Làng An Mỹ trong folklore về làng xã ở Quảng Nam năm 1941 -1943
- Chủ nhật - 23/10/2016 21:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong giai đoạn những năm 1941 đến 1943, Viện Viễn Đông bác cổ đã tiến hành điều tra về làng xã ở Quảng Nam, trong đó có nhiều làng xã ở Hội An gồm có Điển Hội (Hội An), Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong, Sơn Phô, Để Võng, Thanh Hà, Thanh Nam, Thanh Đông, Tân Hiệp và An Mỹ. Tài liệu về đợt điều tra này là bản viết tay liên quan đến các vấn đề của làng xã truyền thống, là một nguồn tư liệu quý cung cấp những thông tin về làng xã trước đây. Dưới đây xin được giới thiệu một số thông tin về làng An Mỹ xưa.
Đình An Mỹ - phường Cẩm Châu
Về thời gian thành lập làng An Mỹ: tài liệu cho biết làng An Mỹ thiết lập xã hiệu từ đời vua Gia Long nhị niên (1803). Làng còn lưu giữ được một quyển đinh bộ từ thời vua Gia Long nhị niên đến đời Gia Long thập ngũ niên, cho biết trong những năm đó có bao nhiêu đinh tráng, chức sắc. Ngoài ra, làng còn có một quyển địa bộ có ấn chú từ đời Gia Long thứ 13, trong quyển đó kê những điền thổ các hạng và tứ phương giáp giới.Về Tiền hiền Hậu hiền của làng thì chưa rõ họ nào là Tiền hiền, họ nào Hậu hiền. Tuy nhiên, bản khai cho biết trong gia phả họ Nguyễn có một vị quan võ từ đời Cảnh Hưng là Tú ngọc hầu Nguyễn Văn Nghị. Trong làng hiện nay, con cháu người này còn giữ nhiều sắc thần từ đời Cảnh Hưng, Gia Long nguyên niên, nhị niên, tam niên,…và đời Minh Mạng đến đời Tự Đức. Ngoài ra, tộc Võ Viết trong làng cũng còn lưu giữ một quyển gia phả từ năm Mậu Tuất (1778).
Về diện tích, dân số: diện tích làng An Mỹ có được 100 mẫu kể cả công tư điền thổ và dân số khoảng 200 người.
Về thổ sản chủ yếu của làng là lúa và khoai, ngoài ra còn có các thực phẩm khác như cau, trầu, chuối, các loại trái cây. Nhưng thổ sản đáng kể nhất của làng là dừa nước, lá dùng để lợp nhà. Nghề nghiệp của dân trong làng chủ yếu là nghề nông và làm thuê.
Về phong tình tục lệ như tang ma, cưới hỏi không có gì đặc biệt, cũng theo khuôn mẫu của các làng lân cận.
Về thần sắc, làng An Mỹ có 18 đạo sắc thần: gồm có thần Đại Càn, Bạch Mã, Thành Hoàng, Ngũ Hành Tiên Nương, Đệ Nhất Hồng Nương, Đệ Nhị Đàng Nương, Ngũ Đàng Nương… được phong tặng, gia tặng các danh hiệu, mỹ tự dưới đời vua Minh Mạng đến đời vua Khải Định. Ngoài ra còn có sắc phong Nguyễn Văn Nghị phong Tú Ngọc Hầu ngày 22 tháng giêng năm Gia Long thứ 2, cụ Nguyễn Văn Cẩn cai đội Cẩn Tú Hầu năm Gia Long thứ 2.
Đặc biệt, tập tài liệu còn mô tả khá chi tiết đình làng An Mỹ và những lễ cúng liên quan đến đình: muốn đến đình làng An Mỹ thì đi dọc theo con đường tỉnh số 99 về Cửa Đại, qua khỏi đình Để Võng độ 20 thước tây, xoay mặt về bên tay trái, xa xa thấy một lùm cây cao bóng mát và một ngôi nhà hết sức cổ đó là đình An Mỹ. Trước đình làng có một vạt đất nhiều mộ, và từ đình ra đường cái quan số 99 độ 200 thước tây. Về niên đại của ngôi đình không rõ được lập từ năm nào, nhưng trên xà cò trong đình có đề Tự Đức thập lục niên (1863) trùng tu, và được sửa chữa nhỏ vào năm Thành Thái thứ 10 (1898). Những cây kèo có chạm nhưng không được tỉ mỉ lắm. Thoạt tiên sẽ thấy hai trụ vôi và một bức bình phong cũng rêu phong phủ kín. Cách đó độ sáu thước tây là đình chính, có bốn cột vôi gạch ở ngoài đến 3 hàng cột tròn. Ở giữa đình là hương án chạm và sơn son thếp vàng. Hai bên hương án là hai nền vôi gạch dùng để đồ cúng khi nào làm tế lễ. Bên trái có một cái bàn thờ nhỏ bằng vôi gạch để thờ cúng Thổ Địa. Phía sau có hai bàn thờ bằng vôi gạch, thờ Tiền Hiền. Phía trong cùng là Hậu tẩm để thờ sắc Thần, hai bên là tả hữu chầu vị Thần.
Mỗi năm tế tại đình vào các ngày 12 tháng giêng gọi là tế Xuân, khi tế có đánh chiêng trống và dùng linh vật là heo, không dùng nhạc lễ; ngày kỵ các vị Tiền hiền vào mồng 1 tháng 3, dùng linh vật là heo, không có nhạc lễ. Tế Thu vào ngày rằm tháng 8, trước kia có cúng linh vật là heo nhưng về sau cúng trầm trà. Bên cạnh đó, tại miếu Âm Linh mỗi năm tế một kỳ nhằm ngày rằm tháng 3, dùng linh vật là heo và làng có lệ đi giãy cỏ những mộ trong làng.
Những thông tin trong bản khai cho biết nhiều thông tin về làng An Mỹ vào năm 1941 - 1943. Những thông tin này là tư liệu quý để nghiên cứu về làng An Mỹ nói chung, làng xã ở Hội An nói riêng.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền