Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của làng gốm Thanh Hà

Làng gốm Thanh Hà được công nhận là làng nghề cấp Tỉnh vào năm 2014, đến năm 2019, nghề gốm Thanh Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 2695/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/8.
gom thanh ha
Người dân làng gốm Nam Diêu làm đất, in gạch Ảnh Tư liệu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
      Trong khu vực trung tâm của làng gốm có 1 di tích Quốc gia, 2 di tích cấp Tỉnh, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của làng nghề được bảo tồn, tư liệu hóa và hiện đang là điểm tham quan du lịch cấp Tỉnh.

      Theo ký ức của các bậc cao niên trong làng kể lại, vị Thủy tổ tộc tiền hiền của làng có nguồn gốc từ Bắc Trung bộ đến Thanh Hà lập làng và lập nên nghề gốm cách đây 500 năm. Hoạt động sản xuất của làng gốm Thanh Hà rất đa dạng và phong phú, trong đó nổi bật là chế tác gốm, sành, gạch ngói,... Sản phẩm của làng gốm Thanh Hà đã được nhắc đến trong nhiều thư tịch cổ, cụ thể là có một văn bản về dân đinh và tiền lễ của xã Minh Hương lập năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746) đã đề cập đến việc cử người đến xã Thanh Hà mua chậu trồng hoa. Gốm Thanh Hà cũng được ghi danh ở phần thổ sản Quảng Nam trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn vào năm 1908. Đỉnh cao của kỹ thuật nghề gốm là việc tạo tác, tráng men trên đồ gốm, ngói lợp mái vào giữa thế kỷ XX.

      Trải qua nhiều thế kỷ hoạt động, phát triển, giá trị văn hóa phi vật thể đồ sộ nhất của làng nghề đang còn được lưu truyền đó là tri thức và kỹ thuật chế tác các sản phẩm gốm. Các thợ gốm cao tuổi cho rằng, nguyên liệu chính để làm gốm là đất sét vàng, dẻo có độ kết dính cao. Loại đất này thường nằm ở các ruộng ven sông, ở độ sâu cách mặt ruộng khoảng 50 - 100cm, cách đây 60 năm trở về trước, đất được khai thác tại ấp An Bang, Thanh Chiếm thuộc làng Thanh Hà xưa và vùng đất giáp với Thanh Hà thuộc Điện Phương ngày nay. Hiện nay, thợ gốm mua đất ở Điện Bàn, Duy Xuyên,… người bán đất vận chuyển bằng ghe đến Thanh Hà bán. Từ nguyên liệu đất sét, cư dân làng gốm Thanh Hà đã trải qua các công đoạn làm đất - chuốt - tạo hình - nhắm phơ - sửa nguội - nung gốm để tạo ra sản phẩm hoàn thiện. Đối với những sản phẩm được tráng men thì men được làm thủ công từ sự tổng hợp dung dịch chất liệu đồng, chì, đá son, cao lanh... để tráng mỏng lên phôi trước khi nung. Trong công đoạn nung cần 6 đến 7 người để chất lò và phụ trách quá trình nung. Gốm, sành được nung trong lò bầu, lò nung sành gọi là lò xanh, lò đỏ, nung gạch, ngói thì có lò riêng, được xây dựng đơn giản hơn như có kích thước to hơn về chiều cao và rộng. Củi nung truyền thống là củi rừng như dền, dẻ, trường, trám, gần đây do chủ trương cấm khai thác rừng nên thợ lò dùng củi dương liễu. Đối với mỗi đợt nung lò sành cần 10m3 củi, nung gốm cần 5 - 7m3 củi, nung theo qui trình: đun để sưởi ấm lò, chụm thắt để tạo lửa nhiều để phôi thành phẩm. Khi thợ lò nhìn thấy khói trong suốt thoát ra từ độ lò thì đoán biết lửa đã rất nóng, gốm đã thành phẩm. Thợ lò nung sành còn sử dụng om thăm để ở cửa độ, om chịu sức nóng từ lò thoát ra mà chín và thể hiện qua nhiều dạng màu sắc khác nhau thì sản phẩm trong lò đã chín, tốt hay xấu và được gọi tên riêng đối với từng trạng thái.

      Sản phẩm gốm, sành truyền thống có hơn 40 loại sản phẩm gồm đồ gia dụng là hũ, bình vôi, vại, nồi, thạp, diệm, trả, om, bùng/lùng binh,... dụng cụ sản xuất của nghề dệt, nghề làm đường ở Quảng Nam và gạch, ngói đất nung, đồ gốm dùng trong tín ngưỡng như lư hương, tượng ông táo, quách,… Đặc trưng kiểu dáng sản phẩm là hũ thì có dáng miệng loe, cổ eo, vai, đáy thuôn, trôn bằng; nồi, niêu, chảo, siêu gốm,... cùng chung kiểu miệng loe, vành miệng được vê tròn, cổ eo, ngắn, bụng phình to, đáy tròn. Đồ gốm, sành không men, da lán hoặc thô, xương mịn, đa số không có hoa văn, riêng một vài loại hũ sành có trang trí viền răng cưa, lượn sóng ở cổ, vai.

      Đối với những sản phẩm mỹ nghệ hiện đại cũng có một khối lượng tri thức, kỹ thuật đồ sộ liên quan đến qui trình làm đất, tạo hình, trang trí, nung đốt, tiêu thụ, phân phối. Cách đây hơn 50 năm, sản phẩm được lái buôn gốm bằng ghe bầu có vai trò trung gian trao đổi giữa Thanh Hà với các nơi khác. Họ bán gốm tại nhiều nơi, mua hoặc đổi lấy thóc, hải sản,... và cả các loại hũ sành ở Châu Ổ (Quảng Ngãi), loại Nam Diêu - Thanh Hà không chế tác để chính họ sử dụng hoặc bán.

      Liên quan đến không gian để thực hành di sản văn hóa phi vật thể, ở khu vực trung tâm làng gốm Thanh Hà có quần thể di tích gồm: 1 đình làng, 1 khu miếu Tổ nghề, 2 miếu phổ nghề, 1 nghĩa trủng, 3 nhà thờ tộc, 2 nhà cổ, 8 lò gốm, 3 phế tích lò gạch, giếng. Trong đó, đình Xuân Mỹ là di tích xếp hạng cấp quốc gia, Khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu và nhà ông Lê Bàn là di tích được xếp hạng cấp Tỉnh. Khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu là nơi trung tâm thực hiện nghi lễ tín ngưỡng của cư dân cả ấp Nam Diêu. Trong khu vực miếu Tổ, cư dân thờ chủ thần Tổ nghề, thần Thành Hoàng là vị chủ thần của ấp – xóm, kết hợp thờ các vị thần bảo hộ liên quan đến làng xóm và nghề nghiệp là Thái Giám Bạch Mã, Ngũ Hành Tiên nương, Thổ thần, Sơn Tinh nhị vị và thờ các vị Tiền hiền, Âm linh. Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng Giêng (tế xuân) và mồng 10 tháng 7 âm lịch (tế thu), thợ gốm Thanh Hà tổ chức lễ cúng Tổ nghề trang trọng tại Khu miếu Tổ Nam Diêu. Trong lễ tế có kết hợp phối tế Trời đất, Thành Hoàng ấp, Âm linh, Ngũ Hành, Sơn Tinh nhị vị, Thái Giám Bạch Mã. Trong lễ tế xuân có tục tống Long Chu, đưa ra sông Thu Bồn thả nhằm trừ điềm xấu, cầu an cho cộng đồng. Sau đó, vào ngày 12, 16 tháng Giêng, thợ gốm ở hai phổ Trung Lương, Trung Hòa của ấp tổ chức cúng Ngũ Hành Tiên nương tại miếu phổ... Thợ gốm cũng chọn những ngày chẵn của trung tuần tháng Giêng hằng năm đề cúng mở lò, mở hàng đầu năm. Trước đây, còn có lễ ra mắt Tổ nghề cho những thợ chuốt trẻ trong làng vừa mới học chuốt xong để cáo với Tổ nghề là từ đây mình đã bước vào nghề chuốt và cầu được phù hộ sự nghiệp được an lành.

      Cùng với đó là các tập tục liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, giao thương, tập tục đổi công, hỗ trợ nhau trong làm đất, chất lò cũng như các lễ tục của các gia đình, tộc họ và mối quan hệ làng xã vẫn được duy trì khá rõ nét.

      Một điều khá đặc biệt là vào giữa thế kỷ XX, ở Nam Diêu có gánh hát Bội do ông Quỳnh chủ xướng. Gánh hát thường diễn các vở Quan Công phò nhị tẩu, Hán Sở tranh hùng, Nguyễn Trãi biệt Phi Khanh,... vào những ngày trước và sau lễ cúng Tổ nghề. Đến năm 1975, gánh hát ngừng hoạt động vì điều kiện kinh tế. Vào năm 2004, các thợ gốm đã phục hồi hoạt động của đội hát bội. Buổi diễn ra mắt được nhân dân địa phương tán thưởng đồng thời góp phần phục hồi giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giáo dục đạo đức, lịch sử cho nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, ở làng gốm Thanh Hà hiện có người đang còn nhớ một số làn điệu giã vôi rất độc đáo của làng.

      Trải qua nhiều thế hệ làm gốm, các thợ gốm Thanh Hà đã tạo nên và lưu giữ khối lượng từ chuyên dùng của nghề gốm. Thợ gốm đã phân loại các loại hủ sành bằng số học: hủ 6 làm từ 6 con đất, hủ 5, hủ 4,... hoặc dựa vào đặc điểm sử dụng của sản phẩm mà gọi tên như âu suốt (âu đựng suốt chỉ dệt vải). Để phân biệt trạng thái sản phẩm, thợ gốm dựa vào màu sắc thể hiện trên da sành mà gọi tên, đơn cử là: chàm tố gạch là đồ sành có màu xanh chàm, giữa trôn có vòng tròn màu đỏ lợt... Hệ thống từ chuyên dùng này cung cấp nhiều thông tin phong phú về ngôn ngữ học, dân tộc học và cần được nghiên cứu, làm sáng tỏ giá trị của vấn đề văn hóa này.  

      Có thể nói, di sản văn hóa phi vật thể của làng gốm Thanh Hà rất phong phú và đa dạng, mang những nét văn hóa độc đáo riêng biệt. Những giá trị di sản văn hóa này góp phần phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy làng gốm Thanh Hà phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững.
 

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây