Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Khí thế cách mạng tháng Tám ở Hội An qua hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Tấn

Đồng chí Nguyễn Văn Tấn, tên thường gọi là Nguyễn Văn Ưng, Nguyễn Phe sinh ngày 01/5/1919, mất ngày 21/5/2012, quê tại làng Kim Bồng (nay là xã Cẩm Kim, thành phố Hội An).
Giác ngộ lý tưởng cách mạng từ năm 12 tuổi, đồng chí đã sớm “xác định mục đích cho mình suốt đời hoạt động cho Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Năm 1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng. Con đường hoạt động cách mạng của đồng chí từ đó trở nên sôi nổi mãi đến lúc nghỉ hưu năm 1986. Trong tập hồi ký “Những năm tháng không quên” do nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2009, đồng chí đã hồi tưởng tường tận những gì đã qua trên con đường hoạt động cách mạng của mình. Qua hồi ký của đồng chí, người đọc sẽ phần nào cảm nhận được khí thế sục sôi trong những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hội An.

Quay lại thời điểm lịch sử đầu tháng 5/1945, sau khi tiếp nhận Chỉ thị của Trung ương Đảng về “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã kịp thời triển khai công tác chuẩn bị lực lượng về mọi mặt đón lấy thời cơ. Đến khi được tin Nhật đầu hàng, ngày 14/8/1945, Tỉnh ủy quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh, thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh. Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Văn Tấn, tỉnh ủy viên, thành viên Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh được phân công làm Trưởng ban bạo động Hội An. Vì thế đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu nghị quyết của tỉnh để về triển khai cho Hội An. “Vừa dự họp ở tỉnh về tại nhà mình, tôi triệu tập cuộc họp Thị ủy và ủy ban Việt Minh vào tối 15 và ngày 16/8 để triển khai gấp rút kế hoạch khởi nghĩa của tỉnh”. Đến tối ngày 16/8, được tin tên tỉnh trưởng và bọn Quốc Dân đảng, Phản Đế, Cao Đài mật bàn kế hoạch tổ chức mítting vào đêm ngày 17/8 để tự xưng chính quyền nước Việt Nam độc lập chuẩn bị đón quân đồng minh vào tiếp quản. Trước tình hình đó, đồng chí nghĩ “đây là mưu toan phá kế hoạch khởi nghĩa của ta, nếu để chúng thực hiện được sẽ gây khó khăn cho việc chuẩn bị khởi nghĩa”. Vì thế đồng chí đã quyết định “sáng ngày 17/8/1945 họp lại Ủy ban bạo động bàn cách đối phó, địa điểm họp chuyển qua nhà anh Huỳnh Đủ, xóm Ngọc Thành (xã Kim Bồng), sát nách nội thị để kịp theo dõi diễn biến tình hình”.

Cuộc họp có sự tham gia của đồng chí Võ Toàn và Phan Thị Nễ được Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phân công về giúp đỡ công tác chuẩn bị khởi nghĩa tại Hội An. Tại cuộc họp này, đồng chí Nguyễn Văn Tấn đã phân tích: “chủ trương của tỉnh trong hội nghị vừa rồi mới xác định, hiện nay giai đoạn tiền khởi nghĩa và phương hướng khởi nghĩa là làm các huyện, nông thôn trước, sau mới tiến hành Hội An, Đà Nẵng và cũng chưa định ngày cụ thể. Tuy nhiên, nếu ta chậm để địch thực hiện được ý đồ của chúng, sẽ gây nhiều khó khăn cho ta. Hơn nữa, ta có lực lượng quần chúng đông đủ và lực lượng tự vệ vũ trang đã sẵn sàng, đội ngũ chờ lệnh khởi nghĩa. Phần lớn lính bảo an có tình cảm cách mạng, cơ sở trong đồn sẵn sàng làm nội ứng; ngụy quân, ngụy quyền đang dao động mạnh. Vì vậy, tại thị xã ta có thể, và phải phá kế hoạch mít tinh lừa bịp của chúng, đồng thời, có thể tiến hành khởi nghĩa ngay trong đêm 17 rạng ngày 18/8/1945”. Sau khi bàn bạc, cuộc họp đã nhất trí cử đồng chí Trần Đình Tri đưa tối hậu thư cho tên tỉnh trưởng yêu cầu giao chính quyền cho mặt trận Việt Minh; phân công “đồng chí Thao (Phan Thao), Kỳ (Lưu Quý Kỳ) chuẩn bị truyền đơn, biểu ngữ, in chương trình của Việt Minh, … Anh Toàn (Võ Toàn), chị Nể (Phan Thị Nể) cùng với ban bạo động thị xã tiếp tục chuẩn bị kế hoạch điều lực lượng quần chúng và tự vệ, đội ngũ chỉnh tề qua ém sẵn ở xóm Ngọc Thành, đội ngũ các xã, phường nội ô sẵn sàng chờ lệnh”. Mặt khác, cuộc họp cũng đã cử đồng chí Nguyễn Văn Tấn lên Bích Trâm, nơi đóng trụ sở của thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh báo cáo tình hình và đề nghị cho Hội An khởi nghĩa ngay trong đêm 17/8. “Bàn xong kế hoạch vừa đúng 6 giờ chiều… tôi phải lên Thanh Hà mượn xe đạp của anh Nguyễn Lạng, đạp trên 15km lên Vĩnh Điện, Bích Trâm… Dọc đường, trời mưa gió ướt dầm cả áo quần”. Đến nơi, sau khi nghe đồng chí báo cáo tình hình Hội An, thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh thống nhất cho Hội An khởi nghĩa cướp chính quyền ngay trong đêm 17/8. “Tôi mang lệnh đồng ý khởi nghĩa của tỉnh về đến Ngọc Thành (Kim Bồng) lúc 10 giờ đêm”.

Trong khi kế hoạch khởi nghĩa gấp rút triển khai thì “cơ sở trong đồn lính bảo an cho biết tên tỉnh trưởng sau khi nhận được tối hậu thư của ta, y đã trực tiếp đến đồn bảo an ra lệnh cho đồn trưởng thu hết súng đạn của lính bỏ vào kho, khóa chặt và dặn dò binh lính gác cổng khóa chặt cửa đồn. Nếu có đoàn biểu tình đến thuyết phục thì giải tán họ về”. Trước tình hình đó, Ủy ban bạo động quyết định kế hoạch tập trung lực lượng trước hết cướp đồn bảo an, sau đó chiếm dinh tỉnh trưởng và các cơ quan của địch. Lúc bấy giờ, “Lực lượng tự vệ và quần chúng vũ trang của làng Kim Bồng đã tập kết tại xóm Ngọc Thành đã chỉnh tề đội ngũ. Đây là lực lượng đi đầu trong đoàn quân khởi nghĩa, kết tiếp là lực lượng tự vệ và quần chúng vũ trang của làng Thanh Hà”.

3 giờ sáng ngày 18/8/1945, lệnh của Ủy ban khởi nghĩa được phát ra. “Đội quân khởi nghĩa xuất phát từ xóm Ngọc Thành, Kim Bồng kéo ra đường cái. Đội quân khởi nghĩa của làng Thanh Hà nhập vào, rầm rầm tiến vào nội ô. Quân khởi nghĩa hô vang khẩu hiệu, phất cờ kêu gọi mọi người nổi dậy khởi nghĩa giành lại chính quyền về tay nhân dân. Quần chúng nội ô đã sẵn sàng đội ngũ gia nhập đoàn quân khởi nghĩa, các đoàn quân vũ trang khởi nghĩa ở các xã phía đông giáp Cửa Đại và phía bắc kéo về trung tâm; ở nội ô cửa nhà, phố xá mở toang, đèn sáng chói, nhân dân vỗ tay hoan hô đoàn quân khởi nghĩa. Đoàn quân với hàng vạn bước chân nện trên đường phố, cây gậy, vũ khí va đập vào nhau rầm rập, cả đô thị Hội An như rung chuyển, khí thế cách mạng trời long đất lở”.

Khoảng gần 4 giờ sáng, đoàn quân khởi nghĩa đã bao vây và đến 5 giờ sáng chiếm xong đồn bảo an. Tiếp đó lực lượng cách mạng tiến về chiếm lấy tỉnh đường và các cơ quan địch. Đến 8 giờ sáng, các mục tiêu của địch đã được ta chiếm giữ. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An giành được thắng lợi hoàn toàn.

Có thể nói, là một người trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An, qua những trang hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Văn Tấn đã cho người đọc biết được khí thế cách mạng sục sôi ở Hội An trong những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử. Những trang hồi ký đó không chỉ là cảm xúc đặc biệt của một người con dành cho quê hương Hội An mà còn có giá trị về mặt tư liệu lịch sử quý giá; giúp cho thế hệ trẻ Hội An nhận thức sâu sắc và trân trọng thành quả mà cách mạng tháng Tám đã mang lại cho Hội An hôm nay và mai sau.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây