Vài thông tin về di tích nhà thờ tộc Trần Đắc
- Thứ sáu - 26/06/2015 04:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong số các loại hình di tích ở phường Cẩm Nam, nhà thờ tộc là loại hình nổi bật hơn cả về số lượng với 5 ngôi nhà thờ. Không chỉ là nơi thờ tự các bậc tiên tổ dòng tộc đã có công khai phá lập làng cho đời đời con cháu sinh tồn, phát triển, những công trình này còn chứa đựng giá trị về kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Có thể minh chứng điều này qua ngôi nhà thờ của tộc Trần Đắc.
Nhà thờ tộc Trần Đắc hiện tọa lạc tại tổ 2, khối Xuyên Trung. Theo thông tin ghi lại trên tấm bia mộ ở phía trước tiền đường thì thủy tổ của tộc là ông Trần Đắc Đợi, sống vào thế kỷ XVII. Trong thời gian này, cùng với làn sóng di cư của phong trào Nam tiến theo chủ trương của các chúa Nguyễn, ông đã vào và chọn vùng đất này định cư. Dần dần khai hoang vỡ hóa đất đai, phát triển dòng tộc. Đến nay, tộc Trần Đắc đã trải qua 13 đời, phát triển thành 4 phái.
Để tưởng nhớ công lao các bậc tiên tổ trong buổi đầu khai cơ lập nghiệp, con cháu trong tộc đã dựng nên nhà thờ để thờ tự. Ban đầu nhà thờ làm ở khu vực Nam Ngạn nhưng do bị sạt lở, con cháu đã chuyển sang làm một ngôi nhà thờ khác tại vị trí hiện nay. Thời gian tạo lập nhà thờ này được ghi lại trên xà cò hiện còn lưu giữ ở nhà thờ là vào năm 1903 (năm Thành Thái Quý Mão). Lúc đó chỉ có phần từ đường. Đến năm 1959, nhà thờ được trùng tu lớn với việc nâng cao chân cột để tránh lũ lụt tàn phá, đồng thời làm mới phần hiên và làm cổng ngõ.
Từ đường có mặt tiền xoay về hướng Tây Nam. Bên trái và phía sau tiếp giáp với nhà dân, bên phải và phía trước tiếp giáp với đường đi. Khuôn viên từ đường được bao bọc bởi hàng rào vững chắc.
Cổng vào từ đường được làm theo kiểu tam quan, tương đối thấp, hài hòa với kiến trúc chung của từ đường. Cổng có 4 trụ xây tiết diện vuông, quét vôi màu vàng. Cách cổng khoảng 5m là một lư hương lớn hình vuông có ghi niên đại trùng tu từ đường năm 1959. Vào trong khoảng hơn 6m là đến từ đường. Từ đường làm theo kiểu 3 gian, 2 chái. Phần hiên kiểu kiến trúc Pháp, mái bằng, chính giữa mái có đắp nổi chữ Trần Đắc tộc theo dạng hình tròn. Đỡ mái hiên bằng cột hình tròn và hình vuông. Ngăn cách hiên với nội thất là hệ cửa đi bố trí ở ba gian giữa, mỗi bộ có 3 cánh. Phía trên cửa gắn các khuôn bông hình bông hoa, hình học.
Mái khu vực nội thất lợp ngói âm dương, trang trí đề tài Lưỡng long Chầu nguyệt ở bờ nóc. Đầu hồi đắp nổi hình con dơi. Đỡ mái ngói âm dương là hệ khung chịu lực bằng gỗ được đặt trên các viên đá táng có phần bên dưới hình vuông, phần bên trên hình tròn.
Trong nhà thờ bày trí bốn bức hoành và 1 cặp câu đối Hán tự. Câu đối Hán tự có nghĩa là: Con cháu nối đời thờ cúng, Đường môn rực rỡ ánh huy hoàng. Dưới đòn đông có xà cò gỗ khắc chữ Hán sơn màu đỏ trên nền màu xanh lục, có nghĩa là: Thời vua Thành Thái, giờ Kỷ Tỵ ngày Giáp Tuất 24/10 năm Quý Mão (1903) khắc ghi việc tộc Trần Đắc tạo lập từ đường.
Sát tường sau và tường Đông, Tây bố trí 7 án thờ. Khám tại các án thờ được trang trí tương đối cầu kỳ với trán khám kiểu cuốn thư trang trí đề tài Lưỡng Long triều dương, hai bên là những linh vật trong bộ tứ linh, bên dưới có trang trí rồng dây. Trụ khám cẩn hình rồng và lân.
Ngoài ra, ở tường Đông và Tây nội thất nhà thờ có 4 bức tranh vẽ màu rất sinh động.
Có thể nói, đây là một trong những nhà thờ tộc có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa hiện còn ở phường Cẩm Nam nói riêng, thành phố Hội An nói chung. Mặc dù có sự đan xen giữa kiến trúc trúc truyền thống Việt với kiểu thức kiến trúc mang phong cách Pháp nhưng vẫn tạo được sự hài hòa. Sự kết hợp này là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về sự giao thoa kiến trúc Việt - Pháp những năm đầu thế kỷ XX và có ảnh hưởng đến sau này. Di tích còn cung cấp những thông tin lịch sử quý cho thấy vị thế quan trọng của mảnh đất Cẩm Nam đối với quá trình hình thành cộng đồng làng xã ở Hội An trước đây.
Từ đường có mặt tiền xoay về hướng Tây Nam. Bên trái và phía sau tiếp giáp với nhà dân, bên phải và phía trước tiếp giáp với đường đi. Khuôn viên từ đường được bao bọc bởi hàng rào vững chắc.
Cổng vào từ đường được làm theo kiểu tam quan, tương đối thấp, hài hòa với kiến trúc chung của từ đường. Cổng có 4 trụ xây tiết diện vuông, quét vôi màu vàng. Cách cổng khoảng 5m là một lư hương lớn hình vuông có ghi niên đại trùng tu từ đường năm 1959. Vào trong khoảng hơn 6m là đến từ đường. Từ đường làm theo kiểu 3 gian, 2 chái. Phần hiên kiểu kiến trúc Pháp, mái bằng, chính giữa mái có đắp nổi chữ Trần Đắc tộc theo dạng hình tròn. Đỡ mái hiên bằng cột hình tròn và hình vuông. Ngăn cách hiên với nội thất là hệ cửa đi bố trí ở ba gian giữa, mỗi bộ có 3 cánh. Phía trên cửa gắn các khuôn bông hình bông hoa, hình học.
Mái khu vực nội thất lợp ngói âm dương, trang trí đề tài Lưỡng long Chầu nguyệt ở bờ nóc. Đầu hồi đắp nổi hình con dơi. Đỡ mái ngói âm dương là hệ khung chịu lực bằng gỗ được đặt trên các viên đá táng có phần bên dưới hình vuông, phần bên trên hình tròn.
Trong nhà thờ bày trí bốn bức hoành và 1 cặp câu đối Hán tự. Câu đối Hán tự có nghĩa là: Con cháu nối đời thờ cúng, Đường môn rực rỡ ánh huy hoàng. Dưới đòn đông có xà cò gỗ khắc chữ Hán sơn màu đỏ trên nền màu xanh lục, có nghĩa là: Thời vua Thành Thái, giờ Kỷ Tỵ ngày Giáp Tuất 24/10 năm Quý Mão (1903) khắc ghi việc tộc Trần Đắc tạo lập từ đường.
Sát tường sau và tường Đông, Tây bố trí 7 án thờ. Khám tại các án thờ được trang trí tương đối cầu kỳ với trán khám kiểu cuốn thư trang trí đề tài Lưỡng Long triều dương, hai bên là những linh vật trong bộ tứ linh, bên dưới có trang trí rồng dây. Trụ khám cẩn hình rồng và lân.
Ngoài ra, ở tường Đông và Tây nội thất nhà thờ có 4 bức tranh vẽ màu rất sinh động.
Có thể nói, đây là một trong những nhà thờ tộc có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa hiện còn ở phường Cẩm Nam nói riêng, thành phố Hội An nói chung. Mặc dù có sự đan xen giữa kiến trúc trúc truyền thống Việt với kiểu thức kiến trúc mang phong cách Pháp nhưng vẫn tạo được sự hài hòa. Sự kết hợp này là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về sự giao thoa kiến trúc Việt - Pháp những năm đầu thế kỷ XX và có ảnh hưởng đến sau này. Di tích còn cung cấp những thông tin lịch sử quý cho thấy vị thế quan trọng của mảnh đất Cẩm Nam đối với quá trình hình thành cộng đồng làng xã ở Hội An trước đây.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền