Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Đồ án trang trí trên bình phong các ngôi miếu Ngũ Hành ở Hội An

Bình phong là một hạng mục quan trọng trong các di tích tôn giáo, tín ngưỡng như: chùa, đình, miếu, lăng, mộ, nhà thờ tộc. Trên địa bàn thành phố Hội An hiện nay, tại các di tích tôn giáo, tín ngưỡng vẫn còn hiện diện nhiều bình phong có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cũng như ý nghĩa của các đồ án trang trí trên bình phong. Trong nội dung bài viết này tập trung nghiên cứu các đồ án trang trí trên bình phong tại các ngôi miếu thờ Ngũ Hành Tiên Nương (1) ở Hội An hiện nay.
Về thời điểm bình phong xuất hiện thì cho đến hiện nay vẫn chưa có tư liệu nào xác định chính xác được. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bình phong ra đời từ khi con người biết xây dựng nhà cửa, khi các quan niệm về phong thủy được con người áp dụng trong việc xây dựng nhà cửa, từ đó dần dần xuất hiện trong các công trình kiến trúc tín ngưỡng và trở thành một hạng mục quan trọng. Việc sử dụng bình phong cho gia trạch cũng như mộ phần bắt nguồn từ lý thuyết về “triều” và “án” trong phong thủy. “Triều” có nghĩa là quay về, hướng về. “Án” có ý nghĩa nhằm chỉ ngọn núi nhỏ ở phía trước chủ thể. “Triều” và “án” có công dụng ngăn cản những ảnh hưởng xấu hay hỏa khí xâm nhập trực diện từ phía trước. Đối với mộ phần thường được đặt ở vùng núi non nên việc chọn “triều” và “án” khá thuận tiện, nhưng nhà cửa, công trình tín ngưỡng lại chủ yếu nằm ở vùng đồng bằng nên khó tìm “triều” và “án”. Trường hợp không có “án” thì người ta thường tạo nên những vật thay thế như đắp hòn non bộ, trồng hàng rào cây xanh hoặc xây một bức tường ngắn. Và có thể xem đây là nguyên nhân bức bình phong được ra đời. Ban đầu, bình phong được tạo nên rất đơn giản như lùm cây, tấm gỗ, phiến đá,... nhưng về sau con người càng chú trọng hơn về chất liệu cũng như chi tiết trang trí trên bình phong nhằm tạo nên sự bền vững cũng như tính uy nghiêm, mỹ thuật, ý nghĩa phong thủy của bức bình phong. Bình phong được dựng lên với mục đích để tránh tà khí xông vào trung tâm công trình, cầu mong điềm lành, bình an, đồng thời thể hiện nghệ thuật trang trí tài tình của nghệ nhân (2).

Cấu trúc một bức bình phong khá đơn giản, có thể chỉ gồm một bức tường phẳng, hoặc cầu kỳ hơn thì tạo hình cuốn thư với nhiều nếp, cùng với đó là việc chọn lựa các họa tiết trang trí phù hợp để thể hiện trên mặt phẳng bình phong. Nhìn chung, cấu trúc một bức bình phong thường có ba phần cơ bản, gồm: phần đế, phần thân và phần đỉnh (diềm). Phần đỉnh (diềm) bình phong có thể có hoặc không, nếu có thì thường được gắn một trong các đồ án như: “Lưỡng Long tranh châu”, dơi cách điệu, chim phụng hoặc hoa lá cách điệu, hồi văn.
         
Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn thành phố Hội An có 17 ngôi miếu thờ Ngũ Hành Tiên Nương, cụ thể:
 
Stt Tên di tích Địa phương Cấp xếp hạng/bảo vệ
1 Miếu Ngũ Hành (Bãi Hương) Tân Hiệp Danh mục bảo vệ của Thành phố
2 Miếu Hiệp Hòa Tân Hiệp Danh mục bảo vệ của Thành phố
3 Miếu Bà Xóm Trong Tân Hiệp Danh mục bảo vệ của Thành phố
4 Miếu Bà Xóm Giữa Tân Hiệp Danh mục bảo vệ của Thành phố
5 Miếu Ngũ Hành ấp Sơn Đông Cẩm Châu Danh mục bảo vệ của Thành phố
6 Miếu Bà Xóm Mới Cẩm Châu Danh mục bảo vệ của Thành phố
7 Miếu Trung Hòa Thanh Hà Danh mục bảo vệ của Thành phố
8 Miếu Trung Lương Thanh Hà Danh mục bảo vệ của Thành phố
9 Miếu Hy Hòa Minh An Di tích phân loại mức độ giá trị bảo tồn loại đặc biệt khu phố cổ
10 Miếu Ngũ Hành thượng Minh An Danh mục bảo vệ của Tỉnh
11 Miếu Ngũ Hành (số 129b Phan Chu Trinh) Cẩm Phô Trong khuôn viên di tích nhà lao Thông Đăng (di tích cấp Tỉnh)
12 Miếu Ngũ Hành (số 56b Nguyễn Thị Minh Khai) Cẩm Phô Di tích phân loại mức độ giá trị bảo tồn loại đặc biệt khu phố cổ
13 Miếu Bà (An Bàng) Cẩm An Danh mục bảo vệ của Thành phố
14 Miếu Ngũ Hành (Tân Mỹ) Cẩm An Danh mục bảo vệ của Thành phố
15 Miếu Trà Quân Cẩm Thanh Di tích cấp Tỉnh
16 Miếu Ngũ Hành (Trà Quế) Cẩm Hà Danh mục bảo vệ của Thành phố
17 Miếu Bà (Phước Thắng) Cẩm Kim Danh mục bảo vệ của Thành phố
 
Trong 17 ngôi miếu thờ Ngũ Hành có đến 14 ngôi miếu có bình phong (tỉ lệ 82,36%), chỉ có 03 ngôi miếu không có bình phong (tỉ lệ 17,64%) tập trung ở địa bàn phường Minh An (02) và phường Cẩm Phô (01) trên trục đường chính (Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai). Mặc dù có những chi tiết trang trí, kích thước, tạo hình khác nhau nhưng bình phong các ngôi miếu này đều được tạo dáng kiểu cuốn thư (14/14 trường hợp) (3). Ngoài ra, các bình phong này còn kết hợp xây khám thờ ở trên đỉnh hoặc chính giữa mặt sau bình phong với 04 trường hợp (tỉ lệ 28,57%): miếu Ngũ Hành (Bãi Hương), miếu Hiệp Hòa, miếu Bà (Phước Thắng), miếu Bà Xóm Giữa; và xây bệ thờ ở mặt sau bình phong với 08 trường hợp (tỉ lệ 57,14%): miếu Bà Xóm Giữa, miếu Bà (An Bàng), miếu Trung Lương, miếu Trung Hòa, miếu Trà Quân, miếu Ngũ Hành ấp Sơn Đông, miếu Bà (Phước Thắng), miếu Bà Xóm Trong.

Về trang trí, trong số 14 ngôi miếu có bình phong thì có đến 13 trường hợp được trang trí đồ án ở cả hai mặt hoặc một mặt (tỉ lệ 92,86%), có 01 bình phong không có đồ án trang trí là: miếu Trung Hòa (tỉ lệ 7,14%). Về đồ án trang trí mặt trước bình phong, có 11 trường hợp, thể hiện qua 06 đồ án chính, gồm có: đồ án “Long Mã phụ hà đồ” chiếm số lượng lớn nhất với 06 trường hợp (tỉ lệ 54,55%), 05 đồ án còn lại (hổ mẹ và hổ con, chữ  夀 (Thọ) tròn, lân, hổ, chữ 福 (Phúc)) đều có 01 trường hợp (tỉ lệ 9,09%). Về đồ án trang trí mặt sau bình phong, có 09 trường hợp, thể hiện qua 06 đồ án chính, gồm có: các đồ án chữ 福 (Phúc), chữ 陰 灵 (Âm Linh), chữ 福 (Phúc) ở giữa hai bên “rùa đội hạc” đều có 02 trường hợp (tỉ lệ 22,22%); các đồ án: chim ưng đứng trên cây tùng, chữ 夀 (Thọ) vuông, “cá chép hóa rồng” đều có 01 trường hợp (tỉ lệ 11,11%).

Bệ thờ ở bình phong ít được trang trí đồ án (chỉ có 02 trường hợp trên tổng số 08 bình phong có bệ thờ). Trong đó có 02 đồ án trang trí chính, gồm: đồ án chữ 夀 (Thọ) tròn (01 trường hợp, tỉ lệ 50%), đồ án chim ưng và cá chép ở giữa - hai bên đồ án “Đông đào Tây lựu” (01 trường hợp, tỉ lệ 50%).

Tất cả các khám thờ ở bình phong đều được trang trí đồ án nhưng chỉ ở mức độ đơn giản, không cầu kỳ. Trong đó, đồ án chim Phụng có 01 trường hợp (tỉ lệ 25%), đồ án chữ 神 (Thần) có 02 trường hợp (tỉ lệ 50%), đồ án chữ Thọ tròn (mặt trước khám) và đồ án mây (trong khám) có 01 trường hợp (tỉ lệ 25%).

Bên cạnh những đồ án trang trí chủ đạo đã nêu ở trên, còn có các đồ án trang trí phụ khác tạo nên sự đa dạng, hài hòa trong nghệ thuật trang trí bình phong miếu Ngũ Hành ở Hội An, dưới đây là bảng mô tả chi tiết các đồ án trang trí trên các bình phong miếu Ngũ Hành:
 
Stt Di tích Đồ án trang trí mặt trước Đồ án trang trí mặt sau Đồ án trang trí khám thờ Đồ án trang trí bệ thờ
1 Miếu Bà xóm Trong Chính giữa trang trí đồ án hổ mẹ và hổ con (phù điêu). Chính giữa trang trí đồ án chim phụng, hai bên trang trí “Tùng Lộc” (phù điêu). Không có khám thờ. Không trang trí.
 
2 Miếu Bà xóm Giữa Không trang trí. Chính giữa trang trí chữ 夀 (Thọ) vuông (khảm sành sứ). Trong khám thờ trang trí chim phụng (vẽ màu).
 
Không trang trí.
3 Miếu Bà xóm Mới Chính giữa trang trí đồ án “Long Mã phụ hà đồ”, bên dưới phù chùm đào, hai bên trang trí đồ án “Mai điểu”, “Tùng Lộc” (phù điêu khảm sành sứ). Chính giữa trang trí chữ 福 (Phúc), hai bên trang trí đồ án “rùa đội hạc” (phù điêu khảm sành sứ). Không có khám thờ. Không có bệ thờ.
4 Miếu Hiệp Hòa Chính giữa trang trí chữ 夀 (Thọ) tròn (khảm sành sứ). Không trang trí. Vẽ màu các chi tiết hoa dây, “Lưỡng Long tranh châu”, chính giữa khám thờ khảm sành sứ chữ 神 (Thần). Không có bệ thờ.
5 Miếu Ngũ Hành (Bãi Hương) Không trang trí. Chính giữa bình phong là vị trí khám thờ. Hai bên cánh vẽ các cây dừa. Chính giữa khám thờ đề chữ 神 (Thần). Không có bệ thờ.
6 Miếu Bà (Phước Thắng) Chính giữa trang trí đồ án Lân, hai bên trang trí đồ án “Đông đào Tây lựu” (khảm sành sứ). Chính giữa là vị trí của bệ thờ và khám thờ. Mặt ngoài trang trí chữ 夀 (Thọ) tròn, hai bên trang trí bình hoa (phù điêu khảm sành sứ). Diềm mái trang trí chữ 卍 (vạn). Bên trong khám thờ vẽ các đám mây; diềm hai bên trang trí đồ án chim hạc (phù điêu khảm sành sứ). Không trang trí.
7 Miếu Ngũ Hành ấp Sơn Đông Chính giữa đắp nổi chữ 福 (Phúc). Chính giữa đắp nổi hai chữ 陰 灵 (Âm Linh). Không có khám thờ. Không trang trí.
8 Miếu Trà Quân Chính giữa trang trí đồ án hổ đứng trên mỏm đá, bên cạnh là cây tùng, hai cạnh hai bên đắp nổi hồi văn (phù điêu). Chính giữa trang trí đồ án chim ưng đứng trên cây tùng (phù điêu khảm sành sứ). Không có khám thờ. Chính giữa đắp nổi chữ 夀 (Thọ) tròn, hai góc trên đắp nổi hồi văn.
9 Miếu Trung Hòa Không trang trí. Không trang trí. Không có khám thờ. Không trang trí.
10 Miếu Trung Lương Chính giữa trang trí đồ án “Long Mã phụ hà đồ”, bên trái chùm lựu, bên phải chùm đào (phù điêu khảm sành sứ). Chính giữa trang trí đồ án chim phụng (phù điêu khảm sành sứ). Không có khám thờ. Không trang trí.
11 Miếu Ngũ Hành (Trà Quế) Chính giữa trang trí đồ án “Long Mã phụ hà đồ”, hai bên trang trí đồ án “bát bửu” (sách, bút, kiếm), hai cạnh ngoài trang trí hồi văn (phù điêu khảm sành sứ). Chính giữa trang trí đồ án “cá chép hóa rồng”, hai bên trang trí đồ án chùm lựu, hai cạnh ngoài cùng trang trí hồi văn (phù điêu khảm sành sứ). Không có khám thờ. Không có bệ thờ.
12 Miếu Bà (An Bàng) Chính giữa trang trí đồ án “Long Mã phụ hà đồ” (phù điêu). Chính giữa đắp nổi kiểu khám thờ, bên trong khảm sành sứ hai chữ 陰 灵 (Âm Linh). Không có khám thờ. - Bệ thờ chính giữa trang trí đồ án chim ưng và cá chép.
- Bệ thờ bên trái trang trí đồ án chùm đào.
- Bệ thờ bên phải trang trí đồ án chùm lựu.
13 Miếu Ngũ Hành (Tân Mỹ) Chính giữa trang trí đồ án “Long Mã phụ hà đồ” (phù điêu khảm sành sứ). Không trang trí. Không có khám thờ. Không có bệ thờ.
14 Miếu Ngũ Hành (Số 129b Phan Chu Trinh, phường Cẩm Phô) Chính giữa trang trí đồ án “Long Mã phụ hà đồ”, bên trái trang trí đồ án “Mai – Lan”, bên phải trang trí đồ án “Cúc – Trúc”, bên dưới trang trí đồ án chùm lựu (phù điêu khảm sành sứ). Chính giữa trang trí chữ 福 (Phúc), hai bên trang trí đồ án “rùa đội hạc” (phù điêu khảm sành sứ). Không có khám thờ. Không trang trí.

Mỗi đồ án trang trí trên bình phong không chỉ thể hiện nghệ thuật trang trí, trình độ tay nghề của nghệ nhân mà còn chứa đựng những giá trị, ý nghĩa mang tính biểu tượng khác nhau:

- Phụng: Là loài chim cao quý, tượng trưng cho vũ trụ, mỗi lần tung cánh bay xa được muôn trượng. Phụng mang tính âm, biểu hiện sự cát tường, đoan trang, trí tuệ nên được chọn làm biểu tượng cho bậc mẫu nghi thiên hạ.

- Long Mã phụ hà đồ: Long Mã là hiện thân của trật tự và quy luật ổn định của vũ trụ. Tương truyền, vào đời Phục Hy có con Long Mã nổi lên giữa dòng sông Hoàng Hà, bọt nước tung trắng, dân chúng xem thấy có điềm lạ nên báo cho Phục Hy biết. Vua thấy trên lưng Long Mã có bức đồ thư gồm 55 đốm, nghiên cứu ra quy luật tự nhiên, hiểu ra âm dương, bát quái và tìm được cách trị thủy sông Hoàng Hà, đem lại thái bình cho thiên hạ..

- Tùng Lộc: Là đồ án trang trí theo motif kết hợp giữa nhóm thực vật và động vật, gồm có cây tùng và con nai (lộc). Cây tùng là loại cây xanh quanh năm bất chấp thời tiết. Con nai mang ý nghĩa là lộc (phúc lộc). Nghệ nhân đã mượn hình tượng nai (lộc) và tùng (thọ) nhằm truyền tải thông điệp lộc thọ trường tồn.

- Rùa đội hạc: Rùa có tuổi thọ cao nên tượng trưng cho trường thọ, mai rùa cong, yếm rùa dẹp mang dáng vóc vòm trời mặt đất. Chim hạc gắn liền với nhiều biểu tượng và truyền thuyết, có tuổi thọ cao. Rùa và hạc thường xuất hiện cùng nhau trong trang trí các đình, miếu với motif rùa đội hạc, biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu, cao sang, an lạc.

- Chữ 夀 (Thọ): chữ Thọ có ý nghĩa lâu dài, trường thọ. Đây là một họa tiết thường gặp trong hệ motif trang trí dạng chữ, được tạo ra bằng phương thức cách điệu những Hán tự thành những đường gấp khúc.

- Dơi: Nằm trong nhóm đồ án trang trí truyền thống mượn âm để chuyển tải ý nghĩa. Dơi trong tiếng Hán là bức 蝠 (đầy đủ: biên bức 蝙 蝠) đọc trại âm như 福 (phúc), là hình ảnh hoán dụ cho phúc lộc, may mắn, giàu sang.

- Hoa sen: Hình ảnh quen thuộc trong văn hóa các nước Phật giáo, loài hoa được hình tượng hóa trong triết lý đạo Phật, trở thành loài hoa thanh cao, thoát khỏi mọi ham muốn dục vọng. Do đó, họa tiết hoa sen được trang trí khắp các chùa, miếu, đồ tế tự, mộ chí để truyền tải thông điệp đến con người về lối sống thanh bạch.

- Dây lá: Thuộc nhóm những đồ án thực vật, không thực sự xuất phát từ một loài cây cụ thể nào mà mang dáng ước lệ dạng tua cuốn. Dây lá thường được sử dụng đơn lập hoặc kết hợp với các đồ án khác, như: dây lá hóa long, dây lá hóa phụng, dây lá hóa phúc.

- Tứ quý: Đây là đồ án trang trí mang hình tượng cây cối, biểu tượng của bốn mùa, biểu hiện rõ rệt nhất qua các loài cây: mùa Xuân (mai, đào), mùa Hạ (lan, sen), mùa Thu (cúc, liễu), mùa Đông (tùng, trúc). Tuy nhiên, khi đã trở nên một dạng biểu trưng trong nghệ thuật, hình tượng tứ quý dần có những biến đổi thành nhiều dạng thể hiện khác nhau. Có lúc chỉ bốn loài cây nhưng cũng có trường hợp được nghệ nhân bổ sung thêm những vật, loài vật hoặc cây cỏ khác. Những bộ tứ quý phổ biến: đào - trúc - cúc - tùng; mai - lan - cúc - trúc; mai - trúc - cúc - tùng.

- Hổ: Là loài mãnh thú đứng vào hàng ngũ chúa sơn lâm, biểu tượng cho quyền uy, dũng mãnh, có năng lực chống lại những thế lực ma quỷ, thường được trang trí trên các bức bình phong đình, miếu.

- Lân: Một trong tứ linh, theo quan niệm xưa, Lân xuất hiện là điềm báo có thánh nhân xuất hiện, cuộc sống được thái bình. Do đó, Lân biểu trưng cho điềm lành.

- Chim ưng: Là loài chim săn mồi cỡ lớn, được mệnh danh là chúa tể bầu trời, là biểu tượng cho sức mạnh, lòng can đảm, tầm nhìn xa, đặc biệt loài chim này có tuổi thọ rất cao (có thể sống đến 70 tuổi).

- Hoa điểu: Đây là dạng motif trang trí một loài thực vật gắn với một loài chim. Hoa ở đây là hoa mai, loài hoa trong sáng, thanh cao, hoa của quân tử, ngoài ra còn có ý nghía phúc lộc, cát tường. Đậu trên cành mai là một đôi chim, đầy đủ lưỡng hợp, có đôi có cặp. Đồ án này mang ý nghĩa cầu chúc đời sống no đủ, sung túc, thuận lợi.

- Chữ 福 (Phúc): Biểu tượng cho sự may mắn, thường dùng trong từ ngữ hạnh phúc. Chữ 福 (Phúc) thường xuất hiện trong các vật trang trí, kiến trúc.

- Lựu: Đây là loại trái có nhiều hạt (tử), do đó hình tượng quả lựu biểu thị lời chúc phúc: Có nhiều con cái. Đồ án trang trí này thường thể hiện một hoặc hai, ba quả lựu trong đó có một quả đã tách một miếng vỏ để lộ ra những hạt lựu, biểu thị lời chúc trong lễ cưới “Lựu khai bách tử” (lựu nở trăm con).

- Đào: Trái đào biểu trưng cho sự trường thọ, theo thần thoại thì vườn đào tiên của Tây Vương Mẫu 1.000 năm mới cho trái chín một lần.

Qua kết quả bước đầu khảo sát, tìm hiểu về đồ án trang trí bình phong các ngôi miếu thờ Ngũ Hành Tiên Nương ở Hội An, xin được nêu ra một số vấn đề như sau: Bình phong miếu Ngũ Hành ở Hội An thường được xây dựng theo dạng cuốn thư, mặt trước bình phong thường được trang trí chủ đạo với đồ án Long Mã phụ hà đồ dạng phù điêu khảm sành sứ. Mặt sau bình phong thường được trang trí chủ đạo với đồ án chữ 福 (Phúc), đồ án chữ 陰 灵 (Âm Linh), đồ án chữ 福 (Phúc) ở giữa hai bên đồ án rùa đội hạc dạng đắp nổi hoặc đắp nổi kết hợp khảm sành sứ. Hơn một nửa các bình phong miếu Ngũ Hành ở Hội An có bệ thờ (8/14 trường hợp), quần bàn bệ thờ ít được trang trí đồ án (chỉ có 02 trường hợp). Đa số bình phong miếu thờ Ngũ Hành ở Hội An không có khám thờ (chỉ có 4/14 trường hợp), các khám thờ đều được trang trí với các đồ án như chim phụng, chữ 神 (Thần), chữ 夀 (Thọ) tròn và các đám mây.

Trong thời gian đến, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về hạng mục bình phong tại các di tích trên địa bàn thành phố Hội An nhằm góp phần nhận diện tổng quan hơn về hạng mục này, đồng thời phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích hiện nay.
 
* Chú thích và tài liệu trích dẫn
 
(1) Ngũ Hành Tiên Nương bao gồm năm vị nữ thần: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Dân gian gọi chung năm Bà là Bà Ngũ Hành. Vào năm Duy Tân thứ 5 (năm 1911), Ngũ Hành Tiên Nương được triều đình nhà Nguyễn gia tặng mỹ tự “Tư Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyên Trang Duy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng thần”.

(2) Phan Thanh Hải, Bình phong trong kiến trúc truyền thống Việt, Tạp chí Sông Hương số 195, tháng 5/2005.

(3) Cuốn thư là kiểu thức được thể hiện theo dạng sách cuốn do những cuốn sách này trước đây có thể cuộn tròn, cho nên kiểu thức cuốn thư biểu tượng cho phương tiện chứa đựng trí tuệ, tài hoa của nghệ nhân.

* Tài liệu tham khảo

1. Phan Thanh Hải, Bình phong trong kiến trúc truyền thống Việt, Tạp chí Sông Hương số 195, tháng 5/2005.

2. Phan Thanh Bình, Bộ đề tài Tứ thời trên di sản mỹ thuật thời Nguyễn tại Huế, Tạp chí Di sản Văn hóa số 4 (33) - 2010 - Di sản văn hóa vật thể.

3. Nguyễn Thị Vĩnh Khánh, Tô Lan Hương, Nguyễn Văn Huyến, Nghiên cứu ý nghĩa một số đồ án hoa văn truyền thống Trung Quốc, Tạp chí Khoa học và Công nghệ lâm nghiệp số 2/2016.

4. Đồ án cát tường dân gian (2003), nguyên tác: Tùng Huệ Châu - Thôi Nghị - Tùng Yến Lâm; Tống Quốc Hưng lược dịch.

5. Kim Lê (2012), Những đề tài hoa văn thường được trang trí trên gốm Lái Thiêu và ý nghĩa của chúng, Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương, website: http://www.sugia.vn/home/index.
 
 * Phụ lục ảnh


Đồ án trang trí Hổ ở mặt trước bình phong miếu Trà Quân (Cẩm Thanh)



Đồ án trang trí Long mã phụ hà đồ ở mặt trước bình phong miếu Bà Xóm Mới (Cẩm Châu)



Đồ án Rùa đội Hạc và chữ Phúc ở mặt sau bình phong miếu Bà Xóm Mới (Cẩm Châu)



Đồ án chim đại bàng ở mặt sau bình phong miếu Trà Quân (Cẩm Thanh)



Đồ án chim phụng và tùng lộc ở mặt sau bình phong miếu Bà Xóm Trong (Tân Hiệp)



Đồ án Lân mẹ và con ở mặt trước bình phong miếu Bà (Cẩm Kim)

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây