Làng gốm Thanh Hà – Hội An thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
- Chủ nhật - 10/10/2021 21:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, trên con đường di dân về phương Nam, một bộ phận cư dân có nguồn gốc từ vùng Bắc Trung bộ mà chủ yếu là Thanh Hóa, Nghệ An đã đến khai khẩn lập nên làng Thanh Hà ở Hội An, khai cơ lập nghiệp, hình thành nghề gốm ở làng Thanh Hà nổi tiếng ở miền Trung.
Khu miếu tổ nghề gốm ở Nam Diêu, Thanh Hà - Ảnh: Hồng Việt
Vào thế kỷ XVII - XVIII, khi thương cảng quốc tế Hội An bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của làng gốm ở vùng Thanh Hà. Với vị trí gần cảng giao thương, giao thông đường thủy thuận lợi, khu sản xuất gốm Thanh Hà có khả năng phát triển thành vùng chuyên sản xuất gốm và các loại bình chứa để vận chuyển hàng hóa và các đồ đun nấu cho dân chúng địa phương, góp phần làm phồn vinh cảng Hội An lúc bấy giờ.
Từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, địa bàn sản xuất của làng nghề gốm Thanh Hà có sự chuyển dời. Từ Thanh Chiếm được chuyển đến Nam Diêu do Thanh Chiếm không còn những yếu tố tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển nghề. Nam Diêu là vùng đất vừa cận lộ, cận giang, cận thị vô cùng thuận lợi cho các hoạt động sản xuất cũng như trao đổi sản phẩm, phát triển nghề gốm.
Không giống như thế kỷ XVII - XVIII, sang thế kỷ XIX sự tồn tại và phát triển của làng gốm Thanh Hà được ghi nhận trong một số bộ chính sử quan trọng của triều Nguyễn. Đầu thế kỷ XIX, ở Quảng Nam đã rất nổi tiếng với các sản phẩm gạch, ngói, mà Thanh Hà là địa phương sản xuất những mặt hàng này khá nhiều. Năm 1803, để chuẩn bị cho việc xây dựng miếu điện, vua Gia Long đã lệnh cho “các địa phương đều chở vật liệu đá gỗ sản ở địa phương đến nộp”. Theo đó, “... Quảng Nam thì gạch ngói...”(1). Điều này góp phần khẳng định, trong những thế kỷ trước, nghề làm gạch, ngói ở vùng Quảng Nam đã được định hình và phát triển. Trong đó, Thanh Hà vốn nằm gần cảng thị Hội An có khả năng đã trở thành vùng chuyên sản xuất các sản phẩm gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng của cảng thị.
Nửa sau thế kỷ XIX, sản phẩm gốm Thanh Hà nổi tiếng khắp miền Trung, đồ gốm Thanh Hà lúc này trở thành sản vật của địa phương. Trong Đại Nam nhất thống chí, phần sản vật của tỉnh Quảng Nam đã ghi danh nghề gốm Thanh Hà như một nghề chế tác thổ sản nổi tiếng nhất Quảng Nam lúc bấy giờ. “Đồ gốm: sản ở Thanh Hà, huyện Diên Phước, có hộ chuyên nghiệp”(2). Dưới thời Đồng Khánh, đồ gốm Thanh Hà vẫn giữ vai trò là sản vật của huyện Diên Phước và cả tỉnh Quảng Nam.
Thời kỳ này, ngoài thổ sản gốm, nghề làm gạch ngói vẫn được ghi nhận tại xã Thanh Hà. Đại Nam thực lục cho biết, trong việc sáp nhập Thủy sư kinh kỳ làm hai dinh tả, hữu diễn ra năm 1884, sau khi phân chia số binh lính về các vệ, số người dư ra sẽ được giao về các xã thuộc về ngạch thợ của Quảng Nam, xã Thanh Hà (dân hạ bạn nguyên kén làm lính thủy rồi sau đổi về làm thợ làm ngói)(3).
Bán nồi đất ở chợ Hội An xưa (Ảnh tư liệu TTQLBTDSVH Hội An)
Không chỉ được thừa nhận trong các văn tự với trình độ sản xuất đạt mức chuyên nghiệp, sản phẩm trở thành sản vật địa phương. Dưới triều Nguyễn, sự phát triển mạnh mẽ của làng gốm Thanh Hà còn biểu hiện ở chỗ lực lượng lao động của làng nghề không những đông đảo mà còn tài hoa, có nhiều thợ giỏi, tay nghề cao được trưng tập ra làm việc tại Huế và nhiều người trở thành tượng mục được phong hàm bát phẩm, cửu phẩm. Chế độ công tượng (thủ công nghiệp nhà nước) dưới thời Nguyễn được tổ chức chặt chẽ và có quy mô lớn. Tượng cục Long Thọ, tượng cục nê ngõa là những tượng cục liên quan đến nghề gốm - gạch - ngói. Cục nung ngói có số biên chế thợ rất cao, với 217 người. Cục xây gạch số biên chế thợ là 43 người. Quê quán các thợ ở cục nung ngói và cục xây gạch đều là Quảng Nam(4). Điều này cho thấy, số thợ thủ công làm nghề xây gạch, nung ngói ở Quảng Nam nói chung, Thanh Hà nói riêng là những thợ giỏi, có tay nghề cao nên mới được trưng tập với số lượng nhiều; qua đó phần nào phản ánh chất lượng hoạt động sản xuất gốm - gạch - ngói trong vùng. Bên cạnh đó, trong một số sắc phong tại làng Thanh Hà cũng cho biết tên một số thợ ngói - gạch có tay nghề cao được phong chức tước. Chẳng hạn, “bằng cấp cho ông Bùi Phước Thạnh rành nghề nấu ngói và gạch lưu ly, cho chánh cửu phẩm tượng mục ngày 29 tháng 6 năm Minh Mạng 10”; “sắc ông Bùi Phước Châu rành nghề nấu ngói thưởng chức tòng cửu phẩm tượng mục ngày 24 tháng 12 năm Thiệu Trị 2”; “sắc ông Võ Văn Hòa tước tòng cửu phẩm tượng mục ngày 3 tháng 5 năm Tự Đức 14”(5). Ngoài ra, trong gia phả một số tộc họ tại làng Thanh Hà cũng ghi chép về việc một số người của tộc ra Huế làm việc tại tượng cục Long Thọ. Gia phả tộc Nguyễn Văn cho biết, đời thứ 5 trong phổ hệ có hiển khảo tên húy là Đông nguyên làm ở phường nung ngói Long Thọ trong tượng cục ở kinh đô. Sang đời thứ 6 có ông Nguyễn Văn Bình làm thợ ngói tại tượng cục Long Thọ, chức vị là Thi lại tòng cửu phẩm, sau đó ông Nguyễn Văn Lò là em ông Bình được sung vào tượng cục Long Thọ để thay anh. Ông Lò làm việc tại tượng cục hơn 8 năm. Thời điểm diễn ra những sự kiện này được xác định khoảng cuối thế kỷ XIX(6). Cũng theo gia phả một chi của tộc Nguyễn Văn hiện do ông Nguyễn Văn Tư lưu giữ thì đầu thế kỷ XX, một người thợ làm ngói ở tộc có tay nghề cao được trưng tập làm ở tượng cục Long Thọ. Hay gia phả tộc Nguyễn Viết chép: “ông Nguyễn Viết Ca (tức ông Chánh Ca), cháu đời thứ 13 của tộc Nguyễn Viết làm ty trưởng công tượng ở Huế”(7).
Sự phát triển của nghề gốm ở Thanh Hà giai đoạn này không chỉ phản ánh qua các tài liệu văn tự mà còn thể hiện trong các hoạt động thực tế. Từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cảng thị Hội An tuy không phát triển mạnh mẽ như hai thế kỷ trước nhưng vẫn giữ vai trò là một trung tâm thương nghiệp lớn của Đàng Trong, vẫn tiếp tục phát huy truyền thống thương mại của mình trong điều kiện tự nhiên không còn thuận lợi. Cửa Đại Chiêm thuyền bè vẫn ra vào tấp nập. Sông Thu Bồn với nhánh là sông Chợ Củi, sông Vĩnh Điện vẫn là hệ thống giao thông thuận tiện cho các thương nhân. Mặt khác, thế kỷ XIX chính là thời kỳ đô thị Hội An được mở rộng dần về phía Nam. Công trình kiến trúc hiện còn tồn tại phần lớn đều được hình thành trong thế kỷ XIX. Qua đây có thể thấy, thế kỷ XIX Hội An vẫn còn là nơi rất nhộn nhịp, vẫn là một thị trường tiêu thụ dồi dào của nghề gốm Thanh Hà.
Các sản phẩm đồ đựng phục vụ cho ngành làm đường vẫn tiếp tục phát triển. Đường và tơ là hai mặt hàng được các thương lái nước ngoài mua đi rất nhiều, nhưng đến đầu thế kỷ XIX, đường được mua đi nhiều hơn tơ. Ước lượng hàng năm có 30.000 tạ đường được bán ra mà chủ yếu là sang Trung Quốc(8). Năm 1838, tỉnh Quảng Nam tâu đã chuyển số lượng đường cát cho các thuyền mang ra ngoại quốc bán, tổng cộng là 1.315.000 cân(9). Với số lượng đường xuất ra hàng năm lớn như vậy thì nhu cầu đồ đựng là rất lớn, đòi hỏi nghề gốm ở các địa phương, trong đó có Thanh Hà phải cung ứng khối lượng sản phẩm không hề nhỏ.
Thế kỷ XIX cũng đánh dấu sự phát triển của nghề gốm Thanh Hà khi khu miếu Tổ nghề gốm - một thiết chế tín ngưỡng của cư dân làng gốm được xây dựng. Khu miếu Tổ này gồm có 4 miếu khác nhau, trong đó miếu được ghi nhận xây dựng sớm nhất là miếu Thái giám được xây năm 1836. Việc xây dựng khu miếu thờ Tổ nghề cho thấy lúc này hoạt động sản xuất cũng như đời sống của cư dân làm gốm phải thực sự phát triển thì các thợ gốm mới có điều kiện xây dựng miếu thờ. Không những thế, thời kỳ này một số sản phẩm gốm gia dụng Thanh Hà cũng đã có mặt tại quần thể di tích cố đô Huế cùng với những địa phương khác như Thổ Hà (Bắc Giang), Phước Tích (Huế), Bát Tràng (Hà Nội),... Thông qua con đường trưng nạp, tặng phẩm và thương mại mà những đồ gốm này đã được nhập vào kinh đô Huế(10). Riêng sản phẩm gốm Thanh Hà có thể qua con đường trưng nạp. Điều này càng khẳng định, thế kỷ XIX sản phẩm gốm Thanh Hà là sản vật nổi tiếng, làng gốm Thanh Hà có thể sánh ngang hàng với những làng gốm danh tiếng khác trên cả nước.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX do tác động của nhiều yếu tố lịch sử mà cảng thị Hội An mất hẳn vai trò trung tâm thương mại của mình, nhường vai trò cho cảng thị Đà Nẵng. Khi hoạt động thương mại của cảng thị không còn đồng nghĩa với việc làng gốm Thanh Hà mất đi một thị trường tiêu thụ chủ yếu. Nhưng thực tế hoạt động của làng gốm đã chứng minh đây không phải là trở ngại đối với hoạt động của làng nghề. Lợi dụng địa thế cận giang, địa bàn tiêu thụ sản phẩm gốm Thanh Hà được mở rộng ra rất nhiều. Một số thợ gốm giàu có đã chuyển sang sắm ghe bầu, thu mua gốm, sành và vận chuyển chúng bằng đường thủy đến một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi,... để tiêu thụ. Theo lời kể của một số vị cao niên tại địa phương thì ông cha họ trước đây từng đi buôn gốm bằng ghe bầu. Hoạt động buôn bán gốm bằng ghe bầu đã trực tiếp tạo ra một nhóm người bán gốm chuyên nghiệp. Đồng thời, “sự ra đời của đội ngũ lái buôn gốm Thanh Hà chứng tỏ nghề gốm Thanh Hà đã trải qua giai đoạn phát triển mạnh dẫn đến phân hóa lực lượng thợ thành hai bộ phận là bộ phận sản xuất và bộ phận lái buôn gốm”(11).
Địa bàn tiêu thụ mở rộng, nhu cầu sản xuất gia tăng. Quy mô sản xuất gốm trong bốn thập kỷ đầu của thế kỷ XX ở Thanh Hà là rất lớn. Trong thời gian này có ít nhất khoảng 30, 40 gia đình có bàn xoay chuốt gốm, có nhà có đến 2 - 3 bàn xoay, 10 hộ buôn gốm có ghe bầu, nhiều lò nung gốm sành, hàng trăm người tham gia làm gốm, nhiều hộ làm gốm dựng được nhà ngói ba gian, năm gian(12). “Thượng gia hạ thuyền” là câu nói người dân dùng để chỉ sự phát triển của làng gốm trong giai đoạn này. Không chỉ mua bán, trao đổi sản phẩm gốm, các hoạt động như mua bán, chuyển nhượng lò gốm giữa các hộ sản xuất cũng diễn ra. Chẳng hạn, năm 1866 Nguyễn Kim Bách, Nguyễn Kim Nguyên, Nguyễn Kim Vĩnh, Nguyễn Kim Rộ, Nguyễn Kim Hiền cùng ở xã Thanh Hà lập tờ bán đứt cang diêu cho vợ chồng Nguyễn Viết Quý với giá 105 quan. Hay năm 1937, bà Phan Thị Phước cùng con là Nguyễn Văn Minh ở xã Thanh Hà lập tờ bán đứt diêu lò do cha mẹ để lại tại ấp Nam Diêu, lò được bán với giá 10 nguyên (đồng) cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Diện(13). Hiện nay, những lò này không còn nữa do khu đất đã bị lở xuống sông.
Có thể nói, giai đoạn thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn có nhiều dấu ấn trong lịch sử phát triển làng gốm Thanh Hà. Việc làng gốm Thanh Hà được ghi danh trong hầu như các bộ chính sử của triều Nguyễn chính là một sự thừa nhận chính thống vị trí của làng gốm. Sự suy thoái của cảng thị Hội An mặc dù có ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ của làng gốm nhưng không phải vì thế mà làng gốm này cũng tàn lụi theo mà ngược lại các thợ gốm Thanh Hà đã phát huy những ưu thế của địa phương, mở rộng địa bàn tiêu thụ, đưa nghề gốm phát triển mạnh mẽ.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn:
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục (Viện Sử học phiên dịch), Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, trang 552
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí (Viện Sử học phiên dịch), Tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Huế, trang 464
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục (Viện Sử học phiên dịch), Tập 9, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, trang 84
(4) Bùi Thị Tân - Vũ Huy Phúc (1998), Kinh tế thủ công nghiệp và phát triển công nghệ Việt Nam dưới triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế, trang 24
(5) Hội Folklore Đông Dương - Trường Viễn Đông Bác Cổ, Tư liệu điều tra về làng quê Quảng Nam những năm 1940. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
(6) Gia phả tộc Nguyễn Văn (bản dịch). Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
(7) Gia phả tộc Nguyễn Viết (bản dịch). Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
(8) Thành Thế Vỹ (1961), Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX, Nxb. Sử học, Hà Nội, trang 157
(9) Đỗ Bang (1996), Kinh tế thương nghiệp Việt Nam dưới triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế, trang 99
(10) Trần Đức Anh Sơn (2010), “Gốm Việt Nam trong quần thể di tích cố đô Huế: xuất xứ, loại hình và chức năng” in trong Văn hóa - lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận, http://khanhhoathuynga.wordpress.com/tag/gốm-việt-nam-trong-quần-thể-di-tich-cố-do-huế/.
(11),(13) Trương Hoàng Vinh (2004), Điều tra khảo sát nghề gốm Thanh Hà, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, trang 2, 29-30
(12) Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (2008), Nghề truyền thống Hội An, Hội An, trang 67