Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Kiên định xây dựng Hội An trở thành Thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch

Từ lâu, Hội An đã trở thành biểu tượng cho các giá trị văn hóa của dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người Quảng Nam. Câu ca dao khá quen thuộc: “Ai qua phố Hội, chùa Cầu; Ðể thương, để nhớ, để sầu cho ai; Ðể sầu cho khách vãng lai; Ðể thương, để nhớ cho ai chịu sầu” đã nói thay tấm lòng của bạn bè bốn phương đối với Hội An.
khong anh nam dieu
Một góc Hội An nhìn từ trên cao - Ảnh: Quang Ngọc
 

     Mỗi người trên mọi miền đất nước đều có nguyện vọng đến Hội An. Du khách nước ngoài đến Việt Nam đều không thể không ghé Hội An. Điều đó khẳng định sức hấp dẫn đặc biệt về các giá trị văn hóa, lịch sử của nơi này mang lại.

     Kể từ ngày những bước chân của các bậc tiền nhân khai sơn, lập ấp đến nay, trải qua hơn 400 năm, Faifo - Hội An đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử. Với vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán mà văn hóa Hội An đã mang đậm bản giao hưởng giá trị văn hóa các vùng miền, các quốc gia, dân tộc; nhiều giá trị văn hóa đã được nâng lên và có ý nghĩa phổ quát trong một giai đoạn lịch sử. Sức hấp dẫn của văn hóa Hội An đối với du khách chính là chiều sâu văn hóa, là diện mạo tinh thần của người dân, thể hiện trong lối sống và ứng xử (ứng xử với tự nhiên và ứng xử trong xã hội). Nói cách khác, người Hội An bằng tài năng và ý chí của mình, biết vươn lên làm đẹp cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Bước vào thời kỳ CNH, HĐH đất nước, trước mắt còn ngổn ngang biết bao vấn đề mới và phức tạp; xu hướng phát triển đòi hỏi phải mở rộng không gian đô thị, phải có các trung tâm thương mại, dịch vụ,… nghĩa là phải kết cấu lại hạ tầng cơ sở. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của mình.

     Qua gần 40 năm đổi mới, đặc biệt sau 25 năm tái lập, xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam, cùng với các địa phương trong tỉnh, Hội An đã dần dần tìm ra hướng đi đúng đắn. Phong trào bảo tồn, tôn tạo các di tích và cảnh quan văn hóa cũng như phong trào xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp đã và đang trở thành phong trào quần chúng sâu rộng và mạnh mẽ. Hơn thế nữa, dưới những tác động của nhận thức mới về văn hóa của thời đại và những quan điểm văn hóa của Đảng, chúng ta nhận ra rằng để phát triển kinh tế bền vững thì không thể bỏ qua một nguồn tài nguyên vô tận, một tài sản vô giá mà Hội An có quyền tự hào, đó là những giá trị văn hóa của một vùng đất mấy trăm năm lịch sử “mang gươm đi mở cõi”. Trong giai đoạn này, phải ý thức rõ hơn niềm tự hào, trách nhiệm  của việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Hội An, cũng chính là bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Và với tinh thần đó, thành phố vừa phải chuyển nhanh theo quỹ đạo đô thị hóa hiện đại, vừa phải tìm lại và trở về dáng vóc và cốt cách tự nhiên, vốn có của mình. Hội An là vùng đất của di tích lịch sử, của sinh thái sông hồ, cây xanh, của văn hóa nếp sống, tình người. Phải giữ vẻ đẹp thơ mộng, hiền hòa của chùa Cầu, nhà cổ, hội quán; phải khơi thông, làm trong lành sông Hoài, sông Đế Võng, sông Cổ Cò,… phải làm xanh ngát rừng dừa Bảy mẫu và những con đường ngoại ô; phải đằm thắm chân tình trong nết ăn, lối sống của mỗi người,… Ước mong và suy tưởng về diện mạo một Hội An sinh thái - văn hóa trong tương lai là như vậy.

     Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII năm 2020 đã đưa ra chủ đề định hướng phát triển của Hội An trong nhiệm kỳ 2020-2025 và tương lai gần là: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân;huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng thành phố sinh thái -văn hóa - du lịch thân thiện, giàu đẹp. Chủ đề là sự kết tinh và kết nối các giá trị văn hóa và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của hệ thống chính trị trong suốt chiều dài lịch sử của mảnh đất này.

     Hội An vinh dự được tỉnh chọn xây dựng mô hình điểm đến du lịch xanh  kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, làm cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp khác nhân rộng. Đây cũng chính là sự ghi nhận những nỗ lực và các kết quả đạt được của Hội An trong công tác bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch. Trên lĩnh vực tài nguyên - môi trường, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 12/11/2019 về tăng cường kiểm soát, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy; tiếp tục thực hiện chủ trương phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường thành phố. Nhiều mô hình du lịch xanh trở thành điển hình trên diễn đàn bàn về du lịch cả nước như: Mô hình du lịch nói không với túi nilon ở Cù Lao Chàm, du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu, du lịch làng rau Trà Quế…

     Xứng đáng là một thành phố du lịch tiêu biểu với các giá trị Sinh thái - Văn hóa đan xen tạo nên một thương hiệu Hội An độc đáo, năm 2021 Thành ủy Hội An đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch Thành phố đến năm 2025, đinh hướng đến năm 2030, trong đó xác định một trong những quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch hội An: là dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, bồi đắp tài nguyên thiên nhiên; nỗ lực bảo vệ môi trường, là điểm đến chất lượng cao theo hướng “Du lịch Xanh”, đảm bảo các giá trị lâu dài đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, trong đó, bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng Thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.

     Để đạt được mục tiêu hướng tới đó, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ: Từ nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng về phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đến việc quản lý quy hoạch, thẩm định các dự án liên quan đến văn hóa, môi trường. Gắn quá trình xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch, triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường: xử lý rác, chống ô nhiễm nguồn nước, trồng cây xanh, sử dụng vật liệu tái chế, hạn chế sử dụng túi nilon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phát huy vai trò tiên phong, đồng hành chung tay của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng Bộ tiêu chí Du lịch xanh, tham gia tích cực các hoạt động Công ước quốc tế bảo vệ môi trường… Thực hiện tốt những vấn đề nêu trên chính là hoàn thành thắng lợi thông điệp: Hội An - điểm đến du lịch Xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

     Cũng như mấy trăm năm trước, Hội An những năm gần đây đã trở thành nơi hội nhập văn hóa của nhiều vùng miền. Trong xu thế phát triển, Hội An vẫn sẽ là nơi đến và nơi cư trú (ngắn ngày, dài hạn) của cư dân nhiều vùng, nhiều quốc gia khác. Vấn đề đặt ra là phải làm gì để khai thác khía cạnh tích cực vốn có trong văn hóa cư dân các địa phương đem về để làm phong phú thêm đời sống văn hóa của một vùng đất “nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu”, đồng thời loại trừ những nhân tố tiêu cực trong đó. Đây là bài toán không đơn giản nhưng nhất thiết phải đặt ra. Hội An đã và đang thu hút sự quan tâm, khích lệ của nhiều bè bạn trên thế giới, trước vận hội đó, phải vươn lên để thực sự trở thành  điểm sáng trong việc khẳng định và phát huy sức mạnh văn hóa của mình, trở thành điểm tựa vững chắc cho tỉnh Quảng Nam trong tiến trình cùng cả nước hội nhập quốc tế. Năm 2017, Thành ủy Hội An đã ra Nghị quyết: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An đáp ứng yêu cầu xây dựng Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch; năm 2018 triển khai đề án Hội An - nhân tình thuần hậu… Trong đó vấn đề đặt ra đối với văn hóa Hội An trong tương lai là sự kết hợp hai quá trình: làm sống dậy một cách sinh động, phong phú hơn, giàu có hơn, tươi mới hơn các giá trị văn hóa truyền thống được kết tụ qua hơn 400 năm lịch sử và sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Những giá trị văn hóa mới đó phải được thể hiện trong muôn mặt của đời sống lao động sáng tạo của nhân dân, từ xây hạ tầng kinh tế xã hội đến sáng tác văn học nghệ thuật, từ sản xuất kinh doanh đến các hoạt động tuyên truyền báo chí… Hai quá trình sáng tạo đó không riêng rẽ mà hòa hợp trong một chủ thể sáng tạo của người Hội An ở thời đại mới… Người Hội An bao đời nay nổi tiếng tài hoa, khéo tay, hay làm; cần phải làm sống lại với một nguồn năng lực mới các làng nghề truyền thống: Làng mộc, làng gốm, làng rau, làng chài… các loại hình văn hóa nghệ thuật  từng làm say đắm bao thế hệ: hát tuồng, diễn xướng, bài chòi, các trò chơi dân gian…Trở lại những giá trị văn hóa xưa không phải hoài cổ mà là để bồi đắp bản sắc văn hóa, làm giàu có hơn đời sống vật chất và tinh thần của con người đương đại.       
           
     Cần thấy rằng, các giá trị văn hóa từ quá khứ cho đến tương lai đều bắt nguồn và tùy thuộc căn bản vào giá trị con người - chủ thể sáng tạo văn hóa - cho nên vấn đề then chốt và có ý ngĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình phát triển văn hóa Hội An trong tương lai là vấn đề xây dựng con người và cộng đồng người Hội An để xứng với vị thế chủ nhân của một di tích lịch sử, của vùng đất “hội tụ những điều bình an, đây là một nhiệm vụ quan trọng và hết sức nặng nề. Quá trình đó phải được gắn liền với việc xây dựng môi trường văn hóa, bởi lẽ con người và môi trường luôn luôn gắn bó, tác động và quy định lẫn nhau. Trước hết phấn đấu để người Hội An được sống trong một môi trường lành mạnh, không bị “ô nhiễm”, vẩn đục bởi rác rưởi của các loại tệ nạn từ ngoài đưa vào theo quá trình mở cửa, hội nhập và nảy sinh từ bên trong do mặt trái của cơ chế thị trường. Cuộc đấu tranh chống ma túy, mại dâm, tội phạm, bài trừ nọc độc các ấn phẩm phi văn hóa, phản văn hóa cùng với những cuộc đấu tranh chống các luồng gió độc về tư tưởng, chính trị đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và dân Hội An phải kiên cường, bền bỉ, tỉnh táo và khôn ngoan. Đồng thời với việc sàng lọc, loại thải nghiêm ngặt các độc tố xâm hại môi trường văn hóa, điều quan trọng hơn là phải tích cực, kiên trì, chủ động xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp. Trong nhiều việc phải làm, điều đáng được ưu tiên hàng đầu là bồi đắp các mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình và cộng đồng. Quan hệ gia đình bền chặt, tốt đẹp là môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng nhân cách con người từ thuở lọt lòng, quan hệ cộng đồng lành mạnh là điều kiện tiếp tục hoàn thiện, phát triển nhân cách. Hội An phấn đấu xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, hiện đại, kỷ cương, thấm đượm tính cộng đồng nhân văn. Muốn điều đó trở thành hiện thực đòi hỏi phải có sự tiến hành đồng bộ các giải pháp hữu hiệu: giáo dục, thuyết phục, vận động, xây dựng và nhân rộng gương người tốt việc tốt, các điển hình văn hóa (gia đình, thôn khối công sở, doanh nghiệp, tộc họ) hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa đi đôi với đề cao vai trò tự quản, giám sát, điều tiết của công luận và dư luận xã hội.

     Có thể nói, quá trình Hội An vươn tới tầm cao trí tuệ và vẻ đẹp văn hóa sẽ diễn ra với tốc độ và nhịp điệu rất nhanh trong những năm đến dưới tác động ngày càng mạnh mẽ của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Hội An phải làm chủ quá trình đó từ hai chiều: Hội tụ - kết tinh và lan xa - tỏa sáng. Bằng một phễu lọc cởi mở nhưng tinh tế, nghiêm ngặt, Hội An cần tiếp thu, hấp thụ các giá trị văn hóa cửa những địa phương khác - một quá trình đãi cát tìm vàng để tự làm giàu thêm các giá trị vốn có của mình. Đồng thời, phải quyết tâm hơn, chủ động hơn, tài hoa hơn trong việc lựa chọn các giá trị tiêu biểu của văn hóa Hội An để giới thiệu với bè bạn khắp chốn. Con đường khởi đầu từ văn hóa, xây dựng từ văn hóa là con đường ngắn nhất, bền vững nhất đưa Hội An đi sâu vào tình cảm của bạn bè muôn phương. Chỉ khi nào mục tiêu này đạt được thì khi đó mới có các điều kiện cần và đủ để Hội An trở thành một biểu tượng đẹp về văn hóa của dân tộc và nhân loại.

     Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hội An tin tưởng rằng: Phát huy những thành tựu quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, với tinh thần chủ động, sáng tạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bằng những tấm lòng và tình yêu đối với mảnh đất này nhất định sự nghiệp xây dựng“Hội An - Thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch”, phát triển năng động và giàu bản sắc chắc chắn sẽ thành công.

 

Tác giả: Trần Ánh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây