Hội An qua hồi ký xứ Đông Dương của Paul Doumer
- Thứ hai - 27/06/2022 06:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bên cạnh các nguồn sử liệu do người Việt biên soạn, còn có một bộ phận sử liệu quan trọng khác là các hồi ký, du ký, tài liệu nghiên cứu của các thương nhân, giáo sĩ, các chính trị gia nước ngoài về Việt Nam nói chung, Hội An, Quảng Nam nói riêng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, truyền giáo, cũng như mục đích chính trị... Trong nội dung dưới đây của bài viết xin giới thiệu một vài thông tin về Hội An qua cuốn hồi ký xứ Đông Dương của Paul Doumer.
Ảnh: Văn Thịnh
Paul Doumer là một chính khách người Pháp, sinh năm 1857. Ông làm Toàn quyền Đông Dương trong các năm 1897-1902. Sau ông làm Tổng thống Pháp từ năm 1931 đến 1932.Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer là một nhân vật để lại dấu ấn khá rõ nét trong lịch sử cận đại Việt Nam thời thực dân Pháp đô hộ. Dưới nhiệm kỳ Toàn quyền Đông Dương, nhiều viện nghiên cứu, trường học, cơ sở hạ tầng đã được ông chủ trương xây dựng như Viện Viễn Đông Bác cổ, Trường Cao Đẳng Hà Nội, cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay), cầu Tràng Tiền, cầu Bình Lợi (cầu xe lửa ở Sài Gòn), cảng Hải Phòng, tuyến đường sắt xuyên Việt, ông cũng là người xúc tiến việc thành lập thành phố Đà Lạt thành đô thị nghỉ dưỡng của người Pháp ở Đông Dương.
Xứ Đông Dương được dịch từ bản tiếng Pháp: L’Indo-Chine Francaise là cuốn hồi ký do Paul Doumer viết vào năm 1903, sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ làm Toàn quyền Đông Dương. Nội dung cuốn hồi ký chứa đựng nhiều kiến thức về lịch sử, địa lý, thiên nhiên, văn hóa, con người của xứ Đông Dương[1].
Ngoài lời nói đầu và chỉ mục, cuốn hồi ký gồm có 7 chương, trong đó chương 5, Paul Doumer đã ghi chép nhiều thông tin thú vị về vùng đất, văn hóa con người các tỉnh Trung kỳ của Việt Nam. Đặc biệt, trong hải trình từ Đà Nẵng đến Sài Gòn, Paul Doumer đã miều tả về Hội An như sau: “Những gì chúng ta được chiêm ngưỡng là một vùng đất trù phú, mát mẻ, đẹp như tranh vẽ... Chúng ta đang ở trên vùng đất Quảng Nam giàu có. Dân số ở đây khoảng 500.000 người, tỉnh lỵ của nó là Hội An (Faifoo). Đây là một thành phố thương mại với nhiều ngôi nhà kiểu Trung Hoa”[2]. Về sản vật Hội An, Paul Doumer cho biết: “Hội An (Faifoo)... là một trung tâm xuất khẩu quế, do người Mọi [Thượng] bóc được trên các vùng núi cao của Lào và Trung Kỳ. Quế được vận chuyển trực tiếp từ Hội An sang Quảng Châu bằng những thuyền mành lớn hoặc trên những chiếc thuyền tam bản được phái đến Đà Nẵng. Đó là nơi có một chiếc tàu nhỏ chạy máy hơi nước cắm cờ Đức đến chuyển hàng hóa theo định kỳ tới Hương Cảng, Quảng Châu. Đường được tinh chế từ mía trồng với số lượng lớn, không tiêu thụ tại chỗ mà được đưa đến các nhà máy đường ở Hương Cảng”[3].
Paul Doumer còn am tường về yến sào Cù Lao Chàm và thói quen, tập quán sử dụng thực phẩm của các dân tộc: “Ở miền Nam Trung Hoa người ta biết đến Cù Lao Chàm chủ yếu là vì các tổ yến. Người Trung Hoa rất chuộng yến sào. Cần hiểu được sở thích cũng như tập quán sử dụng thực phẩm của người dân của các dân tộc, các vùng miền để lý giải vì sao yến sào là thực phẩm đắt giá và được săn lùng. Đối với tôi hay đa số người Pháp, thì chỉ dùng được món yến sào nếu chế biến đặc biệt kỹ thành món súp hay cho vào nước dùng. Một số món yến sào mà cho đường vào thì đúng là có vị kinh khủng. Yến sào được bán ở Trung Hoa nói chung và yến sào Cù Lao Chàm nói riêng là những loại thực phẩm biển mà chim yến thu gom và dệt thành tổ khéo léo trên vách đá để ấp trứng. Có thể tìm thấy những tổ yến trên vách đá các hang động nơi chim yến sống. Khi trong tổ có trứng chim thì không nên cứ vào và gỡ tổ đi, vì như thế có thể làm vỡ trứng. Những con chim bị mất tổ sẽ tìm đến một nơi khác an toàn hơn và thật xa con người”[4].
Về giao thông đường biển ở Hội An, Paul Doumer cho biết: “Ban ngày, tàu bè thường đi giữa Cù Lao Chàm và đất liền. Đêm đến tàu bè luôn đi ngoài khơi”[5].
Xứ Đông Dương là cuốn hồi ghi lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. PGS.TS. Dương Văn Quảng nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, từng là Tham tán Công sứ Đại Sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Singapour, Đại sứ Việt Nam tại UNESCO và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ nhận xét rằng: “Xứ Đông Dương là một cuốn sách đáng đọc, nhưng hãy đọc nó theo mối quan tâm, hay tư cách riêng của từng người và với một cách nhìn lịch sử. Bạn sẽ bị lôi cuốn với cách viết của tác giả; đặc biệt, bạn sẽ được khám phá và tìm thấy nhiều điều mới mẻ mà bạn chưa từng đọc được trước đó về giai đoạn lịch sử này của đất nước Việt Nam”.[6]
Mặc dù những thông tin về Hội An trong hồi ký xứ Đông Dương còn khá khiêm tốn, chưa thể truyền tải hết được bức tranh đa diện về vùng đất, con người Hội An trong thời kỳ Pháp thuộc, song những ghi chép của Paul Doumer chứa đựng nhiều thông tin bổ ích, thú vị dưới góc nhìn của một chính trị gia. Qua một số thông tin, có thể thấy hồi ký xứ Đông Dương là một tư liệu quan trọng, mới mẻ bởi cách nhìn nhận, góc độ tiếp cận, cần được quan tâm khi nghiên cứu về vùng đất, con người Hội An nói riêng, Việt Nam nói chung trong giai đoạn lịch sử cận đại.
Tài liệu trích dẫn:
[1] Đông Dương thuộc Pháp (Đông Pháp): Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên.
[2] Paul Doumer (bản dịch 2020), Hồi ký xứ Đông Dương, Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy dịch, NXB Thế giới, tr.347.
[3] Paul Doumer, bản dịch đã dẫn, tr.347.
[4] Paul Doumer, bản dịch đã dẫn, tr.346-347.
[5] Paul Doumer, bản dịch đã dẫn, tr.347.
[6] Paul Doumer, bản dịch đã dẫn, tr.19.