Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính với Hội An

Khi nhắc đến những người đầu tiên đặt vấn đề và trực tiếp nghiên cứu cũng như thực hiện bảo tồn phố cổ Hội An một cách bài bản từ năm 1982, chúng ta không thể không nhắc đến kiến trúc sư người Ba Lan: Kazimierz Kwiatkowsky (bạn bè Việt Nam vẫn thường gọi ông với cái tên thân mật là Kazik), kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, kiến trúc sư Lê Thành Vinh và các kiến trúc sư khác ở Trung tâm Bảo quản Tu bổ Di tích Trung ương (nay là Viện bảo tồn Di tích). Họ là những người sớm nhìn ra được giá trị của Khu phố cổ Hội An, có nhiều đóng góp vào việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị Khu phố cổ Hội An ngay từ buổi đầu, góp phần không nhỏ để khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Từ những năm 1990 trở về sau, việc nghiên cứu kiến trúc, tu bổ các di tích trong khu phố cổ nhận được sự hỗ trợ rất lớn cả về kỹ thuật, chuyên môn lẫn kinh phí trùng tu từ Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản với các chuyên gia và kiến trúc sư tận tâm với Hội An như GS. Tomoda Hiromichi, PGS. Utsumi Sawako, TS. Ando Katsuhiro, PGS.TS. Shinozaki Masahiko… Cho đến nay, họ vẫn còn dành nhiều tình cảm và có sự quan tâm, gắn bó đặc biệt với Hội An.
GS. Hoàng Đạo Kính là kiến trúc sư chuyên về di sản và trùng tu. Ông tốt nghiệp Đại học kiến trúc Matxcơva năm 1967 và bảo vệ luận án phó tiến sĩ kiến trúc về di sản và trùng tu năm 1977. Từ khi về nước đến nay, ông gắn bó với công việc bảo tồn, trùng tu các công trình di tích kiến trúc. Tháng 6/1982, khi đang là Trưởng Tiểu ban hợp tác Ba Lan – Việt Nam tu bổ di tích Mỹ Sơn, KTS. Kazik đến Hội An và nhận định rằng “người Hội An đang ngồi trên đống vàng”, “tài nguyên này là vô giá”. Vì vậy, sau đó KTS. Hoàng Đạo Kính dẫn đầu đoàn kiến trúc sư của Trung tâm Bảo quản Tu bổ di tích Trung ương vào Hội An, cùng với KTS. Kazik bắt đầu cuộc dấn thân vì một tương lai cho Hội An, nghiên cứu Hội An với tư cách là một di sản đô thị. Nhóm chuyên gia này đã tiến hành điều tra trong Khu phố cổ theo phương pháp điều tra thống kê, bao gồm sưu tầm các cứ liệu lịch sử; nghiên cứu hiện trạng kết hợp thống kê, đo vẽ các công trình kiến trúc tiêu biểu như Chùa Cầu, nhà cổ, nhà thờ tộc, hội quán…; nghiên cứu sự hình thành và phát triển đô thị - cảng… Kết quả của các hoạt động trên đã để lại khối lượng dữ liệu lớn làm cơ sở khoa học. Đây là những dữ liệu, cơ sở khoa học quan trọng cho hội thảo khoa học đầu tiên về Đô thị cổ Hội An năm 1985. Cũng trong năm 1985, Bộ Văn hóa ra quyết định xếp hạng Khu phố cổ Hội An là di tích cấp quốc gia. Trong khoảng thời gian này, ông cùng các kiến trúc sư của Trung tâm Bảo quản Tu bổ Di tích Trung ương tham gia lập hồ sơ và trực tiếp tham gia trùng tu di tích Chùa Cầu, hàng chục ngôi nhà cổ ở Hội An. KTS. Kazik đã bàn bạc, trao đổi với ông nên lập phương án để bảo tồn và giữ gìn Hội An ngay lúc bấy giờ. Giống như kiến trúc sư Kazik, ông cũng là người có tình cảm sâu nặng với Hội An. Trong một bài phỏng vấn trên báo chí, khi được hỏi vì sao ông lại quan tâm đến Hội An nhiều như vậy, ông đã trả lời rằng: “Tôi bị Hội An làm cho mê muội thì đúng hơn, bởi cuối thế kỷ 20 mà lại có một đô thị cổ còn giữ nguyên vẻ và nguyên hồn. Không còn ở đâu có một đô thị như thế, một chiến địa mà không bị bom, nơi có nhiều thương nhân mà lại không phá bỏ xây nhà mới và lại không bị lôi cuốn vào công cuộc đô thị hoá. Hội An giữ được như thế là một kỳ tích của lịch sử…”.  
         
Với kinh nghiệm dày dạn và tầm nhìn sâu rộng của một kiến trúc sư đầu ngành trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc, từ nhiều năm trước ông đã có những trăn trở, ưu tư về những nguy cơ tiềm ẩn mà Hội An đang và có thể gặp phải. Vì vậy, ông đề xuất: “Cần duy trì sự hài hòa về hình thái học giữa các cấu trúc đô thị: xưa - cũ - mới, sự chuyển tiếp mềm từ phần đô thị sang phần nông thôn, từ các khu vực xây dựng sang thiên nhiên. Không đưa vào khu xây dựng cũ những công trình có quy mô và chiều cao vượt trội, không du nhập vào thành phố những lĩnh vực sản xuất và công nghệ gây tổn thương cho "phần xác""phần hồn" của nó”.

Thực tế, sự phát triển của thành phố Hội An hiện nay đã chứng minh những lo lắng, trăn trở của ông không phải không có cơ sở. Mặc dù với những chính sách, chủ trương của địa phương trong công tác quản lý di sản Hội An đã đạt được nhiều thành quả đáng kể nhưng vẫn còn đâu đó vài điều chưa tốt, chưa hay. Bài toán ách tắc giao thông trong phố cổ vẫn chưa có lời giải thích hợp. Sự chưa hợp lý trong quy hoạch kiến trúc như các khách sạn cao tầng bao vây vùng đệm của Khu phố cổ (ở khu vực Quảng trường Sông Hoài chẳng hạn) gây cảm giác ngột ngạt, khó chịu khi đứng từ cầu An Hội nhìn về phía quảng trường. Việc thay đổi cấu trúc bên trong nhằm biến di tích trở thành cửa hàng, cửa hiệu diễn ra âm thầm nhưng lại vô cùng quyết liệt. Các dịch vụ phục vụ du lịch phát triển ồ ạt, và đôi khi, việc chạy theo lợi nhuận khiến hình ảnh của Hội An trong mắt du khách bị méo mó… Hơn nữa, những năm gần đây, lượng khách du lịch tham quan Hội An tăng đột biến, tạo nên áp lực về nhiều mặt không chỉ riêng cho vùng lõi khu phố cổ mà còn cho cả khu vực vùng đệm và một số điểm tham quan làng nghề ở vùng ven. Vì vậy, việc dung hòa giữa việc bảo tồn và phát triển luôn là thách thức lớn, cần có những giải pháp thích hợp để di sản “sống” và phát huy được giá trị vốn có của nó.

Ngày 03/12/2019, UBND thành phố Hội An tổ chức hội thảo quốc tế “Di sản văn hóa Hội An – 20 năm bảo tồn và định hướng phát triển bền vững” với sự tham dự của rất nhiều đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế, trong đó có kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính. Trong buổi hội thảo, ông đã đề xuất mô hình cho sự phát triển thành phố Hội An là “Đô thị hiện đại trên cơ sở duy trì bền vững sự liền mạch quá khứ - tương lai, theo hình thái đô thị - thị trấn” với những định hướng chính: Kết hợp hài hòa bảo tồn - cải tạo - hiện đại hóa theo hướng đề cao bản sắc đô thị; Thực hiện kiên trì sự chuyển hóa mềm về hình thái học kiến trúc, gắn kết thành một thể các cấu trúc đô thị các thời; Chuyển hóa mềm từ cơ thể đô thị sang vùng ven - sang không gian sông nước và bờ biển, - Kiến tạo đô thị sinh thái - lịch sử - nhân văn - tự nhiên; Tuân thủ mô hình đô thị giãn, không chấp nhận những cấu trúc xây dựng nén. Tránh tạo những tương phản thách thức về quy mô, về độ cao của công trình. Ưu tiên xây dựng thấp tầng; Quy hoạch giao thông tương thích đô thị dạng thị trấn, tạo sự chuyển tiếp mềm từ vùng lõi sang vùng ven và các vùng lân cận. Người đi bộ, dùng các phương tiện không gây tiếng ồn và ô nhiễm không khí.

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính được bạn bè và đồng nghiệp yêu mến gọi  là “hiệp sĩ” của những di tích kiến trúc. Hội An sẽ mãi khắc ghi những đóng góp, cống hiến của ông trong việc bảo tồn, trùng tu Khu phố cổ Hội An. 
         
 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây