Con trâu qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ
- Chủ nhật - 07/03/2021 20:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tết đến, xuân về, nỗi háo hức mong chờ, ước ao bao điều tốt lành, may mắn theo sắc mai/đào, nắng mới, chồi biếc lộc xuân, cứ ăm áp dội vào lòng người và vạn vật. Xuân qua rồi xuân lại tới, cứ tuần hoàn mà nhật nhật tân, hựu nhật tân. Có nhiều vô kể tết trâu trong lịch sử nhưng đã thành quá khứ. Tết trâu mới - Tân Sửu năm nay (2021) khác hẳn hơn bao giờ hết, bởi sau một năm Canh Tý nhiều khó khăn, nỗi vất vả, lo âu do dịch bệnh (COVID - 19) và thiên tai khắc nghiệt. Mọi người đều háo hức đón chào năm mới, mong xua tan năm cũ với nhiều khát vọng tốt đẹp. Tuy vậy, dù cho điều kiện sống đã cho con người những đổi thay với nhiều ước vọng, nhưng về văn hóa, những hàm ý ẩn chìm, các lớp văn hóa cũ mới vẫn xuyến luyến với nhau khiến người ta hay hoài niệm, nhớ nhung.
Trong hệ lịch can chi, năm Sửu - tuổi Sửu tức là tuổi con trâu, đứng hàng thứ 2 trong 12 con giáp và hàng đầu trong lục súc (6 con vật nuôi trong nhà gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn). Chẳng rõ con trâu đã được trước bạ trên địa dư trái đất từ bao giờ, chỉ biết các nhà khoa học đã tìm thấy “hóa thạch trâu” có niên đại cách ngày nay hàng chục vạn năm trong các hang động ở miền Bắc nước ta. Trâu tượng trưng cho sự siêng năng, lòng kiên nhẫn, vững vàng và sự bền bỉ. Hơn nữa, trâu vốn còn là con vật nuôi có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống sản xuất và văn hóa của cư dân nông nghiệp, con trâu đã gắn bó với làng xóm của người nông dân từ miền xuôi đến miền ngược, vùng đồng bằng và miền núi, cao nguyên từ bao đời nay. Có thể nói, không có con vật nuôi nào trở thành như người bạn gắn bó thân thiết, gần gũi, thủy chung son sắt với người nông dân Việt Nam hàng nghìn năm nay như con trâu. Hình ảnh con trâu kéo cày trên ruộng đồng trồng lúa, hay con trâu đứng, nằm gặm, nhai cỏ trên bãi (cỏ), hoặc đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm giác thị vị thanh bình vùng quê Việt Nam. Con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền. Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng thể hiện một nét văn hóa và là biểu tượng không chính thức của Việt Nam. Nó được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua và trong văn thơ, hội họa, âm nhạc từ dân gian đến đương đại, nhất là trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian Việt Nam, mà ở đó con người muốn gửi gắm nhiều quan niệm, triết lý nhân sinh.
Với cư dân nông nghiệp người Việt xưa, con trâu là cả một khối tài sản, vốn liếng khổng lồ của một gia đình, “là đầu cơ nghiệp”. Thật không gì quý hóa ý nghĩa như con trâu đối với người nông dân. Thâm chí ngay cả những người tầng lớp trên trong xã hội xưa cũng xem trâu là “thước đo” của sự giàu sang, sung túc. Ai quên được hình ảnh gã phú ông giàu nứt đố, đổ vách khoe mình có “ba bò chín trâu”. Và “Ruộng sâu trâu nái” cùng với “con gái đầu lòng” sẽ là niềm hạnh phúc, hãnh diện nhất của một nông phu ở thôn quê. Ở đây, nói về hạnh phúc của các cặp vợ chồng trẻ lần đầu được làm cha, làm mẹ nhưng gián tiếp cho chúng ta biết quan niệm về sự giàu có. Người nông dân xưa quan niệm, đấng nam nhi trong đời có ba việc lớn: lấy vợ, làm nhà và có một con trâu:
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Cả ba việc ấy thật là khó thay
Trong sinh hoạt nông nghiệp, công việc của người nông dân vốn nặng nhọc, với bao công đoạn làm đất, gieo cấy, thu hoạch... con trâu tỏ rõ vai trò là người bạn thân thiết, người bạn đồng hành san sẻ cùng con người trong mọi việc từ cày, bừa, chở lúa, ngô, khoai và phân bón ruộng, và tất cả những gì mà sức người không kham nổi, trâu đều giúp người một cách lặng lẽ. Trong khi đó, nuôi trâu không tốn kém và công sức, bởi trâu không kén ăn mà sức chịu đựng lại dẻo dai. Thức ăn cho trâu chỉ là những phế phẩm từ nông nghiệp như rơm, rạ, cọng rau khoai, thân cây bắp, ngọn mía, cỏ dại...
Chính vì vậy, trâu là một tài sản quý của người nông dân. Chỉ có “thằng Bờm dại ngốc” mới từ chối đổi “ba bò chín trâu” cho cái quạt mo của mình. Trâu là tài sản, vì vậy người xưa thường nhắc nhở: “Sai con toán bán con trâu”, nghĩa là làm ăn, buôn bán không cẩn thận là bán “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Thật hiếm có con vật nuôi nào mà tình cảm tha thiết, trìu mến, thân thương với con người như con trâu. Từ thuở ấu thơ chúng ta đã từng nghe câu ca dao qua lời ru, với lời nhắn gửi thiết tha, ân tình sâu nặng của nhà nông với bạn trâu đồng hành chung thủy:
Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công,
Bao giờ cây lúa có bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Hình ảnh bức tranh quê luôn lưu lại trong ký ức mỗi con người Việt Nam hết sức đặc sắc, hàm chứa những giá trị nhân văn vĩnh hằng: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu; Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Ai cũng hiểu, cảm nhận được đằng sau vẻ đẹp lao động thanh bình, hạnh phúc kia là bao cực nhọc, vất vả của người nông dân. Và điều đáng nói hơn, con trâu hiện lên bình đẳng với người như một chủ thể lao động không thể bỏ sót trong cuộc sống của người nông dân.
Mặt khác, bên cạnh lớp/nghĩa đen đi từ tục đến thiêng, con trâu đi vào nghĩa bóng, hoặc chen lẫn lớp nghĩa bóng bằng các thủ pháp so sánh ví von, ẩn dụ, phúng dụ... khá phong phú, phản ánh đời sống tâm lý phức tạp muôn vẻ của con người với con người và xã hội.
“Trâu chết để da, người chết để tiếng”, nghĩa là trâu chết còn da để dùng làm nhiều việc, người ta chết để lại tiếng thơm hay xấu. Cách ví von trên có giá trị cảnh tỉnh rất cao, là lời răn dạy nhẹ nhàng của người xưa: đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn nên giữ gìn lấy cốt cách, phẩm hạnh. Và nét tâm lý phức tạp này có giá trị phổ biến bởi nó là một dạng suy nghĩ và hành động giống nhau của mọi người: “Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy”;“ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”; “Trâu dê lúc chết tế ruồi, sao bằng lúc sống ngọt bùi là hơn” để lại bài học về cách ứng xử sao cho hài hòa, êm đẹp. “Trâu bò được ngày phá cỗ, con cháu được ngày giỗ ông” chứa đựng niềm hạnh phúc hiếm hoi, no đủ khi con cháu tưởng nhớ ông bà. Quan hệ mua bán sòng phẳng có: “Trâu trao trạc (thừng), bạc trao tay”;“Trâu buộc thì ghét trâu ăn, Quan võ thì ghét quan văn dài quần” nói về sự ganh ghét nhỏ nhen, đố kỵ tầm thường thời nào cũng tồn tại. “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết” chính là nỗi oan gia mà người dân thấp cổ bé họng thường bị cuốn theo, kẻ dưới thiệt thòi khi cấp trên xung đột. Những ai bị nhiều tầng áp bức có thể thấy mình qua hình ảnh: “Voi đạp cũng chết, trâu đạp cũng chết”; “Trâu chậm uống nước đục” hay “Trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo” là hiện thực không mấy dễ chịu luôn diễn ra trong cuộc chiến giành sự sống giữa đời thường. “Trâu lấm vấy càn” liên hệ đến kẻ ưa nói xấu người khác. “Trâu lành không ai mặc cả, trâu ngã khối kẻ cầm dao”, lợi dụng lúc người đang yếu thế mà tấn công. Để từ đó dẫn đến cảnh “làm ăn như mổ bò, mổ trâu”, huyên náo ầm ỹ mà hiệu quả không ra gì. “Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng”, ý nói người ích kỷ, chỉ biết lo cho phần mình. Người cầm tinh con trâu tự cho mình là vất vả, phải “kéo cày trả nợ”. Nhất là “Trâu đẻ tháng mười, người đẻ tháng sáu” đem lại niềm vui không trọn vẹn, không đúng lúc, bởi tháng mười và tháng sáu là hai tháng bận rộn gặt hái nhất của nhà nông ngày xưa. Kẻ hợm mình về học vấn có thể soi gương qua câu thành ngữ: “Trâu kén cỏ trâu gầy, trò kén thầy trò dốt”. Với hình ảnh “trâu” và “cỏ” người xưa bộc lộ quan niệm hôn nhân trong nội bộ làng xã, o bế, khép kín (đến nay không còn phù hợp): “Trâu ta ăn cỏ đồng ta, tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm”. Những cuộc hôn nhân kiểu này, sự chủ động chỉ ở một phía đàn ông bởi quan niệm: “Trâu đi tìm cọc ai đời cọc đi tìm trâu” và kén chọn nhân duyên rồi có ngày giật mình: “trâu quá sá, mạ quá thì”. Có câu: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn”... nhưng cũng chính dân gian lại có cách lý giải, có vẻ “biện chứng” hơn là “Vợ dại thì đẻ con khôn, trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm”...
Cũng không phải ngẫu nhiên, hình ảnh “trâu” luôn hiện lên đối sánh với “bò”, chúng tương đồng về vóc dáng, khối lượng công việc nhưng sức lực lại nhiều khác biệt: “Yếu trâu hơn khỏe bò”; “Trâu ho hơn bò rống”. Và dân gian có cả một núi tri thức để chọn giống, xem tướng trâu bò. “Trâu cổ cò, bò cổ giải (con giải - rùa); tai lá mít, đít lồng bàn, sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, xoáy tròn”... là cách tìm trâu bò khỏe. “Trâu cổ tròn (dài); bò cổ ngắn, (có ngấn)”; Trâu dắt ra (đồng), bò dắt vào (chuồng)” cho kinh nghiệm chọn trâu bò siêng năng. “Trâu to ngà (sừng), càng già đường kéo”; “Trâu khỏe chẳng lo cày trưa, mạ già ruộng ngấu không lo bạn điền”. Trẻ mục đồng phải biết: “Trâu dong, bò dắt (vì bò hay đá hậu). Tướng “Trâu hoa tai, bò gai sừng”; “Trâu mõm đen, bò lưỡi trắng” chỉ loại trâu bò yếu, không đủ sức cày, bừa. Tệ hơn nữa là: “Trâu nghiến hàm, bò bạch thiệt (lưỡi trắng)” hay “trâu trắng đi đâu, mất mùa đến đấy”. Theo quan niệm duy tâm trâu bò loại này thường báo điềm không hay cho gia chủ. Trâu trắng bị bạch biến, rất hiếm thấy, ý chỉ những người không may mắn vì khác mọi người xung quanh, bị coi là lạc loài, điềm xấu.
Hình ảnh con trâu không chỉ gắn liền với văn hóa cổ truyền mà còn được tiếp nối trong các hoạt động văn hóa, thể thao hiện đại. Con trâu vàng là biểu tượng được chọn của SEA Games 22 (năm 2003), với ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và thể hiện tinh thần thượng võ của người Việt, sức mạnh của văn hóa truyền thống. Rõ ràng ở nước ta, trong sinh hoạt văn hóa, con trâu đã giữ một vai trò đáng kể:
“Con trâu gắn với con người
Đẩu ngưu rực rỡ muôn đời còn soi”
Với cư dân nông nghiệp người Việt xưa, con trâu là cả một khối tài sản, vốn liếng khổng lồ của một gia đình, “là đầu cơ nghiệp”. Thật không gì quý hóa ý nghĩa như con trâu đối với người nông dân. Thâm chí ngay cả những người tầng lớp trên trong xã hội xưa cũng xem trâu là “thước đo” của sự giàu sang, sung túc. Ai quên được hình ảnh gã phú ông giàu nứt đố, đổ vách khoe mình có “ba bò chín trâu”. Và “Ruộng sâu trâu nái” cùng với “con gái đầu lòng” sẽ là niềm hạnh phúc, hãnh diện nhất của một nông phu ở thôn quê. Ở đây, nói về hạnh phúc của các cặp vợ chồng trẻ lần đầu được làm cha, làm mẹ nhưng gián tiếp cho chúng ta biết quan niệm về sự giàu có. Người nông dân xưa quan niệm, đấng nam nhi trong đời có ba việc lớn: lấy vợ, làm nhà và có một con trâu:
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Cả ba việc ấy thật là khó thay
Trong sinh hoạt nông nghiệp, công việc của người nông dân vốn nặng nhọc, với bao công đoạn làm đất, gieo cấy, thu hoạch... con trâu tỏ rõ vai trò là người bạn thân thiết, người bạn đồng hành san sẻ cùng con người trong mọi việc từ cày, bừa, chở lúa, ngô, khoai và phân bón ruộng, và tất cả những gì mà sức người không kham nổi, trâu đều giúp người một cách lặng lẽ. Trong khi đó, nuôi trâu không tốn kém và công sức, bởi trâu không kén ăn mà sức chịu đựng lại dẻo dai. Thức ăn cho trâu chỉ là những phế phẩm từ nông nghiệp như rơm, rạ, cọng rau khoai, thân cây bắp, ngọn mía, cỏ dại...
Chính vì vậy, trâu là một tài sản quý của người nông dân. Chỉ có “thằng Bờm dại ngốc” mới từ chối đổi “ba bò chín trâu” cho cái quạt mo của mình. Trâu là tài sản, vì vậy người xưa thường nhắc nhở: “Sai con toán bán con trâu”, nghĩa là làm ăn, buôn bán không cẩn thận là bán “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Thật hiếm có con vật nuôi nào mà tình cảm tha thiết, trìu mến, thân thương với con người như con trâu. Từ thuở ấu thơ chúng ta đã từng nghe câu ca dao qua lời ru, với lời nhắn gửi thiết tha, ân tình sâu nặng của nhà nông với bạn trâu đồng hành chung thủy:
Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công,
Bao giờ cây lúa có bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Hình ảnh bức tranh quê luôn lưu lại trong ký ức mỗi con người Việt Nam hết sức đặc sắc, hàm chứa những giá trị nhân văn vĩnh hằng: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu; Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Ai cũng hiểu, cảm nhận được đằng sau vẻ đẹp lao động thanh bình, hạnh phúc kia là bao cực nhọc, vất vả của người nông dân. Và điều đáng nói hơn, con trâu hiện lên bình đẳng với người như một chủ thể lao động không thể bỏ sót trong cuộc sống của người nông dân.
Mặt khác, bên cạnh lớp/nghĩa đen đi từ tục đến thiêng, con trâu đi vào nghĩa bóng, hoặc chen lẫn lớp nghĩa bóng bằng các thủ pháp so sánh ví von, ẩn dụ, phúng dụ... khá phong phú, phản ánh đời sống tâm lý phức tạp muôn vẻ của con người với con người và xã hội.
“Trâu chết để da, người chết để tiếng”, nghĩa là trâu chết còn da để dùng làm nhiều việc, người ta chết để lại tiếng thơm hay xấu. Cách ví von trên có giá trị cảnh tỉnh rất cao, là lời răn dạy nhẹ nhàng của người xưa: đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn nên giữ gìn lấy cốt cách, phẩm hạnh. Và nét tâm lý phức tạp này có giá trị phổ biến bởi nó là một dạng suy nghĩ và hành động giống nhau của mọi người: “Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy”;“ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”; “Trâu dê lúc chết tế ruồi, sao bằng lúc sống ngọt bùi là hơn” để lại bài học về cách ứng xử sao cho hài hòa, êm đẹp. “Trâu bò được ngày phá cỗ, con cháu được ngày giỗ ông” chứa đựng niềm hạnh phúc hiếm hoi, no đủ khi con cháu tưởng nhớ ông bà. Quan hệ mua bán sòng phẳng có: “Trâu trao trạc (thừng), bạc trao tay”;“Trâu buộc thì ghét trâu ăn, Quan võ thì ghét quan văn dài quần” nói về sự ganh ghét nhỏ nhen, đố kỵ tầm thường thời nào cũng tồn tại. “Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết” chính là nỗi oan gia mà người dân thấp cổ bé họng thường bị cuốn theo, kẻ dưới thiệt thòi khi cấp trên xung đột. Những ai bị nhiều tầng áp bức có thể thấy mình qua hình ảnh: “Voi đạp cũng chết, trâu đạp cũng chết”; “Trâu chậm uống nước đục” hay “Trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo” là hiện thực không mấy dễ chịu luôn diễn ra trong cuộc chiến giành sự sống giữa đời thường. “Trâu lấm vấy càn” liên hệ đến kẻ ưa nói xấu người khác. “Trâu lành không ai mặc cả, trâu ngã khối kẻ cầm dao”, lợi dụng lúc người đang yếu thế mà tấn công. Để từ đó dẫn đến cảnh “làm ăn như mổ bò, mổ trâu”, huyên náo ầm ỹ mà hiệu quả không ra gì. “Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng”, ý nói người ích kỷ, chỉ biết lo cho phần mình. Người cầm tinh con trâu tự cho mình là vất vả, phải “kéo cày trả nợ”. Nhất là “Trâu đẻ tháng mười, người đẻ tháng sáu” đem lại niềm vui không trọn vẹn, không đúng lúc, bởi tháng mười và tháng sáu là hai tháng bận rộn gặt hái nhất của nhà nông ngày xưa. Kẻ hợm mình về học vấn có thể soi gương qua câu thành ngữ: “Trâu kén cỏ trâu gầy, trò kén thầy trò dốt”. Với hình ảnh “trâu” và “cỏ” người xưa bộc lộ quan niệm hôn nhân trong nội bộ làng xã, o bế, khép kín (đến nay không còn phù hợp): “Trâu ta ăn cỏ đồng ta, tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm”. Những cuộc hôn nhân kiểu này, sự chủ động chỉ ở một phía đàn ông bởi quan niệm: “Trâu đi tìm cọc ai đời cọc đi tìm trâu” và kén chọn nhân duyên rồi có ngày giật mình: “trâu quá sá, mạ quá thì”. Có câu: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn”... nhưng cũng chính dân gian lại có cách lý giải, có vẻ “biện chứng” hơn là “Vợ dại thì đẻ con khôn, trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm”...
Cũng không phải ngẫu nhiên, hình ảnh “trâu” luôn hiện lên đối sánh với “bò”, chúng tương đồng về vóc dáng, khối lượng công việc nhưng sức lực lại nhiều khác biệt: “Yếu trâu hơn khỏe bò”; “Trâu ho hơn bò rống”. Và dân gian có cả một núi tri thức để chọn giống, xem tướng trâu bò. “Trâu cổ cò, bò cổ giải (con giải - rùa); tai lá mít, đít lồng bàn, sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, xoáy tròn”... là cách tìm trâu bò khỏe. “Trâu cổ tròn (dài); bò cổ ngắn, (có ngấn)”; Trâu dắt ra (đồng), bò dắt vào (chuồng)” cho kinh nghiệm chọn trâu bò siêng năng. “Trâu to ngà (sừng), càng già đường kéo”; “Trâu khỏe chẳng lo cày trưa, mạ già ruộng ngấu không lo bạn điền”. Trẻ mục đồng phải biết: “Trâu dong, bò dắt (vì bò hay đá hậu). Tướng “Trâu hoa tai, bò gai sừng”; “Trâu mõm đen, bò lưỡi trắng” chỉ loại trâu bò yếu, không đủ sức cày, bừa. Tệ hơn nữa là: “Trâu nghiến hàm, bò bạch thiệt (lưỡi trắng)” hay “trâu trắng đi đâu, mất mùa đến đấy”. Theo quan niệm duy tâm trâu bò loại này thường báo điềm không hay cho gia chủ. Trâu trắng bị bạch biến, rất hiếm thấy, ý chỉ những người không may mắn vì khác mọi người xung quanh, bị coi là lạc loài, điềm xấu.
Hình ảnh con trâu không chỉ gắn liền với văn hóa cổ truyền mà còn được tiếp nối trong các hoạt động văn hóa, thể thao hiện đại. Con trâu vàng là biểu tượng được chọn của SEA Games 22 (năm 2003), với ước vọng về mùa màng tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc, sức mạnh và thể hiện tinh thần thượng võ của người Việt, sức mạnh của văn hóa truyền thống. Rõ ràng ở nước ta, trong sinh hoạt văn hóa, con trâu đã giữ một vai trò đáng kể:
“Con trâu gắn với con người
Đẩu ngưu rực rỡ muôn đời còn soi”