Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Miếu Âm linh Trảng Kèo

Thanh Hà là một làng được thành lập khá sớm ở Hội An trong lịch sử. Từ xa xưa, làng có mười ba ấp, gồm: Bộc Thủy, Hậu Xá, An Bang, Thanh Chiếm, Nam Diêu, Bầu Ốc, Trảng Sỏi (nay thuộc phường Thanh Hà), Đồng Nà, Bến Trễ, Trà Quế, Cửa Suối, Trảng Kèo (nay thuộc xã Cẩm Hà) và Cồn Động (nay thuộc phường Cẩm An). Nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng được được dân cư làng Thanh Hà quan tâm, đầu tư xây dựng. Trên địa bàn xã Cẩm Hà ngày nay hiện còn nhiều di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như: chùa Phước Lâm, chùa Vạn Đức (là các di tích cấp quốc gia), mộ Thượng thư Bộ binh Nguyễn Điển, mộ Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu (là các di tích cấp tỉnh) và các ngôi miếu xóm.
mieu am linh trang keo
Ảnh: Hoàng Phúc - Phòng Quản lý Di Sản
 
        Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ấp Trảng Kèo đổi thành thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà. Hiện nay, thôn Trảng Kèo là một phần thôn Trảng Suối, xã Cẩm Hà (do sáp nhập thôn Trảng Kèo và thôn Cửa Suối vào năm 2018). Cũng như các địa phương khác, các thế hệ cư dân Trảng Kèo đã xây dựng trên mảnh đất của mình các công trình kiến trúc tín ngưỡng để thờ tự, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần, tâm linh. Tuy nhiên, dưới tác động của điều kiện khí hậu, địa mạo cũng như sự tàn phá của chiến tranh, nhiều công trình ở đây đã bị hư hại hoàn toàn. Hiện nay, theo Danh mục Di tích – Danh thắng Hội An do UBND Thành phố ban hành, tại khu vực ấp Trảng Kèo (cũ) chỉ còn tồn tại duy nhất một di tích tín ngưỡng, đó là miếu Âm linh Trảng Kèo.

        Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn đã có từ lâu đời ở Hội An. “Âm hồn, âm linh hay cô hồn có thể hiểu là linh hồn của những người quá cố không nơi thờ tự. Họ có thể là những người vô gia cư, không người thân thích hoặc có thể họ vẫn còn gia đình, người thân nhưng trong các thời kỳ loạn lạc, phải ly biệt quê hương, trong hoàn cảnh chạy loạn chẳng may tai bay vạ gió mà thác đi; những vị thương khách bôn ba khắp nơi, các chiến sĩ trên những chiến trường ác liệt chẳng may qua đời mà không thể tìm được thân nhân, không ai biết tên tuổi để cúng giỗ hằng năm thì vô tình họ trở thành những linh hồn cô độc, không người hương khói, không nơi thờ tự; hay những ngư dân vùng ven biển cả cuộc đời gắn liền với biển cả, lênh đênh, rong ruổi trên từng con sóng, chẳng may sóng bão mà chết mất xác, linh hồn phiêu dạt[1]. Bên cạnh việc dành riêng một khu đất để chôn cất những người vô gia cư (gọi là nghĩa trủng) thì người dân còn lập miếu để thờ âm linh. Với ý nghĩa nhân văn cao cả đó, “Năm 1974, một số cư dân của ấp Trảng Kèo đã bí mật xây dựng ngôi miếu Âm linh Trảng Kèo ở vị trí hiện nay để thờ tự những người đã khuất và cầu mong sự che chở hộ phù của họ cũng như duy trì những nét văn hoá mà tổ tiên lưu truyền[2]. Từ đó đến nay, ngôi miếu trở thành thiết chế văn hóa tín ngưỡng quan trọng của cư dân Trảng Kèo. Các hoạt động cúng tế, thực hành tín ngưỡng tại di tích gần như thu hút tất cả cư dân trong thôn tham gia.

        Miếu Âm linh Trảng Kèo còn có tên gọi khác là chùa Âm Hồn, chùa Âm linh. Trước đây, miếu Âm linh Trảng Kèo tọa lạc trên gò cát cao, mặt tiền xoay về hướng Nam, xung quanh là đất trồng quật của nhân dân và những lùm/bụi cây dại. Trước miếu có bình phong, không có hàng rào, cổng ngõ bảo vệ. Miếu có kiểu thức nhà 3 gian với hiên rộng phía trước, kết cấu: tường gạch bao che và chịu lực, kèo trính gỗ đỡ mái, nền láng xi măng, mái lợp ngói đất nung 22v/m2. Miếu có không gian mở (mặt tiền không lắp dựng cửa đi). Do miếu bị hư hại nặng nên vào năm 2010, ngôi miếu được tu bổ, tôn tạo tại vị trí cũ, giữ nguyên quy mô so với miếu trước đây nhưng có sự thay đổi về hình thức kiến trúc, xây bổ sung tường rào, cổng ngõ. Tuy nhiên, các đồ án trang trí và cách bố trí, hình thức thờ tự được làm lại theo như nguyên mẫu của ngôi miếu cũ. Năm 2019, hạng mục cổng vào được tôn tạo.

        Hiện nay, miếu Âm linh Trảng Kèo nằm trong quy hoạch Khu dân cư Thành phố Hội An mở rộng (Dự án Trảng Kèo), cảnh quan kiến trúc khu vực được chú trọng đầu tư chỉn chu. Nhờ đó, cảnh quan chung quanh di tích cũng được tôn tạo đáng kể, thêm phần tôn nghiêm. Miếu có mặt tiền xoay hướng Nam, bố cục gồm phía trước là cổng vào, sân trước láng xi măng kẻ roan, bình phong, ngôi miếu chính, tường rào bao bọc khuôn viên. Toàn bộ kiến trúc ngôi miếu được tổ chức theo lối đăng đối để tạo sự tôn kính, uy nghiêm. Ngôi miếu xây lùi vào khá sâu so với đường giao thông. Trước khuôn viên miếu là khoảng sân rộng láng xi măng.

        Cổng vào chỉ có một lối vào ở chính giữa, hai bên có hai trụ biểu vuông, đầu trụ gắn búp sen bằng sứ. Mặt trước thân trụ có cặp câu đối bằng chữ Việt: “Miếu vũ thiên thu minh tự điển \ Hương đăng bách thế sử tiên linh”. Liên kết phía trên hai đầu trụ biểu là trán cổng bằng bê tông cốt thép tạo hình cuốn thư rất mềm mại, uyển chuyển, đắp các chữ tròn: “Miếu Âm Linh(chữ lớn, bên trên) và “Ấp Trảng Kèo(chữ nhỏ hơn, bên dưới). Cửa cổng là cửa gỗ hai cánh bằng song gỗ. Hai bên lối vào có hai trụ biểu nhỏ để tạo sự cân đối về thẩm mỹ kiến trúc. Tường rào xây gạch có chừa các ô thoáng. Dọc hai bên tường rào biên có trồng các cây xanh che bóng mát và tạo cảnh quan.

        Qua cổng vào là hạng mục bình phong xây gạch theo kiểu cuốn thư. Trụ biểu hai bên đắp nổi chữ 壽 (Thọ) ở cả hai mặt (mỗi trụ đắp một nửa chữ). Chính giữa mặt trước đắp nổi đồ án “long ngư hý thủy”, hai bên là đắp hình tre, tùng. Mặt sau có bệ thờ xây gạch. Mặt khám thờ vẽ các đụn mây trang trí, hai bên đắp nổi đồ án “đông bình tây quả”.

        Ngôi miếu nằm lùi về phía sau khuôn viên. Miếu chỉ gồm một nếp nhà, kiểu thức nhà 3 gian với kết cấu: tường xây gạch bao che đồng thời chịu lực chính, kèo (hệ kèo suốt), trính, trụ đội gỗ đỡ mái (không có cột gỗ), nền lát gạch đất nung, mái dốc lợp ngói âm dương. Các cấu kiện gỗ không chạm khắc trang trí. Đỉnh mái trang trí đồ án “lưỡng long chầu nhật”, đuôi bờ chảy trang trí hoa dây.

        Miếu có phần hiên khá rộng, phía trước gồm 04 trụ gạch tiết diện chữ nhật, bên trên có các dầm cong tạo ba lối vào hình cuốn vòm. Mặt trước thân hai trụ chính giữa có đắp mảng pano và câu đối chữ Hán: 南 對 僑 山 肩 永 久 \ 北 南 琖 水 以 連 依 (Nam đối Kiều sơn kiên vĩnh cửu \ Bắc nam Trản thủy dĩ liên y)[3]. Lối đi từ hiên ra hai bên cũng có kiểu cuốn vòm.

        Ngăn cách hiên với không gian thờ tự là bức tường mặt tiền với ba lối vào hình cuốn vòm. Miếu có không gian mở, lối vào để trống, không lắp dựng cửa đi, chỉ dựng các song chắn di động bằng gỗ để hạn chế sự ra vào, quấy phá nơi thờ tự tôn nghiêm. Phía trên lối vào chính giữa đắp nổi cuốn thư bằng xi măng, mảng chính giữa đắp hai đại tự, sơn màu đen: 廊 橋 (Trảng Kèo), bốn mảng còn lại vẽ trang trí các đồ vật mang ý nghĩa cát tường trong “bát bửu”. Các bàn thờ được bố trí ở cả ba gian, sát tường biên phía sau. Khám thờ đúc bằng xi măng, gắn chặt vào tường, có hình thức khá tương đồng. Bên trên khám thờ trang trí đồ án “lưỡng long chầu nhật”, phần còn lại trang trí hoa dây, cuộn mây và các đồ án cát tường khác. Bàn thờ gian giữa là bàn thờ chính nên khám thờ được làm với kích thước lớn hơn hai khám thờ còn lại. Cụ thể:
+ Bàn thờ gian giữa: Quần bàn tô vẽ đồ án “long ngư hý thủy”. Trán thờ có chữ: 祭 如 在 (Tế như tại). Mặt khám thờ kẻ đại tự màu đen trên nền đỏ: 歷 代 (Lịch đại).
+ Bàn thờ gian tả: Quần bàn tô vẽ hình chim phượng. Trán thờ có chữ: 通 遂 感 (Thông toại cảm). Mặt khám thờ kẻ đại tự: 右 陰 靈 (Hữu âm linh).
+ Bàn thờ gian hữu: Quần bàn tô vẽ hình chim phượng (đối xứng với quần bàn ở gian tả). Trán thờ có chữ: 誠 能 格 (Thành năng cách). Mặt khám thờ kẻ đại tự: 左 陰 靈 (Tả âm linh).

        Ngoài ra, trên mặt trước trụ bổ ở tường biên phía sau, hai bên bàn thờ chính còn đắp cặp câu đối: 廟 宇 三 營 安 一 所 \ 會 來 新 立 合 同 歸 (Miếu vũ tam dinh an nhất sở \ Hội lai tân lập hợp đồng quy).
        Sự hiện diện của ngôi miếu Âm linh Trảng Kèo góp phần minh chứng cho sự tồn tại của ấp Trảng Kèo, làng Thanh Hà xưa cũng như quá trình chia tách, hình thành xã Cẩm Hà trong lịch sử. Trải qua nhiều biến động, ngôi miếu đã bị hư hoại nặng. Tuy nhiên, miếu đã được tu bổ, tôn tạo dựa theo hình thức kiến trúc cũ, kiểu thức nhà 3 gian, mang đậm sắc thái kiến trúc truyền thống địa phương, làm đa dạng thêm hình thức kiến trúc miếu thờ Âm linh ở Hội An. Cho đến nay, ngôi miếu vẫn đóng vai trò quan trọng, thiêng liêng trong đời sống tín ngưỡng của cư dân địa phương. Các nghi lễ cúng tế tại di tích vẫn được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
* Chú thích
[1] Trần Phương (2017), Tín ngưỡng thờ âm hồn của cộng đồng cư dân Hội An, nguồn: https://hoianheritage.net
[2] Võ Hồng Việt (2007), Báo cáo kết quả khảo sát miếu Trảng Kèo, Tư liệu lưu trữ của Trung tâm QLBT DSVH.
[3] Ký tự chữ Hán, phiên âm do Lê Thị Lưu – Chuyên viên Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản thuộc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện. 

* Tài liệu tham khảo:
1. Võ Hồng Việt (2007), Báo cáo kết quả khảo sát miếu Trảng Kèo, Tư liệu lưu trữ của Trung tâm QLBT DSVH.
2. Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng.
3. Trần Phương (2017), Tín ngưỡng thờ âm hồn của cộng đồng cư dân Hội An, nguồn: https://hoianheritage.net

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây