Giới thiệu về các ấn phẩm di sản Hán Nôm ở Hội An
- Thứ sáu - 08/11/2019 02:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội An là nơi lưu giữ một hệ thống tài liệu Hán Nôm khá phong phú, mặc dù trải qua các cuộc chiến tranh trong thời gian dài, là khu vực hạ nguồn thường xuyên chịu ảnh hưởng thời tiết về lũ lụt, mưa bão, tình trạng ẩm mốc, hư hại nhiều,… nhưng số lượng vẫn còn tồn tại khá nhiều so với các địa phương khác. Tài liệu đa dạng về hình thức, thể loại như gia phả, sắc phong, các văn bản hành chính, văn khế buôn bán đất đai, nhà cửa, các chúc thư, lễ lệ của gia đình, dòng tộc, hoành phi, liễn đối, văn bia,… hiện còn được lưu giữ khá nguyên vẹn tại các gia đình, nhà thờ, các đình, chùa, miếu, mộ, nơi thờ cúng tín ngưỡng,.
Trong những năm gần đây, ngoài việc sưu tầm, thu thập, lưu giữ bảo quản một số lượng lớn tài liệu Hán Nôm. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An cũng đã thực hiện khá tốt công tác phát huy giá trị những tài liệu này. Trung tâm đã xử lý, tuyển chọn và liên tiếp xuất bản các cuốn sách Di sản Hán Nôm tập 1, 2, 3, 4, 5. Mỗi một tập là những thể loại khác nhau, thể hiện được sự phong phú, đa dạng trong nguồn tư liệu Hán Nôm tại Hội An.
Di sản Hán Nôm tập 1 – Văn bia, do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An biên soạn, được Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam ấn hành nhân kỷ niệm 15 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới (04/12/1999-2014). Văn bia Hán Nôm ở Hội An hiện tồn với số lượng khá lớn, nằm rải rác ở nhiều địa phương, nhiều di tích. Trong đó địa phương có số lượng văn bia hiện tồn nhiều nhất là phường Minh An, phường trung tâm của Khu phố Cổ Hội An, nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Về số lượng, tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, chính xác nhưng qua khảo sát thực địa, đối chiếu với các nguồn tư liệu liên quan như Tổng tập Văn bia Việt Nam, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tổng tập thác bản văn bia Hán Nôm Việt Nam… có thể xác định có khoảng trên 100 văn bia ở Hội An, trong đó đa số đang hiện tồn tại các địa phương, di tích và một số đã mất chỉ còn lại thác bản.
Về nội dung, các văn bia này chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An, đến quá trình hình thành các làng xã, tộc họ, đến các nhân vật, sự kiện gắn với địa phương, đến quá trình tạo dựng, tu bổ các di tích,… Cũng giống như các địa phương khác, các văn bia Hán Nôm ở Hội An mang nhiều nội dung phong phú và đa dạng liên quan đến các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội trong lịch sử.
Di sản Hán Nôm tập 1 – Văn bia, do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hoá Hội An biên soạn, được Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam ấn hành nhân kỷ niệm 15 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới (04/12/1999-2014). Văn bia Hán Nôm ở Hội An hiện tồn với số lượng khá lớn, nằm rải rác ở nhiều địa phương, nhiều di tích. Trong đó địa phương có số lượng văn bia hiện tồn nhiều nhất là phường Minh An, phường trung tâm của Khu phố Cổ Hội An, nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Về số lượng, tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, chính xác nhưng qua khảo sát thực địa, đối chiếu với các nguồn tư liệu liên quan như Tổng tập Văn bia Việt Nam, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tổng tập thác bản văn bia Hán Nôm Việt Nam… có thể xác định có khoảng trên 100 văn bia ở Hội An, trong đó đa số đang hiện tồn tại các địa phương, di tích và một số đã mất chỉ còn lại thác bản.
Về nội dung, các văn bia này chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An, đến quá trình hình thành các làng xã, tộc họ, đến các nhân vật, sự kiện gắn với địa phương, đến quá trình tạo dựng, tu bổ các di tích,… Cũng giống như các địa phương khác, các văn bia Hán Nôm ở Hội An mang nhiều nội dung phong phú và đa dạng liên quan đến các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội trong lịch sử.
Năm 2016, Trung tâm phối hợp với dòng họ tộc Nguyễn Tường- dòng họ Khoa bảng nổi tiếng nhất Hội An, cùng xuất bản sách Di sản Hán Nôm tập 2- Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường. Theo thống kê bước đầu từ chương trình điều tra phục vụ đề tài “Nghiên cứu, biên soạn địa chí Hội An”, tại đây cho biết có 195 đơn vị tư liệu, với tổng số 449 trang và rất đa dạng về thể loại gồm: gia phả, hành thuật, văn bằng (sắc, chiếu, bằng, tát, truyền, tấu, đơn, bẩm khế ước,…); và các sáng tác (thơ, văn, đối – liễn…). Khung niên đại của nguồn tư liệu này từ cuối thể kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Ở trên đất Hội An, tính đến nay hơn 200 năm, tộc Nguyễn Tường đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử văn hoá, đặc biệt có nhiều người, nhiều thế hệ nổi tiếng trên các lĩnh vực thi cử, khoa bảng, làm quan và văn chương, nghệ thuật đáng ghi nhận, góp phần tô điểm làm rạng rỡ thêm truyền thống văn hoá của vùng đất Hội An. Trong tổng tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường, có gia phả ghi chép về gốc tích tổ tiên, quê quán họ Nguyễn Tường, các hành thuật về các vị khoa bảng như: Nguyễn Tường Vân, là người đỗ đạt đầu tiên ở đất Gia Định, lúc làm quan giữ đến chức Binh bộ Thượng thư, chánh nhị phẩm bậc Tư chính đại phu; Nguyễn Tường Vĩnh, đỗ cử nhân thứ 2 khoa Đinh Dậu, kỳ thi Hội khoa Mậu Tuất đỗ Phó bảng thứ nhất, làm quan triều Nguyễn được thăng làm Triều liệt đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ, Tuần phủ tỉnh Định Tường; Nguyễn Tường Phổ; bút tích của nhóm Tự lực văn đoàn cũng là dòng dõi tộc Nguyễn Tường. Trong số tài liệu ở đây còn có di bút của cụ Phạm Phú Thứ bình thơ cho cụ Nguyễn Tường Phổ, hay thơ gửi Nguyễn Tường Phổ về việc làm Văn chỉ, thủ bút của vua Tự Đức,…
Di sản Hán Nôm tập 3- Tư liệu Minh Hương xã. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, người dân xã Minh Hương đã để lại một khối lượng tư liệu Hán Nôm khá đồ sộ, bao gồm các loại sắc phong, tờ truyền, trát văn, trình bẩm, khế ước, bản khai điền thổ, sổ đinh, sổ kê ngày lễ cúng, gia phổ, và các loại văn bản khác. Trong tập sách này, Trung tâm tập trung giới thiệu các văn bản hành chính liên quan đến các hoạt động của xã Minh Hương gồm tờ truyền, trát văn của quan nha gửi cho các chức dịch xã Minh Hương, các tờ trình, bẩm cáo của chức dịch xã gởi đến các dinh trấn, ty Tàu vụ, các bộ và các vị quan ở Quảng Nam, Thuận Hóa. Lượng thông tin của loại văn bản này hết sức phong phú, quan trọng, liên quan đến nhiều địa phương; nhiều cá nhân; nhiều lĩnh vực hoạt động của cộng đồng Minh Hương ở Hội An nói riêng; Đàng Trong nói chung.
Di sản Hán Nôm tập 4- Hoành phi – Liễn đối ở một số di tích tôn giáo, tín ngưỡng. Các di tích ở Hội An hầu hết đều có nhiều liễn đối, hoành phi, câu chữ,… Những câu chữ này không chỉ để tôn vinh vẻ tôn nghiêm, vẻ đẹp của từng di tích mà đây còn là một loại tài liệu quan trọng để nghiên cứu về di tích nói riêng, và lịch sử - văn hoá nói chung, các câu chữ còn bao hàm nhiều giá trị khác nhau như nghệ thuật, triết học, văn học, giáo dục,… Về nội dung, nhìn chung nội dung câu chữ ở di tích là ca tụng các vị thần, thánh và những người có công lao đối với làng xã, cộng đồng người đồng thời gửi gắm những lời cầu mong, ước nguyện của các cá nhân, cộng đồng trên các di tích tín ngưỡng nói trên, ca ngợi cảnh đẹp, ghi ơn, tạc dạ về công đức của tổ tiên,…. Về mặt thể hiện chữ viết, hoành phi – liễn đối ở Hội An được các nhà thư pháp thể hiện rất phong phú, từ chân, hành, thảo, lệ, triện…
Di sản Hán Nôm tập 5- Tư liệu về các gia đình, dòng họ. Tại Hội An hiện nay có nhiều gia đình, dòng họ đang bảo quản hoặc ít hoặc nhiều các tư liệu Hán Nôm, chúng bao gồm các văn bản hành chính, văn bản cúng, giấy tờ đất đai, các khế ước, các tờ đoạn mãi, chấp thục nhà cửa, tài sản, các phân thư chia gia sản, các thư từ, …và các loại văn bia, bia mộ, văn chuông, hoành phi, liễn đối, bài vị …Có nhiều gia đình lại đang lưu giữ các giấy tờ của làng như gia đình ông Võ Công Khanh giữ các giấy tờ sổ bộ của làng Xuân Mỹ, gia đình ông Nguyễn Xế giữ sổ thuỷ điền và các sắc phong của làng Để Võng, tộc Nguyễn Đức ở Cẩm Châu giữ nhiều sắc phong của triều Nguyễn liên quan đến các nhân vật của gia đình, tộc họ, đặc biệt là các gia phả của tộc họ, các văn bản liên quan đến cúng tế, giỗ kỵ. Những tài liệu này thể hiện rõ nét về lịch sử gia đình, quá trình nhập cư, di dân, sinh sống, cũng như sinh hoạt tín ngưỡng được ghi chép đầy đủ, rõ ràng của tổ tiên dòng họ.
Trong nhiều năm qua, tư liệu Hán - Nôm đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hội An; lịch sử các làng xã; lịch sử di nhập cư; lịch sử quy dân lập ấp, nghiên cứu về đời sống, phong tục tập quán của cộng đồng cư dân Hội An, nghiên cứu về quá trình thương mại, giao thương của Hội An với các nước trên thế giới và khu vực... Ngoài ra, tư liệu Hán - Nôm cũng góp phần quan trọng trong nghiên cứu về di tích, việc xây dựng, kiến thiết và tu bổ di tích.
Tuy nhiên, nguồn tài liệu xưa cổ, quý hiếm này hiện tại đang dần bị hao hụt, thất thoát, hay hư hỏng một phần do thời gian, biến đổi thời tiết, một phần cũng do cách bảo vệ, lưu giữ không được chú trọng. Trong những đợt khảo sát, sưu tầm, cho thấy một số tài liệu bị hư hỏng, mối mọt, có nhiều tài liệu trải qua những đợt lũ lụt, ẩm mốc nên chất liệu giấy, chữ viết không còn nguyên vẹn. Việc tiếp tục sưu tầm, sao chụp, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, bảo quản nguồn tư liệu này là việc làm cần thiết, khẩn trương nhằm kịp thời bảo tồn, phát huy nguồn tài liệu quý giá này.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền