàng Trong[1].

Năm Nhâm Tý - 1792

Trong sách Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793, J. Barrow dừng chân ở Cù Lao Chàm, Hội An và có những ghi chép về hòn đảo này: “Một hòn đảo nhỏ có tên là Callao (phiên âm biến thái của từ Cù Lao. Còn có tên là Pulo Champello, tức Cù Lao Chàm), nằm cách phía nam vịnh Turon chừng 30 dặm… Hòn đảo này hoàn toàn kiểm soát lối ra vào của nhánh chính con sông mà Faifo-trước đây là nơi buôn bán chính của nền ngoại thương - nằm trên đó, hai bên sườn đảo hầu như hoàn toàn không thể tiếp cận được nhưng nó lại nằm đối diện với cửa con sông này...”.

Năm Giáp Tý - 1804

Trát văn của công đường dinh Quảng Nam sai phái Hồ Văn Hòa[2]:  trước đây có đơn theo cựu lệ mộ dân nội, ngoại tịch xã Thanh Châu tổ chức 3 chiếc thuyền lập thành đội yến sào Thanh Châu hàng năm neo đậu tại Cù Lao, Tân Non xứ canh giữ hang yến và thu lượm yến sào đệ nạp. Nay có 7 người gia nhập đội, mùa yến đã đến nên sai Hồ Văn Hòa, người xã Thanh Châu đông giáp, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn làm đội trưởng, tước Hòa Đức bá, dẫn 2 chiếc thuyền neo đậu tại Cù Lao, Tân Non xứ canh giữ cẩn thận các hang yến không cho kẻ lạ đột nhập. Đợi năm sau sẽ có tấu lên triều đình.

Năm Mậu Tý - 1888
         
Sách Đại Nam thực lục ghi chép: Quan Pháp đổi lập sở Thương chính tỉnh Quảng Nam ở cửa biển Đại Chiêm. (Nguyên đặt sở Thương chính ở Hội An thì triệt bỏ đi).

Năm Canh Tý - 1900
         
Sách Đại Nam thực lục Đệ lục kỷ phụ biên ghi chép: Bắt đầu đặt Tòa Công sứ ở Hội An, Quảng Nam (trừ huyện hạt Hòa Vang thuộc Công sứ Đà Nẵng quản lý, vẫn chiếu theo địa thế thay đổi sáp nhập các tổng xã ở hai phủ huyện Điện Bàn, Hòa Vang để tiện cho dân).

Năm Nhâm Tý - 1912

Sách Đại Nam thực lục Đệ lục kỷ phụ biên ghi chép: Bắt đầu lập sổ sách khai sinh khai tử giá thú ở các thị xã tại Trung Kỳ. Khâm sứ đại thần Mahé bàn nghĩ nên cho các thị xã ở Trung Kỳ làm sổ sách khai sinh khai tử giá thú để tiện nhất thời trình báo có sổ sách làm bằng cứ, sắp tới thành thói quen sẽ thi hành trong cả nước, đã soạn quy thức đệ trình Toàn quyền đại thần duyệt y. Phủ Phụ chính tâu lên, chuẩn cho thi hành, gồm 11 khoản, trong đó khoản 1: “Khâm định lập sổ sách khai sinh khai tử giá thú ở kinh và ở tất cả các xã thôn phường ấp tại các thị xã ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hội An, Quy Nhơn, Quảng Trị, Phan Rang, Phan Thiết… Khoản 11: Lý trưởng nhận lời khai và vào sổ không được đòi hỏi tiền bạc.”

Năm Bính Tý - 1936

Hội chợ Faifoo lần thứ 2 tổ chức tại Hội An, theo đó thể lệ Hội chợ[3] gồm 13 khoản, quy định về thời gian tổ chức, mục đích tổ chức, sản vật, đơn tham dự, đèn chiếu sáng, tiền vào cửa.... Một số thông tin về thể lệ Hội chợ như sau: Hội chợ khai mạc 9 giờ ngày 17/5, bế mạc ngày 20/5. Trong các ngày hội, từ 8 giờ mai đến 12 giờ đêm. Hội chợ Faifoo có 2 mục đích: Là để chưng bày các kiểu sản vật nông nghiệp và thương nghiệp và nhất là sản vật tỉnh Quảng Nam; Là cùng để bán các nông sản, thú vật và các đồ vật khác…

Tài liệu trích dẫn
 
[1] Phan Huy Lê (1991), “Hội An:Lịch sử và hiện trạng”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An.
 
[2] Bản sao tư liệu hiện lưu trữ tại Trung tâm QLBT DSVH Hội An, Trần Văn An tạm dịch.
 
[3] Bản gốc tư liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, viết bằng tiếp Pháp và dịch ra tiếng Việt thuộc Phông Phủ Thông sứ Bắc Kỳ, số kí hiệu hồ sơ 2194, gồm 13 khoản, Bản sao lưu tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây