Các vị thần được tôn thờ chính ở Thanh Hà trước năm 1945
- Chủ nhật - 01/03/2020 20:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong lịch sử, Thanh Hà là làng có địa giới bao gồm xã Cẩm Hà và phương Thanh Hà hiện nay. Đây là làng ở vị trí cực Tây của Hội An, cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2km về phía Tây. Làng có địa hình đa dạng, phía Nam giáp sông Thu Bồn, phía Bắc giáp sông Cổ Cò. Địa hình chủ yếu là các trảng, nông cát gắn với các bàu nước cùng một ít đất ruộng. Từ điều kiện địa lý, địa hình đã hình thành nên sự đa dạng về văn hóa ngành nghề, văn hóa tín ngưỡng, đối tượng thờ tự trong các di tích tín ngưỡng để hỗ trợ cho đời sống văn hóa tâm linh của cư dân. Trong bài viết này xin giới thiệu một số thông tin liên quan đến các vị thần được thờ chính tại các di tích tín ngưỡng ở Thanh Hà trước năm 1945 qua tài liệu khảo sát của Viện Viễn đông bác cổ.
Đình làng Thanh Hà - Ảnh: Nguyễn Cường
Tài liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn đông Bác cổ khảo sát năm 1941- 1943, phần làng Thanh Hà có ghi: “Thổ sản của làng này đặc biệt có rau sống, lúa, khoai, sắn... Trừ rau sống là có sản xuất chứ các thực phẩm khác thì không đủ tiêu dùng cho dân làng. Nghề nghiệp làng này có đặc điểm là ngói, gạch, làm đồ gốm... Làng cũng có nghề đánh bắt cá nhưng sơ sài. Nghề nông thì chiếm được một nửa của làng. Ngoài các nghề chuyên môn ấy thì cũng còn các nghề khác nhưng không đáng kể”. Theo thông tin tham vấn cộng đồng làng Thanh Hà vào tháng 9 năm 2018, có ít nhất 61 nghề thuộc 9 nhóm ngành nghề đã tồn tại trên địa bàn làng Thanh Hà, trong đó có 21 ngành trước đây có nhưng nay không còn. Qua đó, cho thấy cơ cấu kinh tế của Thanh Hà trước năm 1975 là: Nông nghiệp - thủ công nghiệp - ngư nghiệp - thương mại, dịch vụ.
Theo đó, đối với một số ngành nghề và tùy vào vị trí địa lý của mỗi thôn ấp mà người dân có những thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo, đối tượng thờ tự tương ứng, phù hợp.
Trong năm 1941-1943, theo khảo sát của Viện Viễn đông Bắc cổ, ở Thanh Hà đã có những công trình tôn giáo tín ngưỡng khá qui mô như sau: Chùa Vạn Đức, Chùa Phước Lâm, Chùa Long Tuyền, chùa Phước Long, Đình Thanh Hà, Miếu Tiền hiền, Văn thánh miếu, miếu Tam vị (thờ ba vị: Ông Tứ, Ông Bích, Ông Cụt), nhà thờ tộc có nhà thờ tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Võ Đình, Võ Văn, tộc Ngụy, Nguyễn Văn (một tộc khác).
Theo Quảng Nam xã chí, các vị thần chính được sắc phong ở Thanh Hà trong thời Nguyễn (27 đạo sắc phong thần) là:
1. Ngọc Lân tôn thần: 4 đạo sắc phong thần.
2. Thành Hoàng: 4 đạo sắc phong.
3. Đại Càn: 4 đạo sắc phong.
4. Bạch Mã: 4 đạo sắc phong.
5. Tứ dương: 1 đạo sắc phong.
6. Ngũ Hành tiên nương: 1 đạo sắc phong.
7. Thủy long: 1 đạo sắc phong.
8. Quan Thánh: 1 đạo sắc phong.
9. Chúa Ngọc:1 đạo sắc phong.
Về tục thờ 3 ông Tứ, ông Bích, ông Cụt, thần tích về 3 vị thần này được mô tả như sau: Tục truyền ngày xưa trong làng Thanh có một người con gái nhà họ Nguyễn gả cho ông Thiệp người làng Đại Lợi, huyện Đại Lộc. Sau khi cưới hai vợ chồng sinh sống ở làng Thanh Hà, sau một thời gian bà có thai nhưng đến ba năm mới sinh, khi lâm bồn bà sinh được ba cái trứng, hai vợ chồng cho là đều quái dị, bỏ ba cái trứng ấy trong một cái om thả xuống sông, om trứng ấy trôi ra đến hòn Cù Lao Chàm, làng Tân Hiệp, thuộc tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn, ba trứng nở được ba ông rắn, nương dựa nơi làng Tân Hiệp. Khi trưởng thành, ba ông về quê thăm cha mẹ, khi về gặp ông Thiệp đang dọn ruộng, ba ông bò luẫn quẫn bên chân nơi bờ cỏ, ông Thiệp cắt cỏ vô tình làm đứt cái đuôi một ông rắn nhỏ. Ông ứng đồng lên kể sự tích như trên cho cha mẹ và người làng biết và bảo làng phải làm miếu thờ ba ngài. Sau này, ba ông được thờ cả 3 nơi, đó là Tân Hiệp là nơi sinh ra, làng Thanh Hà là làng ngoại, làng Đại Lợi là làng nội.
Sau khi cha mẹ ba ông từ trần, hằng năm đến ngày tảo mộ cùng ngày kỵ nhật thì ba ông về nằm nơi mộ, hoặc ngày sóc, ngày vọng, khi người từ vào thắp hương thì thấy ba ông rắn nằm khoanh vòng trên cái khám miếu Tam vị.
Qua các thần được sắc phong phản ánh tập tục tín ngưỡng của cư dân Thanh Hà là vừa thờ những vị thần thờ phổ biến ở làng xã miền Trung Việt Nam đó là: Thành Hoàng, Bạch Mã, Ngũ Hành. Vừa có những vị thần liên quan mật thiết đến vị trí địa lý sông nước như Thủy long, Tứ vị Đại Càn, ngành nghề ngư nghiệp như Ngọc Lân tôn thần, ngành nghề thương mại và có liên quan đến cư dân Hoa, Minh Hương là Quan Thánh. Cũng có vị thần thể hiện sự kế thừa, giao lưu tín ngưỡng của cư dân Champa.
Những thông tin về các vị thần nêu trên sẽ góp phần làm cho việc đối chiếu đối tượng thờ trước đây và hiện nay được thuận lợi cũng như việc nhận diện sự biến đổi văn hóa theo thời gian trong lĩnh vực tín ngưỡng làng xã có cơ sở cụ thể.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền