Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Một số di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh ở Hội An được xây dựng, tu bổ vào năm Sửu

Trâu là con vật đứng ở vị trí thứ 2 trong số 12 con giáp tương ứng với 12 địa chi (Thập nhị địa chi) theo quan niệm văn hóa cổ truyền của dân tộc. Trong âm lịch, ngày/ tháng/ năm cầm tinh con trâu theo can chi có: Tân Sửu, Quý Sửu, Ất Sửu, Đinh Sửu và Kỷ Sửu. Trong năm âm lịch, tháng 12 gọi là tháng Sửu. Chu kỳ của mỗi năm can chi là 60 năm (lục thập hoa giáp).
Hiện nay, ở Hội An có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 47 di tích được xếp hạng cấp tỉnh trong tổng số 1.438 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của UBND thành phố Hội An. Trong số các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, có không ít di tích được kiến tạo, tu bổ, tôn tạo vào năm Sửu. Cụ thể:
Năm 1757 - Đinh Sửu: Tu bổ hội quán Phước Kiến
Hội quán Phước Kiến tọa lạc tại số 46 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An, được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1990. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật khá quy mô ở Khu phố cổ Hội An, đồng thời cũng là di tích tín ngưỡng linh thiêng được nhiều người lễ viếng. Hội quán được xây dựng để thờ thần (chủ thần: Thiên Hậu Thánh Mẫu), tiền hiền và hội họp đồng hương của bang Phước Kiến. Theo văn bia lập vào năm Đinh Sửu (1757) cho biết, khoảng hơn 60 năm trước (có thể năm 1697 - Đinh Sửu hoặc sớm hơn), một chiếc thuyền buôn vớt được tượng Thiên Hậu và dựng ngôi miếu bằng tranh tre để thờ. Do lâu ngày, ngôi miếu bị hư hỏng nên tháng 3 năm 1757 lập lại miếu bằng ngói. Tấm bia ghi lại sự kiện này do Thi Trạch Hoành, người huyện Tấn Giang, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến lập. Nội dung tấm bia được nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên dịch như sau:
“Nhớ đến tia sáng trước thì không quên được, lòng lành của thần đã cảm hóa một chiếc thuyền buôn cứu giúp cho chúng được bình ổn an toàn. Kim thân ngài phiến diễn trong khốn khổ hơn 1 năm. Ngài có tội gì mà bắt phải chịu tai ách ấy? chẳng qua vì cớ đệ tử mà cầu tài vậy. Lúc giờ Ngọ trời trong sáng, từ trong nước ôm kim thân lên núi. Đến đất Cẩm An nước Chiêm Thành, ở đây dựng lại miếu bằng tranh, hơn 60 năm, miếu không còn vì lâu ngày. Đến năm nay, khoảng tháng 3 mới làm lại miếu linh từ bằng ngói để nêu danh tế thế, chớ không để mưu đồ cầu lợi mà đến đây. Xin bày tỏ việc ấy.
Huyện Tấn Giang, Phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến
Kẻ đệ tử gội ơn Thi Trạch Hoành kính lập.
Ngày tốt tháng 5 năm Đinh Sửu đời vua Càn Long (1757)”[1]
 
Năm 1817 - Đinh Sửu: Tu bổ di tích Chùa Cầu
Chùa Cầu, còn gọi là Cầu Nhật Bản, tên chữ Lai Viễn Kiều, là công trình kiến trúc tiêu biểu, độc đáo thể hiện mối quan hệ giao lưu văn hóa hữu nghị Việt - Nhật - Hoa tại đô thị thương cảng Hội An trong lịch sử. Vào đầu thế kỷ XX, Chùa Cầu được Viện Viễn Đông bác cổ liệt hạng là 1 trong 3 di tích đẹp nhất ở Faifoo (Hội An). Chùa Cầu được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1990. Tương truyền, Chùa Cầu do người Nhật Bản xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI bắt qua khe nước sâu để giao thương, đi lại được thuận tiện. Bên cạnh cầu có miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ. Năm Kỷ Hợi - 1719, chúa Nguyễn Phước Chu đến Hội An, đi qua cầu và ban cho tên chữ Lai Viễn Kiều khắc biển treo tại Chùa Cầu đến ngày nay. Từ khi xây dựng cho đến nay, Chùa Cầu được tu bổ nhiều lần, trong đó có lần tu bổ vào năm Đinh Sửu - 1817 và Ất Sửu - 1865. Bia đá khắc ghi lần tu bổ năm Đinh Sửu - 1817 đặt ở đầu phía Đông Chùa Cầu, kích thước 57 x 115cm, do đốc học dinh Quảng Nam Khê Đình Bá Đinh Tường soạn. Nội dung bia có đoạn:
“... Nhưng việc đời hễ có nên thì có hư, cầu làm bằng gỗ lâu ngày bị mối mọt, nếu không tu bổ kịp thời không khỏi có điều trở ngại. Vì vậy viên chức trong làng tình nguyện kẻ của người công chung sức lo tu bổ lại. Công việc hoàn thành vào tháng Kỷ Dậu, năm Đinh Sửu, có nhờ tôi làm bài ký. Tôi sực nhớ câu của Văn Xương Đế quân “làm cầu cho muôn ngàn người qua lại cũng là một việc đức đó.
Từ nay về sau trăm ngàn người đều nhớ thì công đức ấy không thể lường được. Vậy nên làm bài ký này.
Lời minh:
Qua con đường ấy khe nước làu làu
Trên nước bắc cầu ấy thật công đầu
Nay tu bổ lại, lòng tốt ơn sâu
Lại qua đây đó, đi chóng về mau
Được nhiều tiện lợi từ nay về sau”[2]
 
DSC 0380
Chùa Cầu - Ảnh: Phòng Tư Liệu - Thông Tin Di Sản

Năm 1853 - Quý Sửu: Xây dựng đình Tiền hiền Kim Bồng
Đình Tiền hiền Kim Bồng tọa lạc tại thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim, được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2008. Đây là nơi thờ Thành hoàng và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền đã có công khai hoang, lập làng Kim Bồng xưa. Đình được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 6 (1853), đã qua nhiều lần trùng tu. Cổng đình kiểu tam quan khá quy mô, phía trong có bình phong án ngữ phía trước mặt đình. Kiến trúc đình kiểu tiền đường hậu tẩm, bờ nóc cong hình thuyền, bờ chảy giật cấp, mái lợp ngói âm dương điểm xuyến nhiều chi tiết trang trí đề tài tứ linh, hoa lá. Các chi tiết gỗ bên trong đình chạm khắc những đồ án trang trí tinh xảo thể hiện bàn tay tài hoa của người thợ Kim Bồng. Ghi chép về việc xây dựng đình, xà cò tại di tích khắc: 嗣 德 陸 年 歲 次 癸 丑 仲 冬 榖 旦 金 蓬 洲 南 甲 員 官 鄉 職 老 兵 民 本 甲 仝 建 造 (Tự Đức lục niên tuế thứ Quý Sửu trọng thu cốc đán Kim Bồng châu Nam giáp viên quan hương chức lão binh dân bản giáp đồng kiến tạo)
Năm 1913 - Quý Sửu: Tu bổ Văn chỉ Cẩm Phô
Văn chỉ Cẩm Phô tọa lạc tại số 32 đường Hùng Vương, phường Cẩm Phô, được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2011. Di tích thờ Khổng Tử tiên nho, tiên triết và các vị khoa bảng làng Cẩm Phô thời triều Nguyễn. Hiện nay chưa tìm thấy tư liệu để xác định niên đại xây dựng của di tích, xong qua văn tự tại di tích cho biết di tích được tu bổ vào các năm 1871, 1913, 1929,... Ghi lại sự kiện tu bổ di tích vào năm 1913, xà cò tại di tích đề: 維 新 七 年 癸 丑 同 社[?] 造 (Duy Tân thất niên Quý Sửu thu đồng xã [?] tạo)
 
 
 
[1] Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 1 - Văn bia, trang 144.
[2] Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 1 - Văn bia, trang 191.

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây