Nghề mộc Kim Bồng
- Thứ hai - 13/07/2015 03:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Làng Kim Bồng ngày xưa là châu Kim Bồng, thuộc tổng Mỹ Khê, huyện Duy Xuyên, nay phần lớn đất thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là một làng được hình thành khá sớm ở đô thị thương cảng Hội An dưới thời chúa Nguyễn.
Theo truyền khẩu dân gian của con cháu các tộc họ Nguyễn, Phan, Huỳnh, Trương ở xã Cẩm Kim thì vị thuỷ tổ nghề mộc làng Kim Bồng là người gốc ở Thanh Hoá đã di dân lập nghiệp tại đây vào thế kỷ XVI. Nhận thấy vùng đất Kim Bồng có ba mặt giáp sông, nằm bên bờ con sông lớn Thu Bồn, sát bên cạnh đô thị thương cảng quốc tế Hội An, rất thuận tiện cho sự phát triển nghề mộc xây dựng cũng như nghề mộc gia dụng nên tiền hiền của làng Kim Bồng đã chọn nơi đây làm nơi định cư lâu dài để xây dựng làng nghề mộc truyền thống. Cùng với sự hưng thịnh của cảng thị Hội An, các nghề thủ công truyền thống cùng phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt đô thị thương cảng, trong đó có nghề mộc Kim Bồng. Từ đây, nghề mộc Kim Bồng đã có cơ may phát triển phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, tôn giáo - tín ngưỡng, làm đồ mộc dân dụng và đóng thuyền. Trải qua quá trình phát triển, nghề mộc Kim Bồng phân thành bốn nhánh chính gồm mộc xây dựng, mộc gia dụng, mộc mỹ nghệ và mộc đóng ghe thuyền. Trong đó, Trung Châu, Phước Thắng chuyên sản xuất đồ mộc mỹ nghệ và xây dựng; Đông Hà thiên về nghề mộc đóng ghe thuyền; Trung Hà, Vĩnh Thành là nơi phát triển của nghề mộc sản xuất đồ gia dụng.
Bãi đóng ghe thuyền
Tổ chức sản xuất của nghề mộc Kim Bồng thường tiến hành theo hai phương thức gồm những thợ mộc hành nghề riêng lẻ và thành lập trại/cơ sở sản xuất. Những thợ mộc hành nghề riêng rẽ thường chỉ làm những mặt hàng đơn giản, sửa chữa nhỏ. Trong khi đó các trại/cơ sở sản xuất thường lớn hơn, có quy mô từ 2- 5 người, hoặc các cở sở sản xuất từ 30 đến 50 người. Lực lượng lao động gồm những người trong gia đình, hoặc thuê thêm thợ trong làng. Trong việc tổ chức sản xuất trước đây cũng như hiện nay, vẫn có sự phân công và hợp tác giữa nhóm thợ làm các ngành nghề khác nhau như thợ mộc gia dụng vẫn đặt hàng các chi tiết chạm trổ trên bàn ghế, giường, tủ cho thợ mộc mỹ nghệ làm. Thợ mộc mỹ nghệ cũng tham gia chạm trổ, trang trí những cấu kiện trong các công trình nhà cửa, đình, chùa, nhà thờ tộc do các đơn vị xây dựng có gốc gác từ Kim Bồng thực hiện. Hay một số chủ trại ghe còn làm thêm việc cưa xẻ gỗ để vừa bảo đảm nguyên liệu cho mình, đồng thời cung cấp cho các cơ sở mộc trong làng. [3: 98-99].
Nghề mộc là nghề nặng nhọc, nên hầu như chỉ có đàn ông là công việc này. Hiện nay, ở một vài cơ sở cũng có thợ nữ, chủ yếu đảm nhận công việc hoàn thiện, đánh bóng sản phẩm. Để trở thành người thợ mộc Kim Bồng lành nghề thường phải mất thời gian học việc từ 3 - 5 năm. Còn để trở thành một nghệ nhân, ngoài năng khiếu thiên bẩm, cần phải có quá trình rèn giũa tay nghề từ 15 đến 20 năm [2: 28].
Cùng với việc tổ chức, phân công lao động giữa các nhóm nghề, nghề mộc có quy trình thực hành trải qua nhiều khâu và công đoạn, trong đó mỗi nhóm nghề mộc (gồm mộc gia dụng, mộc mỹ nghệ, mộc đóng ghe thuyền, mộc xây dựng) kể từ khi bắt tay vào thực hành đến khi sản phẩm hoàn thành là một quá trình đục, chạm trổ công phu, tỉ mỉ. Trải qua quá trình lao động sáng tạo, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tạo ra những sản phẩm mộc đa dạng và phong phú phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và du khách như tượng, tranh, giường, tủ,… và các loại tàu thuyền đánh cá.
Khách tham quan cở sở mộc Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng
Bên cạnh lao động sáng tạo ra những sản phẩm vật chất có giá trị thẩm mỹ cao, các kíp thợ mộc Kim Bồng còn tạo dựng nơi thờ cúng các bậc tiền hiền khai khẩn và các vị tổ sư của ngành nghề mình đang làm ăn như đình tiền hiền Kim Bồng, các nhà thờ tộc, lăng Ông v.v...
Có thể thấy, nghề mộc Kim Bồng hình thành và phát triển khá sớm trong lịch sử, không chỉ ở Hội An mà cả xứ Đàng Trong. Nghề mộc Kim Bồng đã đóng vai trò chính trong xây dựng kiến trúc nhà phố, nhà thờ tộc, đình, chùa, miếu ở Hội An và nhiều làng quê khác ở Quảng Nam. Nhiều thợ mộc Kim Bồng tham gia xây dựng kinh thành, lăng tẩm ở Huế. Đặc biệt, nghề mộc Kim Bồng hình thành và phát triển là một trong các cơ sở quan trọng xác định lịch sử hình thành làng xã ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.
Có thể thấy, nghề mộc Kim Bồng hình thành và phát triển khá sớm trong lịch sử, không chỉ ở Hội An mà cả xứ Đàng Trong. Nghề mộc Kim Bồng đã đóng vai trò chính trong xây dựng kiến trúc nhà phố, nhà thờ tộc, đình, chùa, miếu ở Hội An và nhiều làng quê khác ở Quảng Nam. Nhiều thợ mộc Kim Bồng tham gia xây dựng kinh thành, lăng tẩm ở Huế. Đặc biệt, nghề mộc Kim Bồng hình thành và phát triển là một trong các cơ sở quan trọng xác định lịch sử hình thành làng xã ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng
Hiện nay, làng mộc Kim Bồng có khoảng 27 hộ sản xuất lớn nhỏ với tổng số hơn 134 người, trong đó có hai người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nhiều thợ cao tuổi có kinh nghiệm và thợ trẻ có tay nghề cao. Trong những năm qua, nghề mộc Kim Bồng phục hồi và phát triển đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương. Đồng thời góp phần đáng kể để phục vụ hoạt động du lịch của Thành Phố.
Trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay, nghề mộc Kim Bồng đang có điều kiện thuận lợi để phát triển, khẳng định vị thế của mình, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa địa phương và quốc gia. Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, UBND thành phố Hội An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đang xây dựng hồ sơ nghề mộc Kim Bồng trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hy vọng một ngày không xa, mộc Kim Bồng sẽ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên ở Hội An.
* Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn An (2005), Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An.
2. Phan Văn Hiển (2012), Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề Kim Bồng tỉnh Quảng Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
3. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (2008), Nghề truyền thống Hội An, Hội An.
4. Trương Hoàng Vinh (2004), Báo cáo khảo sát nghề mộc Kim Bồng, Trung tâm QLBT Di tích Hội An.
5. Kết quả tham vấn cộng đồng nghề mộc tại xã Cẩm Kim năm 2013.
Trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay, nghề mộc Kim Bồng đang có điều kiện thuận lợi để phát triển, khẳng định vị thế của mình, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa địa phương và quốc gia. Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, UBND thành phố Hội An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đang xây dựng hồ sơ nghề mộc Kim Bồng trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hy vọng một ngày không xa, mộc Kim Bồng sẽ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên ở Hội An.
* Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn An (2005), Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An.
2. Phan Văn Hiển (2012), Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề Kim Bồng tỉnh Quảng Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
3. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (2008), Nghề truyền thống Hội An, Hội An.
4. Trương Hoàng Vinh (2004), Báo cáo khảo sát nghề mộc Kim Bồng, Trung tâm QLBT Di tích Hội An.
5. Kết quả tham vấn cộng đồng nghề mộc tại xã Cẩm Kim năm 2013.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền