Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Lễ cúng bến sông - ở Cẩm Kim

Cùng với quá trình hình thành cộng đồng dân cư, những nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống gắn liền với vùng đất sông nước Kim Bồng - Cẩm Kim cũng từng bước được các thế hệ cư dân sáng tạo, bồi đắp thêm phong phú, để lại cho hôm nay di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng. Với địa hình cồn bãi nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cận biển nên từ lâu nghề nông và nghề đánh bắt thủy hải sản sông, biển là những nghề chủ yếu của Kim Bồng - Cẩm Kim. Vì vậy, những lễ lệ, lễ hội liên quan đến các nghề này là một trong những đặc trưng của vùng đất Cẩm Kim. Gắn liền với nghề đánh bắt thủy hải sản trên môi trường sông, biển có rất nhiều lễ lệ, lễ hội được bảo tồn đến hôm nay, trong đó lễ cúng bến sông là một trong những lễ lệ quan trọng.
         Lễ cúng diễn ra tại các bến sông dọc thôn Trung Châu, Trung Hà, Đông Hà, Đông Vĩnh do những người làm nghề đánh bắt thủy hải sản trên sông, biển và cộng đồng cư dân sống lân cận các bến sông tổ chức. Mục đích của lễ cúng nhằm cầu mong sự may mắn, làm ăn thuận lợi, phát đạt, cuộc sống được yên bình như quan niệm lưu truyền từ xưa trong dân gian ở Cẩm Kim: “Bến hiền, thuyền đậu”.

        Hiện nay, lễ cúng này được tổ chức theo từng tổ dân cư, chủ yếu là những tổ dân cư tại khu vực dọc bờ sông và Trung Châu là thôn có nhiều tổ dân cư tổ chức cúng bến, đó là tổ 15, tổ 16 và tổ 17. Tùy theo điều kiện mà quy mô lễ cúng tổ chức ở mỗi tổ khác nhau. Một năm có 2 lệ, lệ mùa xuân vào ngày 16 tháng giêng, lệ mùa thu vào ngày 16/7 âm lịch, trong đó chủ yếu tập trung tổ chức vào lệ mùa xuân, lệ mùa thu tổ chức đơn giản hơn. Tuy nhiên, tùy điều kiện mà có tổ chỉ tổ chức một lệ mùa xuân. Địa điểm tổ chức lễ cúng là tại bến sông chính ở tổ dân cư. Tại đó, đến lệ thì cư dân che rạp để cúng. Đối tượng cúng tế chính là các vị thần sông nước, đất đai, thành hoàng bổn xứ...

      Lễ cúng thường diễn ra vào buổi chiều, được tổ chức bài bản, có ban tế lễ và sự tham dự của cộng đồng cư dân trong tổ. Ban tế lễ gồm một chánh tế, một người xướng, một người đọc văn tế, hai người đánh chiêng trống, hai người rót rượu. Người được chọn làm chánh tế phải là người am hiểu văn hóa truyền thống, song toàn, hiền hòa, có đức độ và đặc biệt là không mắc tang hay mắc một số điều kiêng kỵ khác theo quan niệm của cộng đồng. Tùy theo điều kiện tài chính của cộng đồng cư dân trong tổ mà quy mô tổ chức lễ cúng của từng tổ, từng năm khác nhau. Có khi, trong lễ cúng có đội cổ nhạc, sau lễ cúng tổ chức đua ghe ngang với mỗi ghe khoảng 5-6 người. Cộng đồng cư dân của tổ nào có điều kiện tổ chức đua ghe ngang thì mời các tổ khác tham gia. Theo những người cao tuổi tại địa phương, đua ghe là một trong những tập tục phổ biến, có ý nghĩa quan trọng đối với những người làm nghề đánh thủy hải sản trên môi trường sông, biển. Khi đua không chỉ đơn thuần để tranh thắng bại mà qua đó thể hiện tâm niệm cầu mong sự bình an, mạnh khỏe, may mắn, thuận buồm xuôi gió trong công việc làm ăn. Do đó, trước khi bắt đầu cuộc đua ghe, các đội đua cúng vái để cầu mong sự may mắn trong quá trình đua. Gắn liền với lễ cúng bến sông thì tục đua ghe là một trong những tập tục đặc trưng của vùng sông nước Cẩm Kim và được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.

      Sau khi nghi thức lễ cúng kết thúc, mọi người tham dự cùng ngồi lại với nhau ngay tại nơi diễn ra lễ cúng để vừa hưởng những cúng phẩm vừa trao đổi với nhau về công việc làm ăn, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi cũng như những kinh nghiệm trong công việc. Do vậy, ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cúng này cũng là sợi dây cố kết cộng đồng, thắt chặt hơn mối liên hệ hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau.

     Với những giá trị tiêu biểu của loại hình lễ lệ, lễ hội nói chung, nét đặc trưng của lễ cúng bến nói riêng ở Cẩm Kim, thiết nghĩ việc gìn giữ và phát huy lễ lệ này trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng không chỉ để tăng cường khối đoàn kết cộng đồng mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa ở Cẩm Kim - Hội An, tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ tham quan du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy lễ lệ này thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách, ngoài việc tuyên truyền giới thiệu cần bảo tồn và phát huy hiệu quả nghề đánh bắt thủy hải sản trên sông, biển, giữ gìn cảnh quan sinh thái - văn hóa đặc trưng của các bến sông với cảnh sông nước êm đềm, ghe thuyền neo đậu nhấp nhô, nhộn nhịp,...
 
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây