Đi tìm giải pháp tối ưu để tu bổ, tôn tạo di tích chùa Cầu – Hội An
- Thứ tư - 24/08/2016 21:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong chuỗi các hoạt động của chương trình Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 14 diễn ra tại thành phố Hội An, vào ngày 16/8/2016, hội thảo quốc tế về trùng tu di tích chùa Cầu đã được tổ chức tại Quảng trường sông Hoài, Hội An. Hội thảo tổ chức trong 2 ngày 15 - 16/8/2016, trong đó một ngày đón tiếp đại biểu tham quan thực địa và một ngày tổ chức hội thảo. Buổi hội thảo chính diễn ra vào lúc 8 giờ ngày 16/8/2016.
Đây là một hội thảo khoa học chuyên đề về trùng tu chùa Cầu, trong đó tập trung cho các định hướng, giải pháp tu bổ di tích này. Do chùa Cầu là một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc biệt của di sản văn hóa thế giới Hội An; một di tích quý hiếm của quốc gia nên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà chuyên môn trong và ngoài nước. Đến dự hội thảo có hơn 120 đại biểu. Về phía Việt Nam có lãnh đạo và chuyên gia Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Ủy ban UNESCO Việt Nam; Văn phòng UNESCO Hà Nội; Hội bảo trợ di sản kiến trúc Hội An; Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; UBND tỉnh Quảng Nam cùng các ban ngành của tỉnh; Thành ủy, UBND thành phố Hội An cùng các ban ngành của thành phố; Các chuyên gia, nhà nghiên cứu địa phương, Các cơ quan thông tấn báo chí… Về phía Nhật Bản có đại diện Cơ quan Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; chuyên gia Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa; chuyên gia cao cấp Cơ quan văn hóa Nhật Bản; một số đại biểu thành phố Nagasaki, Ohda…
Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 12 tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản. Các tham luận tập trung ở 3 chủ đề chính: 1/ Đánh giá, xác định giá trị lịch sử - văn hóa của chùa Cầu; 2/ Đánh giá, xác định hiện trạng di tích; 3/ Đưa ra các định hướng và giải pháp tu bổ, trùng tu. Ngoài ra còn có nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo…
Về giá trị lịch sử - văn hóa, các đại biểu thống nhất đánh giá chùa Cầu là chứng tích lịch sử của hơn 4 thế kỷ, là di tích gắn với quá trình hình thành, phát triển của đô thị - thương cảng Hội An, với quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa nhiều quốc gia, dân tộc ở Hội An trước đây. PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng “Chùa Cầu không chỉ hàm chứa các giá trị nổi trội về kiến trúc nghệ thuật cũng như giá trị văn hóa phi vật thể mà còn là một trong những thành tố quan trọng tạo lập nên tính toàn vẹn cũng như xác định giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản Hội An”.
Một số đại biểu đề nghị nên xem chùa Cầu như một bảo vật quốc gia về phương diện kiến trúc nghệ thuật.
Về hiện trạng di tích, các ý kiến, tham luận đã bày tỏ quan ngại trước sự xuống cấp của chùa Cầu, dù chỉ mới quan sát bằng mắt thường đối với phần kiến trúc gỗ bên trên và phần móng phía dưới. Đặc biệt tham luận/báo cáo “Phân tích, đánh giá hiện trạng, kết cấu của di tích Lai Viễn Kiều - phố cổ Hội An” của PGS.TS. Nguyễn Xuân Toản và ThS. Nguyễn Duy Thảo (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã cho biết: Qua các khảo sát chuyên ngành, phần kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện những vết nứt, cong vênh, mục đối với gỗ, đứt gãy đối với sắt, phần móng có những điểm nứt, xói hỏng. Bằng các biện pháp đo độ rung, khoan địa chất, quan sát trực tiếp, các tác giả cảnh báo “Kết cấu mố trụ cơ bản còn đủ khả năng làm việc theo phương thẳng đứng. Tuy nhiên có nhiều bộ phận kết cấu mố trụ bị rạn nứt, đặc biệt phần đáy móng của các trụ bị xói lở khá nguy hiểm. Ổn định và khả năng chịu lực theo phương ngang của trụ và mố không đảm bảo”.
Một số ý kiến khác cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng bão lụt diễn ra hàng năm rất dễ làm hư sập di tích nhất là khi di tích đang xuống cấp như hiện nay; về sự quá tải của lượng khách qua lại hàng ngày, về sự ô nhiễm quá nặng của dòng chảy dưới chùa Cầu…
Trọng tâm của hội thảo là các định hướng và giải pháp tu bổ chùa Cầu. PGS.TS. Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đặt ra vấn đề cần đảm bảo tính pháp lý và tính khoa học cho công tác tu bổ chùa Cầu, trong đó nhấn mạnh “Chúng ta cần tiếp cận vấn đề tu bổ, tôn tạo chùa Cầu, biểu tượng văn hóa của Hội An – thành tố góp mặt làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản từ góc nhìn đa chiều hơn. Đặc biệt phải lắng nghe ý kiến của chính nhân dân Hội An (nhất là các tổ dân phố ngay sát chùa Cầu) để hiểu và cảm thông với nguyện vọng của họ muốn chùa Cầu của mình được tu bổ, tôn tạo như thế nào cho có ích nhất”. GS.TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia thì nhấn mạnh cần “Kết hợp việc trùng tu di tích với bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể (gắn với di tích)”. Về lựa chọn giải pháp trùng tu, Giáo sư đưa ra ý kiến “Ủng hộ nhóm ý kiến cho rằng nên hạ giải toàn bộ từ phần móng lên, rồi tiến hành tu bổ kết hợp với nghiên cứu, ưu tiên các hoạt động bảo quản; kết hợp trùng tu di tích với cải tạo hệ thống thoát nước; giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khôi phục cảnh quan văn hóa của khu di tích chùa Cầu…”
Trong bài tham luận của mình, GS.TSKH. Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nêu quan điểm “Nên trùng tu theo quan điểm đồng bộ, toàn diện. Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu đánh giá toàn diện về mọi mặt, nhất là về phương diện kiến trúc di tích này. Tiếp đó nên hạ giải toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hỏng nặng rồi dựng lại. Không nên kéo dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến cho di tích dần biến dạng và mất hẳn tính nguyên gốc lúc nào không hay, nhất là rất khó tiến hành làm hồ sơ, tư liệu khi tu sửa theo lối vá víu như vậy…”
KTS. Lê Thành Vinh – Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích Trung ương thì cho rằng “Thực hiện đồng thời bảo tồn giá trị và duy trì chức năng của di tích; Bảo tồn công trình gắn với tổng thể cảnh quan xung quanh; Giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích (điều tiết lượng người và khách tham quan qua lại chùa Cầu, có phương án phòng chống bão lụt, thiên tai kịp thời, huy động cộng đồng và khách du lịch tham gia bảo tồn di tích)”. Để tổ chức thi công tu bổ, Kiến trúc sư đưa ra đề nghị “nên tổ chức thực hiện công việc này dưới dạng một dự án thực nghiệm với sự tham gia của các cơ quan và chuyên gia đầu ngành kể cả các chuyên gia Nhật Bản để có được chất lượng khoa học và hiệu quả bảo tồn, trùng tu tốt nhất; đồng thời tạo lập các chuẩn mực cho việc bảo tồn, trùng tu các di tích khác ở Hội An…”
Một số ý kiến khác của các chuyên gia trao đổi trực tiếp tại hội trường về các vấn đề có nên làm cầu phụ để giải quyết lượng khách qua chùa Cầu hay không?. Về việc tuyên truyền, phổ biến thông tin kịp thời chủ trương tu bổ và tham khảo ý kiến của cộng đồng để tạo nên sự đồng thuận chung khi tu bổ, tránh gây sốc cho người dân và du khách, việc giữ phần hồn của di tích trong quá trình tu bổ…
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thay mặt Ban chủ trì cám ơn sự quan tâm đóng góp ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, sự theo dõi, đưa tin kịp thời của các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó nhấn mạnh “Để hoạt động bảo tồn, tu bổ đạt hiệu quả di tích chùa Cầu cần phải được tiếp tục nghiên cứu thận trọng. Qua buổi làm việc sáng nay, đa số các đại biểu đều đồng thuận, thống nhất cao trên cơ sở khảo sát của các chuyên gia: Việc trùng tu, bảo tồn di tích chùa Cầu cần phải được sớm tiến hành trên cơ sở giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích với quan điểm hạ giải toàn bộ phần kiến trúc gỗ đã xuống cấp nặng, gia cố vững chắc hệ móng, trùng tu tổng thể triệt để nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc về bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và tính chân xác của di tích. Đề nghị các cơ quan chuyên môn của Trung ương, các chuyên gia bảo tồn trong nước và quốc tế tiếp tục hỗ trợ, tư vấn, kết hợp với việc tham khảo ý kiến của cộng đồng dân cư để xây dựng một dự án tu bổ phù hợp, đảm bảo tính khoa học để đưa vào kế hoạch trung hạn và phấn đấu triển khai tu bổ vào những năm 2017 - 2018”.
Với sự quan tâm hỗ trợ, tư vấn của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và tỉnh Quảng Nam, của các nhà khoa học, các chuyên gia giàu kinh nghiệm về bảo tồn tu bổ di tích trong và ngoài nước; sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Hội An, sự ủng hộ của cộng đồng dân cư, chúng ta có quyền tin tưởng rằng việc tu bổ chùa Cầu sẽ được tiến hành một cách tốt nhất, đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn, phù hợp với các quy định của Luật Di sản văn hóa và các Công ước quốc tế về bảo tồn di sản, đáp ứng được sự quan tâm lo lắng của cộng đồng trong việc vừa giữ được phần xác vừa giữ được phần hồn của di tích trong quá trình tu bổ, tôn tạo sắp đến.
Đây là một hội thảo khoa học chuyên đề về trùng tu chùa Cầu, trong đó tập trung cho các định hướng, giải pháp tu bổ di tích này. Do chùa Cầu là một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc biệt của di sản văn hóa thế giới Hội An; một di tích quý hiếm của quốc gia nên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà chuyên môn trong và ngoài nước. Đến dự hội thảo có hơn 120 đại biểu. Về phía Việt Nam có lãnh đạo và chuyên gia Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Ủy ban UNESCO Việt Nam; Văn phòng UNESCO Hà Nội; Hội bảo trợ di sản kiến trúc Hội An; Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; UBND tỉnh Quảng Nam cùng các ban ngành của tỉnh; Thành ủy, UBND thành phố Hội An cùng các ban ngành của thành phố; Các chuyên gia, nhà nghiên cứu địa phương, Các cơ quan thông tấn báo chí… Về phía Nhật Bản có đại diện Cơ quan Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; chuyên gia Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa; chuyên gia cao cấp Cơ quan văn hóa Nhật Bản; một số đại biểu thành phố Nagasaki, Ohda…
Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 12 tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản. Các tham luận tập trung ở 3 chủ đề chính: 1/ Đánh giá, xác định giá trị lịch sử - văn hóa của chùa Cầu; 2/ Đánh giá, xác định hiện trạng di tích; 3/ Đưa ra các định hướng và giải pháp tu bổ, trùng tu. Ngoài ra còn có nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo…
Về giá trị lịch sử - văn hóa, các đại biểu thống nhất đánh giá chùa Cầu là chứng tích lịch sử của hơn 4 thế kỷ, là di tích gắn với quá trình hình thành, phát triển của đô thị - thương cảng Hội An, với quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa nhiều quốc gia, dân tộc ở Hội An trước đây. PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng “Chùa Cầu không chỉ hàm chứa các giá trị nổi trội về kiến trúc nghệ thuật cũng như giá trị văn hóa phi vật thể mà còn là một trong những thành tố quan trọng tạo lập nên tính toàn vẹn cũng như xác định giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản Hội An”.
Một số đại biểu đề nghị nên xem chùa Cầu như một bảo vật quốc gia về phương diện kiến trúc nghệ thuật.
Về hiện trạng di tích, các ý kiến, tham luận đã bày tỏ quan ngại trước sự xuống cấp của chùa Cầu, dù chỉ mới quan sát bằng mắt thường đối với phần kiến trúc gỗ bên trên và phần móng phía dưới. Đặc biệt tham luận/báo cáo “Phân tích, đánh giá hiện trạng, kết cấu của di tích Lai Viễn Kiều - phố cổ Hội An” của PGS.TS. Nguyễn Xuân Toản và ThS. Nguyễn Duy Thảo (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã cho biết: Qua các khảo sát chuyên ngành, phần kết cấu chịu lực chính của công trình xuất hiện những vết nứt, cong vênh, mục đối với gỗ, đứt gãy đối với sắt, phần móng có những điểm nứt, xói hỏng. Bằng các biện pháp đo độ rung, khoan địa chất, quan sát trực tiếp, các tác giả cảnh báo “Kết cấu mố trụ cơ bản còn đủ khả năng làm việc theo phương thẳng đứng. Tuy nhiên có nhiều bộ phận kết cấu mố trụ bị rạn nứt, đặc biệt phần đáy móng của các trụ bị xói lở khá nguy hiểm. Ổn định và khả năng chịu lực theo phương ngang của trụ và mố không đảm bảo”.
Một số ý kiến khác cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng bão lụt diễn ra hàng năm rất dễ làm hư sập di tích nhất là khi di tích đang xuống cấp như hiện nay; về sự quá tải của lượng khách qua lại hàng ngày, về sự ô nhiễm quá nặng của dòng chảy dưới chùa Cầu…
Trọng tâm của hội thảo là các định hướng và giải pháp tu bổ chùa Cầu. PGS.TS. Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đặt ra vấn đề cần đảm bảo tính pháp lý và tính khoa học cho công tác tu bổ chùa Cầu, trong đó nhấn mạnh “Chúng ta cần tiếp cận vấn đề tu bổ, tôn tạo chùa Cầu, biểu tượng văn hóa của Hội An – thành tố góp mặt làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản từ góc nhìn đa chiều hơn. Đặc biệt phải lắng nghe ý kiến của chính nhân dân Hội An (nhất là các tổ dân phố ngay sát chùa Cầu) để hiểu và cảm thông với nguyện vọng của họ muốn chùa Cầu của mình được tu bổ, tôn tạo như thế nào cho có ích nhất”. GS.TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia thì nhấn mạnh cần “Kết hợp việc trùng tu di tích với bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể (gắn với di tích)”. Về lựa chọn giải pháp trùng tu, Giáo sư đưa ra ý kiến “Ủng hộ nhóm ý kiến cho rằng nên hạ giải toàn bộ từ phần móng lên, rồi tiến hành tu bổ kết hợp với nghiên cứu, ưu tiên các hoạt động bảo quản; kết hợp trùng tu di tích với cải tạo hệ thống thoát nước; giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khôi phục cảnh quan văn hóa của khu di tích chùa Cầu…”
Trong bài tham luận của mình, GS.TSKH. Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nêu quan điểm “Nên trùng tu theo quan điểm đồng bộ, toàn diện. Đã đến lúc chúng ta phải nghiên cứu đánh giá toàn diện về mọi mặt, nhất là về phương diện kiến trúc di tích này. Tiếp đó nên hạ giải toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hỏng nặng rồi dựng lại. Không nên kéo dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến cho di tích dần biến dạng và mất hẳn tính nguyên gốc lúc nào không hay, nhất là rất khó tiến hành làm hồ sơ, tư liệu khi tu sửa theo lối vá víu như vậy…”
KTS. Lê Thành Vinh – Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích Trung ương thì cho rằng “Thực hiện đồng thời bảo tồn giá trị và duy trì chức năng của di tích; Bảo tồn công trình gắn với tổng thể cảnh quan xung quanh; Giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích (điều tiết lượng người và khách tham quan qua lại chùa Cầu, có phương án phòng chống bão lụt, thiên tai kịp thời, huy động cộng đồng và khách du lịch tham gia bảo tồn di tích)”. Để tổ chức thi công tu bổ, Kiến trúc sư đưa ra đề nghị “nên tổ chức thực hiện công việc này dưới dạng một dự án thực nghiệm với sự tham gia của các cơ quan và chuyên gia đầu ngành kể cả các chuyên gia Nhật Bản để có được chất lượng khoa học và hiệu quả bảo tồn, trùng tu tốt nhất; đồng thời tạo lập các chuẩn mực cho việc bảo tồn, trùng tu các di tích khác ở Hội An…”
Một số ý kiến khác của các chuyên gia trao đổi trực tiếp tại hội trường về các vấn đề có nên làm cầu phụ để giải quyết lượng khách qua chùa Cầu hay không?. Về việc tuyên truyền, phổ biến thông tin kịp thời chủ trương tu bổ và tham khảo ý kiến của cộng đồng để tạo nên sự đồng thuận chung khi tu bổ, tránh gây sốc cho người dân và du khách, việc giữ phần hồn của di tích trong quá trình tu bổ…
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thay mặt Ban chủ trì cám ơn sự quan tâm đóng góp ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, sự theo dõi, đưa tin kịp thời của các cơ quan thông tấn báo chí, trong đó nhấn mạnh “Để hoạt động bảo tồn, tu bổ đạt hiệu quả di tích chùa Cầu cần phải được tiếp tục nghiên cứu thận trọng. Qua buổi làm việc sáng nay, đa số các đại biểu đều đồng thuận, thống nhất cao trên cơ sở khảo sát của các chuyên gia: Việc trùng tu, bảo tồn di tích chùa Cầu cần phải được sớm tiến hành trên cơ sở giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích với quan điểm hạ giải toàn bộ phần kiến trúc gỗ đã xuống cấp nặng, gia cố vững chắc hệ móng, trùng tu tổng thể triệt để nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc về bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và tính chân xác của di tích. Đề nghị các cơ quan chuyên môn của Trung ương, các chuyên gia bảo tồn trong nước và quốc tế tiếp tục hỗ trợ, tư vấn, kết hợp với việc tham khảo ý kiến của cộng đồng dân cư để xây dựng một dự án tu bổ phù hợp, đảm bảo tính khoa học để đưa vào kế hoạch trung hạn và phấn đấu triển khai tu bổ vào những năm 2017 - 2018”.
Với sự quan tâm hỗ trợ, tư vấn của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và tỉnh Quảng Nam, của các nhà khoa học, các chuyên gia giàu kinh nghiệm về bảo tồn tu bổ di tích trong và ngoài nước; sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thành phố Hội An, sự ủng hộ của cộng đồng dân cư, chúng ta có quyền tin tưởng rằng việc tu bổ chùa Cầu sẽ được tiến hành một cách tốt nhất, đảm bảo các nguyên tắc bảo tồn, phù hợp với các quy định của Luật Di sản văn hóa và các Công ước quốc tế về bảo tồn di sản, đáp ứng được sự quan tâm lo lắng của cộng đồng trong việc vừa giữ được phần xác vừa giữ được phần hồn của di tích trong quá trình tu bổ, tôn tạo sắp đến.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền