Hội An – Amaravati qua tư liệu khảo cổ học
- Thứ hai - 24/05/2021 21:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày nay, Hội An được biết đến như một điểm đến hấp dẫn của các khách du lịch trong và ngoài nước nơi mà du khách có thể trải nghiệm cuộc sống tại một cảng thị cổ của người Việt trong quá khứ. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm tìm về một quá khứ huy hoàng của vùng đất này.
Bình minh biển Cửa Đại, Ảnh: Thái Tuấn Kiệt
Nhận thức chung mang tính phổ quát đó là Hội An được biết đến như là một thương cảng hưng thịnh nhất dưới thời các chúa Nguyễn Đàng Trong giai đoạn thế kỷ 17-18. Tuy nhiên, lịch sử phát triển của Hội An nói riêng và các cộng đồng cư dân ở lưu vực sông Thu Bồn có thể ngược về trước thời chúa Nguyễn cả ngàn năm. Dòng sông Thu Bồn, giống như sông Hồng ở phía Bắc và sông Cửu Long ở phía Nam, đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng và phát triển rực rỡ của các cộng đồng cư dân và các nền văn hóa nối tiếp nhau trên dải đất này từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Champa và văn hóa của người Việt sau này. Hội An, sông Thu Bồn và xứ Quảng nói chung (từ Đà Nẵng đến Quãng Ngãi) luôn thể hiện đây là “vùng lõi”/core area của tất cả các nền văn hóa nói trên, nơi luôn được coi là vùng đất thiêng, đế đô, trung tâm kinh tế, văn hóa của các cộng đồng cư dân, mà từ đó bắt đầu lan tỏa và phát triển ra khắp vùng ven biển miền Trung và xa hơn nữa.Những kết quả nghiên cứu mới về khảo cổ học tại Hội An và những khu vực lân cận Ngũ Hành Sơn, và lưu vực sông Thu Bồn đều cho thấy sự phân bố khá phong phú của các hiện vật gốm sứ thương mại thuộc hệ thống các lò gốm Trung Hoa thời Tống-Nguyên như lò Việt Châu, Long Tuyền, Cảnh Đức Trấn. Có thể thấy rằng Hội An và lưu vực sông Thu Bồn vẫn tiếp tục duy trì vị thế là trung tâm kinh tế và trao đổi ngoại thương lớn nhất của Champa cho đến ít nhất là thế kỷ 13. Nếu không có sự phát triển rực rỡ của nền ngoại thương với trung tâm là hệ thống cảng thị dọc sông Thu Bồn, thì không thể nào có sự phát triển rực rỡ đến đỉnh cao về số lượng văn khắc Champa tại Mỹ Sơn vào thế kỷ 12.
Các kết quả khai quật khảo cổ học cũng cho thấy rằng “đến thế kỷ 15 -16, những di chỉ của các thời đại văn hóa trước không thấy xuất hiện nữa” từ đó giáo sư Kikuchi cho rằng “sự suy giảm các di tích thời kỳ này liên quan mật thiết tới sự suy vong của quốc đô Vijaya” và “thời kỳ này Hội An đã mất đi vị trí của một thương cảng quốc tế”.
Địa điểm Trảng Sỏi thuộc phường Thanh Hà (còn có tên gọi khác là Rọc Gốm). Các cuộc khảo sát và khai quật đã giúp phát lộ các hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Champa (tượng Garuda phong cách Khương Mỹ thế kỷ 9), đồ gốm Islam và gốm Trung Hoa từ các lò Việt Châu (thế kỷ 9), Tây Thôn (thế kỷ 12), đồ sứ men ngọc lò Long Tuyền (thế kỷ 14).
Địa điểm Bàu Đà thuộc xã Cẩm Thanh gần Cửa Đại ngày nay. Tại đây, trong các đợt khảo sát năm 1993 các nhà nghiên cứu đã tìm thấy được nhiều gạch ngói kiểu Champa và đồ gốm sứ Trung Quốc trước thế kỷ 14. Các cuộc khảo sát của các nhà khoa học Nhật Bản năm 1997 và 1999 đã tìm thấy được đồ gốm men ngọc của lò Việt Châu (thế kỷ 10), đồ sứ hoa lam và sứ trắng Cảnh Đức Trấn, đồ sứ men ngọc Long Tuyền, đồ sứ hoa lam Đồng An (thế kỷ 12-13) và đồ sứ trắng Đức Hóa (thế kỷ 13). Dựa trên sự hiện diện dày đặc của gốm sứ thương mại, nhà nghiên cứu Kikuchi cho biết “có thể khẳng định rằng địa điểm Bàu Đà thuộc xã Cẩm Thanh là một khu vực quan trọng trong khoảng thời gian từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13. Thời kỳ đó, nhờ vị thế là một phá lớn và dải đồi cát chạy dọc bờ biển, Bàu Đà đã có những điều kiện hết sức thuận lợi để trở thành một thương cảng khu vực”. Giáo sư Kikuchi nhận định rằng Cẩm Hà (nay là Thanh Hà và Cẩm Hà) với sự phát lộ của nhiều hiện vật Champa giai đoạn sớm có thể coi là “nơi được hình thành sớm của Hội An”, trong khi đó, các hiện vật gốm sứ phát hiện ở khu vực Lăng Bà và Bàu Đà gợi ý rằng khu vực này vào khoảng thế kỷ 12-13 với điều kiện địa lý thuận lợi “đã được tận dụng để trở thành bến đỗ cho tàu thuyền ra vào”.
Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng cho biết các cuộc khai quật thăm dò ở Cẩm Hà – Chùa Âm Bổn – Trung Phường – Bến Cồn Chăm – Thanh Chiêm – Trà Kiệu đã phát hiện được gốm, gạch, ngói, bệ đá hoa Champa, nhiều đồ gốm – sứ cùng tiền đồng cổ của Đại Việt thế kỷ 10-18 cũng như đồ gốm sứ cùng tiền cổ của Trung Hoa thời Tống – Nguyên, Minh, Thanh.
Giếng Champa cũng đã được tìm thấy tại Thanh Chiếm và An Bang; tại Trà Quế cũng còn dấu tích của một giếng Chàm cổ; một giếng vuông cổ được xây bằng gạch được phát hiện tại Cù Lao Chàm và hiện vẫn còn được cư dân địa phương sử dụng.
Như vậy, dựa trên các chứng cứ khảo cổ học có thể thấy rằng, trước khi trở thành một thương cảng số một của Đàng Trong vào thế kỷ 17-18, Hội An đã từng là một trung tâm kinh tế có tầm quan trọng bậc nhất của cư dân cổ Champa. Sự hiện diện phong phú của các hiện vật khảo cổ học, đặc biệt là các hiện vật gốm sứ thương mại góp phần quan trọng cho việc phục dựng lại lịch sử thương mại của cư dân cổ Champa ở Hội An nói riêng và Champa nói chung.
(trích từ bài viết Hội An trong mạng lưới hải thương quốc tế thời kỳ vương quốc Champa)