Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Di tích trường Viên Minh

Di tích trường Viên Minh (Trụ sở Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam) nằm ở số 108 đường Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là di tích lịch sử ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam trong những năm 1945 đến năm 1946, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.
Truong Vien Minh

Di tích trường Viên Minh (Trụ sở Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam) toạ lạc tại số 108 đường Nguyễn Thái Học.

Trong Cách mạng tháng 8 năm 1945, cùng với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam đã trở thành một trong bốn nơi khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh lỵ về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước. Ngày 25-8-1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh Quảng Nam tuyên bố thành lập, trụ sở đóng tại Tòa sứ Hội An cũ (nay là trụ sở Công ty cổ phần Du lịch - Dịch vụ Hội An, số 10 Trần Hưng Đạo). Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã chuyển các cơ quan của tỉnh về Hội An hoạt động, Hội An trở thành trung tâm chính trị của toàn tỉnh. Trong những ngày đầu khi đất nước vừa giành được chính quyền từ tay thực dân, phong kiến, nhân nhân ta phải đối phó với tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” thù trong, giặc ngoài và nạn đói hoành hành, đa số nhân dân đều bị mù chữ dưới chế độ cũ. Ở Quảng Nam tình trạng này vẫn không ngoại lệ. Trước tình hình đó, ngày 28-8-1945, Tỉnh ủy họp tại Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh Quảng Nam quyết định 3 nhiệm vụ lớn và cấp bách, trong đó có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là đưa Mặt trận Việt Minh ra hoạt động công khai, kiện toàn lại tổ chức Mặt trận Việt Minh từ tỉnh đến xã, phát triển các đoàn thể cứu quốc nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được...

Từ quyết định của Tỉnh ủy, vào ngày 3-9-1945, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam ra hoạt động công khai, chọn trường Viên Minh ở số nhà 30 đường Quảng Đông (nay là số nhà 108 Nguyễn Thái Học, Hội An) để làm trụ sở cơ quan. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh đã tổ chức các buổi học tập chính trị, tuyên truyền, giải thích các chủ trương, đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh, từ đó thôi thúc mọi người tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền mới.

Trong khoảng thời gian này, Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh đã thực hiện các chủ trương của Đảng, nhanh chóng kiện toàn tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Uỷ ban Việt Minh tỉnh là tổ chức đi đầu và mang tính chất quyết định trong việc vận động thành lập các đoàn thể cứu quốc như: Hội Công nhân Cứu quốc, Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân Cứu quốc… tiên phong trong cuộc vận động “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh tỉnh đã kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất, vận động mỗi gia đình đều có hũ gạo cứu đói. Trong tuần lễ vàng xây dựng quỹ Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ ngày 16 đến 24-9-1945, nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đóng góp được 20kg vàng và hàng chục tấn sắt, đồng. Nhiều gia đình trong tỉnh đã hăng hái tham gia quỹ Đảm phụ quốc phòng. Mặt trận Việt Minh tỉnh cũng đã kêu gọi toàn dân tham gia phong trào Bình dân học vụ, làm cho người dân từng bước biết đọc, biết viết, tham gia xây dựng đời sống mới, xóa bỏ các hủ tục và các tệ nạn xã hội.

Tháng 11-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị mở rộng tại Hội An. Hội nghị đề ra chủ trương củng cố tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể quần chúng thực hành cuộc vận động xây dựng và bảo vệ chế độ mới. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh tỉnh. Ngày 8-9-1945, Chính phủ Lâm thời công bố sắc lệnh tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Tỉnh Quảng Nam đã có 78 người tham gia ứng cử, trong đó có 14 người do Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh giới thiệu. Mặt trận Việt Minh cũng đã có những sáng kiến tuyên truyền về những đại biểu do mình giới thiệu ra ứng cử thông qua các hình thức ca dao, hò, vè... Đến ngày 6-1-1946, nhân dân toàn tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên tham gia bầu cử Quốc hội. Trong kết quả bầu cử này, cả 14 đại biểu do Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu ra ứng cử đều trúng cử vào đại biểu Quốc hội với số phiếu khá cao.

Trường Viên Minh được Ủy ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh Quảng Nam sử dụng làm trụ sở cơ quan từ tháng 9-1945 đến cuối năm 1946, khi Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương tiêu thổ kháng chiến, cho dời các cơ quan của tỉnh về các căn cứ ở các huyện miền núi thì nơi đây không còn làm trụ sở của Ủy ban Việt Minh tỉnh nữa. Tuy thời gian đóng trụ sở hoạt động không dài tại trường Viên Minh Hội An, nhưng có thể nói rằng, trong khoảng thời gian này, Uỷ ban Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh đã giúp cho Tỉnh uỷ và Chính quyền Cách mạng Lâm thời tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân vừa giành được từ tay của thực dân, phong kiến. Mặt trận Việt Minh tỉnh đã trở thành chỗ dựa vững chắc của Đảng và Chính quyền và là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Chính quyền với các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Đây là nơi thể hiện khối đại đoàn kết thống nhất toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân tỉnh đã có những đóng góp hết sức quan trọng ở thời điểm Chính quyền cách mạng gặp vô vàn những khó khăn trong những ngày đầu khi đất nước vừa giành được độc lập. Mặt trận Việt Minh tỉnh đã biết khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước và đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân để cùng nhau xây dựng, giúp Chính quyền cách mạng vượt qua khó khăn thử thách, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trường Viên Minh là một di tích lịch sử quan trọng, đây là nơi ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của Tỉnh ủy Quảng Nam trong giai đoạn đầu khi đất nước giành được chính quyền từ tay thực dân phong kiến sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Di tích là một địa chỉ đỏ quan trọng để giáo dục truyền thống và lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân tỉnh Quảng Nam cho thế hệ trẻ tỉnh Quảng Nam cũng như thành phố Hội An hiện nay.

Tác giả: Quảng Văn Quý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây