Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hoá Thế giới

https://hoianheritage.net


Cảnh quan di tích kiến trúc nghệ thuật ở xã Cẩm Kim

Kim Bồng (Cẩm Kim ngày nay) là một trong những làng xã được thành lập khá sớm ở Hội An. Trước đây, cư dân Kim Bồng sinh sống bằng nhiều nghề, trong đó nổi tiếng là nghề mộc và nghề buôn. Nhờ vậy mà đời sống kinh tế của cư dân tương đối khá giả, nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng được dân cư trong xóm ấp đầu tư xây dựng như: nhà thờ Tứ tộc, đình Năm Căn, chùa Hội Nguyên… Ngoài ra, nhiều công trình kiến trúc dân dụng có giá trị cũng được dựng nên. Dưới tác động của điều kiện khí hậu, mưa gió bão lụt trong thời gian dài, lại bị ảnh hưởng của chiến tranh nên một số công trình kiến trúc này đã bị hư hại hoàn toàn.
dinh Kim Bong
Đình tiền hiền Kim Bồng    Ảnh: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận hầu hết các di tích kiến trúc nghệ thuật hiện còn ở Cẩm Kim phân bố chủ yếu ở thôn Phước Trung (tức thôn Phước Thắng, Trung Châu trước đây) và một di tích ở thôn Trung Hà, gồm các công trình dân dụng (nhà ở, giếng nước), công trình tôn giáo, tín ngưỡng (chùa, đình, lăng, miếu, nhà thờ tộc). Bên cạnh di tích kiến trúc nghệ thuật còn có các di tích lịch sử cách mạng ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của quân và dân Cẩm Kim trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Theo Danh mục di tích – Danh thắng Hội An do UBND Thành phố ban hành, hiện nay xã Cẩm Kim có 08 di tích lịch sử cách mạng và 21 di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật. Trong số đó, 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (nhà thờ tộc Phan Xuân) và 02 di tích xếp hạng cấp tỉnh (đình Tiền hiền Kim Bồng và chùa Kim Bửu).
Có thể nói, cảnh quan các di tích kiến trúc hiện còn ở Cẩm Kim gắn chặt với cảnh quan sinh thái – văn hóa của địa phương. Với địa thế nằm bên bờ sông Thu Bồn, xã Cẩm Kim có nhiều loại hình cảnh quan sinh thái – văn hóa như các khu vực dọc bờ sông, các hói nước nhỏ ăn sâu vào đất liền, các bãi bồi, các khu vực sản xuất nông nghiệp, các cụm dân cư với đường làng ngõ xóm quanh co... Tất cả giúp “làm mềm” các công trình kiến trúc trên nền thiên nhiên. Cảnh quan tuy giản dị nhưng lại là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, phổ biến trong làng xã Việt Nam nói chung, khu vực Hội An nói riêng.
Cũng như bao làng quê khác, trải qua quá trình sinh sống, các thôn xóm đa phần phát triển tự phát nhưng người dân địa phương luôn ưu tiên những nơi có địa thế đẹp nhất để xây dựng các công trình kiến trúc như đình, chùa, lăng miếu, nhà thờ tộc,... nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Các công trình này dần trở thành thiết chế cốt yếu của làng xã, bộ khung của cấu trúc làng. Mặc cho những biến đổi thăng trầm của lịch sử và các yếu tố bất lợi của điều kiện tự nhiên, một số công trình vẫn tồn tại đến ngày nay, là một phần trong kho tàng di sản văn hoá vật thể quý giá của vùng đất Cẩm Kim.  
Mặc dù nằm trong khu vực có địa hình thấp trũng, thường xuyên chịu tác động của lũ lụt nhưng không gian kiến trúc các di tích ở Cẩm Kim đều không có xu hướng phát triển theo chiều cao mà dàn trải trên mặt bằng và theo chiều ngang, nhấn mạnh theo chiều sâu (dựa vào khoảng lùi xây dựng và bố cục mặt bằng tổng thể), sự chênh lệch về độ cao giữa các khối công trình (trong cùng một di tích hoặc khuôn viên) không đáng kể nhưng vẫn tạo được yếu tố chính – phụ rất rõ nét, hài hòa với cảnh quan chung quanh.  
Các di tích tôn giáo, tín ngưỡng hiện còn ở Cẩm Kim có quy mô nhỏ và vừa, nằm đan xen trong các khu dân cư, gắn chặt với khu dân cư, trở thành một thành phần hữu cơ tổng thể của thôn, xóm. Các hạng mục kiến trúc, mỗi khối công trình đều được bố cục đăng đối, không gian nội thất được trang trí bằng hoành phi, liễn đối, khu vực thờ tự bài trí chỉnh chu. Trang trí trên hệ mái cũng rất được chú trọng. Mái lợp ngói âm dương, bờ nóc uốn cong nhẹ hoặc xây thẳng, chia thành các ô hộc; bờ chảy cũng xây uốn cong nhẹ, giật cấp để tạo dáng. Bờ nóc, bờ chảy được trang trí đề tài lưỡng long tranh châu, giao lá… tạo sự sinh động, cùng với rêu phong trên ngói âm dương làm nên vẻ đẹp cổ kính của hệ mái và cả công trình, góp phần gợi nên không gian tâm linh và ý thức về sự tôn nghiêm cho người dân lẫn du khách khi đến tham quan, chiêm bái. Đây là những điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng của người dân địa phương, đến nay vẫn được duy trì thường xuyên.
Bên cạnh các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở Cẩm Kim còn khoảng 13 ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống, hoặc trước đây là nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống, nay đã bị cải tạo lại một phần. Các ngôi nhà này đều do thợ Kim Bồng xây dựng, có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Trong số đó, có 05 ngôi nhà đã được đưa vào Danh mục di tích được bảo vệ của Thành phố. Hiện không có đủ tư liệu nên chúng tôi không thể xác định niên đại xây dựng nhà, tuy nhiên, dựa vào kiểu dáng, kết cấu kiến trúc có thể ước đoán những ngôi nhà này đều được xây dựng cách đây trên trăm năm. Nhà có quy mô nhỏ và vừa, phân bố dọc theo những con đường làng, bao bọc bởi vườn rau, cây ăn trái; rào chè tàu xanh mướt. Hình thức kiến trúc nhà, bố trí công năng nhà ở cũng đơn giản, phù hợp với khí hậu và tập quán sinh hoạt, sản xuất địa phương. Một số nhà có khuôn viên rộng rãi còn bố trí một khoảng không gian làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm, bên cạnh là cây rơm. Các ngôi nhà này trước đây đều dùng để ở, thờ tự ông bà tổ tiên. Qua vài thế hệ, nếp sống, cách bố trí không gian sinh hoạt trong những ngôi nhà này vẫn còn được giữ gìn khá nguyên vẹn, mang đậm bản sắc văn hóa của người dân địa phương.
Hệ khung chịu lực trong các di tích kiến trúc nghệ thuật (cả đình, chùa, miếu lẫn nhà ở truyền thống) hầu hết bằng gỗ. Từ các thành phần kết cấu gỗ (cột, kèo, trính...) đến khám thờ đều được đẽo gọt thon thả, thanh thoát, vừa làm đẹp cho không gian nội thất vừa làm giảm sự thô mộc, đơn điệu, nặng nề của cấu kiện. Hệ vì kèo, trụ đội… là những bộ phận được chú ý trang trí nhiều nhất, khá cầu kỳ, chi tiết với nhiều đồ án mang ý nghĩa cát tường, vật linh, hoa dây, trang trí theo lối chạm nổi kết hợp chạm lộng. Các họa tiết này rất quen thuộc, phản ánh quan niệm tâm linh của người dân địa phương, đồng thời có giá trị thẩm mỹ cao, thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân mộc Kim Bồng. Đây là nguồn cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quan trọng để nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc truyền thống và nếp sống, sinh hoạt của cư dân địa phương, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật ở Hội An nói chung và Cẩm Kim nói riêng.
Hầu hết các di tích có hiện trạng kiến trúc tốt (ngoại trừ một vài ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân, tập thể chưa có điều kiện tu bổ). Một số dự án góp phần tôn tạo cảnh quan kiến trúc Cẩm Kim đang được các cơ quan, ban ngành của Thành phố nghiên cứu, triển khai thực hiện như: Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm làng mộc Kim Bồng; Sửa chữa, cải tạo nhà đón tiếp và trưng bày tại Làng mộc Kim Bồng... Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch địa phương. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang gây tác động không nhỏ đến cảnh quan sinh thái – văn hóa cũng như cảnh quan của các di tích kiến trúc xã Cẩm Kim, ngày càng có nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng hơn.
Bảo tồn di tích không chỉ là việc giữ gìn, tu bổ các hạng mục của di tích kiến trúc mà còn phải lưu tâm bảo tồn cảnh quan di tích và cả các sinh hoạt văn hóa gắn liền với di tích. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích kiến trúc nghệ thuật ở xã Cẩm Kim phải gắn với việc bảo tồn cảnh quan kiến trúc, cảnh quan sinh thái – văn hóa của làng quê, đảm bảo theo định hướng chung của thành phố về phát triển xã Cẩm Kim trong thời gian đến, đồng thời phù hợp với các chương trình trong kế hoạch về quản lý và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững tại làng mộc Kim Bồng. Như  Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng từng phát biểu: “Chủ trương của lãnh đạo thành phố là cần chú trọng bảo vệ, cải tạo không gian cảnh quan đồng thời là không gian phát triển kinh tế trọng tâm, đó là cảnh quan nông nghiệp, cảnh quan nông thôn, cảnh quan làng nghề và cảnh quan sông nước, cồn bãi. Duy nhất Cẩm Kim là một địa phương đến thời điểm hiện tại còn hội đủ những điều kiện cần thiết về nguồn dự dự trữ tài nguyên rất là quý về mặt không gian phát triển của Hội An. Nếu chúng ta giữ được những cái gì tốt đẹp nhất của Cẩm Kim thì sẽ đem lại sự đổi thay và lợi ích rất lớn không chỉ cho dân Cẩm Kim mà cho cả Hội An[1].
 
* Tài liệu tham khảo: 
1. Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam (2008), Kỷ yếu Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam, Công ty cổ phần In và Dịch vụ Quảng Nam.
2. Lý lịch các di tích ở xã Cẩm Kim – Hồ sơ lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
 

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây