Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Món ngon từ con vọp (dọp) quê tôi

Cẩm Thanh quê tôi là xã vùng ven biển, nằm cách trung tâm thành phố Hội An chừng 3km về phía Đông Nam. Theo số liệu thống kê năm 2003, Cẩm Thanh có tổng diện tích tự nhiên là 879,51ha, dân số khoảng 6.574 người, chia thành 8 thôn. Nằm ở địa thế bốn bề sông nước, khí hậu nơi đây mang tính đặc trưng của khí hậu ven biển, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, các tháng còn lại mưa ít và khô hạn. Địa hình Cẩm Thanh thuộc dạng địa hình ven biển, bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt và là vùng đất nằm ở nơi hợp lưu của hạ nguồn sông Thu Bồn, Để Võng, Trường Giang. Vùng đất xã Cẩm Thanh thường xuyên nhiễm mặn, đây không chỉ là điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển mà còn là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài thủy sản, trong đó có loài vọp (con vọp) mà dân gian hay gọi là con dọp.
       Vọp sông có tên khác là vọp chong, tên khoa học là Geloina coaxans, vọp là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, thuộc họ  Corbiculidea, môi trường sống của chúng là ở bãi bồi ven sông và các bãi bồi ven biển. Địa điểm loài hai mảnh vỏ này sinh sống thường có nền đáy bùn cát (70-90% bùn). Chúng thường vùi mình ở độ sâu 4–6 cm dưới lớp mặt đáy.

           Vọp là loài thủy sản được nhiều người dân quê tôi ưa chuận. Vọp to gấp hai, ba lần nghêu, vỏ cứng dày sần màu rêu, thịt dai và đầy đặn. Vào những buổi đi đốn lá dừa nước người dân quê tôi thường bắt một ít vọp nằm ngay dưới lớp bùn của những rặng dừa nước về chế biến món ăn cho bữa cơm trưa/chiều, vừa ngon vừa tiết kiệm chi tiêu gia đình. Vọp được bắt về ngâm nước một lúc cho nhả bùn rồi mới rửa để luộc, vọp luộc có mùi thơm dịu rất hấp dẫn. Con vọp có thể chế biến được nhiều món như nướng, luộc, kho, xào đều rất ngon. Vọp có thể nấu canh với các loại rau hái ở vườn nhà, hay những quả bầu non được trồng trước sân nhà. Nấu canh vọp cũng rất đơn giản, chỉ cần luộc vọp chín lấy ruột, bỏ vỏ, lắng bỏ phần cặn của nước luộc vọp, cho rau hay bầu hoặc mướp,… vào nấu sôi rồi nêm gia vị vừa ăn là có thể dùng được. Ngoài ra, vọp đem nướng lửa than ăn kèm với muối tiêu chanh cay nồng, hay đem kho, xào với sả, ớt thơm cay. Vọp có vị ngọt tự nhiên, thịt dày và dai, lẫn vị cay nồng của ớt mùi thơm của sả bâm, ăn vừa lạ vừa ngon. Những bữa cơm với các món chế biến từ vọp mang hương vị đậm đà của vùng sông quê mà có lẽ ai đã ăn một lần càng muốn thưởng thức thêm lần nữa.

          Thuở nhỏ, tôi với bạn cùng trang lứa cũng thường rong rủi đi tìm bắt vọp. Có bửa nước cạn chỉ cần nhìn chỗ nước phun bọt hoặc một phần đầu vỏ vọp đưa lên là chỉ việc moi chúng ra từ đất, có hôm nước tràn lên bãi bồi ven sông thì phải lội xuống mò mới bắt được vọp. Có lẽ thích nhất vẫn là những lúc đi ra bờ mương rửa vọp vừa được nô đùa thỏa thích vừa được tận hưởng cảm giác thích thú khi đếm những con vọp bắt được, tiếng vỏ vọp va vào nhau lọp bọp, nghe thật vui tai.

          Vọp mới bắt thịt còn tươi, đầy đặn, ngọt vị phù sa của con sông quê nhà. Bọn chúng tôi thường đốt lửa than lên và nướng những con vọp vừa bắt được, mùi khen khét của mảnh vỏ cháy xém cùng mùi thơm của thịt vọp tạo nên mùi rất đặc trưng. Mỗi đứa thi nhau gỡ vọp cho vào miệng nhai sột soạt, vị ngọt, thơm của con vọp làm bọn trẻ chúng tôi ai cũng thích thú cười khúc khích.

          Ở miền quê như chúng tôi không có nhiều đồ chơi nên mọi thứ đều được chúng tôi tận dụng để làm trò tiêu khiển. Chỉ vài cộng rau, hoa, lá cây, thân cây mềm và vỏ con vọp là đã có thể bày biện một gian hàng ẩm thực trò chơi bắt mắt. Mấy đứa con gái thì thích chơi trò bán đồ hàng, còn những đứa con trai thì thích chơi trò nhảy tàu bay, hay cờ gánh,… từ việc sử dụng vỏ vọp làm phương tiện cho những trò chơi tiêu khiển này. Trẻ con miền quê bọn chúng tôi chơi đùa thỏa thích với nắng, gió, đầu phơi nắng đi chân trần trên đất nên lâu lâu bị cảm một lần, mỗi lần như vậy thỉnh thoảng tôi lại được ăn món cháo vọp gừng cay do mẹ nấu kinh nghiệm dân gian đã chỉ cho mẹ tôi làm như vậy. Mỗi lần bị cảm mà được ăn tô cháo vọp gừng là tôi cảm thấy khỏe lại ngay.

          Ngày xưa vọp trong tự nhiên rất nhiều, có khi người dân bắt vọp bán để kiếm thêm ít tiền cho gia đình. Vọp ngày xưa rẻ, chỉ vài ngàn đồng một ký, có khi bắt về nhiều đem cho hàng xóm mỗi người một ít để ăn cho có tình. Người miền quê tôi thấm tình nghĩa, chất phát mộc mạc thể hiện qua những cách ăn, nếp ở. Sau những buổi lao động vất vã, đàn ông trong xóm thường rủ nhau lai rai vài ly rượu gạo cho ấm bụng, những bữa tiệc rượu nhỏ với món vọp nướng, xào đơn sơ nhưng cũng đủ làm nên buổi chuyện trò rôm rả kết chặt tình làng nghĩa xóm.

          Dòng sông quê tôi bao năm vẫn đong đầy con nước, vẫn mang phù sa bồi đắp cho những bãi sông quê nhà. Trong bao lớp phù sa ấy con vọp vẫn từng ngày sinh sôi nảy nở. Hương vị ngọt ngào của nó vẫn còn đọng trong ký ức tôi cũng như những kỷ niệm thời thơ ấu cùng bạn bè đi bắt vọp và cùng nhau thưởng thức món vọp nướng thơm lừng, những kỷ niệm bình dị ấy đủ trở thành vùng ký ức trong tôi không dễ phai mờ. 

           Và với sự phát triển du lịch như hiện nay tại xã Cẩm Thanh, thiết nghĩ rằng con vọp không chỉ được biết đến như món ăn đủ bữa cho gia đình, mà nó còn có thể chế biến thành món đặc sản quê hương phục vụ du lịch. Các nhà hàng có thể chế biến đa dạng tùy thuộc khẩu vị của thực khách khi đến tham quan du lịch tại đây. Hy vọng rằng trong tương lai không xa món ngon từ con vọp sẽ trở thành món đặc trưng của làng quê Cẩm Thanh đối với du khách khi có dịp ghé thăm làng quê sinh thái đặc thù này, và sẽ nhớ đến món vọp quê hương nơi đây dù chỉ một lần thưởng thức.
 
 
 
 

Tác giả: Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây