Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Di tích lịch sử nhà ông Nguyễn Nhựt – nơi ghi dấu sự kiện Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng bộ Hội An

Tháng 4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị xã Hội An được thành lập. Tháng 7/1947, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Hội An lần thứ nhất được tổ chức tại thôn Tiên Đỏa, xã Thăng Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam [1]. Cho đến nay, Đảng bộ Hội An đã trải qua 17 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ và đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong số các kỳ Đại hội đã qua có một dấu mốc đáng ghi nhớ là kỳ Đại hội lần thứ V diễn ra vào năm 1968 - kỳ đại hội đầu tiên được tổ chức ngay trên mảnh đất Hội An sau 38 năm kể từ khi chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị xã Hội An được thành lập. Kỳ Đại hội này diễn ra tại địa điểm nhà ông Nguyễn Nhựt ở thôn 1, nay là thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim và địa điểm ấy là một trong những di tích lịch sử cách mạng được thành phố kiểm kê, đưa vào danh mục bảo vệ với tên gọi di tích lịch sử cách mạng nhà ông Nguyễn Nhựt.
         
Trở lại bối cảnh lịch sử đầu năm 1968, sau khi giáng một đòn sấm sét vào sào huyệt của địch trong chiến dịch tết Mậu Thân, đến đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/5/1968, ta tiếp tục mở chiến dịch hè 1968 mang mật danh X1 tấn công vào 13 mục tiêu quan trọng của địch ở nội ô và vùng ven. Qua những trận công kích quy mô này đã gây cho địch nhiều tổn thất, đồng thời cổ vũ khí thế dâng cao trong lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân ta, tuy nhiên, những đợt càn quét sau đó của địch cũng đã gây nhiều khó khăn cho phong trào cách mạng trên địa bàn thị xã.
         
Trong tình hình ấy, ngày 28 và 29/5/1968, Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Hội An lần thứ V được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Nhựt. Để chuẩn bị Đại hội, trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Đức Minh - Nguyên Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã đã viết rằng: “Văn phòng Thị ủy được giao nhiệm vụ tham mưu chuẩn bị báo cáo, triệu tập nhân sự, đưa đón đại biểu, trang trí và các nhiệm vụ hậu cần địa điểm tổ chức đại hội, cùng với Ban Tổ chức lo nơi ăn ở và bố trí hàng chục công sự bí mật tại chỗ, phối hợp địa phương triển khai lực lượng cảnh giới, bố phòng bảo vệ… Công việc khá tất bật, khẩn trương nhưng yêu cầu phải tuyệt đối đảm bảo bí mật”2.

Sáng ngày 28/5/1968, Đại hội bắt đầu với sự tham dự của 65 đại biểu đại diện cho 405 đảng viên trong 17 chi bộ toàn thị xã và đại diện lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà[3].

Đồng chí Ngô Xuân Hạ - Bí thư Thị ủy thay mặt Đoàn Chủ tịch đại hội báo cáo kiểm điểm công tác thời gian qua[4]. Qua báo cáo, Đại hội tập trung thảo luận các mặt công tác kể từ sau Hội nghị đại biểu Đảng bộ thị xã từ tháng 6/1967 đến chiến dịch hè năm 1968. Đại hội nhất trí đánh giá trong một năm qua, mặc dù mức độ ác liệt của cuộc kháng chiến tăng hơn nhiều lần nhưng thế và lực của ta vẫn không ngừng lớn mạnh. Đặc biệt ta đã tổ chức được các đợt tấn công có sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, tiêu biểu là hai trận đánh san bằng trụ sở quận lỵ và chi khu quân sự Hiếu Nhơn, giải phóng nhà lao… đã khích lệ to lớn tinh thần quyết tâm kháng chiến của Đảng bộ và quân dân thị xã[5]. Đại hội rút ra hai khuyết điểm chính. “Thứ nhất, chưa hình thành ba mũi giáp công một cách nhịp nhàng và sắc bén, phong trào nhân dân du kích chiến tranh chưa đều khắp, du kích mật và tự vệ ngầm phát triển chậm, đội ngũ vũ trang toàn dân chưa mạnh. Thứ hai, công tác ba vùng chưa chỉ đạo thực hiện tốt: Vùng yếu chưa phá rã được kèm, chưa tạo được bàn đạp, thực lực cách mạng còn yếu. Ở nội ô thực lực Đảng, Đoàn và các mặt khác phát triển chậm, chưa hình thành tổ chức chỉ đạo tại chỗ. Vùng nông thôn giải phóng không giữ được dân, phong trào nhân dân du kích còn yếu, công tác động viên nhân tài vật lực chưa đi đôi với việc chăm lo bồi dưỡng sức dân, công tác chỉ đạo sản xuất còn lơi lỏng”[6].

Từ những phân tích và đánh giá trên, để tiếp tục thúc đẩy phong trào trong thời gian đến, Đại hội đề ra phương hướng chung là “Cần quán triệt tinh thần tấn công địch liên tục, tự lực tự cường, đẩy mạnh ba mũi giáp công ở vùng yếu và đô thị, đưa phong trào cách mạng vùng yếu phát triển toàn diện. Yêu cầu trọng tâm của địa phương là phá kèm giành dân, phá khu tập trung, bung dân ra, đưa dân về”. Đại hội cũng đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm có 19 đồng chí, trong đó có 7 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Thị ủy do đồng chí Ngô Xuân Hạ làm Bí thư, đồng chí Võ Hiên và đồng chí Huỳnh Đức Tâm làm Phó Bí thư[7].

Có thể thấy trong bối cảnh khó khăn của vùng giải phóng lúc bấy giờ, lại là lần đầu tiên tổ chức trên địa bàn Hội An, địa điểm tổ chức không quá xa so với trung tâm đóng các cơ quan đầu não của địch nhưng Đại hội vẫn được diễn ra an toàn và thành công. Sự kiện chính trị trọng đại này của Đảng bộ thị xã cho thấy phong trào cách mạng địa phương lúc này đã có sự phát triển và những định hướng của Đại hội lần này đề ra là ánh sáng soi đường đưa phong trào phát triển mạnh hơn, toàn diện hơn, tạo nên thế và lực lớn hơn để tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương.
 
* Tài liệu trích dẫn:

[1] BCH Đảng bộ Thị xã Hội An (2004), Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã Hội An qua các thời kỳ (1927-2004), trang 26.

[2] Nguyễn Đức Minh (2011), Hồi ký Đời tôi, Nxb Đà Nẵng, trang 120.

[3] BCH Đảng bộ Thị xã Hội An (1996), Lịch sử Đảng bộ Thị xã Hội An (1930-1975), trang 296.

[4] Nguyễn Đức Minh (2011), Hồi ký Đời tôi, Nxb Đà Nẵng, trang 120.

[5] Đảng ủy - BCH Quân sự thành phố Hội An, Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Hội An (1945-1975), NXB Quân đội nhân dân, trang 242, 243.

[6] Đảng ủy - BCH Quân sự thành phố Hội An, Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Hội An (1945-1975), NXB Quân đội nhân dân, trang 243.

[7] BCH Đảng bộ Thị xã Hội An (2004), Lịch sử Đảng bộ Thị xã Hội An (1930-1975), trang 297 và BCH Đảng bộ Thị xã Hội An (2004), Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã Hội An qua các thời kỳ (1927-2004), trang 59.
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây