Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


“Gương sáng” trong công tác bảo vệ di tích ở khối Xuân Lâm, Cẩm Phô

Đến Cẩm Phô hỏi nhà chú Nguyễn Vân, Tổ trưởng Tổ quản lý di tích đình Xuân Lâm và miếu Thần Nông, thì người dân nào cũng chỉ rõ được, vì những việc chú đã làm cho cộng đồng dân cư được bà con nơi đây khâm phục và tán dương nhiều lắm.
 
nguoi giu di tich
Ảnh: Thái Liễu Chi - Phòng Quản lý Di sản
        Chú Vân có dáng vẻ bên ngoài rắn rỏi, nhanh nhẹn thường thấy của những người tháo vát, năng tham gia đóng góp cho cộng đồng. Kể từ khi về hưu, chú càng dành nhiều thời gian rảnh rỗi của mình để nhiệt tình làm công tác xã hội tại địa bàn dân cư và được nhân dân, lãnh đạo địa phương rất tín nhiệm. Từ năm 2019, chú Vân được bầu làm Tổ trưởng Tổ Quản lý di tích đình Xuân Lâm và miếu Thần Nông. Cũng chính trong năm đầu tiên nhận nhiệm vụ, trọng trách mới này, chú đã triển khai công việc thật hiệu quả. Một trong những việc làm đáng biểu dương của chú Vân là đã vận động nhân dân trả lại khuôn viên, cảnh quan tôn nghiêm, sạch đẹp cho ngôi đình và một số di tích trên địa bàn khối.

        Ấp Xuân Lâm phường Cẩm Phô là một trong tam ấp, tam châu của xã Cẩm Phô xưa. Đình ấp Xuân Lâm được lập vào năm Thành Thái thứ 17 (1905) hiện tọa lạc tại số 40- Trần Hưng Đạo. Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2008. Mái đình cùng với cây da kèn nơi đây (trước đây, cây da kèn nằm trong khuôn viên của đình) là hình ảnh đặc trưng của không gian văn hóa làng xã truyền thống của Việt Nam nói chung, các làng xã truyền thống ở Hội An nói riêng. Có một thời gian đình được sử dụng làm nơi hội họp thường xuyên của khối phố Xuân Lâm. Do đó, không gian di tích ít nhiều bị xáo trộn, bàn ghế, pano, áp phích tuyên truyền để luôn trong khuôn viên của đình gây mất mỹ quan. Nhiều người dân còn tự ý sử dụng sân đình làm nơi buôn bán, mở hàng nước giải khát ban đêm... Năm 2019, khối Xuân Lâm sát nhập với khối Xuân An, lấy tên chung là Xuân Lâm. Điểm sinh hoạt hội họp của khối cũng chuyển đến vị trí khu thiết chế của khối Xuân An cũ. Chú Vân nhân cơ hội này quyết tâm vận động người dân dừng việc lạm dụng di tích, trả lại mặt bằng cho nơi tôn nghiêm của cộng đồng và chỉnh trang lại ngôi đình gọn gàng, sạch sẽ. Để bảo đảm không gian đình khỏi mọi hình thức xâm lấn, cơi nới gây mất mỹ quan, trật tự, chú đã đề xuất UBND phường làm cổng chính bằng gỗ và sửa lại cổng bên hông cho chắc chắn. Đình Xuân Lâm giờ đây là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quen thuộc mà trang nghiêm của cộng đồng địa phương. Từ sáng đến chiều, cổng đình luôn mở để người dân tự do vào thăm viếng, thắp hương. Hằng năm, tại đình vẫn diễn ra các lễ tế xuân thu nhị kỳ. Lễ tế xuân (16/Giêng) còn duy trì tục tống Long Chu độc đáo của cư dân nơi đây. Đây là lễ chính trong năm, có tầm ảnh hưởng tín ngưỡng rộng rãi trên khắp một vùng ấp Xuân Lâm làng Cẩm Phô ngày trước, kể từ Miếu Ông Cọp cho đến tận chùa Pháp Bảo, người dân đều tụ tập về đây dâng hương, tỏ lòng thành kính, tri ân các bậc tiền hiền.

        Cũng bằng tấm lòng trân trọng các di sản văn hóa của quê hương, chú Vân nhận thấy cần phải kêu gọi các mạnh thường quân và sự chung tay góp sức của cộng đồng để chỉnh trang lại một số bệ thờ bị hư hỏng trong miếu Thần Nông. Chú còn nhiều lần vận động mọi người cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, nhắc nhở những người có hành vi lạm dụng, lấn chiếm di tích làm nơi ngủ nghỉ trưa, thậm chí là tụ tập đánh bài… để tâm gìn giữ sự tôn nghiêm của không gian miếu. Mặc dầu cần có thời gian để thay đổi suy nghĩ, thói quen của một số người, nhưng nhờ những việc làm của chú, nhiều hạn chế ở di tích đã dần được khắc phục. Miếu Thần Nông ở Cẩm Phô là một trong số 5 miếu Thần Nông trên địa bàn thành phố và là ngôi miếu duy nhất còn duy trì lễ cúng Thần Nông hàng năm (vào 16/Giêng) của Hội An. Di tích hiếm hoi này đã ghi dấu lịch sử dân cư nông nghiệp vùng đất Cẩm Phô cùng tập tục sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, đặc trưng, góp vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của di sản văn hóa Khu phố cổ Hội An.

        Cách đình Xuân Lâm khoảng 50m về hướng Đông có “Giếng Cô Tiên”. Tuy chưa là di tích cấp thành phố bảo vệ song đây là giếng công cộng, đã có lịch sử lâu đời của cư dân Xuân Lâm. Nếu có dịp đến thăm giếng Cô Tiên tại khối phố Xuân Lâm, phường Cẩm Phô, chúng ta sẽ được thấy một kiểu giếng đôi hiếm khi gặp. Nguyên trước đây, giếng được người dân đào giữa một khu rừng rậm rạp của vùng đất Cẩm Phô xưa để lấy nước sinh hoạt và chăm tưới cho các rẫy hoa màu chung quanh đó. Đây là loại giếng đào, không có thành cao, có bậc tam cấp dẫn lối xuống múc nước kiểu như một cái ao. Mạch giếng dồi dào, nước luôn trong mát, ngọt nổi tiếng. Tương truyền rằng một lần nọ, có người đàn ông trong lúc ngủ lại canh rẫy đã mơ thấy các tiên sà xuống tắm ở giếng. Câu chuyện đẹp lãng mạn ấy được người dân truyền tai nhau, và cái tên giếng Cô Tiên ra đời, gắn bó với dân cư vùng Xuân Lâm tự bao đời. Sau này, khi nhiều người đến khai phá khu rừng làm nhà cửa, diện tích của giếng dần bị thu hẹp lại. Người dân đã xây thành cho giếng như hình dạng hiện nay. Đến năm 1968, một giếng có chu vi nhỏ hơn giếng Cô Tiên được đào bên cạnh để lấy thêm nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của dân cư vùng “ấp chiến lược” ở ngay gần đó. Và giếng Cô Tiên từ đấy thành giếng đôi như bây giờ. Nhận thấy  “Giếng Cô Tiên” vì nằm lọt trong khu dân cư đã bị người dân lấn chiếm, lợi dụng làm nơi nấu nướng, che lều buôn bán và chất đồ đạc như là sân sau của gia đình, chú Vân quyết tâm vận động bằng được các hộ này dọn dẹp, trả lại không gian chung của giếng. Nghĩ như vậy, nhưng làm việc này có nghĩa là thay đổi suy nghĩ, thói quen của người khác đã hình thành qua quãng thời gian dài mấy mươi năm, và động chạm đến lợi ích của nhiều gia đình, nên quả thật không dễ dàng gì! Chú Vân đã bàn bạc với Tổ Quản lý di tích đình Xuân Lâm, xin ý kiến và được Ủy ban Nhân nhân phường Cẩm Phô hỗ trợ vận động để các hộ dân lấn chiếm chấp nhận tháo dỡ các công trình, di chuyển các đồ vật chiếm dụng không gian giếng. Chú cũng đã kêu gọi được nhân dân trong khối cùng chung tay dọn dẹp, đóng góp tiền nạo vét và láng lại nền giếng cho thoáng đãng. Sau khi khuôn viên đã gọn gàng, sạch sẽ, đặt bảng nội quy rõ ràng, giếng Cô Tiên được ban lãnh đạo khối Xuân Lâm bàn giao cho tổ dân phố số 3 quản lý. Vậy là bằng uy tín, cách làm đúng đắn và sự kiên trì của mình, chú Vân đã nhận được nhiều sự ủng hộ, nhanh chóng thành công với công việc tưởng như nan giải mà mình khởi xướng nên, một việc làm đầy hữu ích, hợp với suy nghĩ của nhiều người từ bấy lâu nay.

        Khi được hỏi động lực nào thôi thúc chú bỏ thời gian và công sức cho những việc này, chú Vân chia sẻ với chúng tôi một suy nghĩ giản dị mà thật sâu sắc: “Ngay ở hiện tại mình không gìn giữ, bảo quản chu đáo di tích mà ông cha để lại thì làm sao các lớp con cháu có thể hình dung, hiểu và tôn trọng, bảo tồn các di tích cũng như văn hóa truyền thống của quê hương. Nghĩ như vậy nên tôi ham làm và cũng rất nhiều người ở địa phương ủng hộ mới làm được những việc đó”.

        Việc làm của chú Vân cho chúng ta thấy rằng, mỗi người, nếu bớt đi sự tùy tiện, bớt đi sự thờ ơ, thêm chút quan tâm, thêm lòng thành kính với những gì là chứng tích truyền đời của ông cha để lại thì cả một quần thể di tích ở Hội An sẽ được chăm sóc chu đáo, lâu bền với thời gian.
 

Tác giả: Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây