Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Một số sự kiện liên quan đến di tích kiến trúc ở Hội An vào năm Mão

Con mèo là con vật đứng ở vị trí thứ 4 trong số 12 con giáp tương ứng với 12 địa chi (Thập nhị địa chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) theo quan niệm văn hóa cổ truyền của dân tộc. Trong âm lịch, tháng cầm tinh con mèo (tháng 2) gọi là tháng Mão và năm cầm tinh con mèo được gọi là năm Mão với các tháng/năm can chi: Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão và Quý Mão.
      Trong lịch sử, ở Hội An có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong năm Mão. Riêng, đối với các di tích kiến trúc cổ, qua các tư liệu, hiện vật hiện còn cho biết có nhiều di tích được xây dựng, tu bổ vào năm Mão. Nhiều hoành phi, liễn đối và đồ vật, tự khí tại di tích cũng được lập, phụng cúng vào năm  này.

      Năm Quý Mão - 1783: Văn bia tại di tích cho biết, Quan Công miếu (còn gọi là Chùa Ông, Trừng Hán cung,...) được xây dựng vào khoảng năm 1653. Trải qua thời gian, di tích được tu bổ nhiều lần, trong đó có lần tu bổ vào năm Quý Mão - 1783. Văn bia ghi chép sự kiện này hiện gắn trên tường Tây chính điện miếu, có kích thước cao 106cm, rộng 40cm. Bia có hoa văn trang trí rất đẹp, diềm trang trí hoa dây, trán bia trang trí đề tài “Lưỡng long triều dương”. Chữ khắc sâu, nét chữ đều, thành chữ dày. Nội dung văn bia có đoạn: “Trải qua binh lửa các miếu khác đều tan tành, riêng miếu Ngài vẫn y như cũ, mới thấy rõ đấng thần minh hiển hách, đáng hưởng cúng tế ngàn thu. Song đã lâu ngày, tượng thánh, mũ áo bị nhện dăng bụi đóng, cột kèo bị khói ám mọt xoi, lên điện cúng cầu không thể thỏa được lòng kính đấng anh linh, mọi người mới cầu xin ngài cho sửa sang lại. Hương lý đều suy cử ông Duyên thủ Hứa Hiến Thụy là người bình sinh đức tốt tự xuất của nhà, toàn xã vui mừng góp sức, chẳng mấy ngày mà hoàn tất, mới thấy được!”.
 
bia chua ông
Bia tu bổ di tích Chùa Ông năm 1783 - Ảnh: Hồng Việt
 
      Ngoài ra, tại Quan Công miếu còn có cặp câu đối được lập vào năm Quý Mão - 1843 do kỳ lão Lý Khắc Thi kính dâng với nội dung: Xuân Thu đại nhất vương, cự Bắc, hòa Đông, Chư Cát bổn phi tri kỷ/Cương mục tồn chính thống, tôn Lưu ức Ngụy, Tử Dương phương thị đồng tâm (Thời Xuân Thu một vua, cự Bắc, hòa Đông, Gia Cát không tìm ai tri kỷ/ Cương mục còn chính thống, phò Lưu, đánh Ngụy, Tử Dương có nhiều bạn đồng tâm); và bức hoành Vĩnh Mộc Ân Quang (Mãi dược tắm ân) do Vĩnh Hưng, Vĩnh An cúng dâng vào năm Kỷ Mão -1879.


      Năm Quý Mão - 1843: Xây dựng miếu Thái Giám nằm trong Khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu ở Thanh Hà.

      Năm Ất Mão - 1855: Y sinh Võ Hưng đã cúng cho chùa Hải Tạng ở Cù Lao Chàm bức hoành Từ Vân Phổ Chiếu (Mây lành chiếu khắp)

      Năm Đinh Mão - 1867: Xây dựng Văn Chỉ Minh Hương để thờ Khổng Tử, Tứ Phối, Thất thập nhị Hiền và các vị khoa bảng làng Minh Hương. Theo văn bia lập năm 1871 hiện còn tại di tích do Đặng Huy Trứ đề bút thì Văn chỉ Minh Hương được khởi dựng vào năm 1867 (năm Đinh Mão) và hoàn thành vào năm 1868 (năm Mậu Thìn). Nội dung văn bia có đoạn: "Hè năm nay, tôi đang ở trong đoàn quân phương Bắc, có người từ trong Nam ra, tôi hỏi thăm chuyện cũ, mới nói rằng: khỏi phải lo ba điều ấy nữa, tôi mới nói rằng: việc xây miếu nay đã ba năm rồi. Đạo trời ba năm đổi một vận nhỏ, có thể biết được 3 năm [này] thì có thể suy ra được trăm năm vậy. Do đó có thể viết [văn bia] được rồi, bèn gối đầu vào giáo mà viết: miếu này dựng ở Hương Định, trên nền cũ của Tụy Tiên Đường, mặt tọa Nhâm hướng Bính kiêm Hợi Tị, ngày 10, tháng 9, năm Đinh Mão bồi cơ (đắp nền) đến ngày 25 tháng 11 thượng lương, ngày 16 tháng 3 năm Mậu Thìn là hoàn thành công trình, công trình này nhờ ông Cửu phẩm Tú tài Trương Hoài Ban cả
 
van chi minh hương ben ngoai
Văn chỉ Minh Hương xây dựng năm 1867 - Ảnh: Hồng Việt
 
      Năm Tân Mão - 1891: Tại hội quán Ngũ Bang (Dương Thương hội quán, Trung Hoa hội quán) có nhiều bức hoành được lập và phụng cúng vào năm này như: Hậu Đức Phối Thiên (Đức hậu cùng trời) do Tín thương Tạ Chấn Hợp, Lâm Đạt Phương, Tân Kiến An, Hứa Hợp Lợi, Ngô Nam Ký, Vạn Hòa Long, Trần Trường Đăng đồng lập; Hiệp Đái Từ Nhân (Cùng hưởng từ nhân ) do hội quán Mân Thương kính phụng; Hậu Đức Tải Vật (Đức lớn bao trùm vạn vật ) do Thương nhân Quỳnh Phủ kính tặng; Thánh Trạch Đồng Triêm (Ơn thánh cùng ban) do hội quán Quảng Triệu kính phụng; Phước Ấm Trùng Quang (Phước lành tỏa sáng) do Bang trưởng Phước Kiến Vương Quảng Thái, Bang trưởng Quảng Đông Lương Tín Hòa, Bang trưởng Triều Châu Thái Hương Lợi, Bang trưởng Gia Ứng Lý Vân Hương đồng kính phụng; Từ Vân Phổ Chiếu (Mây lành chiếu khắp) do đệ tử bang Phước Kiến Thái Thuận Mỹ, Thái Thuận Thọ, Thái Doanh Long, Hứa Doanh Ký đồng kính phụng; Hậu Đức Trùng Quang (Đức Bà tỏa sáng) do bang Gia Ứng đồng kính phụng; Huệ Phu Thanh Yến (Ân huệ rộng khắp) do Tín Thiện tộc Minh Hương đồng cúi đầu bái; Lãng Tịnh Phong Điềm (Sóng yên gió lặng) do Tín Nghĩa Từ đồng kính phụng.

      Năm Quý Mão - 1903: Tại đình Cẩm Phô có nhiều bức hoành được lập và phụng cúng vào năm này như bức hoành Đức Kỳ Giám (Đức sáng ngời), Hưởng Vu Thành (Chứng hưởng lòng thành), Tham Thiên Tán Hóa (Cùng tạo hóa).

      Năm Ất Mão - 1915: Chùa Cầu (Lai Viễn kiều, cầu Nhật Bản) - một công trình kiến trúc độc đáo tại phố cổ Hội An, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVIII bởi các thương nhân Nhật Bản. Trải qua thời gian, Chùa Cầu đã được tu bổ nhiều lần, trong đó có lần vào năm Ất Mão - 1915. Văn bia tại di tích cho biết Chánh công sứ Lesterlin Galtier đã chuẩn xuất ngân để tu bổ di tích Chùa Cầu vào năm 1915. Đến năm 1917 tiếp tục tu bổ ngôi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ. Qua khảo cứu của A. Sallet với đề mục Hội An cổ và những ảnh chụp kèm theo đăng trong Những người bạn cố đô Huế in 1919 cho biết những thay đổi về kiến trúc và trang trí kiến trúc Chùa Cầu qua lần tu bổ này.

      Đến năm Kỷ Mão - 1999, UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) tổ chức hội nghị trùng tu Chùa Cầu. Hội nghị với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia Trung ương và Nhật Bản. Vừa qua, di tích Chùa Cầu đã được tổ chức lễ khởi công tu bổ, việc thi công tu bổ sẽ diễn vào đầu năm Quý Mão này.

      Cũng vào năm Ất Mão - 1915, di tích miếu tổ nghề Yến ở Cù Lao Chàm có 2 bức hoành được phụng cúng gồm: Tích Ngã Vô Cương (Ân tích vô cùng) do Quảng Phước Xương kính cúng và bức Hải Bất Dương Ba (Biển không nổi sóng) do Công ty Yến Thuế Xán tinh kính phụng. Năm này cũng lập bia tu bổ chùa Chúc Thanh khắc ghi phương danh, công đức các chùa, hòa thượng trụ trì, tăng cương, Phật Tử ở Quảng Nam, Huế, Phú Yên.

      Năm Kỷ Mão - 1999: Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo 2 tiêu chí. Tiêu chí 2: Hội An là biểu hiện nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; tiêu chí 5: Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây