Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Công tác sưu tầm, sao chụp và phát huy di sản tư liệu Hán Nôm ở Hội An

Tư liệu Hán Nôm là một trong những nguồn tư liệu thành văn rất quan trọng để nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Việt Nam nói chung, về Hội An, Quảng Nam nói riêng từ giữa thế kỷ XX trở về trước.
      Với vai trò là đô thị thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực thời Trung đại, Hội An không chỉ là đầu mối giao lưu kinh tế mà còn là nơi hội nhập, giao lưu văn hóa mạnh mẽ, đa chiều, đa diện. Chính vì vậy đã góp phần làm cho ngôn ngữ và chữ viết ở Hội An thêm phần phong phú. Những ghi chép về lịch sử - văn hóa Hội An từ thế kỷ XVI trở đi, bên cạnh các tài liệu thuộc ngôn ngữ phương Tây, văn tự Hán Nôm đã được sử dụng trước đó càng thêm phong phú hơn đáp ứng tình hình mới của vùng đất cảng thị quốc tế, do vậy, nội dung của nguồn tư liệu Hán Nôm cũng đa dạng hơn, được tạo ra và lưu truyền bởi nhiều chủ thể, đối tượng.

      Nhận thức được vấn đề này, từ sau hội thảo quốc gia về Đô thị cổ Hội An năm 1985, vấn đề nghiên cứu toàn diện về Hội An, trong đó bao gồm cả di sản tư liệu Hán Nôm được đặt ra. Tháng 2/1986, Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An được thành lập (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) đã bắt tay ngay vào công tác sưu tầm, nghiên cứu di sản tư liệu Hán Nôm để góp phần nhận diện giá trị lịch sử - văn hóa của Đô thị thương cảng Hội An nói riêng và vùng đất Hội An nói chung. Từ sau hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An vào tháng 7/1990, các chương trình điều tra, sưu tầm, nghiên cứu di sản tư liệu Hán Nôm Hội An được triển khai sâu rộng hơn như Điều tra khảo sát lập kho tư liệu về Đô thị cổ Hội An năm 1993 - 1994; Sưu tầm tư liệu về xã Minh Hương để thực hiện đề tài Vai trò của Minh Hương xã ở Hội An thế kỷ XVII - XIX. Từ tháng 9/1995, phối hợp với Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) thực hiện 6 đợt điều văn tự tại phố cổ Hội An. Bên cạnh di sản tư liệu Hán Nôm phục vụ nghiên cứu về Đô thị cổ Hội An, di sản tư liệu Hán Nôm để nghiên cứu về các ngành nghề, làng xã, dòng họ, tôn giáo,… ở Hội An cũng được quan tâm chú trọng như Điều tra, sưu tầm dịch thuật tư liệu về nghề yến Thanh Châu, Bảng hiệu buôn và nghề buôn ở Hội An, in dập văn bia và mộc bản ở các cổ tự,… Qua các chương trình điều tra, sưu tầm, nghiên cứu trên, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã thu thập, sao chụp được hơn 2.000 trang tư liệu gốc, hơn 4.500 trang tư liệu bản sao, 300 bản dập thác bản văn bia, 800 bản in mộc bản, 63 sắc phong,... Tất cả đã góp phần làm sáng tỏ giá trị nổi bật toàn cầu của Đô thị cổ Hội An để được công nhận Di sản văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999. Đồng thời cũng khẳng định tính phong phú, đa dạng về nội dung và nơi/hình thức lưu giữ, bảo quản của di sản tư liệu Hán Nôm Hội An.

      Từ năm 2016 trở lại đây, công tác sưu tầm, sao chụp di sản tư liệu Hán Nôm về Hội An được Trung tâm quan tâm hơn về chiều sâu và cách thức thực hiện nhằm góp phần khỏa lấp những khoảng trống tư liệu về lịch sử - văn hóa Hội An, Quảng Nam. Ngoài việc sưu tầm, sao chụp văn bản trong các gia đình, dòng họ, di tích tại Hội An và mở rộng tại những địa phương, vùng phụ cận Hội An hoặc có mối quan hệ với Hội An như Đại Lộc, Nông Sơn, Điện Bàn,... Trung tâm đã phối hợp với các Trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Bộ Nội vụ; Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để trích lọc, sao chụp và chuyển giao di sản tư liệu Hán Nôm Hội An như Địa bạ Hội An (2671 trang), Quảng Nam tỉnh tạp biên (3176 trang), Châu bản triều Nguyễn (211 trang), Thần tích thần sắc (50 trang),…
 
thu thap tu lieu
Cán bộ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sao chụp tư liệu

      Bên cạnh công tác điều tra, sưu tầm, xử lý, bảo quản, nghiên cứu để nhận diện, làm sáng tỏ các giá trị lịch sử - văn hóa Hội An, công tác phát huy di sản tư liệu Hán Nôm cũng được Trung tâm đặc biệt chú trọng.

      Đi đôi với việc giúp nhận diện, làm sáng tỏ bức tranh lịch sử - văn hóa Hội An, nguồn di sản tư liệu Hán Nôm sưu tầm được đã góp phần quan trọng trong việc phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một hoặc hư hoại/thất lạc bởi chiến tranh, thiên tai, lũ lụt như phục hồi các hoạt động, nghi thức trong lễ hội truyền thống, phục hồi hệ thống hoành phi liễn đối tại di tích,... Điển hình tiêu biểu đó là phục hồi diễn xướng bả trạo trong lễ hội Cầu Ngư ở Hội An hay hệ thống hoành phi, liễn đối tại di tích đình làng Hội An (đình Ông Voi). Sau một thời gian dài được sử dụng chưa phù hợp với chức năng của di tích, năm 2019 cùng với việc di dời Trường Mầm non Minh An, thành phố Hội An đã đầu tư phục hồi lại đình Hội An (đình Ông Voi), một công trình kiến trúc - thiết chế văn hóa làng xã tiêu biểu ở thành phố Hội An. Với việc “hồi hương” di sản tư liệu Hán Nôm từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã giúp Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phục hồi lại các hoành phi, liễn đối tại di tích đã bị thất lạc,... (Bức hoành phi: Thần lực hồi xuân, Dương dương hích hích, Quế Hải từ vân, Chiếu giám vô tư, Danh giáo tăng huy, Viêm Giao tuệ nhật, Nghiễm thể càn nguyên, Nghiễm nhược ân,… Các liễn đối: Hội tứ hải tinh hoa, nhạc trĩ uyên đình sâm vạn tượng/An thiên niên hương hoả, phong hoà vũ thuận úy tam nông;Phúc mạch dụ văn lan, thủy hội địa chung thiên cổ thắng/Bàn cơ khôi tráng vũ, nhân an thần tích vạn gia xuân; Hà hải chung linh, vạn cổ đan tâm huyền nhật nguyệt/Sơn xuyên dục tú, thiên thu huyết thực tráng càn khôn; Khôn đức vô cương, phấn đại ức niên quang cố điện/Đoài thi tư phổ, huân hao thiên cổ đính sùng từ;…)

      Việc phát huy di sản tư liệu Hán Nôm ở Hội An qua công tác in ấn, xuất bản được Trung tâm đẩy mạnh thực hiện từ năm 2014 đến nay. Thông qua việc xử lý di sản tư liệu Hán Nôm sưu tầm được, Trung tâm đã tuyển chọn, dịch thuật, biên soạn, xuất bản sách theo từng chủ đề phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà nghiên cứu và nhân dân. Vào năm 2014, nhân kỷ niệm 15 năm ngày Khu phố cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1999 - 2014), Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tuyển chọn, dịch thuật, biên soạn và xuất bản tập sách “Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 1 - Văn bia”. Đây được xem là ấn phẩm đầu tiên giới thiệu một nguồn tư liệu Hán Nôm quan trọng đang được bảo quản tốt tại các di tích ở Hội An, đó là văn bia. Có thể thấy, văn bia Hán Nôm ở Hội An hiện tồn với số lượng khá lớn, nằm rải rác ở nhiều địa phương, nhiều di tích. Trong đó địa phương có số lượng văn bia hiện tồn nhiều nhất là phường Minh An, phường trung tâm ở Khu phố cổ Hội An, nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa.

      Một nguồn di sản tư liệu Hán Nôm khác cũng đặc biệt quan trọng còn được lưu giữ tại Hội An, đó là một khối lượng khá lớn về tư liệu của dòng họ Nguyễn Tường. Theo thống kê bước đầu từ chương trình điều tra phục vụ đề tài “Nghiên cứu, biên soạn địa chí Hội An” tại đây cho biết có 195 đơn vị tư liệu với tổng số 449 trang và rất đa dạng về thể loại. Khung niên đại của nguồn tư liệu này từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Với sự nỗ lực của Trung tâm cùng với sự phối hợp, hỗ trợ từ gia tộc Nguyễn Tường, cuốn sách “Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 2 - Tư liệu lưu trữ của dòng họ Nguyễn Tường” được xuất bản vào năm 2016, dày 260 trang.

      Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh thực hiện những năm 1998 - 1999: “Nghiên cứu vai trò của xã Minh Hương ở thương cảng Hội An thế kỷ XVII - XIX”, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã sưu tập được 4.067 trang tư liệu Hán Nôm liên quan đến xã này bao gồm các loại sắc phong, tờ truyền, trát văn, trình bẩm, khế ước, bản khai điền thổ, sổ đinh, sổ kê ngày lễ cúng, gia phổ và các loại văn bản khác. Niên đại của các tư liệu này nằm trong mốc thời gian từ năm 1744 đến 1954. Đây là những tư liệu có giá trị liên quan đến các mặt hoạt động của xã Minh Hương trong các thế kỷ trước đây.

      Nhằm giới thiệu bộ phận di sản tư liệu Hán Nôm này, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã lựa chọn, dịch thuật, tổ chức bản thảo và  xuất bản cuốn sách “Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 3 - Tư liệu xã Minh Hương” vào năm 2017 với 204 trang.

      Với gần 1.438 di tích, phân bố đều khắp 13 xã phường ở Hội An, trong đó đa số các di tích có những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Nhằm giới thiệu những giá trị độc đáo của các di tích này, đặc biệt là những hoành phi - liễn đối hiện còn trong di tích, trong năm 2019, trong cuốn sách “Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 4”, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã giới thiệu các hoành phi - liễn đối ở 33 di tích đã được cấp bằng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn thành phố Hội An.

      Ở Hội An, một bộ phận tư liệu Hán Nôm quan trọng trên giấy được bảo quản, lưu giữ ở các gia đình, dòng họ tại Hội An. Nhiều gia đình, dòng họ hiện đang bảo quản hoặc ít hoặc nhiều các tư liệu Hán Nôm loại này, bao gồm các văn bản hành chính, giấy tờ đất đai, các khế ước, các tờ đoạn mãi, chấp thục nhà cửa, tài sản, các phân thư chia gia sản, các thư từ, văn cúng, gia phả,… Cũng trong năm 2019, sau quá trình sưu tầm, sao chụp, xử lý thông tin, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An lựa chọn dịch thuật và công bố một phần di sản Hán Nôm hiện đang được lưu giữ trong các gia đình, dòng họ ở Hội An. Cuốn “Di sản Hán Nôm Hội An - Tư liệu lưu trữ trong các gia đình, dòng họ” là tập 5, trong chuỗi các các ấn phẩm mà Trung tâm triển khai thực hiện và xuất bản trước đó.

      Ngoài việc giới thiệu các nguồn tư liệu sưu tầm, sao chụp, lưu giữ tại các gia đình, dòng họ, di tích,… ở Hội An, trong những năm qua, Trung tâm đã sao chụp một khối lượng lớn tư liệu Hán Nôm liên quan đến Hội An được lưu trữ, bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I - Hà Nội, đó là địa bạ và châu bản triều Nguyễn. Nhận thấy, địa bạ là nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của làng xã ở Hội An, Trung tâm đã tổ chức dịch thuật, biên soạn nội dung và xuất bản tập sách “Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí vào năm 2020. Đây được xem là tập sách giới thiệu gần như đầy đủ nhất về tiến trình hình thành và phát triển của các làng xã ở Hội An trong lịch sử, nhất là giai đoạn trước năm 1945. Những làng xã được giới thiệu gồm xã Đại An, xã Đông An, xã Hòa An, xã Phụ lũy Hội An, xã Tân An, châu Kim Bồng, xã Thanh Châu, xã Thanh Hà, xã Tân Hiệp, xã Phong Hộ, xã Minh Hương, xã An Mỹ, phường Xuân Mỹ, xã Phụ lũy Cẩm Phô, xã Hoa Phô, xã Để Võng.

      Qua các tư liệu được giới thiệu trong tập sách, có thể thấy làng xã ở Hội An có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, do xuất phát từ những đặc điểm hình thành trong quá trình di dân, khai cơ, khẩn hoang lập làng, hội nhập dân cư, hoạt động kinh tế truyền thống nông, ngư nghiệp, thủ công nghiệp gắn với sự phát triển kinh tế thương nghiệp, thương mại quốc tế,... và cả gắn với địa chính trị - lịch sử - văn hóa mà làng - xã ở Hội An qua các thời kỳ luôn có sự đan xen giữa cái chung, tổng thể và cái riêng, khác biệt.

      Bên cạnh đó, những văn bản Châu bản triều Nguyễn cũng được Trung tâm xử lý, dịch thuật để tổ chức bản thảo tập sách “Hội An qua châu bản triều Nguyễn”, được in ấn và xuất bản vào cuối tháng 11 năm nay.

      Ngoài ra, trên cơ sở các sắc phong gốc được sao chụp trong những năm qua và nội dung các sắc phong được sao chép lại trong tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên, thời gian qua, Trung tâm đã xử lý, dịch thuật và biên soạn bản thảo sách “Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 6 - Sắc phong”, dự kiến xuất bản vào đầu tháng 12 năm nay.

      Có thể thấy, trong thời gian qua, công tác sưu tầm, sao chụp, xử lý, bảo quản, dịch thuật, biên soạn và xuất bản ấn phẩm về di sản tư liệu Hán Nôm Hội An được triển khai liên tục. Phạm vi, đối tượng, địa điểm ngày càng được mở rộng và chuyên sâu; nguồn lực và phương pháp thực hiện cũng đa dạng hơn. Việc biên soạn và xuất bản di sản tư liệu Hán Nôm Hội An đã đáp ứng kịp thời nhu cầu khỏa lấp các khoảng trống nhận thức về lịch sử - văn hóa Hội An, đồng thời đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của nhân dân và các nhà nghiên cứu. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao lòng tự hào về truyền thống địa phương mà còn góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội Hội An.
 
 
 
 

Tác giả: Phòng Tư liệu và Thông tin Di sản

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây