Đặc điểm, giá trị của các di tích ở Cẩm Hà
- Thứ hai - 01/02/2021 22:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cẩm Hà là đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hội An. Đến năm 2020, xã Cẩm Hà có 16 di tích được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An. Theo quy định về phân loại, di tích ở Cẩm Hà có 3 trong 4 loại hình, gồm: Di tích khảo cổ: 01 di tích, di tích kiến trúc nghệ thuật: 10 di tích, di tích lịch sử (lịch sử cách mạng): 05 di tích. Mặc dù so với các địa phương khác, di tích ở xã Cẩm Hà không nhiều về số lượng nhưng đặc điểm và giá trị của các di tích là khá tiêu biểu.
Chùa Phước Lâm - Cẩm Hà Ảnh: Phòng Tư liệu - Thông tin Di sản
1. Di tích ở Cẩm Hà góp phần vào sự phong phú, đa dạng về loại hình và các giá trị bảo tồn trong hệ thống di tích ở Hội An. Bên cạnh 3 loại hình di tích nêu trên thì trong loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, địa phương có các loại theo chức năng: chùa: 02 di tích, mộ: 02 di tích, miếu: 05 di tích, giếng: 01 di tích. Minh chứng cho giá trị bảo tồn của các di tích ở địa phương là đã có 02 di tích là chùa Phước Lâm và chùa Vạn Đức được xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích là mộ ông Nguyễn Điển, mộ Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu và chiến thắng thôn Trà Quế được xếp hạng cấp tỉnh; 01 di tích là Giếng đá Trà Quế được đưa vào danh mục đăng ký bảo vệ của tỉnh; 09 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố.2. Thông qua hệ thống di tích là cứ liệu minh chứng cho chiều dài lịch sử, văn hóa trong tiến trình hình thành, xây dựng và phát triển của địa phương. Chúng tôi thấy rằng di tích ở Cẩm Hà có khung niên đại khá dài và xuyên suốt. Biên độ niên đại các di tích trải dài từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XX, mang dấu ấn của các lớp cư dân định cư ở địa phương từ xưa đến nay, từ cư dân Tiền - Sơ sử đến cư dân thời Chăm-pa, thời Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam.
Liên quan đến cư dân thời kỳ Tiền - Sơ sử có thể thấy rõ qua di tích khảo cổ học Đồng Nà. Di tích hiện thuộc thôn Đồng Nà, cạnh chùa Vạn Đức và nằm về bờ phía Nam của con sông cổ mang tên sông Cổ Cò - là con sông có vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương giữa thương cảng Hội An với Đà Nẵng từ thế kỳ XVIII trở về trước. Thông qua nghiên cứu hiện vật thu được từ hai đợt đào thám sát vào tháng 11/1993 và tháng 6/1994, đối sánh hiện vật với các di tích khảo cổ khác ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung, các nhà khoa học xác định đây là di chỉ cư trú có niên đại là từ thế kỷ I đến thế kỷ III, IV. Như vậy, dấu ấn của con người đã được đặt lên trên mảnh đất này là rất sớm, muộn nhất là từ đầu Công nguyên. Có con người tức là có quá trình lao động sản xuất và sáng tạo văn hóa. Từ lớp cư dân đầu tiên đó đã đặt nền móng cho sự phát triển của cộng đồng dân cư sau này. Đến dấu ấn của cư dân Chăm-pa có thể nhận thấy qua di tích giếng đá Trà Quế. Giếng tọa lạc ở trong khu vực làng rau Trà Quế, toàn bộ thành giếng đều được làm bằng đá, dạng hình lăng trụ, đường kính miệng 1m, thành dày 0,1m, sâu khoảng 4m. Niên đại xây dựng giếng chưa có tư liệu xác định nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng kiểu thức giếng mang phong cách kiến trúc của Chăm-pa. Đến thời kỳ Đại Việt - Đại Nam, địa phận Cẩm Hà thuộc làng Thanh Hà (làng được thành lập vào khoảng đầu thế kỷ XVI). Qua tư liệu gia phả của các tộc tiền hiền làng Thanh Hà cho biết, thủy tổ các tộc phần lớn từ khu vực Bắc Trung bộ như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào đây sinh sống, lập nghiệp dẫn đến sự phát triển mạnh về dân cư. Đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, làng Thanh Hà hình thành 13 ấp, trong đó các ấp: Cửa Suối, Bầu Ốc, Trảng Kèo, Đồng Nà, Trà Quế, Bến Trễ nay đầu thuộc địa phận của xã Cẩm Hà. Trong giai đoạn hình thành và phát triển làng Thanh Hà, nhiều di tích đã được tạo dựng như chùa Phước Lâm, chùa Vạn Đức, mộ Nguyễn Điển, mộ Nguyễn Duy Hiệu và các ngôi miếu xóm ở: Trảng Kèo, Đồng Nà, Cửa Suối, Trà Quế. Từ sau năm 1930, lịch sử của vùng đất Cẩm Hà cuộn theo dòng chảy lịch sử chung của Hội An qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trên chặn đường đấu tranh đó đã có nhiều địa điểm ghi dấu về các sự kiện lịch sử như: Vườn Ông Thiệt, chiến thắng Cửa Suối, chiến thắng Cồn Thạnh, chiến thắng Bàu Ốc, chiến thắng thôn Trà Quế.
3. Chùa và mộ là hai loại hình di tích tiêu biểu của địa phương. Di tích chùa Chùa Vạn Đức được khởi dựng bởi Hòa thượng Minh Lượng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII[1]. Di tích chùa Phước Lâm được khởi dựng bởi Hòa thượng Minh Giác vào khoảng đầu thế kỷ XVIII[2]. Trong nội dung bia “Khai sơn hòa thượng thuật” hiện đặt trong chùa Phước Lâm ghi lại việc hòa thượng Minh Giác đến tu hành tại chùa: “Ngài rất mến cảnh chùa Phước Lâm, xã Thanh Hà, tỉnh Quảng Nam. Cảnh vắng lặng không huyên náo thật là nơi lạc thảo vậy”[3] phần nào lý giải cho sự xuất hiện của hai ngôi cổ tự ở địa phương dù cách nhau không xa về mặt địa lý. Qua thời gian, các cổ tự này được trùng tu, tôn tạo thành những công trình đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc. Đặc biệt, trong các thế kỷ qua cho đến nay, sự xuất hiện của hai ngôi chùa đã có sự chi phối nhất định đến sự phát triển của Phật giáo ở Hội An, Quảng Nam. Loại hình di tích mộ có hai công trình lưu niệm về hai danh nhân nổi tiếng của Hội An và Quảng Nam là ông Nguyễn Điển - người làm quan qua 3 triều vua Nguyễn, từ đời vua Minh Mạng nguyên niên (1820) đến đời vua Tự Đức ngũ niên (1852), làm quan đến chức Thượng thư Bộ Binh và chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu - một thủ lĩnh của Nghĩa Hội Quảng Nam trong phong trào Cần Vương đánh giặc Pháp xâm lược ở thế kỷ XIX.
4. Truyền thống yêu nước, cách mạng của địa phương được phản chiếu rõ nét qua di tích. Tại di tích mộ Nguyễn Duy Hiệu hiện còn lưu đề hai cặp câu đối là 2 câu cuối trong hai bài thơ tuyệt mệnh của ông trước khi bị hành quyết đã toát lên một tư tưởng yêu nước rất mới, một cốt cách rất cao đẹp của người anh hùng yêu nước Nguyễn Duy Hiệu. Đậu Phó bảng, đường công danh rộng mở. Thế nhưng không như nhiều nho sinh khác cùng thời theo đuổi sự học là để đỗ đạt và ra làm quan, Duy Hiệu gia nhập Nghĩa hội Quảng Nam và dần trở thành thủ lĩnh dẫn dắt phong trào Cần Vương Quảng Nam đánh giặc Pháp xâm lược. Không những vậy, tầm ảnh hưởng của Nguyễn Duy Hiệu còn đến tận phong trào Cần Vương của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Phong trào Cần Vương ở Quảng Nam cùng với tầm ảnh hưởng của Nguyễn Duy Hiệu đã làm cho thực dân Pháp bao phen mất ăn mất ngủ. Cho đến khi không thể giữ được phong trào, Nguyễn Duy Hiệu quyết định nhận hết tội về mình để “… giải thoát cho đảng ta. Một mình tôi chết không đáng tiếc, còn đảng ta sau này có kẻ làm thành chí ta, tức là ta sống đó”[4]. Bước ra pháp trường xử chém nhưng Nguyễn Duy Hiệu vẫn giữ cho mình một tư thái rất ung dung khiến cho bọn giặc cũng có phần nể phục: “Hiệu đợi chết đúng như một người thuộc loại y vào bực y, nghĩa là y đợi chết không sợ sệt và đợi nó như một vận số, một định mệnh không có điều gì để căm giận (…) Hiệu cũng như nhiều người khác đã thấy ở Nam kỳ và Trung kỳ, vẫn làm thơ trong khi đi tới pháp trường, rồi viết câu thơ đầu ngọn bút lông mà không một nét nào run, tỏ sự xúc động cả”[5]. Tinh thần chiến đấu, hy sinh vĩ đại nghĩa của Nguyễn Duy Hiệu trở thành tấm gương tiêu biểu cho phong trào yêu nước của người Hội An trước khi có Đảng. Bước sang hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Cẩm Hà nêu cao tinh thần yêu nước của các bậc tiền nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên trì chiến đấu, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Ghi dấu phong trào Đồng khởi ở địa phương có di tích vườn Ông Thiệt. Tại đây vào đêm ngày 16/11/1964, Nhân dân xã Cẩm Hà tổ chức mitting tuyên bố thành lập Uỷ ban nhân dân tự quản xã sau khi lực lượng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Trà Quế, Đồng Nà. Ghi dấu chiến công đánh giặc có di tích chiến thắng Cồn Thạnh qua sự kiện du kích xã bí mật đánh mìn phá hủy 1 xe bọc thép, làm hư 1 xe cơ giới, diệt và làm bị thương hàng chục tên lính Mỹ vào ngày 20/4/1967 và di tích chiến thắng Bàu Ốc qua sự kiện 3 du kích xã dựa vào công sự anh dũng chiến đấu chống lại một đại đội quân Nam Triều Tiên, tiêu diệt hàng chục tên, sau đó rút lui an toàn vào tháng 5/1970[6]. Đặc biệt Cẩm Hà có thôn Trà Quế được xây dựng thành một căn cứ lõm của Hội An. Dù bị giặc chà đi, xát lại nhiều lần nhưng cán bộ, bộ đội ta vẫn an toàn trong sự che chở, đùm bọc của Nhân dân. Nơi đây ghi dấu sự kiện đêm ngày 8/11/1968, bộ đội Hội An và du kích địa phương tấn công cứ điểm Trà Quế, diệt 92 tên lính Nam Triều Tiên. “Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Đà, lực lượng vũ trang địa phương diệt gọn một đại đội Nam Triều Tiên trong cứ điểm kiên cố của chúng”[7].
5. Các ngôi miếu xóm là những thiết chế văn hóa tạo được sự cấu kết cộng đồng chặt chẽ. Chúng tôi thấy rằng các ngôi miếu xóm đều là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của một cộng đồng lớn và khá ổn định như miếu âm linh Trảng Kèo là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chung của cư dân thôn Trảng Kèo (cũ), miếu Cửa Suối là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chung của cư dân thôn Cửa Suối (cũ)[8], miếu ấp Đồng Nà là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chung của cư dân thôn Đồng Nà, miếu Ngũ Hành Trà Quế là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chung của cư dân thôn Trà Quế, chỉ có miếu Thổ thần Trà Quế là nơi sinh hoạt riêng của cư dân của tổ 1 thôn Trà Quế. Vì thế các hoạt động cúng tế, thực hành tín ngưỡng tại di tích gần như thu hút tất cả cư dân trong thôn tham gia, kể cả bộ phận cư dân mới đến sinh sống trong phạm vi cộng đồng đó. Thực tế ở nhiều địa phương khác, do nhiều nguyên nhân dẫn đến có những công trình tín ngưỡng cộng đồng chỉ có ý nghĩa trong đời sống văn hóa của một bộ phận nhỏ dân cư hoặc có ý nghĩa trong đời sống văn hóa của một cộng đồng lớn nhưng tính cấu kết ấy đã trở nên lỏng lẻo, không còn bền chặt.
Tóm lại, di tích ở Cẩm Hà là bộ phận di sản văn hóa được hình thành nên từ sự gắn bó, từ bàn tay cần cù, chịu khó của lớp lớp cư dân địa phương trên vùng đất cát đầy gian khó này. Dẫu không nhiều về số lượng nhưng di tích ở Cẩm Hà cũng có nhiều giá trị, có những đặc điểm riêng, phản ánh đa dạng các khía cạnh về lịch sử, truyền thống, văn hóa. Sẽ không quá khi nói rằng nếu nhìn vào các di tích sẽ hiểu được Cẩm Hà là địa phương đã trải qua chiều dài lịch sử và sự đa dạng văn hóa như thế nào.
[1] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản số 03 (47)-2019, trang 53.
[2] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản số 03 (47)-2019, trang 58.
[3] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Di sản Hán – Nôm Hội An (tập 1), trang 89.
[4] BCH Đảng bộ thị xã Hội An, Nguyễn Duy Hiệu (1847 – 1887), NXB Đà Nẵng, 1997, trang 79.
[5] BCH Đảng bộ thị xã Hội An, Nguyễn Duy Hiệu (1847 – 1887), Sđd, trang 92. Đây là lời thuật lại của Khâm sứ Pháp Baille sau khi chứng kiến cảnh Nguyễn Duy Hiệu ra pháp trường.
[6] Theo thông tin các bia di tích.
[7] Đảng ủy-BCH Quân sự thành phố Hội An, Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Hội An (1945-1975), NXB Quân đội Nhân dân, 2014, trang 255.
[8] Thôn Trảng Kèo và thôn Trảng Suối được sát nhập thành thôn Trảng Suối vào năm 2018.