Dấu ấn văn hóa biển đảo trên các di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng ở Cù Lao Chàm
- Thứ hai - 29/08/2022 13:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kết quả các đợt khai quật, nghiên cứu khảo cổ học cho biết rằng cách đây trên 3.000 năm, Cù Lao Chàm là địa điểm sinh sống của cư dân Tiền Sa Huỳnh với nhiều dấu tích cư trú rõ rệt.
Trong thời kỳ Champa, Cù Lao Chàm là điểm tiền tiêu trên trục đô thị Lâm Ấp – Kinh thành Trà Kiệu – Thánh địa Mỹ Sơn của vương quốc Champa. Thời kỳ Đại Việt, Cù Lao Chàm vẫn là quần đảo tiền tiêu của đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Dưới thời Nguyễn, Cù Lao Chàm thuộc phường Tân Hợp (Hiệp), huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam[1]. Ngày nay, Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp), thành phố Hội An là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Cù Lao Chàm là một quần đảo trải dài theo hình cánh cung gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó hòn Lao có diện tích lớn nhất và là nơi duy nhất có người cư trú. Hiện nay, với sự quan tâm bảo tồn, phát triển, Cù Lao Chàm còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa bản địa, trong đó có văn hóa kiến trúc. Dù là kiến trúc dân dụng hay tôn giáo, tín ngưỡng thì các di tích ở đây vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa biển đảo.
Từ lâu đời, các lớp cư dân Cù Lao Chàm đã biết dựa vào biển đảo và thích ứng với môi trường biển đảo để sinh tồn, phát triển. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh trong đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư. Trải qua thời gian dài, các kinh nghiệm được tích lũy tạo nên kho tàng tri thức dân gian về biển đảo vô cùng phong phú, trong đó có cả tri thức về xây dựng các công trình kiến trúc. Theo thống kê[2], trên địa phận Cù Lao Chàm hiện nay có 23 di tích tôn giáo – tín ngưỡng phân bố ở Hòn Lao, Hòn Tai và Hòn Dài, trong đó số lượng di tích tập trung chủ yếu ở Hòn Lao.
Đối với hướng và quy mô, vì điều kiện tự nhiên, hầu hết các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng và cả nhà ở (truyền thống) thường có quy mô nhỏ hoặc vừa phải, thấp, kết cấu vững chãi, xoay mặt về phía Tây hoặc lệch về phía Tây Nam, lưng tựa vào núi (sườn phía Tây của hòn Lao) nhằm hạn chế tối đa những tác động của thời tiết, ở đây chủ yếu là gió, nhiệt độ, độ ẩm. Điều này dường như không phù hợp với kinh nghiệm dân gian của Việt Nam làm nhà xoay về hướng Nam, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây. Tất nhiên, trên thực tế vẫn có trường hợp dựng theo các hướng khác, tùy vào điều kiện địa hình cục bộ nơi công trình đó xây dựng hoặc các quan niệm về phong thủy, ở đây hướng phổ quát của cả cụm dân cư, mà đại diện tiêu biểu nhất là hướng của các ngôi miếu, nhà ở đều có hướng Tây, Tây Nam, xoay mặt về phía đất liền (Hội An).
Kết cấu, vật liệu, các công trình tín ngưỡng thường được xây kiên cố với tường dày, trần kiểu cuốn vòm để đủ sức chống đỡ hệ mái đặc chắc bằng bê tông gạch vữa. Ngói âm dương được gắn cố định vào mái để hạn chế bong tróc. Hình thức kết cấu này khá vững chãi trước mưa bão, công trình có tuổi thọ cao hơn nếu so với các công trình kiến trúc cùng loại hình có kết cấu đỡ mái bằng gỗ. Tuy nhiên, điều hạn chế của hình thức kết cấu này là quy mô công trình kiến trúc nhỏ hoặc vừa phải, không gian nội thất không gợi được cảm giác thanh thoát như hệ mái công trình kiến trúc gỗ. Kiến trúc trần cuốn vòm này cũng được sử dụng trong một vài công trình tín ngưỡng xây gần khu vực sông nước tại các địa phương khác của Hội An như lăng Ông, miếu Thành Hoàng ở phường Cẩm An.
Một điểm đặc biệt phải kể đến là ở một vài di tích, những vật liệu tự nhiên sẵn có ở bãi biển như vỏ ốc, vỏ sò, xác san hô được tận dụng để phối kết hợp với mảnh sành sứ tạo hình chi tiết trang trí. Như ở miếu Hiệp Hòa thôn Bãi Làng, phần đuôi mỗi vồng ngói âm dương được gắn vỏ điệp xà cừ (có nơi gọi là điệp giấy) thay cho dĩa tráng men để trang trí, màu sắc trở nên óng ánh, lung linh khi có ánh sáng rọi vào. Tại đình Tiền hiền (lăng Tiền hiền) thôn Bãi Làng, mặt trước bình phong đắp phù điêu hình hổ từ đá san hô với kiểu dáng đơn giản nhưng vẫn gợi được vẻ uy nghi. Hay tại miếu Ngũ Hành thôn Bãi Hương, tiền nhân dùng vỏ sò tạo vảy cá của đồ án “cá hóa rồng chầu mặt nguyệt” trên bờ nóc. Ở cuốn thư đầu hồi, vỏ sò lại trở thành những tán lá của cây tùng; san hô làm thân cây, làm phần sườn đồi bên dưới, kết hợp với hình con nai được cẩn mảnh sứ đứng bên trên thể hiện đồ án “tùng – lộc”. Hình khối tự nhiên của vật liệu được sử dụng khiến đồ án trở nên sinh động, chân thực hơn, đồng thời truyền tải được tâm hồn lãng mạn, sự gắn bó mật thiết với biển cả của cư dân xứ đảo.
Trang trí trên cuốn thư đầu hồi miếu Ngũ Hành, thôn Bãi Hương - Ảnh: Hoàng Phúc
Đối với trang trí, các chi tiết trang trí tập trung chủ yếu ở hệ mái và nội thất khu vực thờ tự. Đồ án cá chép và sóng nước, hình ảnh phong cảnh biển đảo hay chim yến được đưa vào trang trí tại bình phong, cổ diêm, quần bàn ở các di tích làm cho sắc màu biển cả thêm đậm nét. Nhiều đồ án vật linh, hoa dây, chữ Hán... thường thấy, mang ý nghĩa cát tường quen thuộc, phản ánh quan niệm tâm linh của người dân địa phương, tuy nhiên, nét vẽ hoặc đắp còn đơn giản, thô mộc. Có lẽ, nó được tạo tác bởi chính bàn tay người dân xứ đảo, nơi mà ngày trước, “về vấn đề học hành thì ở đây vì đường giao thông chưa tiện lợi nên còn kém lắm, chưa được phổ thông”[3], trình độ, kỹ năng của những người thợ thủ công vì đó mà còn nhiều hạn chế. Đối với một số ít các công trình có quy mô lớn, là điểm sinh hoạt tín ngưỡng đặc biệt quan trọng của cộng đồng như chùa Hải Tạng, lăng Ông Ngư và lăng Tiền hiền, hệ thống thờ tự, trang trí lại được đầu tư chỉnh chu, giá trị thẩm mỹ cao.Những nét vẽ trang trí thô mộc tại miếu Bà Mụ, thôn Bãi Ông - Ảnh: Hoàng Phúc
Đối tượng thờ cúng, trong số các công trình tín ngưỡng thì công trình thờ các vị thần thuộc về biển cả, hoặc các vị thần mang yếu tố nước chiếm số lượng lớn nhất, đơn cử: Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương; Thiên Y A Na, Chúa Ngọc; Nam Hải Ngọc Lân tôn thần; Phục Ba tướng quân; Ngũ Hành Tiên nương… đây là một trong những đặc trưng chủ yếu biểu hiện trên kiến trúc bản địa.
Trải qua bao thế hệ sinh sống và gắn kết mật thiết với thiên nhiên, cho đến nay người dân trên đảo vẫn lưu giữ nét hiền hòa, hiếu khách vốn có và bảo tồn được hệ sinh thái quý hiếm, độc đáo cùng nhiều yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống đặc trưng của vùng biển đảo. Có thể thấy rằng, dấu ấn văn hóa biển đảo trên các di tích kiến trúc tín ngưỡng ở Cù Lao Chàm phần nào được thể hiện qua quy mô, hình thức kết cấu công trình, vật liệu sử dụng, các chi tiết trang trí đơn giản, mộc mạc và cả đối tượng thờ tự ở các di tích tín ngưỡng phần lớn liên quan đến nghề đánh bắt trên biển. Nhờ đó, các di tích kiến trúc này lại mang nét rất riêng, khác biệt so với các địa phương khác. Đây là nguồn cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc truyền thống của địa phương, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật ở Hội An nói chung và Cù Lao Chàm nói riêng.